Kỹ thuật trồng hoa lan

Hiện nay, nghề trồng hoa lan khá phát triển ở khắp cả nước, không ít nông dân đã khấm khá nhờ trồng lan. Thuận lợi của trồng lan là không cần diện tích đất lớn, nếu chăm sóc tốt thu nhập mang lại khá cao. Tuy nhiên, lan là loại cây trồng đòi hỏi cao về kỹ thuật, vì vậy người trồng phải tuân thủ kỹ các biện pháp trồng và chăm sóc. 

Kỹ thuật trồng hoa lan

1/ Thiết kế vườn trồng

Nếu trồng lan để kinh doanh nên thiết kế khung giàn bằng sắt cho chắc chắn đảm bảo độ bền, chống được gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hoặc xanh đen. Hàng trồng lan thiết kế vuông góc với hướng đi của nắng cây sẽ sinh trưởng tốt hơn.

Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng nên đặt thêm các chậu cảnh như cau, mai chiếu thủy, nguyệt quế… để giảm bớt khô nóng do kết cấu bê tông, mái tôn xung quanh.

2/ Cách chọn giống và trồng

Các giống lan được trồng ở nước ta rất nhiều, song trồng kinh doanh nên chọn Dendrobium, Vanda, Mokara, Phalaenopsis, Oncidium, Cattleya, Hồ điệp, Vũ nữ. Đây là những loại ra hoa nhiều, liên tục, hoa rất đẹp và cây sống bền. Khi trồng nên chọn nhiều màu sắc, chủng loại khác nhau sẽ dễ tiêu thụ hơn. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp vì đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa.

Trồng lan có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Có thể chọn tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2 – 3 nhánh, dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, cắt gọn, sau khi cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.

Giá thể để trồng lan có thể dùng than gỗ, xơ dừa, vỏ đậu phộng.

Dùng than gỗ nên nung để nguội, chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3 cm, đem ngâm nước, sau đó rửa sạch và phơi khô.

Dùng xơ dừa, xé tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tamin và mặn, phơi khô.

Dùng vỏ đậu phộng nước phun nhiều lần để loại bỏ một số tạp chất, giảm nhiệt, chất dầu, sau đó cho vỏ đậu phộng vào chậu bằng nhựa hay khay đất nung, kích cỡ tùy loại và độ tuổi. Nếu trồng trên luống thì cho vỏ đậu phộng vào luống dày 20 cm. Dùng vỏ đậu phộng có ưu điểm giá thành rẻ, vỏ đậu phộng hút nước ít, độ ẩm vừa phải, lan ít bị nấm bệnh.

Trồng lan trên luống nên làm luống rộng 80 cm, dài tùy khổ đất, cho vỏ đậu phộng vào dày 20 cm. Hai đầu luống có thể dùng cột bê tông hay cột sắt để căng dây cáp, mỗi luống cần 3 hàng dây cáp nhỏ trên thanh ngang để định vị cho cây lan. Có thể điều chỉnh độ cao của dây cáp theo sự phát triển của lan.

Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4 cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6 – 7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ, sau 6 tháng chuyển tiếp sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng 1 tuần mới được bón phân. Khi thay chậu dựa vào kích cỡ của cây cho phù hợp. Lưu ý, lan trồng trong chậu lâu ngày ra hoa ít, dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt, ra hoa trở lại.

3/ Chăm sóc

Lan dễ chăm sóc, nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất cho lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

Lan không chịu ánh sáng mạnh nên phải làm giàn lưới che bớt ánh sáng. Khi mới trồng làm lưới che hai lớp, ánh sáng phù hợp nhất là 65 – 70%. Sau khi trồng lan tưới 2 lần/ngày và chỉ tưới phun sương. Trồng 3 ngày tưới vitamin B1, pha 1 cc/lít để kích thích ra rễ. Sau 7 ngày tưới phân NPK 30-10-10, liều lượng 5 – 10 gram pha vào bình 8 lít để phun. Khi cây nảy chồi mới, cây ra rễ nhiều tăng lượng phân bón.

Phân bón: Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn. Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển.

Nước tưới: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng. Thừa nước, rễ cây hay bị nấm bệnh, thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Nước tưới cho lan không được quá mặn, phèn và clor. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

4/ Bảo quản hoa cắt cành

Trồng lan cắt cành nên cắt hoa khi mới nở. hoa lan cắt cành xong nên ngâm trong dung dịch bảo quản khoảng 15 phút, sẽ giúp hoa tươi lâu.

