Cắt tỉa thủy sinh thân đốt

Đã là dân chơi bể thuỷ sinh, hầu hết ai cũng muốn bố cục thuỷ cảnh của mình trở nên đầy đặn, tinh tế. Một trong các yếu tố tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ cho nó chính những bụi cây thuỷ sinh thân đốt (ta hay gọi là cây cắt – cắm) tròn triạ, rậm rạp. Để tạo được những đường nét hoàn hảo như mong muốn trong bài này, tôi hy vọng sẽ giúp bạn làm được điều đó.

Cắt tỉa thủy sinh thân đốt
Cắt tỉa thủy sinh thân đốt

Làm thế nào để tạo sự rậm rạp – um tùm cho cây

Điều cần nhớ là phải trồng càng nhiều cây thân đốt càng tốt ngay từ đầu, chính điều này sẽ giúp tạo sự rậm rạp – um tùm ngay từ đầu. Sau khi được trồng vào hồ, cây thuỷ sinh sẽ phải trải qua giai đoạn tự thích nghi với môi trường. Sau khi đã hồi phục, cây thân đốt sẽ ra rễ và cây bắt đầu phát triển tiếp phần ngọn.

Khi cây phát triển, ta sẽ thấy phần đẹp nhất của chúng là phần ngọn. Cứ để cho chúng mọc vươn tới mặt nước. Ta chỉ cần cắt tỉa sơ sơ trước những cây mọc quá nhanh so với số còn lại. Đến giai đoạn khi đa số cây đã phát triển gần đến mặt nước, đó chính là thời điểm ta phải cắt tỉa hàng loạt.

Chiều dài đoạn thân phải cắt bỏ trong lần cắt tỉa hàng loạt đầu tiên này sẽ cỡ khoảng 7 – 10cm, tuỳ theo chiều sâu cuả hồ nhà bạn tính từ bề mặt nền. Đa số các loại cây thân đốt sẽ đâm 2 – 3 tược mới ngay đốt gần nhất bên dưới vết cắt. Như thế sau lần cắt tỉa hàng loạt đầu tiên này, bạn sẽ có gần như gấp đôi số lượng cây thân đốt sau đợt cắm đầu tiên. Phải nhớ điều chỉnh lại lượng CO2 và lượng dinh dưỡng (giảm) sau đợt cắt tỉa loại bỏ cây hàng loạt này.

Khi cây đâm tược mới, cứ để chúng phát triển thêm cỡ 10 – 12 cm nữa. Khi cây đạt chiều cao cần thiết, việc cắt tỉa lần thứ 2 này sẽ gồm 2 công đoạn. Trước tiên, ta cứ canh bên trên vết cắt cũ (lần trước) khoảng 5 cm thì cắt ngang. Như vậy số tược mới sau này sẽ lại được nhân đôi. Kế tiếp, ta tiến hành tỉa tạo hình cho cả bụi cây theo hình dạng mà ta mong muốn. Việc làm này giúp ta tạo được chiều sâu và mạch chuyển cho thủy cảnh.

Sau này, các lần cắt tỉa tiếp theo ta sẽ dựa theo hình dáng của bụi cây trong lần tỉa tạo hình lần thứ 2 này để thực hiện. Bạn nên nhớ là ngọn cuả cây thân đốt là phần đẹp nhất cuả chúng, vì vậy khi cắt tỉa phải tính toán làm sao để ngay khu vực thấp nhất của cả bụi vẫn có những ngọn mọc chen đều để che đi phần gốc xấu xí, trơ trụi. Bạn hãy tưởng tượng công đoạn cắt tỉa cho chúng cần tỉ mỉ và thẩm mỹ y như bạn đang cắm một lọ hoa.  

Tôn dáng vẻ tự nhiên

Vẻ đẹp tự nhiên luôn có sức hút đặc biệt. Trong nghệ thuật cắt tỉa cho cây thuỷ sinh thân đốt thông thường các nghệ nhân kết hợp cả 2 hình thức chăm chút: tạo dáng nhân tạo và tôn vẻ đẹp tự nhiên. Sau khi đã cắt tỉa 2 lần, bạn chỉ cần thỉnh thoảng tỉa tót lại vài chỗ “thừa”, vướng víu, có ảnh hưởng đến mặt tiền chung. Chỉ tỉa bớt những nhánh mọc quá nhanh, sao cho chúng hơi thấp hơn những cây còn lại, là sẽ duy trình được hình khối cuả cả cụm một cách tự nhiên, mà không gây cảm giác mất tự nhiên do quá nhiều can thiệp cuả dao, kéo.

Với cách này bạn không cần theo dõi tốc độ phát triển cuả cây cối thường xuyên như phương pháp kia. Mặc dù, cả cụm cây sẽ phát triển đều và liên tục, thỉnh thoảng có vài chỗ vẫn cần phải cắt tỉa tạo hình lại theo kiểu lần thứ 2.

Cuối bài tôi xin đưa ra một số loại cây thân đốt dễ cắt tỉa tạo thành bụi xum xuê – rậm rạp giúp các bạn tham khảo:

  • Hemianthus micranthemoides – Trân Châu Thường (Trân Châu Cao)
  • Rotala sp. ‘green’ – Rotala xanh
  • Rotala rotundifolia – Rotala đỏ
  • Ludwigia arcuata – Diệp Tài Hồng lá kim
  • Ludwigia brevipes – Diệp tài hồng lá dài

Câu hỏi - Thắc mắc - Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *