Thức ăn, dinh dưỡng cho tép kiểng

Ngay cả khi tép có tiếng là ăn rêu, chúng không là loài chỉ ăn thực vật. Từ ăn tạp có lẽ thích hợp hơn và như vậy, tất cả thức ăn cả động vật và thực vật chúng đều ăn. Nhưng phải tránh nguồn Protein động vật với số lượng lớn, nên hạn chế. Kết quả những nghiên cứu cho thấy, quá trình lột vỏ tăng cao và chúng chết rất nhanh. 

Trong bể nuôi chung với nhiều cá thực ra không cần cho chúng ăn, thức ăn thừa của cá rơi xuống luôn đủ cho chúng. Thực đơn của tép có thể là viên khô, thức ăn công nghiệp, đồ sống hoặc đông lạnh, Spinat, dưa leo, đậu Hà Lan… luôn được chúng đón chào nồng nhiệt. Người viết đã thu được kết quả tốt khi sử dụng viên thức ăn chứa lượng Spirulina cao.

thức ăn tép cảnh
Thức ăn tép cảnh rất đa dạng, bất kỳ loại thức ăn nào chúng cũng có thể “gặm”

Lượng thức ăn cần được tiêu thụ hết trong một giờ. Phần còn thừa hút, đưa ra ngoài, vì làm ô nhiễm nước nếu để lâu.

Ngoài bữa chính, tép còn nhặt nhạnh rêu, vi sinh vật quanh bể nên trong những bể đã ổn định nếu không cho chúng ăn vài ngày cũng không có chú nào chết đói cả.

Trong vài trường hợp có thể tép nảy ra ý định ngông cuồng gặm cả Moos mềm như Riccia,Pellia, nhưng chỉ xẩy ra ở những bể lớn nhân giống tép với số lượng lớn. Bình thường chúng ta không cần lo lắng đến cây trồng, chúng chỉ gặm đi những phần đã hư hỏng trên cây.

Để thực đơn cho tép thêm phần phong phú, chúng ta có thể trong khi đi dạo nhặt ít lá khô, rửa sạch nhúng qua nước sôi rồi cho vào bể. Các bạn sẽ thấy tép đổ xô đến tìm tòi thức ăn trên lá, và qua thời gian lá sẽ được gặm bớt đến khi chỉ còn lại cuống. Lá khô có tác dụng tốt làm ổn định quá trình lột vỏ của tép, nhả acidhumin giảm pH, chống nấm, mầm bệnh trong bể và là sân chơi ưa thích của tép.

Bể nuôi tép kiểng

Nền bể

Dù bằng cát hay sỏi, đen hay trắng, mỗi người có thể thiết kế theo ý mình. Tép kiểng không “quan tâm” đến nhiều lắm. Tuy nhiên cần chú ý không dùng nền đá sỏi quá lớn, thức ăn thừa có thể lọt xuống bên dưới, hư thối làm ô nhiễm nước.

Thêm một điểm nhỏ: trước khi chọn nền cho bể, cần biết sẽ nuôi loại tép kiểng nào để chọn màu. Tép kiểng đỏ trên nền sáng thường không nổi bằng nền có màu sẫm hơn.

bể nuôi tép kiểng
Bể nuôi tép kiểng

Gỗ lũa

Nếu có thể, bố trí vài khúc gỗ lũa cho bể. Không phải là bắt buộc nhưng tép kiểng rất thích trèo lên lũa tìm tòi thức ăn bám lên. Cũng cần chú ý không dùng gỗ lũa chất lượng xấu, còn thải ra nhiều tạp chất, sẽ ảnh hưởng đến tép kiểng.

Cây thủy sinh

Cũng có thể chọn theo ý thích. Đặc biệt nên bố trí những góc trồng Moos bám trên lũa (Javamoos, Vesicularia dubyana, Pellia, Monosolenium tenerum), đây là những nơi rút vào cho tép kiểng khi thay vỏ và là nơi sống, tìm thức ăn an toàn cho tép kiểng con.