Nguyệt Hạ

Cách chăm sóc hoa lan tươi lâu và đẹp (lan Hồ Điệp, lan Hoàng Thảo, lan Vanda)

Trong bài này chỉ cách chăm sóc lan Hồ điệp, lan Hoàng Thảo, và Lan Vanda… Lan là loại hoa quý lại rất khó tính, vì vậy để có được một giỏ lan đẹp, tươi lâu và bền màu cần có quy trình chăm sóc đúng phương pháp. Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đưa ra lời khuyên cho việc chăm sóc một số giống lan phổ biến như sau:

chăm sóc hoa lan tươi lâu và đẹp

Lan Hoàng Thảo

Đây là giống ưa ánh sáng, độ ẩm. Nhiệt độ tốt nhất cho cây phát triển là 15 – 25 độ C. Không được để cho cây lan bị ẩm liên tục trong ngày. Nếu thấy chất trồng của lan còn ẩm không nên tưới nước.

  • Tưới ngày 2 đến 3 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu trong ngày nắng, nóng và gió nhiều thì tăng thêm lần tưới, nhưng tưới thật đậm, nếu không ánh sáng sẽ làm cháy lá cây.
  • Dùng vòi phun sương nhẹ và phải di chuyển qua một lượt rồi tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng.
  • Tưới phân 2 lần trong tuần, liều lượng 2 g/lít (khoảng 1 thìa cà phê). Lưu ý: Phải tưới nước trước khi tưới phân.
  • Các loại phân bón cho lan như sau: phân 30-10-10 dùng cho cây lúc còn nhỏ; phân 20-10-10 dùng cho cây trưởng thành; phân 10-30-10 dùng cho cây lan khi bắt đầu ra nụ. Khi thấy lan nhú hoa thì tưới phân 6-30-30 để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu. Hàng tháng phun thuốc trừ bệnh.

Lan Hồ Điệp

Hồ Điệp là cây ưa bóng mát, không được để ngoài ánh sáng trực tiếp sẽ bị cháy lá. Nếu trồng ở ngoài trời, ánh sáng chỉ cần khoảng 30 – 40% và phải che bằng lưới nilông. Cây phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 20 – 30 độ C, độ ẩm 60 – 80%. Cách tưới nước và bón phân giống như lan Hoàng Thảo.

Tuy nhiên cần chú ý những điểm sau:

  • Khi hoa gần tàn hay cây có hiện tượng yếu đi phải cắt ngay cành hoa và tưới phân 30-10-10 để dưỡng cây. Hoặc cây khỏe, muốn tiếp tục chơi hoa thì cắt cành hoa, chỉ cắt hết phần hoa đã tàn, tại các mắt của cành hoa sẽ mọc ra các nhành hoa khác.
  • Khi tưới phân không được pha quá liều lượng quy định, cây sẽ vàng lá và chết.
  • Mùa đông, nếu nhiệt độ dưới 150C, cây không phát triển, nụ sẽ bị hỏng, phải chuyển đến chỗ ấm hơn hoặc che cho cây.
  • Vào mùa mưa, lá rất dễ bị giập do nước mưa rỏ trực tiếp vào gây ra bệnh thối lá. Vậy phải tránh mưa bằng cách che nilông hoặc tôn nhựa.

Lan Vanda

Giống lan này chia thành 3 nhóm:

  • Nhóm 1: Có lá hình trụ tròn, đòi hỏi ánh sáng nhiều nên phải trồng ở nơi có ánh sáng hoàn toàn không che chắn, rất dễ thích nghi ở những vùng nóng. Trồng lan trong chậu hơi cao từ 20 – 25 cm, có nhiều lỗ thoát, có cọc to, cao khoảng 70 – 80 cm để buộc các ngọn lan (không dùng nẹp tre), có thể bó xơ dừa vào cọc này. Buộc các ngọn Vanda có ít nhất 2 tầng rễ dài khoảng 40-60 cm, cách đáy chậu 5 – 10 cm, rồi cho than, gạch vào đáy chậu (tỷ lệ 1:1). Mỗi chậu trồng chung 3 – 4 ngọn, nên kê các chậu sát nhau. Cho cỏ khô và xơ dừa vào xung quanh để giữ độ ẩm và cung cấp dưỡng chất cho lan. Khi mới trồng phải che nắng, khi cây phát triển tốt mới tháo ra.
  • Nhóm 2: Có lá dẹt phẳng, đòi hỏi ít ánh sáng hơn nên có thể trồng ở các xứ khác, chỉ cần 50% ánh sáng trực tiếp. Trồng 2 – 3 ngọn trong một chậu, cuốn cho rễ nằm trong chậu thật nhẹ nhàng, sau đó cho than củi vào từ từ.
  • Nhóm 3: Có dạng lá trung gian giữa 2 nhóm trên, cần ánh sáng cao hơn dạng lá dẹt phẳng nhưng thấp hơn lá trụ tròn. Trồng nhóm này như nhóm 2 nhưng khi trồng xong để cây trong bóng mát cho đến khi rễ phục hồi thì tăng ánh sáng lên.

