Bắt đầu chơi thủy sinh

bắt đầu chơi thủy sinh

Những kiến thức chung cho người mới bắt đầu chơi thủy sinh

1. Chọn bể

Với những người mới chơi thì chỉ nên chọn loại bể trung bình, một số kích thước sau bạn có thể chọn (dài x rộng x cao):

  • 80 x 40 x 50 (cm)
  • 60 x 40 x 50 (cm)
Bắt đầu chơi thủy sinh

Đây là các loại bể nuôi cá thông thường có bán rất nhiều trên thị trường

Bạn nên đặt bể chứ không nên mua sẵn vì lý do sau:

  • Bể nuôi cá thường có cái kiềng rất to làm nơi để cái máy bơm Oxy không thích hợp cho bể thuỷ sinh vì nó sẽ cản ánh sáng đèn xuống bể. Bạn yêu cầu họ làm kiềng nhỏ khoảng 3-4 cm là ổn rồi. Kính đáy nên làm kính 8 hoặc 10 ly cho an toàn, vì trong bể thuỷ sinh sẽ có một khối lượng tương đối nặng cát – sỏi – đá…
  • Khoảng cách từ mặt nước lên đến mép thành bể tối đa là 10 cm do vậy bảo họ làm viền thuỷ nhỏ thôi (khoảng 5cm là được) để mình còn gác đèn lên trên đó.

Chân bể: tuỳ theo điều kiện kinh tế mà bạn chọn loại chân bể hợp với mình nhưng cũng nên đặt vì chân bể bán sẵn khá yếu, không an toàn, bạn canh chừng sao cho chiều cao của chân bể sao cho chiều cao tính từ mặt đất đến mép trên của bể khoảng 1m0 đến 1m2 là tối đa, nếu bể cao quá sẽ rất khó chăm sóc và trồng cây.

2. Chọn đèn

Với kích thước bể như trên thì bạn nên sắm từ 2 – 3 bộ đèn 6 tấc, thường thì dùng loại đèn có máng Benxiang và bóng Jebo (giá 1 bộ khoảng 150.000 đồng). Việc tăng giảm đèn tuỳ thuộc loại cây bạn trồng có đòi hỏi ánh sáng nhiều hay ít.

3. Chọn lọc

Có rất nhiều loại lọc mà bạn có thể dùng cho bể thuỷ sinh như:

  • Lọc thác: với bể này thì bạn mua loại có công suất lớn một chút nhưng loại này hiệu quả lọc hơi kém, nó thích hợp cho bể nhỏ.
  • Lọc tràn: loại này kinh tế, lọc cũng khá tốt nhưng nhược điểm là chiếm mất 1 phần diện tích của bể (khoảng 25cm) và nhìn không được thẩm mỹ cho lắm. (giá khoảng 60.000 đến 80.000 cho bể có kích thước nêu trên)
  • Lọc ngoài: loại này lọc khá tốt và hiệu quả, không chiếm diện tích trong bể nhưng giá thành lại cao (khoảng 550.000 đến 700.000 / 1 bộ)

Bạn nên tham khảo trước khi quyết định mua lọc nào (mình đang dùng lọc tràn)

4. Chọn cách làm nền

Có rất nhiều cách làm nền cho bể thuỷ sinh nhưng mình xin nêu cho bạn 2 giải pháp sau:

  • Cách 1: Tự trộn phân nền (cách này rất kinh tế)
  • Cách 2: Sử dụng phân nền có sẵn

5. Sắp xếp bố cục và đổ nước vào bể

  • Bạn tiến hành sắp xếp đá hoặc gỗ vào bể theo cách của mình dự định làm
  • Sau khi ổn định vị trí của đá, gỗ thì tiến hành đổ nước vào bể, lưu ý không được đổ nước ào ào vào bể (giống như thay nước cho bể cá), nếu làm như vậy thì phân nền sẽ bị xì làm cho nước rất bẩn và khó trong.

Cách đổ nước vào hồ thủy sinh: Lấy 1 tấm kính lót xuống mặt nền bể rồi đổ nước thật nhẹ lên đó hoặc bạn cho vòi chảy rất nhẹ lên đá và gỗ.

Cách làm cho nước mau trong: bạn nên cho nước vào ra bể từ 3 đến 4 lần đến khi nhìn thấy nước trong, còn ít bụi lơ lửng trong bể nếu chịu khó cẩn thận khâu này thì nước trong bể của bạn sau khi setup sẽ rất mau trong.

Gợi ý: để làm cho hệ vi sinh trong bể mau phát triển thì bạn có thể lấy 1 ít nước cũ của bể cá hoặc bông lọc để đưa sang bể mới, tạo điều kiện “mồi” cho hệ vi sinh phát triển nhưng cũng nên lưu ý không lấy nước từ những bể thuỷ sinh có bị rêu nhé, nếu lấy nước đó thì bể của bạn cũng sẽ bị nhiễm rêu.

6. Chọn lựa loại cây và trồng vào bể

  • Tuỳ theo sở thích mà bạn chọn các loại cây mà mình muốn trồng, nên tham khảo bạn bè và nhờ tư vấn của các bạn đã chơi thuỷ sinh lâu để chọn được loại cây thích hợp và dễ trồng.
  • Mình gợi ý một số loại cây tương đối dễ trồng mà mình biết được nhé:
    1. Anubias: loại bày chia bụi rồi buộc lên gỗ, đá: loại này không cần ánh sáng mạnh, rất dễ trồng
    2. Rêu cá đẻ: cũng tương tự Anubias
    3. Một số loại cây cắt cắm và dễ trồng như: Thuỷ Cúc, Hồng Liễu, Sunset, Thanh liễu,…
    4. Một số cây bụi: Hoàng Quan Thảo, Súng tiger, Súng nhật, hẹ nước,…

Khi trồng, bạn nên cắt ngắn bớt cây hoặc cắt bớt rễ cũ trước khi trồng. Bạn dùng cây nhíp y tế (loại dài), giá khoảng 30.000/cây để cắm cây vào các vị trí thích hợp theo bố cục định sẵn.

Đối với các loại cây buộc vào gỗ đá thì bạn dùng cước câu cá loại mảnh nhất hoặc chỉ đen để buộc. Nhớ buộc vữa đủ chặt và không làm đứt thân, rễ của cây.

7. CO2

Tùy điều kiện của bạn mà dùng CO2 kiểu nào, nhưng theo mình thì nên đầu tư mua 1 bộ bình CO2 loại 2kg, có sẵn van (giá 300.000 đồng/bộ) dùng cho tiện và hiệu quả (mua ở Lãnh Binh Thăng hoặc Cao Quý).

8. Theo dõi – Chăm sóc – Thay nước

  • Theo dõi sự phát triển của cây hàng ngày
  • Thay nước 3 ngày/ lần, mỗi lần 1/3 đến 1/2 bể trong 1 tháng đầu để tránh rêu
  • Bật 2 đèn, mỗi ngày bật 8 tiếng theo kiểu: 4 bật – 4 tắt – 4 bật cũng vì mục đích tránh rêu
  • Không nên thả cá trong vòng 2 tuần đầu vì lúc này môi trường bể chưa thật sự ổn định, tốt nhất nên thả cá sau 1 tháng.

9. Một số địa chỉ có thể mua phụ tùng và vật liệu setup bể

  • Cửa hàng APT: nhà số 9 đường số 4, cư xá Bình Thới, Q11 (bên hông siêu thị Vinatex trên đường Lãnh Binh Thăng): bán Aquabase, sỏi vàng, Nham thạch, lũa, đá, cây
  • Cửa hàng Cao Quý: 808 Trần Hưng Đạo – Quận 5: bán lọc, đèn, ADA, cây, cá
  • Khu đường Lưu Xuân Tín – Quận 5 hoặc Nguyễn Thông – Quận 3 (2 khu này chủ yếu bán các loại cá)

Những hiểu biết mối về quang phổ cho cây thủy sinh

Trên căn bản, cây thủy sinh và rêu đều phát triển được dưới tất cả các quang phổ ánh sáng. Tổng kết kinh nghiệm của những trại nuôi trồng thủy sinh lớn có uy tín trong những năm gần đây cho thấy, có những vấn đề nho nhỏ, và cũng rất đáng chú ý.

Những điều thú vị về quá trình tiến hóa của thủy sinh.

Rêu là thực thể sống có mặt lâu đời nhất trên trái đất.Loại màu xanh da trời đã hiện diện từ 3.500.000.000 năm trước. Loại màu xanh lá cây- và đỏ xuất hiện tiếp theo, và rất, rất lâu sau mới có cây cỏ, cũng như các loại rong trong bể thủy sinh của chúng ta hiện nay.

Phần lớn các loại rêu đều sống trong nước cho đến bây giờ. Ngược lại hầu như toàn bộ rong đều là hậu duệ của các loại cây, trong quá trình tiến hóa đã rời bỏ môi trường nước. Mọc hàng triệu năm như những cây tầng thấp trong đầm lầy, dưới bóng những khu rừng rậm rạp. Người ta còn gọi là loại cây yếm sáng.

Như tất cả các cây tầng thấp,chúng phải thích nghi với ánh sáng còn rơi rớt lại từ những tán lá rậm rạp trên cao, với rất ít màu xanh dương-, nhiều màu đỏ- và gần như không còn phần UV (ultraviolet – tia cực tím).

mối về quang phổ cho cây thủy sinh


Rất lâu sau, những loại cây này mới trở về với nước.

Phần nhiều những loại rêu về sau di cư qua môi trường nước ngọt, ví dụ như rêu bút lông, rêu sợi, những loại đặc biệt khó chịu – thường thấy ở những khu vực nước nông, dòng chảy nhanh, ánh sáng mạnh, nước trong.

Tất nhiên người ta cũng thấy trong thiên nhiên những quần thể thủy sinh lớn mọc tại những vùng nước lặng hoặc có dòng chảy chậm dưới ánh sáng chói chang của mặt trời. Nhưng những vùng nước này không còn là màu trắng, mà bị nhuộm màu bởi lá cây, lau sậy khô rơi vào nước..v.v, cản lại rất nhiều phần xanh dương-và phần UV (những thí nghiệm mới cho thấy ở những vùng nước ngọt hoặc nước biển trong, quang phổ UV có thể xuống rất sâu, nhưng chỉ cần nước bị nhuốm một ít màu vàng,ngay ở độ sâu 70 cm UV đã bị cản lại 100 lần nhiều hơn những quang phổ từ vàng đến đỏ.)

Hiệu ứng lọc này càng lớn hơn khi nước càng sậm màu, người ta đo thấy hầu như không còn UV xuyên được vào nước ở những khu vực như vậy.

Ứng dụng nhuộm màu nước đã được dùng để kiểm tra/hạn chế sự phát triển của rêu tại những hồ, ao nước ngoài trời.

Ánh sáng trong những trại, vườn cây.

Tại đây (những vườn trồng cây trên cạn, cây thủy sinh trong nhà) người ta đã đi đến kết quả cao nhất với ánh sáng ngả qua màu vàng – đỏ của đèn chiết áp Natrium. Mặc dù vậy, loại đèn này vẫn không thích hợp được với bể thủy sinh của chúng ta, trừ trường hợp ai chấp nhận được một bể cá với màu vàng đỏ chói rực.

Những điều này chỉ ra: rong trong bể cá tại gia cũng như tại các trại nuôi trồng lớn ưa thích ánh sáng với độ xanh(dương) thật ít đến trung bình, trung bình của phần quang phổ xanh(lá cây), nhiều hơn rõ rệt trong phần đỏ. Một khẳng định đang được nhiều nhà chuyên môn xác nhận.

Ánh sáng hồ thủy sinh

Ánh sáng là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của cây thủy sinh. Vì tất cả caùc lọai thực vật đều cần ánh sáng cho quá trình quang hợp (Photosynthesis), kết hợp với carbon dioxide tạo thành Glucose (một loại đường đơn có chứa sáu nguyên tử carbon) và oxygen, làm thức ăn cung cấp cho quá trình hô hấp. Trong tự nhiên, ánh sáng mặt trời bao gồm tất cả các lọai ánh sáng có thể nhìn thấy bằng mắt với các mức độ phổ quang (Full spectrum).

Ánh sáng hồ thủy sinh

Phần lớn cây thủy sinh trong tự nhiên phát triển tốt dưới nước, với độ sâu không quá 30cm. Ánh sáng mặt trời rất mạnh, nhưng trước khi chiếu xuống nước thì ánh sáng mặt trời phải đi qua tầng khí quyển, các đám mây, các cành cây lớn và nước… đã hạn chế sức mạnh của ánh sáng mặt trời. Nhưng dù sao thì ánh sáng này vẫn mạnh hơn rất nhiều so với ánh sáng trong hồ cây thủy sinh. Ngoài ra cường độ của ánh sáng mặt trời của mỗi ngày lai rất khác nhau. Khoảng thời gian trong ngày mà ánh sáng mạnh nhất là vào khỏang từ buổi trưa đến chiều. Về khía cạnh cường độ ánh sáng và độ ổn định của cường độ ánh sáng có sự khác biệt nhau giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng trong hồ cây thủy sinh, làm cho lọai cây thủy sinh phải thay đổi để thích ứng với điều kiện ánh sáng mới. Chúng ta có thể thấy được rằng các lọai cây thủy sinh phát triển trong tự nhiên và phát triển trong hồ cây thủy sinh, không ít hay nhiều thì chúng cũng có sự khác nhau.
Còn Light Spectrum phù hợp với sự quang hợp của lọai cây thủy sinh, quan sát sẽ thấy từ màu lá cây thông thường sẽ trở thành màu xanh lá nghĩa là thực vật hút ánh sáng trong light spectrum như dải màu đỏ và màu xanh, và phản chiếu lại là màu xanh lá, hay có thể nói rằng phần lớn thực vật sẽ lấy ánh sáng màu xanh dương (400 – 450 nanomet) và màu đỏ (600 – 700 nanomet) trong quá trình quang hợp. Do đó, lọai đèn neon thích hợp cho việc quang hợp của lọai cây thủy sinh nên có ánh sáng lọai này trong spectrum. Trong sản xuất đèn neon dành cho việc nuôi trồng cây thủy sinh thì có Sylvania-Glo-Lux hay Osram L-Fluora. Nhưng màu của ánh sáng phát ra từ lọai đèn này không được sáng lắm vì thiếu ánh sáng của dải màu xanh lá – vốn là dải màu mà mắt ngườì nhảy cảm nhất. Lọai đèn này chỉ được sử dụng trong hồ thủy sinh, nên màu không cần tự nhiên. Nếu cần nhiều độ sáng và tự nhiên hơn thì phải sử dụng lọai đèn mà thành phần gồm dải màu xanh lá.

Triệu chứng thừa/thiếu chất dinh dưỡng trên cây thủy sinh

Triệu chứng bắt đầu trên lá non

Vàng lá:

  • Lá non bị vàng, không còn xanh mà ngả ra màu vàng chanh hoặc trắng. Thân cây không mọc lên nữa và cũng ngả ra màu vàng -> Thiếu chất sắt.