Trong bể quá ít cây, đôi khi tép kiểng không tìm được nơi trú ẩn cho quá trình thay vỏ. Trong trường hợp xấu, chúng sẽ bị chính đồng loại tấn công do vỏ còn mềm, tép kiểng còn yếu. Đó cũng là lý do khi tép kiểng rút lui lên tầng trên của bể, bám bất động ở điểm nào đó vì không tìm được nơi trú ẩn trong quá trình thay vỏ.

Kinh nghiệm nuôi tép ong sinh sản

kinh nghiệm nuôi tép ong sinh sản

Tôi bắt đầu nuôi tép ong đỏ khoảng 1 năm trước đây. Khởi đầu bằng 1 vài cặp loại thường, mua của một người Mỹ và nuôi chúng trong 1 cái hồ 20 lít. Chúng có vẻ khỏe mạnh nhưng không thấy có tép con mặc dù có 1 vài con tép mái mang trứng trong thời gian ngắn. Sau đó tôi chuyển chúng sang 1 cái hồ khoảng 80 lít, trồng cây thủy sinh có dùng Co2, chúng bắt đầu sinh sản và thấy tép con xuất hiện mỗi lứa vài con… Vài tháng sau, tôi nhập từ Singapore 35 con ong đỏ hạng đặc biệt và thả chúng vào hồ tép mà tôi nói ở trên. Thêm vài tháng trôi qua, tép mái bắt đầu mang trứng và tôi mừng rỡ khi thấy tép con xuất hiện.

téo ong đỏ
Tép ong sinh sản

Trước đó tôi cũng có khá nhiều kinh nghiệm nuôi tép red cherry mà tôi áp dụng phần lớn vào việc nuôi ong đỏ. Tuy nhiên trong quá trình nuôi tôi học được một số điều mà tôi nghĩ nó có ích cho những người đang muốn nuôi thử loài ong đỏ. Tép ong đỏ thật là quyến rũ và dễ nuôi nhưng cần chú ý 1 vài điểm khác biệt với tép cherry.

Sau đây là những điều tôi đã rút ra từ bản thân về kinh nghiệm nuôi tép ong sinh sản và tôi thường tư vấn những người muốn thử nuôi thử:

  1. Kích thước hồ ít nhất là 90L, rất hiếm khi cho tép đẻ thành công trong hồ nhỏ hơn.
  2. Nhiệt độ từ 21.5 tới 24 độ C, một số người nuôi ong đỏ chung với cherry ở nhiệt độ trên 25 cũng không sao nhưng ở nhiệt độ mát tép ong đạt màu chuẩn và có xu hướng sinh sản dễ dàng hơn. Tôi nhận ra điều này sau nhiều lần nuôi 1 đàn tép có nhiều con mái mang trứng ở nhiệt độ 26, kết quả là rất ít tép con xuất hiện.
  3. Nước có độ cứng vừa phải có vẻ rất phù hợp cho tép sinh sản và lên màu chuẩn.
  4. Một điều rất quan trọng là nên trồng cây thủy sinh nhằm ổn định chất lượng nước và tạo môi trường tự nhiên cho tép.
  5. Máy lọc đi kèm miếng mút chặn đầu hút để không gây nguy hiểm cho tép con.
  6. PH ở 7.4 là lý tưởng với tôi nhưng tôi cũng biết 1 số người nuôi tép đẻ thành công với môi trường axit. Tôi đảm bảo rằng tép sẽ không bao giờ sống tốt trong môi trường kiềm.
  7. Hãy thay nước đều đặn! Ong đỏ rất dễ bị ngộ độc nitrate, chúng yêu cầu nước chất lượng cao để sống khỏe và thay vỏ. Thay 30% nước mỗi tuần. Tôi dùng nước thẳng từ vòi (độ cứng vừa phải, PH 7.6) và dùng thuốc khử Clo (Amquel+ và Novaqua).
  8. Tôi sử dụng hệ thống Co2 với liều lượng nhẹ để giữ cho cây khỏe và nó cũng giúp ổn định PH nữa. Thực ra Co2 không cần thiết trong việc nuôi tép ong đẻ và khá nguy hiểm cho tép khi ta không chú ý tới liều lượng.
  9. Tôi sử dụng hệ thống chiếu sáng quang phổ đầy đủ với 10 tiếng 1 ngày có hẹn giờ.
  10. Tôi không bao giờ dùng bất cứ loại hóa chất hỗ trợ nào vì tép đã nhận đầy đủ chất từ chế độ ăn riêng biệt.
  11. Tôi cho tép ăn HBH Vegetable Wafers và HBC Crab & Lobster Bites. Mọi loại thức ăn dành cho loài giáp xác đều chấp nhận được khi và chỉ khi trong thành phần không chứa nhiều hàm lượng đồng (hãy đọc kĩ nhãn mác). Thỉnh thoảng tôi cho chúng ăn rau xanh luộc (bí hoặc xà lách bina). Tôi cho ăn ngày 1 lần với liều lượng rất nhỏ.

Tóm lại bạn có thể nuôi ong đỏ trong điều kiện giống như các loài tép nước ngọt khác. Tuy nhiên chìa khóa thành công để cho sinh sản lại phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ và chất lượng nước.

Thể tích bể nuôi tép kiểng

Thể tích cần của bể nuôi tép chỉ đóng vai trò thứ yếu. Ngay cả với bể 12l người ta có thể nuôi được tốt một bầy tép nhỏ.

thể tích nuôi đép cảnh
Thể tích nuôi tép cảnh cần hợp lý

Tất nhiên ở những bể lớn hơn sẽ giảm thiểu hậu quả những sai phạm hay xẩy ra: cho ăn quá nhiều, thay nước không đều đặn, vì thế thể tích nhỏ nhất được khuyên cho bể nuôi tép từ 54l trở lên, cũng là kích thước phổ biến dễ tìm mua của bể làm sẵn trên thị trường. Trở lên trên không có giới hạn tối đa, người viết cũng thỉnh thoảng mơ tưởng đến bể có dung tích lít… bốn năm số, nhưng đó lại là chuyện khác rồi.

Tép kiểng

tép cảnh

Cùng với cơn sốt tép cảnh trên diễn đàn, người viết muốn cùng các bạn hiểu sâu hơn về những sinh vật xinh đẹp, chăm chỉ và năng động này đang ngày càng được ưa chuộng trong giới thủy sinh toàn thế giới.

tép cảnh
Tép cảnh

Sự xuất hiện chính thức của tép cảnh trong giới thủy sinh bắt đầu vào cuối thập kỷ 80, vẫn hạn chế con số người chơi trong phạm vi chơi, trao đổi riêng lẻ. Ít được để ý trong một thời gian dài, đến khi người ta biết đến khả năng diệt rêu của chúng. Điều này khiến cho nhu cầu tép cảnh tăng cao đột ngột, nhất là cho những bể bị rêu hoành hành, và khi cạnh đó tập quán thú vị của chúng được phát hiện, cơn sốt tép cảnh lây lan không thể ngăn chặn nổi nữa. Sự chăm chỉ, điều kiện nuôi dưỡng không mấy khó khăn, và không kém quan trọng trong vai trò bảo vệ chất lượng môi trường bể, làm chúng hiện diện gần như trong mỗi bể thủy sinh. Quả thực rất thú vị, cũng là những niềm vui khi ngắm nhìn những bầy tép cùng tìm thức ăn, cùng “gây gổ” và lại dàn hòa với nhau. Ai đã quan sát kỹ càng, có lẽ sẽ ngày càng yêu thích chúng hơn.

Tép là gì?

Tép thuộc bộ giáp xác, hay còn gọi là bộ giáp xác mười chân. Hiện diện trong nước ngọt, cũng như nước mặn. Tép được cấu tạo bởi hai phần, phần đầu (Cephalothorax) và phần thân sau (Abdomen). Trong phần đầu bao gồm tất cả những nội quan quan trọng, chỉ có ruột chạy xuyên qua phần thân sau đến trước đuôi như ở động vật có xương sống. Tép có năm đôi chân, hai đôi chân trước được sử dụng như dụng cụ đào bới, nhặt tìm, cắt thức ăn (càng, vợt lọc thức ăn đơn bào ở một số loại). Ba đôi chân còn lại làm thành chức năng di chuyển trên nền. Để di chuyển trong nước, tép sử dụng năm đôi vây chèo dưới phần thân sau. Hai đôi râu đặc biệt phát triển rất tốt, có công dụng như cần anten dò tìm, định vị cho tép.

