Đánh giá một cây cảnh nghệ thuật như thế nào là đẹp, là giá trị giúp cho người trồng cây biết cây của mình đẹp ở đâu, chưa đẹp ở đâu để tìm cách khắc phục, người thưởng ngoạn có biết được vẻ đẹp của cây cảnh nghệ thuật mới thoả mãn nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ, ban giám khảo có những tiêu chí đánh giá rõ ràng mới có cơ sở khách quan, khoa học, chính xác để phân định các giải thưởng.
Dưới đây là một số những tiêu chí đánh giá cây cảnh nghệ thuật mà trước nay vẫn được áp dụng ở nhiều nơi:
1. Cổ mộc
Tức là cổ thụ, thường là cây lâu năm, đạt đết sự cổ lão. Ta thường gặp 2 trường hợp:
- Cổ lão nhân tạo: Do tác giả dùng các biện pháp kỹ thuật làm cho vỏ thây cây sần sùi, bướu sẹo, hang hốc, phần gỗ bị lũa đi, rêu mốc… Đó là những việc cần làm và nếu khéo léo thì cũng đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Nhưng dễ nhận ra bởi cây không có sự cổ lão đồng bộ mà chỉ cổ lão ở những bộ phận có thể tác động kỹ thuật mà thôi.
- Cổ lão tự nhiên: Do thời gian, cây đạt đến sự cổ lão đồng bộ từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn ngắn lại. Bộ lá cũng tự thu nhỏ lại một cách tự nhiên dù lá tó như lá đa, đề, dù lá nhỏ như tùng la hán… Toàn cây như đanh lại, đầy vẻ phong sương và năm tháng.
Cây cổ lão tự nhiên quý hơn nhiều so với cây cổ lão nhân tạo. Nghệ thuật của thời gian góp phần quan trọng làm nên giá trị của cây cảnh nghệ thuật.
2. Kỳ mộc
Là yêu cầu chung trong cây cảnh nghệ thuật. Có kỳ mới làm cho một cây cảnh nghệ thuật thoát ra khỏi sự chân phương, lành và đơn điệu, mới tạo nên một kỳ mộc. Kỳ là những đường nét vặn xoắn, khoảng gập đột ngột, dị thường… từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến góc, thân, cành của cây.
Kỳ cũng do 2 khả năng:
- Do cây bị tác động bởi các yếu tố thiên nhiên hay môi trường sống khắc khổ mà tạo ra. Người nghệ nhân khai thác được và tận dụng một cách hợp lý, phô diễn được nét kỳ của tự nhiên.
- Do con người tạo ra: từ một cái cây bình thường, hoặc rất khó xử lý, người nghệ nhân có tư duy nghệ thuật nhất định, nắm vững sinh lý của cây, có kỹ thuật vững tay để tạo nên những đường nét kỳ lạ, độc đáo cho rễ, thân, cành và tạo hình tổng thể đặc sắc làm nên vẻ đẹp kỳ thú của cây mà ngay cả biến cố thiên nhiên cũng không tạo ra được. Sự kỳ lạ nhân tạo cũng được đánh giá cao.
3. Mỹ
Là vẻ đẹp tổng thể của cây cảnh nghệ thuật, chính là cái hình hài của toàn cây. Hình phải bắt mắt, nhìn qua đã có cảm tình, gây được ấn tượng, tạo được cảm xúc mạnh cho người thưởng ngoạn. Hình phải tôn được giá trị của cái cổ và cái kỳ. Đã có cổ và kỳ nhưng tạo hình tổng thể yếu thì giá trị của cây cảnh nghệ thuật cũng giảm đi.
Chúng tôi nghĩ rằng 3 tiêu chí cơ bản là đủ để đánh giá một cây cảnh nghệ thuật đẹp như thế nào. Song cũng có tài liệu nói đến tiêu chí “Văn” tức là chủ đề, ý cảnh hay tên của tác phẩm. Nếu cây có giá trị nghệ thuật cao lại có chủ đề hay thì tốt. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nên là chủ đề “mở” để người thưởng ngoạn khi xem cây sẽ suy tưởng, liên tưởng rồi tự đặt ra chủ đề cho hợp cảnh, hợp tình thì cái hay (cái văn) sẽ đa dạng và phong phú hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng 3 tiêu chí cơ bản là đủ để đánh giá một cây cảnh nghệ thuật đẹp như thế nào. Song cũng có tài liệu nói đến tiêu chí “Văn” tức là chủ đề, ý cảnh hay tên của tác phẩm. Nếu cây có giá trị nghệ thuật cao lại có chủ đề hay thì tốt. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nên là chủ đề “mở” để người thưởng ngoạn khi xem cây sẽ suy tưởng, liên tưởng rồi tự đặt ra chủ đề cho hợp cảnh, hợp tình thì cái hay (cái văn) sẽ đa dạng và phong phú hơn.
Trong thực tế, nhất là các ban giám khảo lại thường tiến hành theo quy trình ngược lại:
- Nhìn tổng thể xem hình cây có đẹp không.
- Sau đó mới đi vào các chi tiết có kỳ lạ và cổ thụ hay không.
Nếu cây đạt được 3 tiêu chí (cổ, kỳ, mỹ) thì chắc chắn là 1 cây cảnh nghệ thuật đẹp. Việc phân định, xếp loại giải thưởng chắc sẽ dễ thống nhất hơn. Cần vượt qua cách đánh giá theo niêm luật cũ mang nặng tính sao chép.