Cháy lá:

  • Gân lá xanh nhưng thân lá bị vàng hoặc xanh nhạt. Có những đốm đen. Nguyên cả lá ngả sang màu vàng (trừ gân lá xanh nhưng có những chấm trắng) -> Thiếu chất manganèse.

Triệu chứng bắt đầu trên lá già

Màu khác thường, mọc không đều:

  • Thân cây mọc khoẻ, cứng cáp và dầy, lá xanh đậm và cuộn lại, đốt ngắn và cuống lá ngắn -> Nhiều chất azote.
  • Giữa gân lá bị màu xanh nhạt hoặc vàng. gân lá màu đỏ nâu, nhiều vết tím trên thân cây và gân lá mé dưới lá -> Nhiều chất manganèse.
  • Vết nâu ở các lá mọc ở phần dưới cây rồi lan từ từ lên phía trên, đốt ngắn, lá nhỏ. Cây phát triển chậm.Nguyên cả lá ngả sang màu vàng (trừ gân lá) -> Thiếu chất zinc.
  • Lá xanh nhạt, nhất là ở giữa gân lá, nhiều lúc lá vàng rồi rụng. Nhiều lúc lá có màu xanh sọc vàng. Tuy nhiên cây vẫn phát triển tốt -> Thiếu chất molybdène.
Triệu chứng thừa/thiếu chất

Vàng lá:

  • Cây ngưng phát triển, lá nhỏ và chuyển vàng (nhưng ở giữa lá vẫn xanh -> Thiếu chất potassium.
  • Lá già có màu xanh sọc vàng và đốm nâu. Viền lá vẫn xanh -> Thiếu chất magnésium.

Cháy lá:

  • Cây ngưng phát triển, lá cuộn lại và héo, ngả màu vàng và nâu, cây héo-> Quá nhiều chất azote.
  • Lá xanh đậm nhưng có đốm cháy -> Nhiều chất magnésium.

Cả nguyên cây

Màu khác thường, mọc không đều:

  • Lá nhỏ và mỏng, màu xanh nhạt, lá già bị vàng. Cây ngưng phát triển -> Thiếu chất azote.
  • Gân lá đen, Lúc bệnh nặng, lá non ngả màu vàng -> Nhiều chất zinc.

Cả nguyên cây nhưng triệu chứng khác nhau giữa lá già và lá non

Màu khác thường, mọc không đều:

  • Cây phát triển chậm, lúc sau sẽ thấy lá nhỏ, cứng màu xanh xám. Trên những lá già có những đốm mọng nước, chuyển màu và héo -> Thiếu chất Phosphore.
  • Lá non bị đốm trắng trong phía gần viền lá và giữa gân lá Cây ngưng phát triển. Lá nhỏ và viền cong về phía trên. Khi bệnh nặng, lá rụng dễ dàng. Rễ cây ngắn và nâu -> Thiếu chất Calcium.

Màu khác thường, mọc không đều, vàng lá:

  • Cây phát triển chậm, đốt ngắn và lá nhỏ. Lá vàng (xanh nhạt hoặc vàng đậm)dần từ gốc đến đỉnh cây. Lá nhỏ và viền cong về phía dưới, cây héo dần -> Thiếu chất Đồng.
  • Lá phía giữa và gốc cây vàng ít và dễ rụng. Cành cây và lá mọc không đều, viền cuốn về phía trên. Rễ đen và đầu rễ lớn -> Thiếu chất Bore.

Màu khác thường, mọc không đều, héo lá:

  • Viền lá già màu vàng xanh, cuộn lại phía dưới. Lá tròn hơn bình thường. Lá phía đỉnh cây nhỏ -> Nhiều chất Bore.

Nhiều thứ này sẽ dẫn đến thiếu thứ khác

  • Nhiều moniac / amonium = Thiếu potassium, Thiếu sắt
  • Nhiều potassium = Thiếu calcium, magnésium hay sắt
  • Nhiều soufre = Thiếu molybdène
  • Nhiều sắt = Thiếu manganèse

Phòng tránh rêu hại

1. Cho cá, tép… ăn thật ít

Có lẽ thú vui cho những người chơi thủy sinh nói chung và những người chơi thủy sinh có nuôi cá, tép.. trong bể nói riêng, đó là lúc cho cá ăn, bạn cảm thấy vui, thư giãn khi nhìn những con cá, tép đáng yêu ăn mồi. Tuy nhiên nếu như lượng thức ăn bạn cho đàn cá, tép… yêu kia nhiều hơn nhu cầu của chúng thì phần dư thừa kia chính là một nguyên nhân gây ra rêu hại, thức ăn dư thừa và chất thải của cá, tép… sẽ sản sinh ra dinh dưỡng và phosphate cao mà rêu hại thì lại cần nguồn này để sống và phát triển. Để có một môi trường trong lành thì những người chơi lâu năm khuyến cáo rằng: chỉ nên cho cá, tép của các bạn ăn mỗi ngày 1 lần với số lượng hạn chế tối đa, nhiều người chỉ cho ăn 2-3 ngày 1 lần mà thôi.

Phòng tránh rêu hại


2. Kiểm soát ánh sáng

Không nên bật đèn theo sở thích: thức dậy mở, đi ngủ tắt… Mà nên dùng bộ hẹn giờ và thiết lập một chế độ thời gian mô phỏng mẹ thiên nhiên, thời gian chiếu sáng cho bể cây cắt cắm thông thường khoảng 10-14h/ngày và những bể ít nhu cầu hơn cũng khoảng 6-10h/ngày. Phải thay bóng mới ít nhất 1 năm 1 lần, ngay cả khi bạn còn thấy chúng rất sáng vì là ánh sáng dùng cho bể thủy sinh nên quang phổ trong bóng sẽ yếu dần theo thời gian.

3. Thường xuyên thay nước

Ngoài thiên nhiên, nước mưa giúp luân chuyển và pha loãng hàm lượng Nitrate trước khi chúng vượt quá mức cho phép. Trong môi trường khép kín là hồ thủy sinh thì viêc thay nước sẽ là cách giúp giảm lượng dinh dưỡng dư thừa do lá cây mục, thức ăn sót lại và chất thải của thuỷ vật nuôi. Lượng nước nên thay là 10% hàng tuần xong khoảng 30% cho 1 tháng lá đủ trong điều kiện bình thường. Ngoài ra trong khi thay nước nên kết hợp dùng dụng cụ hút cặn bẩn, lá mục lẫn trong sỏi.

4. Kiểm tra nguồn nước của bạn

Trước khi thay nước, điều đầu tiên là kiểm tra nguồn nước mà bạn dùng để thay, phải đảm bảo chúng không là nguyên nhân gây ra rêu hại vì rất có thể nước mới mà bạn định thay với mục đích là chiến đấu với rêu hại lại chứa đựng hàm lượng phosphate cao và những chất là nguyên nhân gây ra rêu hại, lúc đó việc thay nước thường xuyên của bạn trở thành vô ích. Nên dùng nước đã qua hệ thống lọc tốt.

5. Bảo dưỡng hệ thống lọc

Đảm bảo rằng hệ thống lọc của bạn là phương tiện triệt tiêu sạch mọi nguồn dinh dưỡng của rêu hại. Việc chọn đúng loại nguyên liệu lọc sẽ có khác biệt rất lớn vì chúng giúp loại bỏ phosphate, kim loại nặng và những tạp chất, giúp giữ lại carbon chất giúp cho nước của bạn trong hơn và phân hủy những chất hữu cơ. Sau cùng là nên thay nguyên liệu trong lọc hàng tháng để chúng làm nhiệm vụ hiệu quả hơn.

6. Chọn một loại dụng cụ tiện lợi

Để cạo rêu bám kính thì bạn cần 1 loại dụng cụ phù hợp, có thể là chuyên dùng, hay tự làm (DIY), miễn sao bạn có thể tẩy sạch những loại rêu bám trên thành kính.

7. Tăng lượng cây trồng

Cây nhiều sẽ là đối thủ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng, ánh sáng và làm giảm hẳn khả năng sinh tồn của rêu hại.

8. Dùng những loại cá tép ăn rêu hại

Nên có sẵn một số loại thủy vật ăn rêu hại, bỏ đói chúng, khi bạn cần tới thì hãy bỏ chúng vào hồ và đừng cho chúng ăn, kết hợp nhiều loại: ăn trên lá, dưới nền … Chúng sẽ là những công nhân vệ sinh rất hữu dụng và hiệu quả.

9. Nhận biết kẻ thù

Việc nhận biết đúng loại rêu hại trong hồ sẽ giúp bạn loại trừ hiệu quả hơn, bởi mỗi loại rêu hại cũng có những điểm riêng để diệt. VD rêu nâu bám thành kính nguyên nhân có thể là dư dinh dưỡng, ánh sáng yếu… ta sẽ thay nước, tăng sáng, trồng thêm cây… hay dùng những loại cá bám kính để lau. Hoặc rêu tóc thì hầu như ít loại cá đụng đến, ta phải dùng cách thay nước, giảm đèn …

10. Khi nào thì không cần diệt tiếp

Một lúc nào đó bạn hãy ngồi lại, ngắm nhìn hồ mình, ồh vần có ít rêu bám trên lũa, còn ít trong hốc đá, trên nền… hãy yên tâm và đừng lo lắng, bản thân rêu hại không xấu lắm, nó còn giúp tạo oxi, cân bằng dinh dưỡng. Nếu bạn thấy nó không phủ kín lá rong rêu, không bám nhiều làm mất đẹp lũa, đá hay nền sỏi… thì hãy bằng lòng với nó, chín hnó tại nên nêt tự nhiên cho hồ của bạn, Không ai có thể thật sự loại bỏ 100% rêu hại. Hãy tìm thấy nét đẹp tự nhiên khi có rêu hại trong hồ.

Một điều tối quan trọng

Khi vừa mới set-up hồ (nền mới, lọc mới) thì môi trường hồ chưa ổn định, hệ vi sinh có lợi chưa phát triển kịp nên khả năng bị rêu hại tấn công rất cao.

Nước trong hồ thủy sinh

nuoc trong ho thuy sinh

Những tính chất của nước phù hợp với hồ cây thủy sinh, việc nuôi trồng cây thủy sinh cũng giống như việc nuôi cá nói chung là phải luôn điều chỉnh môi trường nước cho phù hợp. Để điều chỉnh tính chất của môi trường nước cho phù hợp, trước tiên ta rất cần phải hiểu biết ý nghĩa của các thông số và từ chuyên môn mà cho biết chất lượng của môi trường nước. 

Nước trong hồ thủy sinh

Tính chất tự nhiên của nước

Là đặc điểm có thể nhận thấy được bằng mắt thường, hoặc có thể cảm nhận được khi tiếp xúc với nước hoặc có thể dùng dụng cụ đo để kiểm tra như độ trong, mầu sắc, hay nhiệt độ của nước.

Độ trong của nước

Là đặc điểm mà ta có thể dễ dàng quan sát thấy bằng mắt thường. Môi trường nước có chất lượng tốt đảm bảo cho hồ cây thủy sinh sẽ có độ trong cao ở cấp độ crystal clear. Độ trong của nước ở mức độ này vẫn sẽ được duy trì khi hệ thống lọc theo kiểu sinh học đi vào ổn định, vi sinh phát triển vào hệ thống lọc và trong đất nền. Trong các hồ mới set up nếu không bổ sung vi sinh thì có thể phải mất 6-8 tuần hệ thống vi sinh mới có thể làm việc tốt được.

Màu sắc của nước

Điều này sẽ phản ánh cho thấy có chất nào đang hòa tan trong nước hay không. Vì bình thường nếu hệ thống lọc nước họat động có hiệu quả và nước được thay thường xuyên thì không cần phải lo lắng có chất đọc từ những tạp chất hòa trộn trong nước hay không. Những mầu sắc của nước thường gặp ở đây có mầu vàng do gỗ mà ta dùng để trang trí hồ thủy sinh tạo ra, tan trong nước, mặc dù không gây tác hại trực tiếp cho thực vật thủy sinh nuôi trong hồ nhưng lại gây mất thẩm mỹ cho hồ nuôi trồng, ngoài ra còn làm cho ánh sáng phản chiếu vào nước yếu đi so với bình thường. Để hạn chế tình trạng nước bị vàng do gỗ trang trí hồ gây ra, ta có thể sử dụng than hoạt tính(Activated carbon) cho vào máy lọc nước để cải thiện mầu sắc của nước. Đây được xem là một phương pháp có hiệu quả tốt.

Nhiệt độ của nước

Cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình nuôi trồng thực vật thủy sinh. Mặc dù thực vật thủy sinh phần lớn có thể nuôi trong môi trường nước có nhiệt độ lên đến 30 độ C, nhưng theo kinh nghiệm cho thấy, ở nhiệt độ từ 26 – 28 độ C, cây thủy sinh sẽ tạo ra kiểu dáng đầy đủ và khỏe hơn và có thể nuôi trồng được đa dạng hơn các lọai thực vật thủy sinh.

Phân nền dạng viên của ADA cho hồ thủy sinh

ADA thiết kế nền có 1 phong cách riêng của nó. Lọai phân nền này cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt, ổn định độ pH trong nước, đây là đặc trưng riêng cho sản phẩn này vì nó giúp người chơi mô phỏng màu của dòng sông Amazone.

Phân nền ADA có tất cả là 4 loại aquasoil chính: 

  • Amazonia I
  • Amazonia II
  • Malaya
  • Africana

Trong 4 loại kể trên chỉ có Amazonia I là khiến nước có màu trà trong sau khi setup. Còn các loại khác thì không. Mỗi loại aquasoil dành riêng setup mô phỏng một vùng thổ nhưỡng sinh thái khác nhau. Malaya và Africana không hề làm nước có màu trà… mà trong vắt như pha lê chỉ sau 1 giờ setup!

Phân nền

Amazonia

Hạt phân có màu đen. Lọai phân nền này cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt, ổn định độ pH trong nước, nhưng đôi khi chúng ta thấy nước ngã sang màu vàng do một thành phần trong phân nền đó chính là humus acid, đây là đặc trưng riêng cho sản phẩn này vì nó giúp người chơi mô phỏng màu của dòng sông Amazone.

Malaya

Hạt phân có màu vàng nhạt giúp cho bạn có một cái nhìn tự nhiên hơn trong cảnh hồ. cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển trong thời gian dài

Africana

Hạt phân có màu nâu đỏ giúp bạn mô phỏng phong cảnh của những cánh rừng mưa nhiệt đới Châu Phi. Hạt phân cứng hơn, lượng dinh dưỡng nhả chậm hơn so với hai lọai trên, thích hợp cho các lọai cây phát triển chậm

Vì thế, trước khi làm nền, người ta vẫn thường xét đến mục đích sử dụng để chọn loại nền hợp lý, nhưng ở Việt Nam người chơi Thuỷ sinh thường sử dụng loại màu đen, có lẽ màu này làm nổi bật màu sắc cây, cá. 

Dùng phân nền dạng viên của ADA: Loại này tốt, setup bể đơn giản và bể mau ổn định nhưng giá thành cao.

a. Liều lượng :

  • Phân ADA: 10 – 12kg
  • Nham thạch: 10kg
  • Khoảng 5kg sỏi trứng dùng để độn cho đỡ tốn ADA

b. Cách làm :

  • Rửa sạch sỏi, nham thạch, tuyệt đối không rửa phân ADA
  • Rải đều nham thạch vào bể
  • Rải sỏi trứng lên trên lớp nham thạch, bạn nên độn những khu vực nào cần tạo mấp mô.
  • Rải ADA lên trên cùng và cũng không cần phải rải những chỗ dự định xếp đá, gỗ.

Hồ thủy sinh

Giới thiệu hồ thủy sinh

Hồ thủy sinh (Aquascaping) là một hình thức nghệ thuật của những người đam mê nuôi sinh vật trong hồ nước. Bộ môn này là kỹ thuật sắp xếp, bố trí các cây thủy sinh (aquatic plants) cùng với đá (rocks, stones), hang, gỗ, lũa (driftwood) một cách thẫm mỹ và khoa học trong một bể nước.

Hồ thủy sinh

Thông thường, một hồ thủy sinh bao gồm cá và cây trồng, ngoài ra chúng ta có thể có một hồ thủy sinh chỉ có cây, hoặc thậm chí chỉ có đá (rockwork) hoặc hardscape và không có cây. Mặc dù một người chơi thủy sinh chủ yếu nhắm tới tạo ra một phong cảnh nghệ thuật dưới nước, họ còn phải quan tâm đến các khía cạnh kỹ thuật của việc chăm sóc và phát triển cây thủy sinh. Lọc nước, việc cung cấp CO2 ở mức độ nhất định cho sự quang hợp dưới nước, chất nền, phân bón, ánh sáng và kiểm soát tảo là những yếu tố trong nhiều yếu tố khác cần phải được cân bằng trong một hệ thống khép kính của bể nước.

Làm giàu chất nền hồ thủy sinh

nền hồ thủy sinh

Để làm tăng sự phì nhiêu của lớp chất nền dành cho những loại cây phải bón nhiều như cây họ Swords và cây họ Crypts, hãy chuẩn bị những viên đất sét cỡ 1/2 inch cùng với 10 viên bón loại 14-14-14. Hãy rang khô cho đến khi chúng cứng lại và đặt 1 hoặc 2 viên vào trong lớp chất nền gần rễ của những cây cần nhiều phân bón. Làm lại khi cần thiết và nếu tốc độ phát triển của cây trở nên chậm (khoảng 6 tháng). Lấy khoảng 1/2 thìa cà phê đất sét làm được một viên đất sét cỡ 10 mm (1/2 inch). Mỗi viên đất sét sẽ có khoảng 70 mg ni-tơ, tương đương với 300 mg ni-trat và khoảng 70 mg a-xít phốt-pho-ric (P2O5). Ước tính mỗi thìa cà phê có 113 viên, nặng khoảng 5,7 gam.

chất nền hồ thủy sinh

Lưu ý

GH hoặc tổng độ cứng (General Hardness) là một cách đo số lượng can-xi và ma-nhê có ở trong nước tự nhiên. Một độ GH tương đương với 17,9 mg/1 lít CaCO3. Do đó nếu bạn có gần 70 mg/lít hoặc 70 phần triệu (70 ppm) lượng CaCO3 trong nước từ vòi nước của bạn, thì bạn không cần phải bổ xung thêm can-xi. Thể hiện nồng độ cô đặc của can-xi là tương đương khoảng 30 mg/1 lít can-xi. Một thìa cà phê (5 mg) cac-bon-nat can-xi nặng 4 gam. Một thìa cà phê cho 50 lít nước sẽ cho bạn nồng độ 80 mg/lít. Một số nguồn khác lại cho rằng 1 thìa cà phê CaCO3 trong mỗi 50 lít nước sẽ cho một nồng độ khoảng 40 mg/lít do có thể là mẫu mà thực tế cân thử cho thấy sẽ nặng hơn bởi vì chúng hút nước ở không khí vào. Sau thời gian này bạn nên kiểm tra lại để có thêm thông tin.

Các nguồn hoá chất

  • Tại các trung tâm làm vườn lớn đều có rất nhiều các loại hoá chất và những thứ như sắt vi lượng (micronized iron) và các nguyên tố tan chảy F-T-E (Fritted Trace Elements).
  • Các hiệu thuốc có thuốc tẩy ma-nhê và bạn có thể đặt hàng rất nhiều loại hoá chất cho mình.
  • Các cửa hàng đại lý cung cấp đồ gốm sứ đều có cung cấp rất nhiều cac-bon-nat can-xi.
  • Các cửa hàng cung cấp cây thuỷ sinh thường có nhiều loại phân hoá học.

Các chú ý khi làm giàu chất nền hồ thủy sinh

1. Việc sử dụng sắt vi lượng (micronized iron) cùng với than bùn cần phải được xem xét thực nghiệm bởi vì sắt được cô đặc lại và ở dưới dạng có sẵn cao. Kinh nghiệm cho thấy rằng sắt bùn chelated (humic chelated iron) được giải phóng ra khỏi lớp chất nền nhưng không phải ở một mức độ có thể tạo ra những trở ngại nghiêm trọng (hiện tượng rêu). Những loại cây: Cryptocorynes, Hygrophila, Polysperma, Bacopa, Rotala, Aponogeton crispus, Saggitaria, Echinodorus và Heteranthera zosterifolia không cho thấy có các dấu hiệu nhiễm độc sắt. Đề nghị các bạn nên dùng loại đất bình thường trước tiên mà không có sắt vi lượng. Nếu các bạn sử dụng sắt vi lượng (micronized iron), thì hãy dùng hết sức ít. Nên lưu ý đến những cảnh báo này đảm bảo rằng những loại rêu – tảo có nhiều sợi nhỏ không đưa được vào trong bể thuỷ sinh của bạn. 

2. Chất hữu cơ và đất phì nhiêu chỉ được dùng trong lớp chất phủ mỏng (1 inch) gần với tầng bề mặt bởi vì lớp chất phủ sâu hơn sẽ nhận được ít khí ô-xy khuếch tán hơn từ trên tầng bề mặt và sẽ trở nên quá chậm trong khả năng biến đổi (reduction potential) quá trình khử và ô-xy hoá do đó sẽ tạo ra độc tố do các hoạt động của vi khuẩn kỵ khí. Một lớp phủ dày 1 inch là đủ để tạo khả năng biến đổi nhằm đảm bảo một nguồn cung cấp lâu dài sắt hoà tan và sắt khử (reduced and soluble iron). Xin tham khảo phần kỹ thuật về các loại nguyên liệu của lớp chất nền để trao đổi thêm về khả năng khử và ô-xy hoá đó (redox potential).

3. Các lớp chất nền bằng đất và/hoặc than bùn đã được rất nhiều người sử dụng trong một thời gian dài ngay từ khi bắt đầu trồng và chơi cây thuỷ sinh nên vì thế xem như chúng đã được thử thách. Bài viết này có mục đích như là một thủ tục chi tiết của việc làm thế nào tạo dựng an toàn một bể cá có đất đai màu mỡ. Cần phải luôn nhớ rằng ở một mức độ nào đó đất sẽ thay đổi thành phần . Một kế hoạch tốt là luôn cần phải lưu giữ mọi ghi chú và cân đo khối lượng các chất mà các bạn dùng để tham khảo sau này. Những ghi chép về việc đo kiểm tra thường xuyên nồng độ a-mô-ni-ắc, ni-trat, phốt-phat và sắt cũng sẽ rất bổ ích về mặt thực nghiệm.

4. Khi nào thì đất quá màu mỡ? Các loại đất được đóng trong bao mà các bạn mua tại các trung tâm bán dụng cụ làm vườn (garden conters) thường có quá nhiều chất dinh dưỡng và chất hữu cơ. Đất tốt nhất cho lần sử dụng thử đầu tiên của bạn là loại đất quặng mà bạn đào lên được từ những chỗ đất có vị trí thoát nước tốt, nơi có cỏ mọc tốt trong nhiều năm liền. Đất đó sẽ lọc tốt các chất dinh dưỡng hoà tan. Nếu các bạn thực sự muốn có các loại cây phát triển mạnh, các bạn có thể dùng nhiều chất hỗn hợp màu mỡ hơn nhưng các bạn sẽ gặp phải vấn đề khó khăn do rêu – tảo. Khí a-mô-ni-ắc cũng sẽ được giải phóng ra từ lớp chất nền màu mỡ trong thời gian khoảng một tháng sau khi được ngập chìm trong nước. 

5. Nếu bạn cảm thấy rằng đất trong khu vực của mình không thích hợp và bạn quyết định dùng loại đất đã được đóng gói bất kể có độ màu mỡ cao, tiếp đó bạn nên trộn đất này với một khối lượng lớn cát.

6. Nếu bạn có nước cứng và không bổ sung ban đầu một lượng cac-bon-nat can-xi, hãy thường xuyên thay nước để đảm bảo có đủ can-xi. Than bùn đã thẫm đẫm can-xi. Việc thay nước thường xuyên cũng giúp ngăn ngừa tạo ra a-xít humic và sắt bùn chelate (humic chelated iron) trong nước của bạn mà chúng có thể xuất hiện trong một vài tháng đầu tiên.

7. Nếu bạn biết được rằng nước trong vòi của mình có chứa trên 10 phần triệu hàm lượng ma-nhê, các bạn có thể bỏ qua không cần thuốc tẩy ma-nhê ở trong phân bón. Cũng giống như vậy đối với ni-trat (+10 phần triệu) và ka-li (+10 phần triệu). Hàm lượng can-xi trên 50 phần triệu là đủ.

8. Một số loại đất lại cũng có chứa cac-bon-nat can-xi hoặc sun-phát can-xi cũng như ma-nhê. Đây là những loại đất đá vôi (limestone soils) và hoàn toàn có tính kiềm (alkaline). Bạn có thể kiểm tra một mẫu đất ở trong nước để biết độ pH hoặc dùng a-xít để kiểm tra. Với than bùn thì những loại đất như thế này sẽ không phải là một vấn đề khó khăn bởi vì độ a-xít humic của than bùn (humic acidity of peat) sẽ cung cấp một lượng pH ổn định và giúp hấp thụ một lượng can-xi và ma-nhê dư thừa. Những loại đất như thế này thường thiên về khả năng thiếu sắt hơn.

9. Ban đầu, trong thời gian hai tháng đầu tiên, một số loại đất sẽ giải phóng một khối lượng đáng kể các chất dinh dưỡng như ni-trat, a-mô-ni-ắc, phốt-phat và sắt
. Việc giải phóng chất dinh dưỡng cao nhất ở trong khoảng 4 tuần và sau đó giảm xuống nhanh chóng cho đến khi nó gần như ổn định sau 10 tuần. Điều này có thể gây ra một vài vấn đề khó khăn với rêu – tảo ví dụ như tảo đốm xanh xuất hiện trên lá cây. Một số trong số những vấn đề khó khăn này có thể tránh được bằng cách để đất trong một chiếc xô hoặc chậu với dung tích 5 gallon có nước trong vài tuần để giải phóng phần lớn khí ni-tơ và các chất dinh dưỡng phốt-phat. Rút hết nước trong đất ra trước khi trộn chúng với than bùn và sắt vi lượng (micronized iron). Than bùn cũng có thể được xử lý bằng phương pháp giống như vậy để giảm bớt nồng độ a-xít humic được giải phóng ra trong thời kỳ chuyển hoá. Khi trộn ướt như thế này, chắc chắn là bạn phải đổ nước đầy bể và tháo nước ra ngay trước khi cho nước mới vào và trồng cây bởi vì than bùn và đất ướt có chứa những chất dinh dưỡng mà có thể được giải phóng một cách nhanh chóng. Hãy cân trọng lượng của than bùn khi chúng khô bởi vì tỷ lệ trọng lượng khô là rất quan trọng. 

10. Phương pháp đo khoáng chất dinh dưỡng đã được mô tả ở trên vẫn có thể được sử dụng nếu lớp chất nền không chứa sắt và chất hữu cơ. Trong trường hợp này, một thìa cà phê pha trộn các chất vi lượng chelated (chelated trace elements mix) cần được cho thêm vào để pha trộn với 3 cốc nước. Số lượng này sẽ cung cấp được khoảng 0,1 phần triệu lượng sắt che-lat (chelated iron) khi được pha trộn theo đúng chỉ dẫn. Có thể sẽ cần thiết phải chuẩn bị một lượng riêng dung dịch các vi chất dinh dưỡng che-lat (chelated trace nutrients) (chủ yếu là sắt) là những thứ mà cần được bổ xung thường xuyên hơn nữa theo đúng như phương pháp PMDD. Các khoáng chất dinh dưỡng không cần phải được pha trộn thường xuyên bởi vì các chất dinh dưỡng này không mất đi theo thời gian.

Chơi hồ thủy sinh

CHƠI HỒ THỦY SINH

Ngoài việc ngắm các loại cá đẹp, độc đáo, thú của người chơi cá cảnh còn là tự thiết kế một bể thủy sinh. Để tạo ra và duy trì một bể thủy sinh như vậy, công sức, thời gian, tiền bạc bỏ ra là không nhỏ.

Anh Hưng là người chơi cá cảnh có thâm niên ở Hà Nội. Là một cán bộ của ngành hàng không, bận bịu với vô số công việc, anh Hưng chỉ có thể dành thời gian cho hai bể cá của mình vào buổi đêm. Anh tranh thủ cuối giờ chiều đi chọn mua các loại cây mới, lọc các loại gỗ để mang về nhà. Chỉ tới khi cả nhà đã đi ngủ, anh Hưng mới đem các cây gỗ để kỳ cọ và ngâm xuống nước khoảng hai ba ngày mới cho vào bể được.

Chơi hồ thủy sinh

Hiện tại, ở nhà, có hai chiếc bể thủy sinh do chính tay anh thiết kế và chăm sóc. Chiếc bể to được đặt ở phòng khách làm căn phòng thêm lộng lẫy, nhất là vào buổi tối.

Là một tay chơi có nghề, chính tay anh mua kính về, tự ráp thành một bể có chiều dài hơn 2 m, rộng gần 1 m và cao 1 m rưỡi. Anh Hưng cho biết giá thị trường của chiếc bể này khoảng gần 30 triệu. Tuy nhiên, công sức và tâm huyết của anh bỏ vào là vô giá.

Ngoài việc tự tay gắn bể, anh cũng tự mua, tìm tòi các vật liệu bên trong. Vài chục bao sỏi, hàng chục cành cây được lọc ra chỉ để chọn một hai cành ưng ý, khoảng hơn tá loại cây thủy sinh như súng, rong… được anh kết hợp để tạo ra một môi trường mô phỏng tự nhiên trong không gian hạn chế của bể. “Kiến trúc” bên trong cũng được anh Hưng nghiên cứu rất kỹ.

