Hoa thủy tiên nở trong ngày Tết

Xưa kia thời Pháp thuộc, người Hà Nội chơi Thủy tiên thường tới phố Lãn Ông và phố Thuốc Bắc để mua lại của người Hoa kiều, hoặc dân buôn từ biên giới Trung Quốc về. 

hoa thủy tiên
hoa thủy tiên

Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, thường là trước Tết từ một tháng đến 15 ngày, người ta mua về rồi ngâm vào nước lã (nước mưa là tốt nhất), từ một đến hai ngày rồi làm vệ sinh, rửa sạch, bóc các vỏ xây xát, cắt bỏ rễ thối… Hằng ngày thay nước trong sạch, rồi tùy thuộc vào sự nảy mầm mà cắt gọt củ để phát nụ. Cắt gọt và hãm nụ sao cho hoa nở theo ý định của mình. Ðó là việc làm tài nghệ của người chơi hoa Thủy tiên.

Xưa kia trong cung đình và ở hội chợ đã có những cuộc thi hoa Thủy tiên. Hội thi hoa Thủy tiên xưa được tổ chức long trọng. Giải thưởng được đặt lên nhang án sơn son thếp vàng gồm có vật phẩm và tiền bạc. Tùy theo từng vùng và từng năm để định giải, thường là có trà mạn, thuốc lá thơm, đôi cốc pha-lê làm bình đựng thủy tiên, v.v. Nhưng bấy giờ đặc biệt phải có bánh pháo.

Người được giải được rước kiệu hoặc xe tay kéo có gọng nạm đồng hoặc bịt bạc. Khi về tới địa phương được người có chức sắc cao nhất và các cụ tiên chỉ mặc áo tụng xanh ra đón. Có cờ hội và cờ đại bái cắm song hàng. Pháo nổ giòn giã liên hồi, làng xóm, bạn bè hân hoan chúc tụng…

Khi còn sinh thời, bác Lộc người phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng đã bỏ ra một chỉ vàng để mua cả hòm Thủy tiên từ Phúc Kiến gửi về để chơi và tặng bạn. Bác Lộc cầu kỳ đến mức sau khi tìm được cụ Tiên đã ngoài 80 tuổi để nhờ cụ gọt Thủy tiên, lại đi tìm người chơi cây sành và là nhà báo đưa đến tận nhà cụ Tiên để cụ phổ biến, dạy bảo cho cách chơi, cách gọt. Hằng ngày thay nước cho Thủy tiên, tối đưa ra sân, ngày lại đưa vào nhà, bác Lộc say sưa bưng bình thủy tiên như ôm vào lòng mình một vật báu mà tiền bạc bao nhiêu cũng không mua nổi.

Muốn bảo đảm cho Thủy tiên nở hoa vào Tết Nguyên đán, trước Tết khoảng hai tuần  mới ngâm củ vào nước, làm vệ sinh như đã nói ở phần đầu.  Hằng ngày thay nước trong mát cho đến khi mầm nảy, dùng dao gọt, tốt nhất bộ đồ làm bằng tre cật vót mỏng sắc, hoặc lưỡi dao sáng không gỉ để tránh gỉ sắt làm thối vỏ.

Khi mầm vươn dài khoảng 5 cm, ta có thể dùng giấy mỏng (thay cho dây buộc để tránh xước) ghì nhẹ cho mầm mọc theo hướng mình định. Trong quá trình gọt và tạo dáng của mầm, tuyệt đối không gọt và đụng chạm vào cọng hoa. Ðiều cần biết, mỗi một mầm là một giò hoa sẽ nảy từ trong kẽ lá ra nên phải theo dõi quan sát kỹ.

Nếu do thời tiết rét quá hoa chậm nở, có thể dùng nước ấm đổ vào, hoặc để trong phòng kín có nhiệt độ dưới 20oC để kích thích cho hoa nở mau hơn. Trường hợp thời tiết nồm nóng, dùng giấy mỏng bọc nụ hoa rồi lấy lòng trắng trứng gà quết trên mặt củ để hãm cho tốc độ hoa nở chậm lại. Không nên bọc quá chặt nụ sẽ làm chi nụ bị thui chột. Nếu củ Thủy tiên nào nảy nhiều nhánh cần tách bẻ bớt đi cho đỡ rối rắm, rườm rà. Chỉ nên để một ngọn giữa, hai nhánh trên nhỏ làm hai tay, hai nhánh dưới to làm hai chân, phần dưới ở giữa là bộ rễ. Rễ càng dài càng đẹp, hai nhánh dưới càng mập càng vui mắt.

Chọn bình đứng, phải là thủy tinh pha-lê mới đẹp. Dáng của bình phải có chân như chân cô tây uống rượu. Ðộ sâu khoảng 12 cm là vừa phải, sâu hơn phải kê nhiều sẽ bị xấu. Nơi để bình Thủy tiên, không nên để giữa bàn thờ mà phải để hơi chếch một bên để khỏi phạm húy. Nếu có sập gụ, tủ chè hoặc một chiếc bàn cuốn hay hỷ khảo bằng gỗ gụ, để bình Thủy tiên vào những vị trí ấy càng làm tăng vẻ đẹp và giá trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *