Hiện giới chơi cá cảnh và ngư dân “xôn xao” về việc cá hồng vện (còn gọi là cá thái hổ) có giá “trên trời” nhưng “có tiền chưa chắc đã mua được”. Có người cho biết, mỗi con cá hồng vện “đủ chuẩn”, bề ngang to cỡ 3 ngón tay người lớn, sọc hai bên thân cá đều nhau có khi có giá “vài ngàn đô”. Giới săn cá quý ở Sài Gòn, thậm chí ở ngoài Bắc thỉnh thoảng lại lên Tây Ninh tìm mua cá hồng vện nhưng hầu hết đều thất vọng ra về, bởi sông Vàm đã “tuyệt chủng” giống cá này từ 5 năm nay. Trước đó, Tây Ninh là nơi xuất khẩu cá hồng vện đi nhiều nước.
Chúng tôi về xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu tìm ông Tư Mạnh. Ông là nhân vật trong bài viết “Cá hường trở lại sông Vàm” đúng một năm về trước. Ông Tư Mạnh may mắn sở hữu khoảng 700 con cá hồng vện. Do loài cá này rất quý và cực hiếm nên việc sở hữu cả ngàn con cá hồng vện cũng có nghĩa là sở hữu cả một gia tài khổng lồ. Tuy nhiên, số cá trên không được tìm thấy ở sông Vàm Cỏ, mà ông Tư Mạnh phải cất công sang Campuchia mua đem về từ khi chúng còn “bé hơn đầu sợi tóc”.
Ông Tư Mạnh cho biết, sau khi mua về 700 con cá bột (cá con mới nở, rất nhỏ), ông ươm nuôi sống được hơn 600 con. Hiện ở Tây Ninh, ông là một trong hai người sở hữu được số lượng lớn cá hồng vện. Đến cuối năm 2010, ông đã lựa một số con đủ kích cỡ và thông báo cho công ty cá cảnh ở TP.HCM đến mua. Đợt đầu tiên, ông Mạnh bán không đến 10 con cá hồng vện nhưng thu được… 14.000 USD.
Từ đầu năm đến nay, ông Mạnh cũng đã xuất bán dần dần được khoảng 400 con với giá bình quân từ 9 đến trên 10 triệu đồng/con. Ông Tư Mạnh nói: “Cá đẹp có giá trên 1.000 USD là bình thường. Tuy nhiên, cá hồng vện có nhiều loại và người mua cá xuất khẩu cũng có một số tiêu chuẩn riêng nên không phải con nào cũng có giá như nhau. Có điều, nếu sông Vàm Cỏ Đông xứ mình còn giống cá này, mấy năm nay sẽ có thêm nhiều ngư dân thoát nghèo, đổi đời. Tiếc quá!”.