Theo anh Hưng, thiết kế của một bể cá cảnh được chia làm 3 trường phái. Một là theo phong cách Nhật Bản (còn gọi là amano) với các quy tắc khá khắt khe về bố cục. Nguyên liệu chính là đá và cây được sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có thể là hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh sơn thủy hữu tình hay quan niệm nhân sinh của phương Đông huyền bí. Bên cạnh đó là trường phái Hà Lan với cách bố trí theo hướng tự nhiên. Các loại cây được trồng theo lớp và mọc tự do tạo vẻ hoang dại. Cuối cùng là sự kết hợp của hai trường phái này, có thể được gọi là phong cách trung tính.

Để tạo ra một “công trình” cho riêng mình, các nguyên vật liệu thực hiện như đá, sỏi, gỗ, cây có thể mua và chọn lọc, thiết kế nền của bể cũng không quá khó khăn, các loại phân tạo ra môi trường sống cho cây và cá cũng được bán khá rộng rãi. Tuy nhiên, anh Hưng khẳng định cái khó nhất khi chơi bể cá thủy sinh là việc duy trì được nó.

Sau một tháng, bể cá của người mới chơi có thể rất hoàng tráng. Tuy nhiên, sau vài tháng, phong cảnh nhân tạo của bể gặp những vấn đề mà sự khắc phục là rất khó khăn. Sự phát triển tự nhiên của các loại cây khác nhau, sống ở các vùng khác nhau với nhiều điều kiện khí hậu, ánh sáng không như nhau sẽ xung đột. Sự phong phú của các loài tạo ra vẻ đẹp của bể nhưng cũng chính điều đó tạo ra sự mâu thuẫn trong việc duy trì sự bền vững của môi trường sinh thái trong nước.

Anh Hưng tiết lộ sau một thời gian, nước trong bể thường bị bazơ hay axít hóa làm tất cả các sinh vật đều bị ảnh hưởng. Khi đó, anh phải dùng các biện pháp khác nhau để khắc phục. Có thể anh cho thêm vào một số hóa chất chuyên dụng làm trung hòa môi trường nước. Một biện pháp khác là thêm hay bớt một số loại cây trong bể để tạo sự cân bằng trở lại. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về sinh học, hóa học cũng như những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chơi.

Ngoài bể, các phụ kiện còn là dàn đèn cung cấp ánh sáng cho sự quang hợp của cây. Anh Hưng cho biết dù để trong phòng kín, ít ánh sáng mặt trời nhưng cây trong bể vẫn xanh tươi. Để có điều đó, anh phải “tập” cho chúng thói quen quang hợp như trong tự nhiên: bật điện ban ngày và tắt đi vào buổi tối. Sự công phu cũng thể hiện ở việc bật tắt đèn. Trước khi tắt hệ thống đèn của bể, anh Hưng sẽ bật đèn của phòng khách. Sau đó, anh mới ngừng hẳn việc cung cấp ánh sáng cho bể. Nếu không làm thao tác như vậy, cá có thể bơi loạn xạ khiến chúng bị “chấn thương” và phá hỏng cây trong bể.

Ngoài ra, bể cá thủy sinh còn cần trang bị thêm bộ lọc nước và bình cung cấp CO2. Việc tắt bật các thiết bị này cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người chơi. Anh Hưng cho biết nước, màu sắc của cây là các dấu hiệu quan trọng nhất để làm điều này. Thêm nữa, việc thay nước cho bể cũng dựa vào hai tiêu chí này.

Thú chơi thủy sinh

Nghệ thuật, đam mê và… tốn kém

Cường là một tài xế xe du lịch. Căn nhà nhỏ của anh ở một con hẻm thuộc đường Trần Não, quận 2, ai ngờ là địa chỉ tham quan của cả xóm nhờ cái hồ thủy sinh dài hai mét. Trước đây, sống trong cái bể này là một đàn cá cảnh khá đông đúc, được chủ nhân thay đổi chủng loại thường xuyên.

Vào một ngày đẹp trời, khi đến chơi nhà một người bạn ở quận Gò Vấp, bể thủy sinh ở nhà người bạn đã thực sự “hớp hồn” Cường. Cảnh núi, rừng, đồng cỏ mượt mà với vài ba con tép nô đùa trên đó có sức quyến rũ kỳ lạ. “Có cái gì đó không thể cưỡng lại khi ngắm hồ thủy sinh. Chỉ trong giây phút, tôi quyết định chuyển bể cá cảnh sang thú chơi mới mẻ này!” – Cường kể.

Thú chơi thủy sinh

Không riêng Cường, có lẽ bất cứ ai từng “trót” một lần ngắm hồ thủy sinh đều phải trầm trồ khen ngợi. Những phong cảnh trong các hồ được dân chơi thủy sinh thực hiện làm người thưởng ngoạn liên tưởng đến hình ảnh một nơi nào đó đẹp đến mê hồn. Thu gọn không gian yêu thích vào một hồ nước bằng thực vật thủy sinh mô phỏng thiên nhiên tươi đẹp là nguyên tắc và cũng là nghệ thuật của môn chơi được du nhập từ Nhật Bản này.

Anh Sinh là một đạo diễn truyền hình. Công việc giúp anh được đi đây đi đó nhưng chính công việc cũng gây cho anh một áp lực không nhỏ. Tìm đến thú chơi thủy sinh như một cách để giảm stress, anh nhận ra môn chơi này còn mang đầy tính nghệ thuật và rất dễ đam mê. thủy sinh tạo điều kiện cho anh thoải mái sáng tạo. Anh từng thiết kế hồ chơi của mình theo phong cảnh Đèo Ngang, nơi anh đã nhiều lần đi qua và không lần nào không dừng lại để say sưa ngắm nghía.

Sau đó, trong một chuyến du lịch ở Giang Tây (Trung Quốc), được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuộc loại “bồng lai tiên cảnh” của vùng Lư Sơn, nơi nhà văn Kim Dung chọn làm bối cảnh cho những câu chuyện kiếm hiệp nổi tiếng, anh quyết tâm thu nhỏ khung cảnh tuyệt vời đó trong bể thủy sinh của mình.

Không chỉ thỏa sức sáng tạo, thú chơi thủy sinh thực sự giúp cho những cư dân thành phố tìm được trạng thái cân bằng sau những áp lực công việc và cuộc sống. Các anh Cường, Sinh và nhiều dân chơi thủy sinh khác mà chúng tôi gặp đều cho rằng, tất cả mọi muộn phiền, lo âu, rắc rối dường như tan biến khi ngồi lặng nhìn hồ thủy sinh với khung cảnh thiên nhiên do chính mình tạo ra.

Quả là thích thú khi ngắm những bụi cây, ngọn cỏ, đám lá thay đổi hàng ngày nhờ bàn tay chăm sóc của mình. Một anh chàng ham mê thủy sinh ở Gò Vấp còn thú nhận rằng trước đây khi đi công tác chỉ nhớ vợ con, bây giờ đã có thêm nỗi nhớ mới là nhớ… hồ thủy sinh yêu quý!

Để có được một thú chơi tao nhã như thế thì cần bao nhiêu tiền? Thắc mắc ấy được Tâm, một cô bán hàng xinh xắn tại cửa hàng thủy sinh Lý Vũ ở góc đường Lý Chính Thắng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) vui vẻ lấy giấy bút liệt kê những món đồ “chuẩn”. Kết quả, số tiền cần chi để sở hữu được một hồ thủy sinh loại trung bình (dài 1m, rộng 0,6m) là… bảy triệu đồng!

Nghề chơi cũng lắm công phu

Bỏ ra số tiền như vậy cho thú chơi tao nhã đó có đáng là bao đối với những người khá giả, nhưng lại là món lớn đối với nhiều người. Chị Giang, dân chơi thủy sinh kỳ cựu và cũng là chủ cửa hàng thủy sinh nổi tiếng ở đường Lãnh Binh Thăng (Quận 11) cười nói: “Ngày nào cũng có nhiều người đến ngắm nghía mê mẩn rồi hỏi giá cả, nhưng số người bỏ tiền mua rất ít”.

