Loài cây này rất dễ trồng, không tốn thời gian chăm sóc và diện tích, vì vậy rất phù hợp với cuộc sống hiện đại. Hầu như gia đình nào cũng có vài bình. Khi chơi xương rồng, bạn nên chú ý một số yếu tố sau
Nước
Xương rồng không cần nhiều nước, nhưng nó giúp cây sạch sẽ, khỏe mạnh, chống sâu bệnh. Trong suốt thời gian sinh trưởng từ xuân thu đến đầu đông, cần chú ý tưới nước để cây phát triển tốt. Khi thấy mặt đất ở chậu đã khô thì bất đầu tưới nước. Mùa đông, 1 tuần tưới một lần, mùa hè 2 lần/tuần. Gặp ngày mưa, trời nồm hoặc quá lạnh thì không cần tưới. Chậu nhỏ tưới nước nhiều hơn chậu lớn.
Nhiệt độ, ánh sáng
Xương rồng là loại cây ưa ánh sáng và rất cần được thông thoáng nên vị trí thích hợp để đặt chậu là sân thượng, ban công, bậu cửa sổ. Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 15-28 độ C.
Chú ý
Khi trưng bày trong nhà chỉ nên để khoảng 2-3 ngày rồi lại mang ra ngoài trời. Lúc cây ra hoa không nên mang vào phòng có máy lạnh vì hoa sẽ mau tàn.
Muốn cho loại cây này ra hoa đúng Tết, bạn phải bón phân, tưới nước quanh năm, không để cho nó bị khô lá. Đến tháng 10 âm lịch, hãy nhổ cây lên, cắt bỏ hết lá, rễ, đem củ để trên giàn râm mát.Chừng nào muốn cho củ huệ ra hoa, bạn đem trồng trở lại vào chậu nhỏ, để chỗ râm mát. Đến khi củ nhú mầm thì đem ra ngoài nắng. Nếu mầm nhú lên ngay giữa củ là mầm lá, nhú ở bên cạnh và hơi mập là mầm hoa.
Nên để ý kỹ củ huệ. Có hai trường hợp:
Nếu củ đã già, lá trụi hết, thì trong ruột đã có mầm non của hoa. Bạn phải trồng củ huệ trong chậu trước Tết một tháng. Muốn cho vòi hoa mập và ngắn, phải để ngoài nắng, muốn cho vòi hoa huệ gầy và cao thì nên để nơi râm mát.
Nếu khi nhổ lên, thấy cây huệ còn non, lá đọt nhỏ và xanh thì phải trồng lại vào chậu trước một tháng rưỡi. Như vậy Tết mới có hoa.
Mỗi lần củ huệ ra hoa có hai đợt. Đợt 1 tàn, chừng 15-20 ngày sau, bên đối diện của vòi hoa cũ sẽ ra thêm một vòi. Khi hoa đợt 2 tàn, bạn phải đem củ trồng xuống đất để dành cho năm sau.
Trong Bộ môn Thực vật, họ hàng Hoa cúc (Compositae: Asteraceae) có thể xem là đa dạng với nhiều giống loại khá đẹp và rất phổ biến nhiều nơi ở các nước thế giới năm châu. Riêng tại khí hậu xứ ta, loài Hoa Cúc Sao nháy này cũng rất phổ biến, từ miền cao, đến thấp đều có trồng làm cây cảnh ở vườn nhà, hoặc nơi công cộng. Chắc các bạn yêu hoa cũng đã có lần ngắm nhìn hoa sao nháy mãnh mai với nhiều màu sắc lấp lánh giữa không gian. Nhờ vậy, các nhà thực vật đồng ý đặt tên là Hoa Sao Nháy, được ghi vào bổ sổ các loài hoa đẹp đến ngày nay. Để giới thiệu thêm đặc tính của loài hoa cúc này, xin góp ý vài điều hiểu biết cho các bạn yêu thích hoa này:
Tên khoa học: Cosmos bipinnatus, Cav. Tên Pháp: Cosmos – Họ thực vật: ASTERACEAE. Tên thông thường Việt Nam: Cúc Sao nháy, Hoa chuồng chuồn.
Nhìn hình ảnh của Cây Hoa sao nháy, cây Cúc này được lấy tên Cosmos mà ta gọi cho đúng nghĩa, là một loại thân thảo rất mảnh mai, mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm, cho những cọng hoa dài như tăm nhang, gắn trên đầu một nụ hoa tròn, đến khi nở thành một cái hoa tròn có 8 cánh, đường kính 4-6cm vươn cao làm thành một thảm hoa nhiều màu hồng, trắng đỏ lung linh trước gió. Nhìn xa hơn, nếu ta có nhịp chụp ảnh đứng giữa vườn hoa sao nháy, thì như ta ở giữa bầu trời đầy các vì sao lấp lánh, nhấp nháy như tên gọi thông thường. Cho nên khi nào ta muốn trồng làm cảnh ở vườn nhà, tất yếu phải chọn một vuông đất rộng, thoáng không gian thì mới làm nổi bậc được khung cảnh của các vì sao cosmos.
Cũng vì thân thảo yếu ớt, quá mảnh mai mà cúc sao nháy ít khi nào sử dụng vào công dụng hoa cúc cắt cành như các anh em cùng giống loài, nên ta ít thấy bày bán, trưng bày hay cúng kiến. Tuy nhiên không vì lý do này mà hoa sao nháy bị kém phát triển trái lại càng ngày sao nháy càng được ưa chuộng là loại hoa làm cảnh đẹp cho vườn nhà ở các nơi. Nhờ vào bản tính gấy giống, trồng trọt dễ dàng.
Hột hoa cosmos có thể thu hái dễ dàng sau một lứa trồng cây hoa làm cảnh. Khác với các loài hoa cúc anh em với cosmos thì hoa sao nháy tự thụ phấn lấy để sau khi hoa tàn rồi cho nhiều hạt, đầu có 2 móc nhỏ mỗi hạt. Sau khi toàn cây bắt đầu khô héo thì hạt cũng vừa chín tới dễ dàng. Chớ như thông thường thì cúc vàng, cúc đại đóa v.v… đều là loại hoa cúc thuộc vào hàng cao cấp dùng làm hoa cắt cành, rất khó lấy hạt đổ làm giống nên phần lớn là phải lấy được con của cây mẹ mà làm cành tuya gầy giống (bouture).
Về kỹ thuật trồng cosmos, từ lâu nay, ta có kỹ thuật áp dụng. Việc thứ nhất, ta giao hạt cosmos tại vườn ươm hẵn hoi. Với những luống ươm rộng 1,20m, dài tối đa 10m, ta cũng cuốc, nĩa xới cùng với 50 ký phân chuồng thật hoai và 200g phân hóa học (3 chất N.P.K) trộn lẫn vào một lượt với phân chuồng để bón lót cho líp 10m2 ươm. Sau đó, ta tưới tắm trong vòng 6-7 ngày cho ẩm đất luống ươm, là có thể gieo hạt. Nhờ hạt như tăm nhang, dài cỡ 5-6mm nên có thể bốc từng nhúm hạt mà rải thưa và đều trên mặt luống, hoặc rắc hạt theo hàng dài (chia làm 5 hàng, cách nhau 20 phân trên luống rộng 1,2m…).
Rắc hạt xong ta nhớ xới xáo nhẹ đất mặt để lấp hạt xuống đặt đất, và nhớ phủ một lớp cỏ hoặc rơm trên mặt luống, đồng thời, tưới hằng ngày cho đủ ẩm chờ hạt nẩy mầm; sau một tuần cây con sẽ mọc lên, ta mới dở rơm, cỏ đậy mặt líp ra, thì cây ươm con bắt đầu cao lối một gang tay, thân to cỡ 5-6mm để đủ sức ra ngôi đem trồng ngoài vườn. Thông thường ra có 2 cách ra ngôi, như sau:
Nơi trồng đã dọn đất vào phân sẵn sàng để trồng, thì ta nên nhổ từng cây con ở luống ươm đem ra cấy thẳng vào vườn có sẵn líp đang chờ. Chăm sóc tưới như thường lệ đừng để cây bị héo khô;
Ta cũng có thể cấy cây con vào bầu nylon và chăm sóc thêm một thời gian cho cây cứng cáp, chờ dịp mang ra trồng thẳng vào vườn công cộng hoặc vườn nhà để mau có hoa vào các dịp cần thiết lễ lộc theo yêu cầu. Sau 30 đến 40 ngày cấy ra ngôi đó, không bỏ bê chăm sóc thì các cây trưởng thành bắt đầu ra nụ hoa tròn, để tuần sau những cánh hoa nở rộ khắp vườn lấp lánh màu sáng trắng, đỏ hồng, làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên.
Việc thứ nhì, cách thức trồng thẳng ra vườn cũng thuận tiện, đỡ công chăm sóc và gầy giống ở vườn ươm, lại rút ngắn thời gian trổ hoa sau ngày gieo hạt. Chỉ cần chăm sóc, làm cỏ sạch, tỉa nhổ cây phát triển đều cho nhiều hoa không kém gì hơn lối trồng phải cấy cây con. Hôm nay cũng là thời điểm để ta kịp chuẩn bị gieo trồng cosmos, và chúc các bạn sẽ có một vườn hoa comos đón Xuân.
Mỗi loài hoa phù hợp với một chỗ trưng bày và cách chăm khác nhau. Thu hải đường, tulip… nên trưng trong phòng lạnh. Địa lan nên tưới nước vào ban đêm.
Mỗi loài hoa, cây cảnh có một “tính nết” khác nhau. Để giữ hương sắc của chúng, người chơi phải nắm được “nhu cầu” của mỗi loài. Giò lan ngọc điểm Đài Loan một cành giá “mềm” cũng gần hai triệu đồng. Quý, nhưng nếu không biết chăm sóc, loài hoa này rất nhanh “xuống sắc”.
Hoa quý tộc
Chị Thảo, chủ cửa hàng hoa Thạch Thảo, đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP HCM, chỉ bình hoa tulip lạc giữa những bó hồng rực rỡ, nói: “Tulip là hoa quý tộc, giá từ 25.000 đến 30.000 đồng một bông. Giá đắt nhưng hầu như năm nào cũng thiếu hàng. Loài này phải chăm sóc khá cầu kỳ”. Tulip là giống hoa ưa lạnh nên khi cắm, thay vì cho nước thì phải bỏ nước đá. Hoa sẽ đẹp và giữ được lâu nhất (7 đến 8 ngày) nếu được trưng trong phòng lạnh, được thay nước đá hằng ngày và thêm vào bình một nhúm đường, trong khi để bình thường chỉ tươi được hai đến ba ngày”.
Vài năm gần đây, hoa tulip, hoa ly Pháp, hoa hồng nhập khẩu, hoa lan… hút hàng không chỉ trong dịp Tết mà ngay cả trong ngày bình thường. Hoa ly ưa nước sạch nên phải chăm thay nước, tỉa lá, cắt cành mỗi ngày để hoa dễ dàng hút nước, lâu héo.
Năm nay, chợ hoa công viên 23/9 ở TP HCM phong phú hơn bởi những chậu dâu tây từ Đà Lạt đưa xuống tranh tài cùng những chậu thanh long từ Bình Thuận, quất từ Bắc vào. Anh Hà, nhân viên bán hàng, cho biết dâu tây có thể trưng hết mùa Tết. Đặc điểm chung của các loại cây hoa cảnh của xứ lạnh là cần ít nước, nước tưới phải đủ độ lạnh thì mới tươi lâu.
Chăm sóc thủ công hay dùng hóa chất?
Ngoài những biện pháp thông thường như trên, để giữa hoa tươi lâu, theo ông Phạm Việt Dũng, chuyên viên Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, cần sử dụng thêm một số hóa chất để kéo dài “tuổi thọ”. Với các loài lan trồng trong chậu thì điều đầu tiên nên tránh là để cây bị thối gốc. Vì thế, với hoa lan, phải tưới nước vừa phải, thêm thuốc aspirine, axit citric để hạ độ pH khiến vi khuẩn không thể phát triển được. Ngoài ra trong nước cắm hoa còn phải thêm một số thuốc bảo quản như STS, MCP, KMN04 để giúp hoa nở đều, tươi lâu, giữ nguyên màu sắc.
