Đó là thông tin mới nhất được công bố ngày 22-11, dựa trên kết quả “điều tra dân số” sinh vật biển trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, có 17.650 loài được tìm thấy sống dưới biển sâu 200 m – nơi ánh sáng mặt trời không thể xuyên đến.
Theo Robert S. Carney, nhà hải dương học tại ĐH bang Louisiana (Mỹ), nhóm nghiên cứu của ông đã tìm thấy khoảng 5.600 loài mới dưới đáy biển và hi vọng sẽ tìm thấy hàng ngàn loài nữa khi cuộc “điều tra dân số” kết thúc (tháng 10-2010).
Trong số các sinh vật biển mới được phát hiện, có hơn 40 loài san hô; gần 500 loài từ đơn bào cho tới loài mực lớn… Riêng ở giữa Đại Tây Dương, nhóm nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 1.000 loài, trong đó có 40 loài mới.
“Thật ngạc nhiên khi ở giữa đại dương này lại có một cộng đồng phong phú như thế sinh sống”, nhà hải dương học Odd Aksel Bergstad thuộc ĐH Bergen (Na Uy) nói. “Rõ ràng tầm hiểu biết của chúng ta về đa dạng sinh học dưới biển còn rất hạn chế”.
Nhóm nghiên cứu cho biết có thể có đến 1 triệu, thậm chí nhiều hơn, loài sống dưới biển chưa được con người biết tới – một con số không hề nhỏ so với 1,5 triệu loài động vật và thực vật mà các nhà sinh vật học liệt kê được trên mặt đất.
Được biết hơn 2.000 nhà khoa học đến từ 80 quốc gia đang tham gia thống kê các loài sinh vật biển.