Một hồ thủy sinh bài bản thì cần phải có đủ sáu thứ: bể thủy tinh có kính dày ít nhất 8mm, nền trồng cây bao gồm đất có phân và sỏi, đèn “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp, bộ lọc nước, bình CO2 để duy trì sự sống của cây và cuối cùng mới là cây thủy sinh.

Khi nghe thắc mắc: “Cá trong hồ đóng vai trò gì?”, một dân chơi thủy sinh có kinh nghiệm trả lời: “Cá chỉ đóng vai trò trang trí cho hồ thủy sinh, bởi sự khác nhau cơ bản của chơi cá cảnh và chơi thủy sinh là một bên chăn nuôi, còn bên kia… trồng trọt!”. Thông thường, người ta chỉ thả vào hồ thủy sinh một số cá nhỏ như cá bảy màu hoặc tép. Thả nhiều cá cảnh vào hồ thì chúng có thể phá hoại cây trồng trong hồ.

Nhưng không phải cứ sắm đủ những “đồ chơi” cần thiết như trên là có thể yên tâm ngồi ngắm nghía. “Đa số người mới chơi thủy sinh đều bị khổ sở thời gian đầu vì cây cỏ trong hồ không phát triển như ý muốn, thậm chí bị lụi tàn. Những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng CO2 cần thiết… là thách thức không nhỏ cho những người mới vào nghề. “Chỉ những ai thực sự đam mê mới theo đuổi được thú chơi này” – anh Sinh khẳng định.

Những người “thực sự đam mê” đã tạo nên một cộng đồng chơi thủy sinh trên đất Sài Gòn. Ít nhất có hai câu lạc bộ thủy sinh lớn đang tồn tại ở TP.HCM và họ đã mở trang web riêng để dân chơi có thể trao đổi kinh nghiệm, mua bán hay tặng cho nhau “đồ nghề”, rủ nhau đi picnic và cả việc quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ bà con bị bão lụt…

Chợ thủy sinh Sài Gòn

Có cầu ắt có cung, một thị trường mua bán thủy sinh đang hình thành và lớn mạnh ở TP.HCM. Đầu tiên phải kể đến hai cửa hàng “hoành tráng” của Công ty Lý Vũ, một ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) và một ở đường Bùi Viện (Quận 1). Đến các cửa hàng này, khách sẽ thật sự bị choáng ngợp và mê mẩn bởi quy mô, vẻ đẹp của các hồ thủy sinh được trưng bày. Đủ các kiểu dáng hồ, đủ các loại phong cảnh và cũng đủ các loại giá.

Khách hàng có thể mua ở đây nguyên hồ thủy sinh làm sẵn với giá từ năm đến năm chục triệu đồng. Khách hàng cũng có thể mua từng “đồ nghề” riêng biệt với đủ các chủng loại, xuất xứ và tất nhiên là cũng có thể đến ngắm nghía cả nửa ngày trời rồi ra về cũng… không sao!

Cửa hàng của chị Giang trên đường Lãnh Binh Thăng tuy chỉ nằm gọn trong một căn phòng nhỏ, nhưng không dân chơi thủy sinh nào không biết. Người phụ nữ này đã mê chơi thủy sinh từ hồi sinh sống ở Thái Lan cách đây hơn mười năm. Chị đem môn chơi này về Việt Nam và là một trong những người chơi đầu tiên của Sài Gòn. Cửa hàng của chị mở cách đây hai năm, toàn bán hàng hiệu, do đó giá đắt hơn nơi khác nhưng chất lượng thì khỏi bàn, tất cả đều được nhập khẩu từ Nhật – quê hương của môn thủy sinh.

Một điều khá ấn tượng nữa là bất kỳ khách hàng nào, dù quen hay lạ, mua hay không mua, đến đây đều được nữ chủ nhân bày vẽ tận tình. “Buôn bán thứ này, chỉ mong… huề vốn!” – lời thú nhận ấy của chủ cửa hàng khiến chúng tôi thắc mắc. Chị Giang giải thích rằng hàng nhập đa số đắt tiền, mà phải nhập số lượng lớn, trong khi đó khách hàng mới chỉ thuộc dạng “tiềm năng” nên đến lúc số hàng bán được có khi chỉ vừa đủ để trả lãi suất cho ngân hàng. Chị bán hàng chỉ vì đam mê và muốn có nhiều người cùng hưởng thụ thú chơi này, còn thu nhập chính của chị là từ việc kinh doanh mặt hàng khác.

Ngoài ra, để bắt kịp với trào lưu chuyển đổi thú chơi từ cá cảnh sang thủy sinh trên đất Sài Gòn, những phố cá cảnh nổi tiếng như Nguyễn Thông, Thành Thái, Trường Chinh… đã bắt đầu bán xen kẽ vật dụng phục vụ thú chơi thủy sinh. Ngang qua đoạn phố cá cảnh Nguyễn Thông (Quận 3), những bể cá cảnh đủ màu sắc cách đây không lâu đã được thay bằng các hồ thủy sinh với màu xanh mát mắt của cây cỏ, phong cảnh tuyệt đẹp của đồi núi, đường sá chốn quê thu nhỏ.

Bạn cần xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng trong không gian bức bối của đô thị? Bạn muốn có phong thủy trong ngôi nhà mình? Bạn muốn ngắm nhìn sự tồn tại và phát triển của thiên nhiên bởi chính bàn tay mình và ngay trong phòng khách nhà mình? Bạn cần thêm một thứ gì để nhớ ngoài vợ con trong một chuyến đi xa? Còn chờ gì nữa, hãy thử đến với thú chơi mới mẻ này!

Mạnh Thăng

Green Spot algae (Tảo đốm xanh)

Ảnh thứ 2 chụp bằng ống kính macro. Những đốm tảo có kích thước dưới 1/2mm.Tảo đốm xanh ưa sáng mạnh, thường xuất hiện trên mặt kính hồ hay trên mặt lá các loại mọc chậm bị trồng ở vị trí nhiều sáng (phơi sáng). Loại tảo này sẽ xuất hiện khi lượng CO2 và Phosphate (PO4) thấp. 

Tảo đốm xanh

Vì loại rêu này bám khá chắc và cứng, các loài ăn rêu chẳng giúp ích gì nhiều. Chỉ có một loài ốc mang tên Neritina zebra snail (Neritina natalensis) là có thể gặm nổi thứ rêu này. Nhưng tiếc rằng loài ốc này sẽ trở nên èo uột ở môi trường có PH dưới 7, vì chúng cần môi trường kiềm để vỏ của chúng cứng cáp. Các loại cá Chạch (Loaches) và cá Rô (Cichlidae) thích ăn loại ốc này.

Có thể dùng dao lam cạo sạch loại tảo này trên mặt kính, nhưng với hồ kính đúc bằng nhựa acrylic thì chỉ được dùng lưỡi dao nhựa (plastic) để tránh sước kính. Nếu chúng xuất hiện với số lượng ít thì bình thường thôi. Chỉ nên quan tâm khi số lượng trở nên quá lớn. Để phòng ngừa loại rêu tảo này, nên thay nước hằng tuần, không nên cho cá ăn quá nhiều hoặc thả quá nhiều cá. Trong hồ thủy sinh nên đưa các loại cây mọc chậm vào chỗ khuất sáng và luôn giữ hàm lượng phosphate trong nước ở mức 0.3-0.5ppm và CO2 ở mức 30ppm.