Cũng có thể sử dụng phương pháp thủ công, nhưng người chơi sẽ vất vả hơn. Anh Khải, chủ cửa hàng hoa tươi Khải Châu, đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, “bật mí”, mỗi loài hoa phù hợp với những chỗ trưng bày và những cách chăm khác nhau. Thu hải đường, tulip… nên trưng trong phòng lạnh; địa lan, mã tiên hồng, ngọc điểm Đài Loan, ngọc điểm Thái thì cần phải tuân thủ nguyên tắc “3 nắng 7 mát”. Riêng địa lan nên tưới nước vào ban đêm, mã tiên hồng thì luôn giữ ẩm cho gốc, ngọc điểm Thái và ngọc điểm Đài Loan thì nên tưới phun sương giữ ẩm cho cánh hoa.
bonsai, cây cảnh tạo hình
bonsai thường được trưng trong ngày Tết để thể hiện ước vọng về một năm mới của chủ nhân. Nghệ nhân bonsai Lê Phi Hùng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nói: “bonsai phải lấy gốc làm trọng, rồi đến bộ rễ nổi và thân mềm mại duyên dáng. Các thế của bonsai như phượng vũ, ngũ phúc, huynh đệ, phụ tử, mẫu tử, long giáng, phượng vũ long đàn, bạt phong hồi đầu, trực liên chi… đều nói lên triết lý của cuộc sống”.
bonsai tạo dáng là sự thu nhỏ của cây già lâu năm, mang phong thái cao quý. Để có được điều này, nghệ nhân phải tác động từ việc chọn giống, chậu, bón phân, tưới nước, uốn thân cành. Dáng già nua, sần sùi, bộ rễ sung mãn hay kiêu hãnh… của bonsai thường được nghệ nhân uốn qua từng cách chăm sóc gốc, thay đất hằng năm cho cây. Với loại cây cảnh này, cách chăm sóc trong ngày Tết khá đơn giản.
Nghệ nhân Lê Quang Vinh ở phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM, lưu ý, chỉ cần tưới nước cho bonsai mỗi ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối là đủ. Mặt khác, để giữ vẻ đẹp tươi tắn cho cây trong dịp Tết, người chơi không nên để lâu trong nhà mà nên cho “tắm nắng”.
Đối với cây cảnh tạo hình, nghệ nhân Nguyễn Văn Công ở xã Hưng Khánh, huyện Chợ Lách, Bến Tre, cho biết, khâu quyết định là tạo bộ khung. Sau đó, nghệ nhân sẽ buộc cành lên bộ khung này để cây bén rễ, phủ lá. Cuối cùng là việc cắt, tỉa để tái hiện sinh động tất cả những con vật, đồ vật, đến nhà cửa… Dịp Tết, cây cảnh tạo hình thường được đặt trong sân vườn, trên đường để thể hiện chủ đề của năm. Với loại cây cảnh này, người chơi nên chú ý nhiều vào việc chăm sóc lá, tưới tắm cho cây và tỉa cành.
Trong năm, chắc hẳn sẽ có rất nhiều dịp được tặng hoa như ngày Valentine, 8/3, sinh nhật, kỉ niệm hay chỉ đơn giản là bạn mua hoa về chưng cho căn phòng của mình và sau đây xin giới thiệu một vài cách giữ cho hoa tươi lâu.
I. Dành cho tất cả các loại hoa
Rửa bình hoa thật sạch trước khi cắm hoa. Nếu rửa bằng xà phòng thì nhớ xúc cho hết hẳn xà phòng bởi nếu còn sẽ làm thay đổi độ pH của nước và khiến hoa nhanh tàn.
Khi cắt phải dùng kéo thật bén để không làm rộng các vết cắt trên cây hoa.
Cắt cuống hoa trực tiếp khi ở dưới nước để nhựa không che lấp chỗ hút nước của hoa ( các bạn để ý nếu hoa không cắm vào nước ngay chỗ cuống hoa rất đen , đó là nhựa cây đấy )
Thay nước hoa mỗi ngày vào lúc sáng sớm và chiều tối, buổi tối và nên mang ra ngoài sân để hoa được hứng những giọt sương mai.
Bạn nên rửa sạch các cành hoa trước khi cho vào bình vì những bùn đất bám vào các cành hoa, nếu không được rửa sạch sẽ làm cho nước mau dơ, có mùi hôi khó chịu.
Bạn phải tước bỏ tất cả những lá nhất là những lá ở dưới gốc. Nếu bạn để nhiều lá quá, cành hoa sẽ gặp nhiều cản trở trong việc hút nước nuôi hoa. Nếu muốn có lá cho cành hoa thêm đẹp, bạn chỉ nên để lại một vài lá ở gần hoa mà thôi.
Dù cành hoa ngắn hay dài, bạn cũng nên cắt bỏ đi một phần ở cuối cành hoa. Với vết cắt mới này, cành hoa sẽ hút được nhiều nước giữ cho hoa được tươi luôn tốt nhất là bạn nên cắt chéo và nếu có thể, bạn nên chẻ phần cuối của cành hoa ra làm tư.
Khi cắm hoa vào bình, bạn không nên cắm dày quá. Phải tùy theo chiều rộng hẹp, lớn nhỏ của chiếc bình mà bạn cắm ít hay nhiều hoa.
Bạn nên cắm từng cành vào lọ. Đừng bao giờ bạn cầm cả bó hoa bạn mua sẵn ngoài chợ hay bó hoa ai đó tặng cắm cả vào lọ. Muốn cho hoa tươi lâu, bạn phải cắm như thế nào cho nó thoáng khí và rộng rãi. Trừ một vài loại cành nhỏ và ngắn như hoa cẩm chướng, bạn có thể cắm cả bó vào lọ.
Khi cắm hoa, bạn nên cho vào lọ một viên Aspirine vì thuôc sẽ trừ các độc tố trong nước, giúp cho hoa tươi lâu.
Bạn có thể thêm vào tí nước Javel để kích thích hoa, giúp hoa nở đều.
Bạn phải nhớ thay nước hoa ít nhất mỗi ngày một lần. Nước cũ có nhiều chất độc sẽ làm cho hoa kém tươi. Mỗi khi thay nước, bạn nên cho vào 1/2 viên aspirine.
Khi thay nước, bạn nên đổ cả nước cũ và nước mới vào. Làm như vậy sẽ hao nước, nhưng hai, ba gáo nước thì nhằm vào đâu so với bình hoa mà bạn ưa thích.
Bạn không được kê lọ hoa của bạn vào chỗ nóng quá hay vào chỗ có gió lùa, tránh gần cửa sổ hoặc gần nơi đèn điện, bếp núc.
Sau một hay hai ngày cắm trong lọ, hoa kém tươi bạn nên nhúng gốc hoa vào nước sôi, rồi cắt bỏ chỗ ấy đi. Sau đó, bạn cắm hoa vào nước mới thay. Trong khi làm công việc này, bạn nhớ phải làm cho thật nhanh. Vì giữa hoa và nước sôi, nếu bạn để lâu chuyện gì sẽ xảy ra chắc các bạn cũng biết trước rồi.
Nếu gặp lúc trời oi bức quá, bạn có thể phun nước lên cành hoa hoặc cho vào lọ vài viên nước đá, để cho hoa được tươi mát.
Bạn nên nhớ đừng bỏ đường vào lọ như có người thường làm. Làm như vậy không ích gì mà lại bẩn nước, tốn đường.
Điều sau cùng mà chúng tôi nói với các bạn là các bạn đừng nên lập dị cắm hoa trong những chiếc bình hình thù quái dị và màu sắc sặc sỡ. Về điểm này, chúng tôi chỉ muốn nhắc lại ý kiến của một nhà vạn vật học chuyên khảo cứu về hoa.
Nếu muốn giữ hoa ở hình dáng ban đầu, không nở xòe ra và rơi rụng cánh, có thể dùng keo xịt tóc, cầm bình xịt cách hoa khoảng 30 cm phun hướng lên.
II. Dành cho từng loài hoa
Hoa hồng là loại hoa rất dễ chịu. Vì thế bạn không nên tỉa hết gai như một vài người thường làm vì nếu như làm thế hoa sẽ bị thương. Khi thay nước, bạn không nên rút hoa ra khỏi lọ. bạn nên cắt gốc hoa mỗi ngày một lần. Buổi tối, đem hoa ra sương cho hoa “hít” khí trời. Bạn nên ngắt bớt cánh hoa bị úa màu để luôn có một bình hoa tươi mới. Khi hoa héo, có thể dốc ngược lại để giữ thành đóa hoa hồng khô. Với hoa hồng, cần chọn mua những hoa không bị nở toét. Nếu mua cả đóa, nên loại những hoa có dấu hiệu héo úa ra khỏi đóa vì chỉ cần 1 hoa héo có thể sẽ ảnh hưởng đến các hoa xung quanh. Ngoìa ra bạn có thể cho thuốc B1 vào lọ cắm hoa hồng bạn sẽ được một bình hồng tươi rất lâu.
Hoa mai cần rất nhiều nước. Vì thế, các bạn phải dùng một lọ hoa lớn và cao, đựng được nhiều nước, khi cắm hoa vào lọ bạn nên đốt cho gốc hoa cháy sơ sơ. Mỗi ngày bạn nên châm nước luôn luôn.
Hoa mẫu đơn cần rất nhiều nước. Vì thế vài giờ bạn phải thêm một lần. Về ban đêm, bạn nên rút hoa ra khỏi lọ, ngâm hoa vào chậu nước cho nước ngập đến đài hoa.
Hoa tử đinh hương là một loại hoa dài, bạn phải dùng lọ lớn để cắm. Trước khi cắm, bạn phải tước vỏ hoa tới độ chừng 1/2 cành hoa, hoặc bạn dùng dao khía chữ thập lên thân hoa. Như thế thân mới có thể hút được nước kịp cho hoa
Hoa tuplip là loại hoa thuộc dòng họ lạnh, độ bền thường kéo dài từ 5-7 ngày nếu bình hoa được để trong phòng lạnh. Khi cắm thả đá lạnh, mỗi ngày thay nước một lần. Nước đá từ từ chảy ra sẽ giúp hoa tươi lâu hơn.
Hoa cẩm chướng là loại hoa khá bền, cách chăm sóc tương tự hoa hồng. Các bước cơ bản là cắt gốc, tỉa lá… Tương tự, bạn có thể áp dụng cách chăm sóc này với hoa cúc và một số loại hoa khác.
Hoa loa kèn khi cắm, nên cắt gốc, lấy băng keo quấn sơ ở dưới gốc hoa để tránh gốc bị toe ra. Vì thân hoa loe kèn là thân ống (thân rỗng) nên thân rất dễ bị dập nát. Nếu bảo quản tốt, hoa loa kèn có thể cắm được rất bền. Ngoài ra, bạn cũng nên thay nước hàng ngày.
Hoa ly ly là loại hoa rất bền, thơm. Khoảng 2 ngày thay nước một lần. Tắm cho hoa mát bằng cách xịt nước hàng ngày.
Hoa sen nếu muốn lâu tàn nên bịt bùn vào gốc hoa, sau đó cắm vào nước muối nhạt.
Hoa cúc là loài hoa bình dị và có sức sống mãnh liệt, nếu hoà một chút urê vào nước cắm sẽ giữ cúc tươi cả tháng.
Còn đối với hoa giả, bằng nhựa hay vải qua thời gian rất dễ bám bụi, bạn đừng rửa hoa trong nước. Ðặt hoa vào một cái túi bỏ thêm một lượng muối tương ứng với cỡ hoa, cột túi lại, lắc mạnh trong vài phút. Tất cả bụi sẽ bám vào muối, bạn sẽ có bình hoa y như mới.
Không chỉ đơn thuần mang lại bóng mát, màu sắc, hương thơm…, cây xanh còn góp phần rất lớn trong việc tạo vi khí hậu trong lành, giảm bớt khói bụi, khí độc. Ðiều này ai cũng đã biết. Nhưng việc bài trí cây xanh trong nhà là cả một nghệ thuật thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Cha ông ta khi trồng cây quanh nhà hay tạo vườn, làm hoa viên đều còn kèm theo việc khai thác lợi ích thực tế, ví dụ cây trồng làm thuốc, làm rau xanh hay trái cây chứ không thuần túy trang trí. Bố cục cây xanh trong vườn nhà của người Việt tương đối tự do, linh động theo hoàn cảnh mỗi nhà và dùng cây cối như một yếu tố hỗ trợ phong thủy cho nơi cư trú. Bởi cũng như các thành phần khác trong không gian cư trú, cây xanh chịu tác động của môi trường và thích ứng với môi trường thông qua biểu hiện hình thế cao – thấp, to – nhỏ, cứng – mềm… là các đặc tính của những mặt đối lập trong âm dương và ngũ hành sinh khắc. Chọn lựa cây xanh trồng trong nhà ở nếu hài hòa âm dương, ngũ hành thì không những đem lại thẩm mỹ cao mà còn thúc đẩy sinh khí hưng vượng cho nơi cư ngụ. Vì nhà ở trong đô thị chật hẹp, đất trồng cây trở nên khan hiếm, việc đưa cây xanh vào nội thất rất quan trọng để hình thành nên các cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, cải thiện môi trường ở và điều chỉnh luồng khí, chống lại các tác động xấu từ bên ngoài.
Trên thế giới nổi tiếng về nghệ thuật vườn là các nước trong khu vực châu Á, như Nhật Bản và Trung Quốc. Vườn Nhật Bản đặc sắc nhất là tính tượng trưng và tính cô đọng thể hiện trong nghệ thuật cắm hoa (Ikebana) và bố cục vườn Thiền (Zen Garden) – rất đơn giản, nhưng đầy hàm súc, ẩn dụ qua từng bố cục, như vườn khô -Karesansui, chỉ với vài tảng đá và sỏi cuội thể hiện quan hệ Thiên – Ðịa – Nhân. Còn nghệ thuật vườn Trung Quốc lại chủ yếu nhấn mạnh việc mô phỏng tự nhiên và thay đổi tâm trạng cho người thưởng ngoạn bằng các thủ pháp chia cắt, đóng mở, rẽ ngoặt… mang nhiều yếu tố xếp đặt.
Hiện nay nhiều nhà biệt thự ở Việt Nam thiên về phong cách Nhật Bản, sử dụng thủ pháp này với sự giản lược chi tiết rườm rà, ít cây cối hơn và đưa thêm một số yếu tố như sàn gỗ ghép, đèn đá, máng dẫn nước, chọn lọc cây cảnh để mang lại không gian vườn cây xanh vừa phải trong bố cục nội thất. Tuy có khá nhiều loại cây đang trồng ở ta vốn có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, nhưng khi phát triển ở Việt Nam, chúng vẫn được chọn lựa và bố trí theo một cách thức mang bản sắc văn hóa địa phương rõ rệt.
Các kiến trúc sư chuyên về nội thất gần đây có những nghiên cứu đi sâu tới sự phân bố cây xanh trong nhà trên cơ sở không gian, thời gian và đặc tính. Cây xanh cho nội thất nên là những loại cây phù hợp với môi trường sống ít ánh sáng trực tiếp và chịu bóng râm. Tất nhiên trong điều kiện nội thất thì khó có loại cây nào bền lâu mà phải thường xuyên luân chuyển, đưa cây ra ngoài khí trời hoặc thay đổi thường xuyên thì cây mới xanh tươi.
Ở không gian giao thông là những vùng đi lại và tập hợp người nhiều như hành lang, cầu thang, hàng hiên, lối đi trong vườn (theo phong thuỷ có tính dương) cần trồng những cây nhỏ, ít gai nhọn hay cành chĩa, thân lá gọn và không vướng víu như trúc Nhật hoặc hoa, cây bụi thấp, mềm mại, không che khuất tầm nhìn và cản trở di chuyển – là những cây có tính chất âm.
Các không gian riêng như phòng ngủ, phòng làm việc, phòng trà (thuộc âm) thiên về tĩnh, thông thường cây trồng có tính trang trí điểm xuyết nhẹ nhàng, nên cây trồng chỉ là bổ sung tính dương thêm, chứ không phải làm cho không gian tưng bừng sắc hoa lên. Có thể đặt cây bonsai, xương rồng (bàn làm việc), chậu hoa và lá sáng màu chứ không nên dùng những cây sậm màu hoặc rũ mềm sẽ trông càng thêm tối. Trong phòng làm việc có một cây xương rồng nhỏ trong chậu xinh xinh đặt góc bàn hoặc cây bonsai thế sẽ rất tốt. Những cây như phát tài hoặc các loại hoa đều phù hợp giúp thư giãn hơn khi làm việc.
Ở phòng khách, những không gian đối ngoại như tiền sảnh, phòng ăn vào dịp lễ tiệc nên chọn đặt các cây có tính trang trọng, cân đối, bề thế và nghiêm túc. Ví dụ chậu mai thế hay kim quất ngày Tết, chậu phát tài góc phòng khách hoặc phát tài núi đặt đầu cầu thang đều là những cây có dáng đẹp, hoa tươi. Cần chú ý cây có những sắc xanh, đỏ và vàng tượng trưng cho mùa xuân – hè, kích hoạt nguồn khí. bonsai đẹp và tuổi thọ cao như si, đa đều phù hợp để vừa trang trí vừa tương hợp với nội thất. Những cây này cũng đòi hỏi gia chủ có thời gian chăm sóc và hiểu biết về nghệ thuật bonsai.
Ðối với không gian bếp, có thể bố trí những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu và có tác dụng khử mùi, giảm khói như dương xỉ. Phòng ăn thì nên đặt một số chậu cây có sắc màu tươi vui kích thích tiêu hóa, ví dụ như tía tô cảnh, đỗ quyên, lá đỏ.
Với không gian chuyển tiếp trong ngoài (như hàng hiên, bậu cửa sổ, bồn hoa logia) thì cây trồng chọn lựa dễ hơn do có tiếp xúc trực tiếp mưa nắng bên ngoài, nhưng cũng cần lưu ý độ sáng của mặt lá, tầm nhìn và sự tương ứng với không gian kế cận.
Ở ngoài vườn có thảm cỏ xanh mượt thì cần thêm cây cao dáng thẳng; bồn cây chủ yếu là lá tròn nhỏ xanh với những hoa lớn đỏ. Cây xanh vươn lên thuộc dương, phần bóng râm thuộc âm, do đó dù đất có rộng vẫn nên dành ra khoảng trống để ánh sáng chiếu vào, làm hồ nước, tạo cao thấp và thay đổi độ cao cây, tạo âm dương thay đổi, chứ không nên trồng cây cao kín mít.
Trồng cây trong nhà cần lưu ý cây cối là thước đo trường khí từng không gian nhà ở. Chọn cây phù hợp và chú ý chăm sóc, theo dõi nếu cây bị héo úa hay kém phát triển thì tức là nội khí không tốt, nên thay đổi chủng loại cây hoặc kiểm tra lại môi trường chung quanh để điều chỉnh tương hợp (ví dụ thêm ánh sáng, nước).
Trong phòng ăn nếu đặt một số chậu cây có sắc màu vui tươi như: tía tô cảnh, đỗ quyên, hoa lá đỏ…, bạn sẽ cảm thấy ăn ngon hơn rất nhiều, vì những màu sắc này có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa của bạn.
Theo kiến trúc sư Cấn Phú Minh, Công ty cổ phần Kiến Trúc DMC Việt Nam (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cây xanh đóng vai trò rất quan trọng trong nội thất nhà phố. Vì đây là yếu tố để hình thành nên các cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, cải thiện môi trường ở và điều chỉnh luồng khí.