Cách tưới nước và bón phân như trên nhưng khác ở giai đoạn cây trưởng thành là phân 20-20-20.

Cách tưới nước cho lan

Luôn luôn nhớ rằng nếu không tưới trong vòng một tháng cây lan chỉ bị khựng lại chứ không chết, ngược lại nếu tưới hàng ngày sẽ bị thối rễ và chết. Ở trong rừng núi có khi mấy tháng mưa liền liền mà lan vẫn không sao vì bám vào cành cây cho nên rễ không bị úng nước như trồng ở trong chậu, và nếu không mưa lan cả tháng lan vẫn tươi tốt vì ở đó độ ẩm rất cao. 

Vậy bao nhiêu lâu chúng ta tưới một lần? Mỗi tuần một lần hay hai lần? Một tuần hay hai tuần một lần? Vấn đề này tùy theo kinh nghiệm và phụ thuộc vào những điều kiện dưới dây:

  1. Thời điểm vào mùa hè hay mùa đông? Nhiệt độ cao hay thấp?
  2. Nơi để lan ở trong chỗ rợp mát hay ngoài nắng? chỗ đó gió nhiều hay ít?
  3. Chậu bằng đất hay chậu nhựa? Chậu to hay chậu nhỏ?
  4. Vật liệu trồng lan dùng vỏ cây, đá, rễ cây (tree fern) hay rêu (sphagnum moss)?
  5. Loại lan nào? bỏi vì Cattleya cần phải khô rồi mới tưới, còn Paphiopedilum lúc nào cũng phải ẩm ướt. Cây lớn hay cây nhỏ?
  6. Cách tưới ra sao? Tưới thật đẫm hay tưới sơ qua?
Cách tưới nước cho lan
Dùng vòi sương tưới nước cho lan

Nghe qua dường như khó hiểu, tuy nhiên có một lời khuyên tổng quát: Khi cây mọc mạnh ra nhiều rễ tưới nhiều, khi cây ngừng tăng trưởng bớt tưới. Theo kinh nghiệm vào mùa hè cây đang mọc mạnh rễ ra nhiều, trung bình mỗi tuần hay 3-4 ngày một lần cho tất các loại lan, ngoại trừ Cymbidium, Paphiopedilum, Odontoglossum, Miltonia lúc nào cũng phải ẩm ướt cho nên có thể tưới 2 ngày một lần, riêng loại Vanda mỗi ngày 2-3 lần. Mùa thu cây đã ngừng tăng trưởng, bớt tưới đi khoảng tuần một lần, mùa đông 10-15 ngày một lần ngoại trừ Dendrobium mỗi tháng 1 lần hoặc không cần tưới từ tháng 11 như loại Dendrobium nobile chẳng hạn.

Tưới bao nhiêu nước cho lan thì đủ?

Mùa hè tối thiểu, mỗi tháng một lần tưới đi, tưới lại cho thật sũng nước cho ngấm vào trong vỏ cây, đá hay vật liệu trồng lan và để xả cho sạch những chất muối có sẵn trong nước và phân bón. Vào mùa thu nên tưới thêm với Epson Salt theo chỉ dẫn ở dưới. Lan trồng trên các khúc cây (mounted) cần ngâm vào nuớc 15 phút mỗi tuần, nhưng nhớ phải thay nước nhiều lần, vì mỗi lần nhúng cây khác vào sẽ nước không còn sạch và dễ nhiễm bệnh.

Lan trồng trong chậu đất mau khô nước hơn trong chậu nhựa. Chậu lớn hay cây lớn tưới thưa hơn chậu nhỏ và cây nhỏ.

Nên tưới nước cho lan bằng nước gì?

Nước lọc, nước máy, nước mưa, nước giếng hay nước trong hồ bơi, hồ cá? Nước mưa tốt nhất, nước lọc Reverse Osmosis (ROS) hay nước cất (Distilled) đều tốt nhưng quá tốn kém, nước lọc qua bình Deironized tốt nhưng cũng hơi tốn tiền. Không nên dùng nước hồ bơi vì có nhiều Chlorine.

Nước máy, nước hồ cá và nuớc giếng có ít cặn chỉ số dưới 300ppm (Part per million) hay TDS (total dissolved salt) tốt, dưới 500ppm tạm được, trên 700ppm không nên dùng dể tưới lan. Nước máy mỗi vùng đêù khác nhau vì có pha thêm nước giếng nhiều hay ít. Muốn biết chỉ số này hãy hỏi công ty cung cấp nuơcù hoặc lấy mẫu nhờ tiệm nước lọc đo hộ.