Tép lớn lên trong cả dòng đời, nhưng bộ vỏ không cùng lớn lên theo, buộc chúng phải thay vỏ, lột xác đều đặn. Trong quá trình này, vỏ nứt ra ở đoạn nhất định giữa vùng tiếp giáp đầu và thân sau, tép giẫy mạnh và thoát ra khỏi lớp vỏ cũ. Tép trong quá trình này thường rút vào nơi yên tĩnh kín đáo trong bể do tấm giáp non còn mềm, dễ bị thương tổn. Chiếc vỏ cũ nên để lại như nguồn dinh dưỡng cao cho những động vật khác trong bể. Khi tép lột xác đều đặn, là dấu hiệu tốt cho thấy sức khỏe tốt và phát triển ổn định

Thú chơi tép kiểng giá ngàn đô

Trào lưu chơi tép kiểng tại TP Hồ Chí Minh đang “thịnh”. Đặc biệt là những loại tép ngoại với những cái tên rất  “oách” như: Reb cherry Shrimp, Caridina sp Tiger (tép cọp), Crytal Red Shrimp (tép ong đỏ), tép Sulawesi… 

tép ong đỏ
Tép đỏ

Đáng nói là giá của những loại tép này cũng không “dễ xài”, từ vài chục USD đến hơn 100 USD. Đặc biệt, loại tép ong đỏ chỉ bằng đầu tăm nhưng có giá đến 1.000 USD/con. Theo anh Lê Đức Huy (quận Phú Nhuận) người chơi tép lâu năm thì loại tép này xuất xứ từ Nhật Bản, có màu trắng, trên đỉnh đầu có chấm màu đỏ, giống biểu tượng của lá cờ Nhật nên tại nước này, loại tép ong đỏ rất quý hiếm và được ưa chuộng. Đây cũng là loại tép khó nuôi vì đòi hỏi môi trường nước tinh khiết, giống của nó đột biến nên khả năng thích ứng với môi trường kém, sinh sản khó nên giá thành rất cao.

Tại TP.HCM hiện nay giới chơi đang rất hứng thú với những loại tép mới du nhập như tép Sulawesi của Indonesia, tép cọp, tép ong đỏ…

Hình dáng và màu sắc của những loại tép này khá đa dạng, nhưng nổi bật và được ưa chuộng là màu đỏ, trắng tinh, đen sọc trắng, đen sọc đỏ… “Sự lôi cuốn của những con tép này đối với người chơi là nó làm đẹp cho hồ thủy sinh và đặc biệt hơn là vẻ đẹp về màu sắc của nó. Mỗi loại là một vẻ đẹp riêng” – anh Huy cho biết.


Anh Minh Hà (quận 3), một người mới tập tành chơi tép chia sẻ: “Nuôi tép cũng phải có chế độ dinh dưỡng với thức ăn riêng dành cho chúng, phải có đầy đủ vitamin thì chúng mới phát triển tốt được. Cái thú vị là nhìn nó bé tí nhưng màu sắc rực rỡ. Thấy con Reb Cherry Shrimp của tôi không, màu đỏ rất lộng lẫy, tôi mua nó của một người bạn, giá gần 100 USD đó”.

Nhìn mấy con Sulawesi của anh Hà đang tung tăng trong hồ cũng thấy thú vị thật, bé tí tẹo nhưng trông rất bắt mắt. “Cái thú vị chính là ở sự nhỏ bé của nó, thử tưởng tượng một cái hồ mà có nhiều tép với nhiều màu sắc thì thật là thích thú khi ngắm nhìn. Trông chúng như một thứ ánh sáng bé xíu đang phát ra trong làn nước”.

Chơi tép kiểng

tép cảnh

Sau khi nhàm chán với cá, chim, cây kiểng, người Sài Gòn đang rủ nhau chơi… tép kiểng. Trong những bể kính trong suốt, bên cạnh những gờ đá rong rêu cỏ cây là những chú tép “riu” nhỏ bằng cọng bún tung tăng bơi lượn. Màu sắc của tép kiểng cũng đa dạng không kém gì cá kiểng. 

