Lan nếu được nuôi dưỡng đúng cách, cây sẽ khỏe mạnh, đâm chồi nẩy nụ và hoa sẽ tươi đẹp bền bỉ. Nếu không cây sẽ yếu ớt, không ra hoa lại hay bị nhiễm bệnh và chết.
Nguyên nhân làm cho lan không được khỏe mạnh liên quan đến nhiều vấn đề khá quan trọng như: nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ, tưới nước, phân bón v.v… nhưng 80% là tưới quá thường xuyên. Nên nhớ lan cần ẩm độ cao nhưng không cần tưới quá nhiều nước.
- Nóng quá cây sẽ bị còi cọc, lá vàng vọt không lớn được, hoa chóng tàn.
- Lạnh quá nhựa cây không lưu chuyển được, cây yếu dần và dễ bị bệnh.
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột nụ hoa sẽ thui chột và bị rụng
- Nắng quá cây sẽ làm cháy lá, úa vàng cằn cỗi.
- Thiếu ánh sáng cây èo uột, lá mềm và rũ xuống.
- Ẩm độ quá thấp củ bẹ nhăn nheo, teo tóp lại.
- Ẩm độ quá cao, cây dễ bị nhiễm bệnh.
- Thiếu nước cây bị khô cằn, lá bị nhăn nhúm chun xếp lại.
- Quá nhiều nước cây sẽ bị thối củ, thối rễ
- Bón quá nhiều cây sẽ bị còi cọc vì muối đọng trong chậu làm cháy rễ, đầu lá bị cháy.
- Thiếu phân bón thường có những hiện tượng sau:
- Thiếu chất đạm (nitrogen) cây không lớn, lá từ từ lá vàng úa, lá già trước lá non sau
- Thừa chất đạm lá xanh mướt, dài và mềm
- Thiếu chất lân (phosphorous) lá ngắn và nhỏ
- Thừa chất lân cây thấp, lá ít và dầy, ra hoa sớm, dò hoa thấp ngắn.
- Thiếu chất cali (potassium) cây bị mềm yếu, lá bị xoăn lại và không ra hoa
- Thừa cali thân cây và lá bị nhỏ đi, cây không lớn được.
Kinh nghiệm cho biết lan cần rất ít phân bón vì vậy chỉ nên bón thật loãng và thưa, ngoại trừ Vanda, Dendrobium và Cymbidium. Những giống nguyên thủy (species) không ưa nhiều phân bón.
Những khiếm khuyết kể trên làm cho cây yếu ớt nên dễ bị bệnh. Thông thường do những vết trầy, cắt hay gẫy, khi bị quá ẩm ướt vào mùa mưa lạnh lại bị thiếu nắng, không thoáng gió thêm vào quá nhiều phân bón.