Một vài loại lan như: Disa đòi hỏi phải nưới bằng nước mưa, nước lọc ROS hay nuớc cất. Một vài loại khác như: Draculla, Masdevalia v.v… cũng đòi hỏi nước khá tinh khiết.
Ngoài vấn đề cặn trong nước còn có vấn đề chỉ số nồng độ pH, từ 4.0 đến 8.0 đều có thể tưới lan được. Nhưng nếu trên 8.0 hay dưới 4.0 sẽ làm cho phân bón bị vô hiệu quả.

Mùa hè nên tưới nước nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều gần tối, không khí mát mẻ sẽ giúp cho rể cây mọc mạnh. Các mùa khác nên tưới vào buổi sáng để cho lá cây được khô vào buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp, tránh các bệnh tật dễ phát sinh trong môi trường lạnh và ướt át. Loại lan Hồ Diệp Phalaenopsis chẳng hạn nếu đọng nước trên lá non vào ban đêm sẽ bi thối ngọn và chết.

Tưới quá thường xuyên làm cho rễ lúc nào cũng ướt không hút được dưỡng khí nuôi cây và làm cho vật liệu nuôi cây chóng bị mục. Lá cây bị vàng và nhăn nheo, rễ mềm và ngả mầu nâu là dấu hiệu tưới quá nhiều. Trường hợp này cắt bỏ rễ thối, rắc bột Sulfur (diêm sinh) rồi cho vào túi nylon cột chặt lại, chờ cho rễ mọc khoảng 2 phân sẽ trồng lại.

Tưới quá ít sẽ làm cho rễ không mọc sâu xuống đước, muối sẽ đọng lại trong chất liệu trồng cây làm cho rễ bị khô, trở nên mầu xám dễ gẫy. Thấy lá non Oncidium, Miltonia hay bất cứ loạiï nào có lá dài bị chun xếp lại hay đổi thành mầu xám là dấu hiệu tưới không đủ nước.

Placentia 4-2004
Bùi Xuân Đáng

Kỹ thuật trồng lan hồ điệp

Hiện nay phong trào trồng lan đang phát triển mạnh vì đây là một nghề đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cây lan hồ điệp rất khó tính, đòi hỏi một số yêu cầu sinh thái khắt khe, người trồng phải hiểu biết và kỹ thuật cao mới có thể thành công được.

Điều kiện trồng hồ điệp thành công

Lan hồ điệp là cây rất khó tính do đó khâu đầu tiên là phải chuẩn bị nhà trồng để có thể khống chế được các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm bên trong. Tuy nhiên để có được nhà phù hợp cho sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa đúng thời vụ cần rất nhiều điều kiện do đó cần phải có các thiết bị kèm theo như thiết bị tăng nhiệt, thiết bị giảm nhiệt, thiết bị điều chỉnh ánh sáng. Với điều kiện các tỉnh phía Bắc nước ta thì làm nhà 2 mái vừa có tác dụng hạn chế ánh sáng mùa hè, giữ được nhiệt độ mùa đông. 

Kỹ thuật trồng lan hồ điệp

Chuẩn bị giá thể

Giá thể trồng lan phải tơi xốp và thoáng khí, đồng thời phải có khả năng giữ nước như mùn cây, than bùn khô, hạt đá nhỏ, rêu, quyết, dớn hoặc rêu “Chi Lê” nhập nội đã được xử lý an toàn nấm bệnh. 

Chuẩn bị chậu

Yêu cầu của chậu trồng lan hồ điệp phải là chậu không sâu, nhỏ, màu trắng và trong suốt thuận lợi cho bộ rễ phát triển và quang hợp. Khi cây còn nhỏ dùng chậu có đường kính 5 cm, sau 4 – 6 tháng khi cây có khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 12 cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3 cm. Sau giai đoạn trồng từ 9 đến 12 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 18cm thì tiếp tục chuyển sang chậu có đường kính 12 cm. 

Kỹ thuật trồng cây vào chậu

Khi mua cây giống về trồng bà con chú ý đến các cỡ của cây được phân cấp như sau: 2 lá cách nhau lớn hơn 5 cm gọi là cỡ đặc cấp được trồng vào chậu có đường kính 7 cm. Nếu chiều dài 2 lá cách nhau từ 3 đến 5 cm là cỡ cấp 1 trồng vào chậu đường kính 5 cm. Nếu 2 lá cách nhau 1, 2 – 3 cm gọi là cỡ cấp 2 thì trồng vào các khay ươm cây con. 

Chăm sóc lan hồ điệp

Nên giữ nhiệt độ thích hợp trong nhà trồng ở mức 23 độ C, không được thấp hơn 20 độ C, đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt, độ ẩm thích hợp. Trong giai đoạn đầu chế độ che sáng như sau: Mùa hè giảm bớt từ 80 – 90% lượng ánh sáng bình thường, mùa đông từ 60-70%. Sau trồng 1 tháng bón thêm phân NPK với tỷ lệ 30-10-10 pha với nồng độ 30-40 mg/1 lít nước để phun cách 7 – 10 ngày/lần. 