Vì vậy cây xanh dành cho nội thất nên là những loại cây xanh tốt, có nhiều mầm lộc phù hợp với môi trường sống ít ánh sáng trực tiếp, tránh những loại cây thô nhám, xù xì, gai góc…
Khi chọn cây cảnh trong nhà, bạn nên tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
Nơi cây “định cư”
Việc này tuỳ theo kiến trúc của nhà và sở thích của gia chủ. Tuy nhiên xu hướng chung là nên đặt cây xanh vào những nơi nhiều ánh sáng, các góc trống, những vị trí mà bạn muốn che khuất tầm nhìn.
Chọn cây
Ở những không gian đối ngoại như tiền sanh hoặc phòng ăn vào dịp lễ tiệc thường đặt các cây có dáng cân đối, bề thế. Ví dụ chậu mai thế hay quất đào ngày tết thường được đặt ở không gian tiền sảnh, chậu phát tài được đặt ở góc phòng khách hoặc phát tài núi đặt ở đầu cầu thang. Đó đều là những cây có dáng đẹp, hoa tươi đem lại điều tốt lành. Bạn cũng cần chú ý những cây có sắc đỏ, xanh và vàng tượng trưng cho các mùa xuân – hè. Theo phong thuỷ, đây là những gam màu kích hoạt nguồn khí luân chuyển.
Những điều nên tránh
Ở những nơi hay đi lại và tập hợp nhiều người như hành lang, cầu thang, hàng hiên, lối đi trong vườn bạn nên trồng những cây nhỏ, ít gai nhọn hay cành chĩa thân lá gọn và không vướng víu như: trúc quân tử hay trúc nhật hoặc hoa cây bụi thấp mềm mại. Như thế sẽ không che khuất tầm nhìn và cản trở di chuyển.
Bổ sung dưỡng khí
Các không gian riêng như phòng ngủ, phòng làm việc, phòng trà thiên về tĩnh nên trồng những cây trang trí có tính điểm xuyết nhẹ nhàng như cây bonsai, xương rồng hoặc phát tài.
Cây trong bếp
Với không gian bếp bạn nên trồng những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu và có tác dụng khử mùi, giảm khói như dương xỉ. Phòng ăn nên đặt một số chậu cây có sắc màu vui tươi kích thích tiêu hoá như: tía tô cảnh, đỗ quyên, hoa lá đỏ…
Với các không gian chuyển tiếp trong ngoài như hàng hiên, logia, bậu cửa sổ thì cây trồng lựa chọn dễ hơn do tiếp xúc trực tiếp với nắng gió bên ngoài. Tuy vậy, bạn vẫn cần chú ý đến độ sáng của mặt lá, tầm nhìn và sự tương ứng với các không gian kế cận.
Đừng để cây héo úa
Khi trồng cây trong nhà bạn cần chú ý đến một yếu tố khá quan trọng vì cây cối là thước đo trường khí của từng không gian nhà ở. Vì thế bạn nên lựa chọn phù hợp và chú ý chăm sóc, theo dõi nếu cây bị héo úa hoặc phát triển kém tức là nội khí trong nhà không tốt nên thay đổi chủng loại cây hoặc kiểm tra lại môi trường chung quanh để điều chỉnh cho phù hợp.
Những cơn mưa trút xuống làm giảm đi nỗi lo thiếu nước cho các bồn hoa chậu kiểng trong những ngày khô hạn vừa qua, nhưng vần đề nước cho hoa cảnh lại phải lưu tâm ở khía cạnh khác: sự ngập úng.
Các chậu lan: Nếu trong mùa khô ta có tăng cường gióa thể giữ nước như xơ dừa, dớn mịn… ở trên mặt chậu thì giờ đây ta phải xem lại chất trồng để lấy bớt hay thay đổi chất trồng cho thông thoáng hơn. Đồng thời cũng quan tâm phòng ngừa nấm bệnh sau những cơn mưa đầu mùa.
Chậu kiểng bồn hoa: Sau khi tạnh mưa ta xem xét các chậu kiểng bồn hoa có thông thoáng không hay nước đầy mặt chậu, không rút thoát đi được! nếu thế thì phải làm thông các lỗ ở đáy chậu để nước thoát ra dễ dàng vì đất hay rễ cây đã bít các lỗ này. Bón thêm phân hữu cơ (nhớ chôn, phủ dưới lớp đất chứ không để phơi bày trên mặt chậu). Cắt tỉa các cành lá dư thừa để cây trống thoáng giúp giảm bớt sâu rầy. Thường xuyên thăm cây nhất là khi chúng ra chồi mới, lá non, sâu rầy hay tấn công vào lúc này.
Hydrangea Hortensia Họ : Hydrangeaceae Tên tiếng Việt : Cẩm tú cầu Tên Anh, Pháp : Hortensia Tên Latin : Hortensia Opuloides Thông điệp : Thank you for understanding Ý nghĩa : Sự lạnh lùng, vô cảm (Frigidity, Heartlessness, Carelessness) 1. Cẩm tú cầu xanh- Hydeagea opuloides acuminlata 2. Cẩm tú cầu vàng- Hydeagea opuloides Tricolor 3. Cẩm tú cầu tím- Hydrangea macrophylla 4. Cẩm tú cầu hồng- Hydrangea Opuloides Họ hoa tú cầu, cây hoa đĩa, là những thực vật nước hay đầm lầy. Tên Hydrangea gốc Hy Lạp, có nghĩa là cái chén nước (water- vessel).
Cây Cẩm tú cầu thuộc họ Hydrangea macrophylla Tú cầu – bát tiên (hydrangeaceae) có nguồn gốc bản địa Đông Á (từ Nhật Bản đến Trung Quốc) , Nam Á, Đông Nam Á (Hymalaya, Indonesia) và châu Mỹ. Là cây thân mộc, hoa vô tính, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng, màu hoa phụ thuộc vào độ pH của thổ nhưỡng, ưa bóng râm ẩm thấp. Tất cả bộ phân của cây chứa độc tố có thể gây ngộ độc ở người khi ăn phải.
Ở Việt Nam ta có nhiều trên Đà Lạt. Cây thân thảo bụi, sống lâu năm, lá mọc đối theo từng đốt trên thân, lá to, hoa mọc thành chùm ở đầu cành, thân lá nhẵn, hoa màu hồng, trắng, tím rất đẹp. Cây cho hoa vào mùa xuân hè.
Mỗi một nguyên tố dinh dưỡng có một chức năng rõ ràng và năng biệt, thực hiện sự sinh trưởng và phát tnển của cây trồng. Một sự thiếu hụt hay dư thừa nguyên tố dinh dưỡng là nguyên nhân của sự sinh trưởng không bình thường (Bất thường) của cây trồng. Chức năng chính của mỗi nguyên tố thể hiện dưới đây.