Trong những ngày dưỡng bệnh nằm nhà, anh Tăng Vỹ Cường (ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) giải khuây bằng cách o bế mấy chú tép kiểng của mình. Mở hết đèn quanh bể kính, anh say sưa ngắm nhìn chúng chui ra chui vô những ngõ ngách trong hốc đá, len lỏi trong những đám rong, nép mình bên thân cây dương xỉ và… soi gương qua vách kính. Tới giờ ăn, anh dùng chiếc kẹp gắp từng viên thức ăn nhỏ xíu thả nhẹ vào bể.

tép cảnh
Tép cảnh – thú vui mới

Một tốp 3-4 chú tép bu lại rỉ rả rỉa mồi, cái đuôi ngúc ngoắc, cái đầu lắc lư ra chiều thích thú. Anh Cường sảng khoái: “Đi làm về coi bấy nhiêu đó là mệt mỏi tan biến”. Anh chỉ vào từng chú tép rồi giới thiệu: “Tôi mới thả mấy chú mũi đỏ thôi. Giống này nhập từ Thái Lan, nhưng giới bình dân cũng có thể săn lùng tại các chợ… cá. Loài tép mũi đỏ (Red nose) này có giá 20.000-40.000 đồng/con. Thông thường, người mới chơi tép hay chọn loại tép đỏ (Red cherry) có giá 50.000-80.000đ/con”.

Anh Nguyễn Quốc Long ở đường Nguyễn Gia Thiều (phường 6, quận 3) có bốn bể tép kiểng, trong đó riêng một bể có tới cả trăm chú tép đỏ. Ngoài tép đỏ anh còn có những loại tép mang tên khá ngộ nghĩnh khác như: Tiger, Yamato, Hennessy, Ong đỏ… Anh cho biết giới chơi tép đặt tên chúng theo màu sắc, hình dáng. Ví dụ tép Hennessy vì nó có màu giống rượu… Hennessy; tép mũi đỏ vì có cái mũi màu đỏ, còn toàn thân màu trắng trong; tép Ong có màu sắc trên thân phân thành nhiều khoang giống như con ong…

Giá các loại tép này (trừ tép Ong) cũng mềm, dễ chơi, dễ nuôi, đặc biệt là có thể sinh sản được. Anh chỉ tôi xem hàng trăm chú tép nhỏ li ti bằng cọng chân nhang đang tung tăng bơi lượn. Có chú tép con mới ra đời hai ngày, lớn hơn trứng cá một chút, phải nhướng mắt thật to mới nhìn thấy được. “Còn phải tuyển lại nữa – anh Long giải thích – trong hàng trăm tép con đó chỉ xài được chừng vài chú, tùy màu sắc của chúng khi lớn lên. Đặc biệt, để tránh tình trạng đồng huyết, người chơi phải tách tép ra nhiều bể khác nhau và thường xuyên cho chúng thay đổi bạn tình bằng các loại tép khác vùng miền”.

Chị Trần Thị Lệ Giang, giám đốc Công ty APT (giới thiệu sản phẩm và kỹ thuật nuôi trồng cây thủy sinh – quận 11, TP.HCM), cho biết hiện TP.HCM chỉ mới có chừng mười người chơi tép kiểng vì đây là thú chơi mới mẻ, vừa du nhập vào VN. Đa số người chơi bắt đầu bằng cách chọn loại tép vừa túi tiền, có giá từ vài mươi ngàn đến 100.000-200.000 đồng/con. Tuy nhiên, cũng có người trang bị bể nuôi của mình vài chú tép Ong có giá 40 USD/con trở lên.

Người chơi sành điệu nhất ở TP.HCM, theo đánh giá của giới tép kiểng, là anh Ân Phúc Thành, người Thái gốc Việt, ông xã của chị Lệ Giang. Anh chính là người “bày đầu” chuyện chơi tép kiểng với việc du nhập con giống, nguyên vật liệu, trang thiết bị cho bể thủy sinh. Tại gian hàng của anh có hẳn một bể tép Ong. Đẳng cấp của tép Ong này là có các khoang đỏ – trắng đậm nét và đồng đều nhau.