Thay chậu lần thứ nhất

Sau khi trồng được từ 4 – 6 tháng, lúc này khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3cm. Lấy cây ra khỏi bầu, tách bỏ giá thể cũ và thay bằng giá thể mới rồi trồng lại vào chậu mới nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến rễ. Dưới đáy chậu nên lót 1 – 2 miếng xốp giúp chậu thoát nước tốt, tránh làm cây bị úng. Lan hồ điệp sinh trưởng chậm, phải mất tới 40 ngày trong điều kiện chăm sóc tốt mới mọc thêm 1 lá hoàn chỉnh. Khi cây có trên 4 lá mới có khả năng phân hoá mầm hoa. Để chăm sóc cho cây sau khi thay chậu lần 1 bà con phải phun dung dịch diệt khuẩn. Trong từ 3 – 5 ngày đầu không cần tưới nước nhưng vẫn phải giữ ẩm cho cây cũng như môi trường xung quanh. Sau khoảng 10 ngày tưới nước trở lại kết hợp bón phân. Lượng phân bón là đạm, lân, kali theo tỷ lệ 30-10-10 nồng độ 40mg/1lít nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại phân hữu cơ khác như Komix. 

Thay chậu lần hai

Lần thay chậu thứ 2 cũng là lần thay chậu cuối cùng được xác định khi cây có khoảng cách 2 lá đạt khoảng 18cm. Lúc này cây được từ 16 – 20 tháng, đường kính chậu chuyển sang phải đạt 12 cm. Cách thay chậu lần này tương tự như lần đầu nhưng chú ý dùng dao, kéo sắc cắt bớt các rễ già trước khi trồng lại. Chú ý trong giai đoạn này chế độ che sáng như sau: Ánh sáng mùa hè giảm từ 60-70%, mùa đông giảm 40-50%, nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, độ ẩm từ 70 – 85%. Sau khi chuyển chậu lần thứ 2 từ 5-6 tháng cây có từ 4 lá và bắt đầu phân hoá mầm hoa. Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18 – 25 độ C hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8 – 10 độ C. Lan hồ điệp có hoa liên tục do đó xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, khoảng cách giữa các hoa càng ngắn. Nếu nhiệt độ trên 25 độ C thì không thể phân hoá hoa và dưới 15 độ C thì không ra nụ, ra hoa. Khi thấy cây lan nhú hoa tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 2g/lít nước, thời gian phun 7 – 10 ngày/lần, để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu hơn. Ngoài ra, để cho hoa được bền lâu, khoảng 1 – 2 tháng cần đặt cây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp 20 – 25 độ C, ánh sáng che bớt 70%. Đặc biệt khi cây nở hoa không nên tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa vì nước sẽ làm hoa bị úng hoặc cháy. Khi cành hoa nở gần tàn nên cắt ngay cành hoa và tưới phân NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.

Kỹ thuật thuần dưỡng và chăm sóc lan rừng

Những năm gần đây, chơi lan là một thú chơi tao nhã của những người yêu hoa. Tuy nhiên, người yêu hoa lại muốn hướng tới một giò lan phong cách tự nhiên, hoang dã và không gì khác là lan rừng. Tuy nhiên, khi mua về nuôi trồng trong môi trường nhà thì gặp rất nhiều vấn đề như không phát triển, héo rũ, không ra hoa… Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu bí quyết thuần dưỡng và chăm sóc lan rừng. 

lan rừng

Theo kinh nghiệm dân gian, muốn cho lan sinh trưởng tốt môi trường thuận lợi nhất cho lan bám vào cây tươi nơi thoáng gió, ít ánh sáng chói. Vì vậy, khi lan đưa vào trồng trong chậu cần chăm sóc từ từ cho cây quen dần, không bón thúc phân bón hóa học quá sớm. Lúc ấy lan rừng cần bóc cả vỏ gỗ mục (loại lan đang sống) bó lại để nơi thoáng mát, ngày tưới vài ba lần bằng cách phun sương đều cả lá thân rễ. Chăm sóc cho lan 1 tháng rồi chiết thành nhánh trồng vào giò. Chú ý lót giò bằng mùn cưa hay xơ dừa đều không được nén chặt. Tránh để ánh nắng gay gắt, thỉnh thoảng đưa lan ra ngoài trời đềm. Chơi lan không nên bón nhiều phân hóa học, chỉ cần đủ nước, ánh sáng và không gian phù hợp là cây phát triển tốt.

Khi muốn lan ra hoa bất thường, vào dịp tết chẳng hạn, thì bón phân qua lá dành riêng cho lan. Song cần rất hạn chế bón thúc cho hoa vì sau mỗi đợt bón như vậy cây sẽ yếu sức. Tốt nhất là cách hai tháng lại thay lót giò 1 lần bằng xơ dừa mạt cưa. Hoa tàn thì cắt ngay cuống lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cây lại sức. Tứơi nước nhẹ đều đặn ngày vài ba lần là cây sống khỏe không cần bón phân.

Chăm sóc

Một trong những đặc điểm sinh học đặc trưng của lan- loài cây khó tính là o ử chỗ có khả năng chịu cớm cao, ưa ẩm và bóng râm nhưng nếu thiếu ánh sáng cũng giảm năng suất và phẩm chất. Còn bị ánh nắng trực tiếp nhất là nắng quá chiều sẽ gây lụi tàn nhanh chóng mặc dù vẫn được cung câp đầy đủ nước và khoáng hòa tan.

Phòng ngừa tác hại của nắng hạn đối với lan, ta cần chủ động tiến hành một số biện pháp sau:

Đối với phong lan: Không để cho nắng trời trực tiếp chiếu vào giỏ, bụi lan và toàn bộ giá thể (lồng lan), đặc biệt “kỵ” với nắng quái chiều và gió Tây (gió Lào). Nếu trồng đại trà thì phải làm giàn che bằng lưới nilon có lỗ để lan vẫn quanh hợp được. Chú ý phun tưới (tốt nhất là phun sương mù nhân tạo) cho tòan bộ cây và giá thể theo kinh nghiệm “2 ướt 1 khô” trong ngày đó là vào các thời điểm trước bình minh và sau hoàng hôn. Lượng nước vừa đủ để làm mát cây, ướt rễ và dự trữ. Phun vấy xối xả sẽ làm thất thoát chất khoáng nuôi cây.

Đối với địa lan: Chăm sóc như đối với phong lan, cần chú ý đảm bảo đất nền tơi xốp, nhiều mầu ở thể hữu cơ đang hoai mục là tốt nhất. Nên bổ sung từ 10-20% vụn gỗ mục (cả vỏ), 10-20% (theo khối lượng tổng thể) các mẩu than gỗ nhỏ luôn ẩm (nhưng không ướt sũng) để nhử rễ ăn ra mà ta quen gọi là hồ rễ. Tránh gió khô, gió lỳa qua phần nổi của cây. Làm mát đất bằng phun tưới nước loang theo bóng tán. Cần loại bỏ ngay những lá già (đã úa vàng) đẻ ngăn chặn sâu bệnh bội nhiễm, tỉa các cành khô, rễ đã hết chức năng hấp thụ hơi nước và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nuôi cây.

Không nên dùng NPK – loại dùng cho cây hoa màu, cây lương thực để bón cho lan. Để cây tươi lâu đẹp bền, hoa sai thắm màu, hương đậm có thể thúc cho lan (phun tưới toàn bộ giá thể) nước gạo mới vo, nước ngâm tro hoai và rắc xỉ than (nguồn phân vi lượng tổng hợp). Nếu có điều kiện lấy bông (hoặc vải bông cotton) nhúng vào dung dịch glicerin 10- 15% cuốn vào cổ rễ để giữ ẩm.

Cách trồng địa lan

Hiệp hội hoa lan Mỹ (The Americal Orchid Sosiety-A.O.S) đã công bố những thông tin về cách trồng những giống địa lan Mini. Chúng tôi muốn thêm vào những điều kiện phát triển chung một số điều kiện đặc biệt mà có thể ứng dụng cho Địa lan Châu Á nói riêng. Một số thông tin này đã được đúc kết ra từ kinh nghiệm trồng địa lan lâu năm và chúng tôi hi vọng chia sẻ những thông tin đó với mong muốn tất cả các cây địa lan của chúng ta ngày càng phát triển khoẻ mạnh hơn. 

Chúng tôi đã dành cho chậu trồng lan Châu Á (Asian Orchid Vase) nhiều không gian trên Website này. Nếu bạn bỏ chút thời gian đọc và tìm hiểu tất cả những ghi chú ở đây thì bạn sẽ hiểu tại sao chúng tôi lại khuyến cáo bạn trồng cây trong các chậu lan Châu Á. Sức sống của của Địa lan Châu Á biểu hiện ở bộ rễ rất dài và khoẻ mạnh.

Chậu trồng mà sâu sẽ thúc đẩy sự phát triển rễ và giúp cây khỏe mạnh. Những chậu vừa sâu vừa rộng giúp cây phát triển nhiều chồi cây, nhưng hoa sẽ ít và yếu. Những chậu sâu và hẹp sẽ thúc đẩy việc cho ra những cành hoa hoa cao, khoẻ mạnh và những bông hoa đầy sức sống.

Cách trồng địa lan

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi địa lan Châu Á lại phát triển trong chậu có kích thước nhỏ tương tự. Chậu trồng lan Châu Á đã có sự cải tiến qua thời gian để có thể hoàn toàn cân xứng hài hoà với cây lan.

Thông tin về điều kiện phát triển chung.

1.Chọn chất trồng tốt cho phù hợp với điều kiện nuôi trồng của bạn

Có nhiều loại chất trồng khác nhau sẵn có. Mỗi một kiểu chất trồng có các đặc trưng mà đặc điểm đó sẽ được cung cấp cho các điều kiện trồng khác nhau:

Những nhân tố quan trọng trong việc trộn hỗn hợp chất trồng

  • Giữ cho rễ ẩm nhưng không được ướt
  • Chất trồng phải khô ráo nhanh trong các điều kiện thời tiết
  • Giữ cho rễ được mát trong mùa hè và ấm trong mùa đông
  • Tránh để những khoảng không lớn trong hỗn hợp trồng (Đây chính là lý do phải nén chặt chất trồng)


Việc lựa chọn hỗn hợp trồng to hay nhỏ sẽ bị tác động bởi khí hậu nơi bạn trồng, lượng thời gian mà bạn muốn dành ra để chăm sóc chu đáo cây của bạn, và những cái châu mà bạn sử dụng để trồng cây của bạn.

Khí hậu nóng và khô hơn thì cần phải có thêm chất cách nhiệt và thêm chất duy trì độ ẩm trong hỗn hợp trồng. Khí hậu mát hơn và ẩm ướt hợn thì hạn chế các chất cách nhiệt và chất giữ nước.

Vào mùa mưa, nhiệt độ môi trường cao hơn (85 độ F vào ban ngày, 65 độ F vào ban đêm) có thể trồng bằng hỗn hợp đá nhỏ và thô hoặc có thể cho thêm dương xỉ, dớn cọng vào hỗn hợp đá. Một vài người trồng lan Á Châu trong thời tiết ấm áp chỉ sử dụng đá, tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích dùng cách này cho những nơi có khí hậu mát mẻ hơn. Hỗn hợp giữ nước ít và không nên sử dụng trong điều kiện trồng có độ ẩm thấp.
Trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn ( 65 độ F ban ngày, 45độ F ban đêm) với độ ẩm trung bình có thể dùng vỏ thông và đá bọt (đá trân châu thô) vào hỗn hợp đá và dương xỉ. Hỗn hợp đá, dương xỉ và vỏ thông là hỗn hợp linh hoạt nhất cho các kiểu khí hậu có mùa đông lạnh và mùa hè ấm. Vỏ thông giúp giữ lại thêm hơi ẩm trong hỗn hợp trồng.

Trong điều khiên khí hậu khô có thể dùng thêm hỗn hợp với rong biển hoặc rêu. Điều này không được lầm lẫn với việc đặt rong biển hoặc rêu lên bề mặt của hỗn hợp. Cái đó làm cho hơi ẩm chậm mất đi hoặc dùng cho mục đích trang trí. Cẩn trọng khi trộn thêm vào hỗn hợp rong biển hoặc rêu trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nếu bạn tưới nước bình thường thì hầu như chắc chắn sẽ bị thối rễ, và làm cho cây của bạn bị ảnh hưởng, dễ nhiễm bệnh, kết quả là cây sẽ yếu dần hoặc chết.

Tại Winterview chúng tôi sử dụng một hỗn hợp của đá, vỏ thông và đá Trân châu thô khi trồng cây trong chậu nhựa. Trong chậu gốm. chúng tôi thêm chút đá hoặc đá bọt (để giữ trọng lượng của cây với vài lý do). Hỗn hợp này dùng trong chậu gốm rất tốt cho mọi khí hậu tại Mỹ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về liên quan đến các điều kiện trồng của bạn, hãy gửi email cho chúng tôi các điều kiện và chúng tôi có thể giúp bạn pha trộn một hỗn hợp thay thế phù hợp hơn.

2. Thay chậu và tách chiết cây

Phương pháp sinh sản chính của loài Địa Lan Á Châu là sự phân tách cây. Những cây trong chậu sâu và rộng sẽ sản sinh ra nhiều cây con hoặc “Bulbs” (các củ, thân, bầu…) mà sau đó có thể tách cây con từ cây chính ra. Cho dù bạn không chia tách cây thì nó vẫn cần phải được thay chậu trong 2 đến 3 năm để thayđổi hỗn hợp trồng, và sang thêm chậu cây để tạo ra các thân cây mới. Hãy nhớ rằng trong điều kiện chật chội sẽ cho nhiều nhánh hoa.

