Chơi hồ thủy sinh

Ngoài việc ngắm các loại cá đẹp, độc đáo, thú của người chơi cá cảnh còn là tự thiết kế một bể thủy sinh. Để tạo ra và duy trì một bể thủy sinh như vậy, công sức, thời gian, tiền bạc bỏ ra là không nhỏ.

Anh Hưng là người chơi cá cảnh có thâm niên ở Hà Nội. Là một cán bộ của ngành hàng không, bận bịu với vô số công việc, anh Hưng chỉ có thể dành thời gian cho hai bể cá của mình vào buổi đêm. Anh tranh thủ cuối giờ chiều đi chọn mua các loại cây mới, lọc các loại gỗ để mang về nhà. Chỉ tới khi cả nhà đã đi ngủ, anh Hưng mới đem các cây gỗ để kỳ cọ và ngâm xuống nước khoảng hai ba ngày mới cho vào bể được.

Chơi hồ thủy sinh

Hiện tại, ở nhà, có hai chiếc bể thủy sinh do chính tay anh thiết kế và chăm sóc. Chiếc bể to được đặt ở phòng khách làm căn phòng thêm lộng lẫy, nhất là vào buổi tối.

Là một tay chơi có nghề, chính tay anh mua kính về, tự ráp thành một bể có chiều dài hơn 2 m, rộng gần 1 m và cao 1 m rưỡi. Anh Hưng cho biết giá thị trường của chiếc bể này khoảng gần 30 triệu. Tuy nhiên, công sức và tâm huyết của anh bỏ vào là vô giá.

Ngoài việc tự tay gắn bể, anh cũng tự mua, tìm tòi các vật liệu bên trong. Vài chục bao sỏi, hàng chục cành cây được lọc ra chỉ để chọn một hai cành ưng ý, khoảng hơn tá loại cây thủy sinh như súng, rong… được anh kết hợp để tạo ra một môi trường mô phỏng tự nhiên trong không gian hạn chế của bể. “Kiến trúc” bên trong cũng được anh Hưng nghiên cứu rất kỹ.

Theo anh Hưng, thiết kế của một bể cá cảnh được chia làm 3 trường phái. Một là theo phong cách Nhật Bản (còn gọi là amano) với các quy tắc khá khắt khe về bố cục. Nguyên liệu chính là đá và cây được sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có thể là hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh sơn thủy hữu tình hay quan niệm nhân sinh của phương Đông huyền bí. Bên cạnh đó là trường phái Hà Lan với cách bố trí theo hướng tự nhiên. Các loại cây được trồng theo lớp và mọc tự do tạo vẻ hoang dại. Cuối cùng là sự kết hợp của hai trường phái này, có thể được gọi là phong cách trung tính.

Để tạo ra một “công trình” cho riêng mình, các nguyên vật liệu thực hiện như đá, sỏi, gỗ, cây có thể mua và chọn lọc, thiết kế nền của bể cũng không quá khó khăn, các loại phân tạo ra môi trường sống cho cây và cá cũng được bán khá rộng rãi. Tuy nhiên, anh Hưng khẳng định cái khó nhất khi chơi bể cá thủy sinh là việc duy trì được nó.

Sau một tháng, bể cá của người mới chơi có thể rất hoàng tráng. Tuy nhiên, sau vài tháng, phong cảnh nhân tạo của bể gặp những vấn đề mà sự khắc phục là rất khó khăn. Sự phát triển tự nhiên của các loại cây khác nhau, sống ở các vùng khác nhau với nhiều điều kiện khí hậu, ánh sáng không như nhau sẽ xung đột. Sự phong phú của các loài tạo ra vẻ đẹp của bể nhưng cũng chính điều đó tạo ra sự mâu thuẫn trong việc duy trì sự bền vững của môi trường sinh thái trong nước.

Anh Hưng tiết lộ sau một thời gian, nước trong bể thường bị bazơ hay axít hóa làm tất cả các sinh vật đều bị ảnh hưởng. Khi đó, anh phải dùng các biện pháp khác nhau để khắc phục. Có thể anh cho thêm vào một số hóa chất chuyên dụng làm trung hòa môi trường nước. Một biện pháp khác là thêm hay bớt một số loại cây trong bể để tạo sự cân bằng trở lại. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về sinh học, hóa học cũng như những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chơi.

Ngoài bể, các phụ kiện còn là dàn đèn cung cấp ánh sáng cho sự quang hợp của cây. Anh Hưng cho biết dù để trong phòng kín, ít ánh sáng mặt trời nhưng cây trong bể vẫn xanh tươi. Để có điều đó, anh phải “tập” cho chúng thói quen quang hợp như trong tự nhiên: bật điện ban ngày và tắt đi vào buổi tối. Sự công phu cũng thể hiện ở việc bật tắt đèn. Trước khi tắt hệ thống đèn của bể, anh Hưng sẽ bật đèn của phòng khách. Sau đó, anh mới ngừng hẳn việc cung cấp ánh sáng cho bể. Nếu không làm thao tác như vậy, cá có thể bơi loạn xạ khiến chúng bị “chấn thương” và phá hỏng cây trong bể.

Ngoài ra, bể cá thủy sinh còn cần trang bị thêm bộ lọc nước và bình cung cấp CO2. Việc tắt bật các thiết bị này cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người chơi. Anh Hưng cho biết nước, màu sắc của cây là các dấu hiệu quan trọng nhất để làm điều này. Thêm nữa, việc thay nước cho bể cũng dựa vào hai tiêu chí này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *