Nền bể
Dù bằng cát hay sỏi, đen hay trắng, mỗi người có thể thiết kế theo ý mình. Tép kiểng không “quan tâm” đến nhiều lắm. Tuy nhiên cần chú ý không dùng nền đá sỏi quá lớn, thức ăn thừa có thể lọt xuống bên dưới, hư thối làm ô nhiễm nước.
Thêm một điểm nhỏ: trước khi chọn nền cho bể, cần biết sẽ nuôi loại tép kiểng nào để chọn màu. Tép kiểng đỏ trên nền sáng thường không nổi bằng nền có màu sẫm hơn.
Gỗ lũa
Nếu có thể, bố trí vài khúc gỗ lũa cho bể. Không phải là bắt buộc nhưng tép kiểng rất thích trèo lên lũa tìm tòi thức ăn bám lên. Cũng cần chú ý không dùng gỗ lũa chất lượng xấu, còn thải ra nhiều tạp chất, sẽ ảnh hưởng đến tép kiểng.
Cây thủy sinh
Cũng có thể chọn theo ý thích. Đặc biệt nên bố trí những góc trồng Moos bám trên lũa (Javamoos, Vesicularia dubyana, Pellia, Monosolenium tenerum), đây là những nơi rút vào cho tép kiểng khi thay vỏ và là nơi sống, tìm thức ăn an toàn cho tép kiểng con.
Trong bể quá ít cây, đôi khi tép kiểng không tìm được nơi trú ẩn cho quá trình thay vỏ. Trong trường hợp xấu, chúng sẽ bị chính đồng loại tấn công do vỏ còn mềm, tép kiểng còn yếu. Đó cũng là lý do khi tép kiểng rút lui lên tầng trên của bể, bám bất động ở điểm nào đó vì không tìm được nơi trú ẩn trong quá trình thay vỏ.