Anh cho biết nuôi tép Ong mà đạt được màu trắng sữa là “ăn tiền”. Giá trị của loại tép này tăng dần (từ 40 USD đến 100 USD/con), tùy màu trắng trên mình tép nhiều hay ít. Màu trắng mà “trong” một chút là mất giá. Tép Ong có nhiều màu được bắt từ thiên nhiên như: trắng – đỏ, trắng – đen, vàng – xanh… Đặc biệt, có loại tép Ong mang trên mình duy nhất một màu trắng sữa rất quí hiếm. Loại này năm ngoái được bán đấu giá ở Đức 2.000 euro/con.

Bể tép Ong của anh Thành có một… máy lạnh đặt ở dưới, có hệ thống nối lên bể để đảm bảo nhiệt độ nước lúc nào cũng ở mức 23-26 độ. Ở một góc đáy bể, anh bố trí 4-5 “cục đá” bằng nắm tay. Đó là xỉ tro núi lửa, dùng bổ sung nguồn canxi cho tép khi chúng lột vỏ. Ở nền đáy bể phải dùng phân đất của Nhật để giữ ổn định độ pH ở mức 6.5. Còn thức ăn, nuôi tép Ong phải dùng loại nhập từ Thái Lan có giá 8 USD/hộp (nhỏ bằng cái hộp quẹt), thỉnh thoảng phải bổ sung khoáng chất cho tép bằng thức ăn là… cải bó xôi luộc.

Chuyện… ở của tép Ong cũng khá công phu. Phải đặt những hốc đá lãng mạn cho chúng tình tự, và nước phải là… nước khoáng LaVie. “Loại này ăn dơ nhưng lại ở rất sạch” – anh Thành kết luận. Theo anh, muốn đầu tư một bể tép cỡ này phải mất 5-7 triệu đồng cho phần trang bị như: dàn lạnh (2 triệu), bộ lọc và các chất lọc nước (3 triệu) rồi phân, đá, cây, dung dịch giúp tép “lên màu”…

Mỗi tối đi làm về, anh Nguyễn Quốc Long dính chặt với bể tép. “Coi tép ăn sướng lắm, mỗi con ăn một kiểu. Tép Hennessy thì lăng xăng như con nít, tép Red cherry thì từ tốn nhấm nháp, còn tép Ong thì tha mồi ra chỗ vắng nhâm nhi rỉ rả…”.

Đối với chị Phương Mỹ (quận Phú Nhuận), một thành viên tích cực của phong trào chơi tép đang phát triển tại TP.HCM: “Trước khi mê tép, bà con mình mê… bể thủy sinh. Đó là một thế giới thu nhỏ, lung linh, sống động, nơi họ tha hồ sáng tạo, đưa tâm hồn vào đó. Mỗi cái bể là biểu hiện một tính cách chủ nhân, cẩn thận, tỉ mỉ hay qua quít; khoáng đạt hay thiển cẩn; là biểu hiện của tài năng, trình độ và khả năng… tài chính.

Cái thế giới ấy có núi đồi, cổ thụ già, đồng ruộng, những dòng suối mộng mơ… giúp người ta bớt “xìtrét” vì những giờ hít bụi bặm ngoài đường, những phút giây căng thẳng mưu sinh…”. Ban đầu mới chơi, người ta bắt chước nhau nuôi những loài cá được khoe trên diễn đàn, phổ biến ở các tiệm cá, thêm một ít tép, một ít loài thủy sinh chuyên xử lý thức ăn thừa… Sau khi “rành rẽ”, chơi lâu, người ta sưu tầm hàng “độc” là các loài cá, tép hiếm, đẹp (và dĩ nhiên là mắc tiền hơn).

Chín tháng trước đây, tép đỏ rất hiếm ở VN. Bây giờ nó đã phổ biến trong các bể thủy sinh ở Sài Gòn. Rồi xuất hiện tép CRS (pha lê đỏ – Crystal red shrimp), giống mới lai tạo được ở Nhật có vẻ đẹp mê ly, cực mắc, mà lại khó nuôi dưỡng và sinh sản. Điều gì làm người ta mê nuôi tép kiểng? Chị Mỹ cho biết: “Vẻ đẹp của chúng, sự thách thức chinh phục của chúng, và hạnh phúc của chúng ở thế giới bể thủy sinh”!