Ý chính trong bài
Những chứng bệnh của hoa lan được xếp vào 4 nhóm như sau:
- Nhiễm trùng(Bacterial diseases)
- Bệnh nấm (Fungal diseases)
- Nhiễm vi khuẩn (viral diseases)
- Sâu bọ
Nhiễm trùng – Đốm và thối (Bacterial spot/Rot)
Bệnh nay do vi trùng Pseudomonas và Erwirnia làm cho chết cây và lan sang các cây khác mau lẹ.
Dấu hiệu:
Lá hay cuống lá có đốm hay vệt mầu nâu hay đen hay phỏng nước từ từ loang to. Hoa có đốm mầu hồng hay nâu nhạt .Rễ bị nhũn ra và ngửi có mùi hôi.
Cách ngăn ngừa và chữa trị:
- Hãy cắt bỏ hết những chỗ bị thối và cắt sâu thêm ít nhất là 2 phân vào phần còn khỏe mạnh.
- Dao kéo cắt cây phải đốt qua lửa để diệt trùng.
- Rắc bột diêm sinh vào chỗ cắt để khử trùng, khử nấm.
- Nếu gốc cây hoặc rễ bị thối nên thay chậu bằng chậu sạch và vỏ cây mới.
- Để xa những cây lành mạnh
- Tăng cường sự thoáng gió
- Giảm độ ẩm
- Bớt tưới nước và tránh làm ướt lá.
Bệnh nấm (Fungal diseases)
- Nấm thối đen (Black rot: Phythopthora) thường xảy ra cho lan Cattleya và nhiều loại khác.
Dấu hiệu: mầm non bị thối đen từ gốc lan lên trên và có những chấm mốc trắng bên ngoài. Bệnh này lan ra nhanh chóng từ cây nhỏ đến cây lớn. Thông thường cây sẽ chết, mặc dầu đã cắt bỏ và chữa trị như trên.- Thân cây bị thối hoặc chết khô (Black leg/ Dry rot) thường xảy ra cho các lọai Vanda và Dendrobium do nấm Fusarium và Rhizoctonia. Nguyên nhân nước đọng quá nhiều trong chậu và nhiễm bệnh.
Dấu hiệu: thân cây bị mềm hoặc khô lại, rụng lá dần dần từ gốc đến ngọn. Chữa trị như trên. - Lá có đốm hay chấm nâu đen hay loang lổ (spot, dot, blotch), hơi sần sùi xảy ra cho Cattleya, Dendrobium, Oncidium, Vanda v.v… do các thứ nấm Cercospora, Colletotrichum, Septoria, Phyllosticta gây ra làm cho lá rụng sớm hơn và làm cho cây cũng như hoa không được tươi tốt và mau tàn.
Cách chữa trị như trên và phải phun thuốc trừ nấm như Physan, Benomyl, Daconil v.v…, nhưng những chấm này để lại các vết sẹo trên lá không sao hết được ngoại trừ cắt bỏ.
Lan bị nhiễm vi khuẩn, có nhiều thứ rất khó lòng nhận diện, bởi vì vi khuẩn rất nhỏ, dấu hiệu thay đổi và nhiều khi lại giống như các bệnh nhiễm trùng hay nấm. Chỉ có thí nghiệm mới biết chắc chắn. Có một điều nên biết là những cây bị nhiễm trùng hay nấm nếu đã được chữa trị, sẽ không có dấu vết trên các cây con, còn vi khuẩn sẽ lây lan sang các cây con và không có cách gì chữa trị được đành phải vất bỏ, bời vì cây quặt quẹo, yếu đuối, hoa bị lệch lạc, cong queo, có nhửng tì vết và chóng tàn.
Nhưng cũng có 2 thứ vi khuẩn thông thường nhất rất dễ nhận diện đó là: Cymbidium mosaic virus và Odontoglossum Ring spot virus thường lan truyền sang cây khác bởi việc cắt xẻ cây bằng dao kéo không được khử trùng, nước tưới bắn sang cây bên cạnh hoặc côn trùng hút nhựa rồi mang bệnh từ cây này sang cây khác.
Sâu bọ
- Rệp xanh hay đen (aphid) thường bám vào nụ hoa hay cây non. Rệp không những hút hết nhựa cây mà còn truyền bệnh nữa. Xit bằng nước hay cồn 75% hay dùng cây tăm nhúng vào cồn lấy ra. Phải coi chừng khỏang 5-7 ngày sau trứng sẽ nở và phải diệt lại.
- Rệp trắng (false spider mites) rất nhỏ nhưng người tinh mắt có thể nhìn thấy đuơc. Rệp hút nhựa cây, nếu không trị ngay, cây sẽ chết và lan rộng mau lẹ nhất là khi nhiệt độ lên cao và ẩm độ lại quá thấp. Rệp trắng hay để lại những chấm vàng nhỏ trên mặt lá Paphiopedilum hay Phalaenopsis . Dùng xà phòng loại sát trùng (insecticidal soap) Mathalion hay pha 1 thía cà phê xà phòng rửa chén với 1 thìa cà phê dầu ăn loại thực vật, 250 ml cồn và 250 ml nuớc cho vào bình xit, lắc cho thật đều rồi xịt 3 lần, cách nhau một tuần lễ.
- Rệp đỏ (Red Spider mites) cũng rất nhỏ để lại những chấm mầu bạc ở mặt dưới lá Cymbidium hay Dendrobium. Diệt trừ như trên.
- Rệp bông (mealy bugs) có thể nhìn thấy dễ dàng, thường để lại dấu vết như bông gòn ở cuống hoa, gốc cây. Diệt trừ như trên.
- Rệp vẩy (scales) có 2 loại: vỏ cứng mầu nâu và gồ cao lên rất dễ nhận ở trên mặt, phía dưới lá hay thân cây. Loại thứ hai rệp sáp mầu trắng hay nâu nhạt, mềm và nhỏ còn có tên Boisduval scales. thường ở dưới lá, cuống hoa và tệ hại nhất là chui vào những ngóc ngách cúa cuống lá, bẹ hoa khó lòng diệt trừ. Loại vỏ cứng chỉ cần lấy ra còn loại mềm phai dùng thuốc diệt trùng loại ngấm vào cây (systemic insectiside) hay dung dịch kể trên phun nhiều lần mới hết.
- Ruồi trắng (white fly) thường hay bám ở mặt dưới lá đẻ trứng và sinh sàn mau lẹ. Mới đầu chỉ là nhửng vòng trắng nho nhỏ sau đó thành bầy và lan ra các cây khác. Cách diệt trừ như trên.
- Kiến tưởng như vô hại nhưng thực ra mang rệp và đủ chứng bệnh cho lan cần phải tuyệt diệt bằng Malathion hay Diazinon hay rắc Diazinon hạt trên mặt chậu rời tuới nước cho ngấm xuống.
- Ốc sên và sên không vỏ (Snails, Slugs). Hai thứ này rất tai hại, không những ăn hoa, nụ còn ăn cả lá hoặc cây non, nhất là loại không vỏ thường trú ấn trong chậu cây. Chúng thường để lại những vết nhớt nên rất dễ nhận ra .Dièt trừ bắng các loại thuốc diệt sên có chất metaldehyde như Correy’s chẳng hạn. Có thể rắc muối dưới đất, nhưng đừng rắc vào trong chậu.Ngoài ra có thể soi đèn vào buổi tối, hay đổ rượu bia vào chiếc đĩa để bắt sên.
3 Công thức cần nhớ
Diệt trừ sâu bọ
- 1 chai cồn rubbing alcohol 70% 16 Oz
- 1 chai 16 0z nước lã
- 1 thìa súp xà bông rửa chén
- 1 thìa súp dầu ăn
- 1 ly cà phê đen
Cho vào bình phun (Sprayer) lắc cho thật kỹ. Mỗi khi phun phải lắc cho đều. Tránh phun vào cây để ở chỗ nắng. Phun 4 lần, mỗi lần cách nhau một tuần lễ.
Cây nhập cảng trơ rễ (bare root)
- 1 thìa súp đường
- 1 thìa cà phê phân bón 30/10/10
- 10 giọt superthrive hay 1viên thuốc ngừa thai
- 2 gallon nước
Khuấy cho đều, ngâm cây trong 4 giờ, lấy ra để cho ráo nước. Ngâm 4 giờ nữa rồi để khô qua đêm. Ngày hôm sau tái tục, cây sẽ không bị khô kiệt (dehydrated) Dùng nước này nhưng không có đuờng ngâm vỏ cây tối thiểu 24 giờ rồi mới trồng.
Diệt trừ kiến và rệp
- 1 cup 250ml dung dịch 409 hay Fantastik
- 1 cup isopropyl rubbing alcohol 75%
- 2 cup nước cho vào bình xit, lắc cho đều trước khi phun.
hoặc
Dr. Bronner’s Peppermint Soap mua ở Health Food Store
Pha 1 thìa cà phê với 1 lit nước, lắc cho kỹ trước khi phun
Cách ngăn ngừa
Tất cả những chứng bệnh kể trên có thể ngăn ngừa được tới 90% nếu chúng ta:
- Mua những cây khỏe mạnh không tì vết.
- Nuôi cây đúng cách từ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tưới nước và thoáng khí.
- Để cây xa nhau.
- Giữ dao, kéo cho thật sạch
- Diệt côn trùng
- Quan sát thường xuyên và chữa trị kịp thời.
Tuy vậy khi thấy lá cây vàng úa và rụng toàn bộ chớ vội kết luận là lan bị bệnh, bởi vì có nhiều cây đến mùa thu là vào chu kỳ rụng lá để sang năm lên chồi mới như cây Bletia, Calanthe, Stenoglotis và nhiều giống Dendrobium chỉ ra hoa trên cành đã khô trụi lá. Những đốm hay chấm trên lá cũng không hoàn toàn là do nấm, bị nhiễm trùng hay virus mà chỉ là đặc điểm của cây lan bởi vì có những cây nhiều năm mới rụng lá. Những lá già phần đông đều có dấu hiệu trông chẳng khác gì bị bệnh. Nhiều cây lan khác thiếu chất lục diệp tố (chlorophyll) cũng có hiện tương như vậy. Cây lan Phaius maculata hình bên cạnh là một thí dụ diển hình.
Trên đây chỉ là một vài điều căn bản, muốn thấu hiểu chi tiết hơn xin tham khảo cuốn Orchid Pests and Diseases do Hội hoa lan Hoa Kỳ và Home Orchid Growing của Rebeca Tyson Northen hay những tài liệu khác.
Placentia 5/2006
Bùi Xuân Đáng