Cacbon (C)
Là phần tử cơ bản cấu tạo carbohydrat, protein, lipit và axlt nucleic.
Tham gia trong thành phần cấu tạo của hầu hết các chất hữu cớ.
Hydro (H)
Vai trò trung tâm của sự chuyển hóa trong cây, quan trọng trong sự cân bằng ion và là tác nhân trong hoạt động trao đổi năng lượng của tế bào.
Nitơ (N)
Là hợp phần quan trọng của chất hữu cơ cấu tạo diệp lục tố, nguyên sinh chất, axit nucleic, protein.
Tăng sinh trưởng và phát triển của các mô sống.
Cải thiện chất lượng của rau ăn lá, cỏ khô làm thức ăn gia súc và protein của hạt ngũ cốc.
Phốt pho (P)
Có vai trò trung tâm trong quá trình trao đổi năng lượng và protein.
Là thành phần của phosphatides, axit nucleic, protein, phospho-lipid, coenzim NAP, NATP,
Là thành phần tất yếu của aminoaxit, ATP.
Cần thiết cho sự phân chia tế bào, là thành phần của nhiễm sắc thể, kích thích rễ phát triển.
Cần thiết cho sự phát triển của mô phân sinh, hạt và phát triển của quả, kích thích ra hoa.
Kali (K)
Giúp tăng khả năng thẩm thấu qua màng tế bào, điều chỉnh PH, lượng nước ở khí khổng.
Hoạt hóa enzim có liên quan đến quang hợp và tổng hợp hydratcarbon.
Giúp vận chuyển hydratcarbon, tổng hợp protein, và duy ra sự ổn định của nó.
Cải thiện khả năng sử dụng ánh sáng thi thời tiết lạnh và mây mù, do vậy nâng cao khả năng chống rét và các điều kiện bất lợi khác của cây.
Làm tăng độ lớn của hạt và cải thiện chất lượng Quả và rau.
Canxi (Ca)
Là thành phần của màng tế bào dưới dạng canxi pectate cần thiết cho sự phân chia tế bào được bình thường.
Giúp cho màng tế bào vững chắc, duy trì cấu trúc nhiễm sắc thể.
Hoạt hóa nhiều enzim (như phospholipase, arginine, triphosphata).
Đóng vai trò như một chất giải độc bằng cách trung hòa axit hữu cơ trong cây.
Magiê (Mg)
Là thành phần cấu tạo của diệp lục tố, có vai trò quan trọng trong quang hợp.
Là hoạt chất của hệ enzim gắn liến với sự chuyển hóa hydratcarbon, và tổng hợp axit nucleic.
Thúc đẩy hấp thụ và vận chuyển lân của cây.
Giúp đường vận chuyển dễ dàng trong cây.
Lưu huỳnh (S)
Là thành phần của các axit min chứa lưu huỳnh cũng như aminoaxit.
Liên quan đến hoạt động trao đổi chất của vitamin, biotin, thiamin và coenzim A.
Giúp cho cấu trúc protein được vững chắc.
Đồng (Cu)
Là thành phần của men cytochrome oxydase và thành phần của nhiều enzim-ascorbic, axit axidase, phenolase, lactase.
Xúc tiến quá trình hình thành vitamina
Kẽm (Zn)
Liên quan đến sự tổng hợp sinh học của axit indolacetic.
Là thành phần thiết yếu của một số men metallo- enzimes-carbonic,anhydrase,anxohol dehydrogenase.
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp axit nucleic và protein.
Tăng cường khả năng sử dụng lân và đạm.
Sắt (Fe)
Cần thiết cho sự tổng hợp và duy trì chất (diệp lục tố trong cây.
Là thành phần chủ yếu của nhiều enzim.
Đóng vai trò chủ yếu trong sự chuyển hóa axit nucleic, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa RNA hoặc diệp lục tố.
Mangan (Ma)
Xúc tác trong một số phản ứng enzim và sinh lý trong cây, là một thành phần của pyruvate carboxylase.
Liên quan đến quá trình hô hấp của cây.
Hoạt hóa các enzim hên quan đến sự chuyển hóa đạm và sự tổng hợp diệp lục tố.
Kiểm soát thế oxyhóa- khử trong tế bào ở các pha sáng và tối.
Bo (B)
Ảnh hưởng đến hoạt động của một số enzim
Có khả năng tạo thức với các hợp chất polyhydroxy khác nhau.
Tăng khả năng thấm ở màng tế bào, làm cho việc vận chuyển hydrat carbon được dễ dàng.
Liên quan đến quá trình tổng hợp liqnin.
Thiết yêu đối với sự phân chia tế bào.
Ảnh hưởng với sự lấy đi và sử dụng Ca của cây trồng, giúp điều chỉnh tỷ lệ K/CA trong cây.
Thiết yếu với sự tổng hợp protein trồng cây.
Molypden (Mo)
Xúc tiến quá trình cố định đạm và sử dụng đạm của cây
Là thành phần của men khử nitrat và men nitrogenase.
Cần thiết cho vi khuẩn (Rhizobium) cố định đạm cộng sinh ở nốt sần cây họ đậu
Clo (Cl)
Là thành phần của axit auxin chloindole-3 acetic mà ở các hạt chưa chín nó chiếm vị trí của axit indole acetic
Thành phần của nhiều hợp chất tìm thấy trong vi khuẩn và nấm
Kích thích sự họat động của một số Enzim và ảnh hưởng đến sự chuyển hóa hydrat Carbon và khả năng giữ nước của mô thực vật.
Nhân giống hoa sen thường dùng phương pháp tách cây nhưng cũng có thể gieo hạt.
Có thể trồng cây hoa sen vào đầm, ruộng, vào chậu hoặc vại.
1. Phương pháp tách cây
Trước hết phải làm công tác chuẩn bị. Nếu trồng hoa sen lớn cần chuẩn bị vại (không đục lỗ) trong vại bỏ đất trồng giàu dinh dưỡng, đổ nước vào làm thành bùn (vớt bỏ vật tạp) và thêm một ít phân gà phân lợn làm phân lót. Thời gian trồng nên vào mùa xuân hè, khi nhiệt độ lên tới 25 0C. Hoa sen ưa mọc nơi đủ ánh sáng, ấm áp. Chậu và vại nên đặt ở nơi hướng đông nam, tránh gió. Ngoài ra, khi đào ngó sen làm giống của cây năm trước, cần đào cây chồi đỉnh có 2 đốt hoàn chỉnh, đem chồi đỉnh đặt nghiêng vào trong bùn, sâu 15-20cm, sau khi trồng 1 tuần không nên đổ nước, để cho ngó sen cố định trong bùn, xúc tiến nảy chồi. Khi mới mọc lá nhỏ, cuống lá dài mềm, lá nổi trên mặt nước. Tùy theo lá nổi và độ dài cuống mà đổ nước. Từ khi trồng đến khi ra hoa mất khoảng 110 ngày.
2: Phương pháp gieo hạt
Nói chung, hạt sen có vỏ rất cứng. Chọn hạt sen có vỏ, dùng mũi dao bóc đỉnh hạt khoảng 2-3mm, làm cho nước có thể ngấm vào, bỏ vào nước ngâm 2-3 ngày, chờ hạt phình lên gieo vào chậu (đất chậu được xử lý giống như phương pháp tách cây). Sau đó bỏ chậu vào vại nước, giữ 3-4cm nước trên mặt chậu. Để 8-10 ngày trong điều kiện nhiệt độ 25-30 0C, sẽ có chồi nhỏ, rồi lớn dần thành lá, đến năm thứ 2 cây sẽ ra hoa.
Sau nhiều năm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ chuyên canh cây hoa cúc ở các vùng như Tây Tựu (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc), tập thể cán bộ khoa học Bộ môn Hoa và Cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả đã hoàn thiện qui trình sản xuất hoa cúc cắt cành (Chrysantheemum sp.) áp dụng công nghệ cao. Mức lợi nhuận đạt 90-120 triệu đồng/ha/vụ so với mức 30-40 triệu đồng như hiện nay. (Một chu kỳ trồng cúc là 4 tháng, 1 năm có thể trồng 2-3 vụ).
Phương thức trồng
Cúc cần được trồng trong nhà có mái che tránh mưa nắng bằng lưới, nhà lưới bán tự động hoặc plastíc; có thể điều chỉnh ánh sáng (bằng cách dùng tay kéo lưới che bớt ánh sáng), điều chỉnh độ ẩm (theo tần suất phun mù và tưới cho cây).
Giống
Sử dụng các giống cúc mới được chọn tạo, nhập nội của Đài loan, Hà Lan, Nhật Bản hợp thị hiếu người tiêu dùng gồm cúc cành (có nhiều bông) và cúc đơn (cây chỉ 1 bông) như: Vàng Đài Loan, vàng hè, HL1, CN42, CN43, CN93, CN98… Với cây con khi đem trồng phải cao 5-6cm, có 6-10 lá (nuôi cấy mô); cây giâm cành phải cao 7-8cm, có 6-8 lá. Cây giống phải đồng đều, không bị nhiễm bệnh và mang đầy đủ đặc trưng của giống.
Chuẩn bị đất trồng
Đất được cày sâu, phơi ải và bừa kỹ, lên luống cao 20-30cm, bón phân lót khoảng 15-20 ngày trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng sẽ làm cho đất thêm thuần thục, cải tạo được kết cấu của đất, giúp cho cây bền lâu, chất lượng hoa tốt hơn.
Thời vụ trồng
Vụ Xuân Hè: Trồng tháng 3,4,5 để có hoa vào tháng 6,7, 8.
Vụ Thu: Trồng tháng 5,6,7 để có hoa bán vào tháng 9, 10, 11.
Vụ Thu Đông: Trồng tháng 8, 9 để có hoa bán vào tháng 12, 1.
Vụ Đông Xuân: Trồng tháng 10, 11 để có hoa bán vào tháng 2, 3.
Mật độ, khoảng cách trồng
Với hoa cúc đơn 1 bông/cây: Vàng Đài Loan, vàng hè, CN42, CN43 nên trồng với khoảng cách 12 x 15cm để có mật độ 400.000 cây/ha; Với hoa cúc cành (nhiều bông/cành) nên trồng với mật độ 15 x 18cm để có mật độ 300.000 cây/ha.
Phân bón
Khối lượng (tính cho 1 sào Bắc bộ 360 m2 ): 1 tấn phân chuồng đã hoai mục, 10 kg urê, 30 kg supe lân, 10 kg Kali clorua, 100kg tấm đậu đã ngâm hoai.
Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 supe lân + 1/3 kali. Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 đợt. Có thể rạch hàng 2 bên hàng cây, giữa 2 hàng cây để rắc phân kết hợp xới xáo và tưới nước hoặc hòa phân bón vào nước rồi tưới cho cây theo rãnh, phun sương…
Chăm sóc
Làm cỏ thường xuyên cho cây. Việc vun xới chỉ nên tiến hành khi cây còn nhỏ, khi cây đã lớn cần hạn chế. Với cúc đơn để 1 bông phải tỉa cành bấm nụ phụ, còn các bông để chùm thì tỉa bớt cành tăm và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều.
Tưới nước
Cần tưới nước đủ ẩm thường xuyên đặc biệt là thời kỳ cây bắt đầu bén rễ cho đến khi ra hoa.
Các biện pháp kỹ thuật đặc biệt khi trồng hoa cúc trái vụ
Xử lý ánh sáng ngày ngắn để thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa và ra hoa bằng cách mỗi ngày che 3-4 giờ vào thời gian từ 16 đến 19 giờ hàng ngày. Thời gian che liên tục trong 15 ngày, cúc sẽ phân hóa mầm hoa và ra hoa theo ý muốn.
Dùng bóng điện loại 100W treo cách ngọn cây hoa cúc khoảng 50-60cm (luôn thay đổi chiều cao dây treo bóng theo độ lớn của cây) với mật độ 1 bóng/10m2. Hàng ngày chiếu sáng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng, chiếu sáng liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ làm cho cây không phân hóa mầm hoa và nở sớm.
Thu hái hoa
Xử lý trước khi thu hái: Trước thu hoạch 7-10 ngày nên tưới dung dịch phân lân và kali ở nồng độ thấp cho cây: 30 kg P205 + 30 kg K20 cho 1ha, đồng thời phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.
Kỹ thuật cắt hoa: Cắt hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Dùng dao, kéo sắc cắt riêng các cành hoa có 2/3 số cánh đã nở cách mặt đất 5-10cm.
Đóng thùng đem đi tiêu thụ: Xử lý hoa trước khi đóng thùng bằng cách nhúng gốc cành vào dung dịch STS (Silver thiosulphate) 1% cho hoa được tươi lâu, bảo quản được trên đường vận chuyển. Xếp các bó hoa vào thùng carton hoặc hộp xốp với kích thước 120 cm x 60 cm x 60 cm. Mỗi thùng xếp 15 bó (1.200 cành)