Cẩn thận đưa cây ra và lọại bỏ hết các chất trồng cũ ở rễ cây. Xem xét kỹ rễ cây, chúng sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin chính xác về tần số tưới nước, chất trồng và tình hình sức khoẻ chung của cây. Nếu bạn muốn tách cây chính ra thành 2-3 thân một cây mới, hãy xử lý các vết cắt bằng cách bôi lưu huỳnh vào các vết cắt đó để tránh rủi ro do sự lây lan của virus. Đặt 1 vật có hình nón trong chất trồng mới xuống dưới đáy chậu. Trải rễ cây ra vòng quanh vật hình nón. Đặt cây gần vào miệng chậu để cây có hướng phát triển rộng ra khắp mặt chậu. Cho hỗn hợp trồng mới cỡ nhỏ vào trong chậu trồng chỗ đặt cây xung quanh rễ. Thân rễ cần thấp hơn 1/2-1 in dưới bề mặt của môi trường trồng. Giữ độ ẩm cao, nhưng ngưng tưới nước vào cây để cho cây thích nghi với môi trường trồng mới (2-3 tuần). Tại Winterview chúng tôi dùng một lượng không đáng kể hỗn hợp thô dưới đáy chậu và một lượng hỗn hợp mịn bên trên chậu để kiểm soat độ ẩm tốt hơn.

3. Mua cây khoẻ mạnh

Điều này để đảm bảo thuận lợi cho việc duy trì sức sống của một cây đã trưởng thành. Khi chúng tôi thay chậu tại Winterview chúng tôi tạo ra các cây có thể trạng tố trước khi cúng tôi bán cây. COI CHỪNG những người trồng lan mà những người đó chỉ đơn thuần là đi nhập lan về và xuất bán. Những cây này sẽ yếu ớt và rễ sẽ không khoẻ để cung cấp dưỡng chất cho cây trong điều kiện khác tối ưu hơn.

Kinh nghiệm: Khi mua cây, trước tiên hãy kiểm tra rễ cây. Những cây khoẻ mạnh sẽ có nhiểu rễ. Rễ cây phải trắng và mập. Tổng chiều dài của tất cả các rễ cộng lại phải lớn hơn 18 in nếu bạn trồng trong nhà, phải dài hơn 12 in nếu trồng trong nhà kính. Nếu không thể kiểm tra rễ hãy cầm nhẹ nhàng vào cây và kéo mạnh ra. Một cây có bộ rễ khoẻ sẽ bám chặt vào xung quanh chậu.

Tháo cây của bạn ra một lần, đặt nó ở nơi ẩm thì nó sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời trong suốt một ngày. Duy trì cách tưới nước bình thường và theo dõi cây trong suốt quá trình tưới nước để thấy được nếu nó phản ứng lại với môi trường mới. Lá cây có giữ được thẳng đứng không? Lá cây màu xanh thẫm hay hơi bóng? Cây mới phải mất 3-4 tuần mới thích nghi được với môi trường mới của nó. Sử dụng những mẹo nhỏ bên dưới đây để đánh giá điều kiện trồng cây của bạn.

Cách chăm sóc lan Hồ Điệp

chăm sóc lan hồ điệp

Loài lan này có nguồn gốc từ Đông Nam Á và Australia, mọc ở độ cao 200 – 400 m. Khi cây được 1 – 3 năm tuổi thì phát triển mạnh về thân, rễ, lá. Do vậy, thời điểm này bạn cần chăm sóc tích cực nhất.

Loài hoa này rất bền, có thể để được 40 – 50 ngày.

Cách chăm sóc lan Hồ Điệp

Thời gian nở

Tất cả các mùa trong năm.

Có tất cả gần 1.700 kiểu dáng, màu sắc khác nhau.

Ánh sáng

Hồ điệp ưa bóng mát.

Nhiệt độ

Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 20 – 35 độ C.

Độ ẩm

Trong khoảng 60 – 80%.

Cách tưới nước

Mùa đông 2 – 3 ngày tưới một lần vào lúc sáng sớm và chiều tối. Mùa hè tưới ngày 2 – 3 lần tùy thuộc vào chất trồng lan là sơ dừa hay gỗ mục. Khi tưới, dùng vòi phun sương nhẹ và phải di chuyển qua một lượt rồi mới tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng.

Cách tưới phân

7 ngày tưới một lần với liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Tưới qua một lần nước, 10 – 15 phút sau thì tưới phân để cây hấp thụ tốt nhất. Lan còn tưới phân NPK: 30-10-10. Lan trưởng thành dùng NPK 20-20-20. Khi cây nhú hoa dùng NPK 6.30.30 để cho hoa mập mạp, bền và sắc tươi hơn.

Phòng sâu bệnh

Phun định kỳ thuốc Dithan M trừ nấm bệnh, 7 ngày một lần.

Chú ý

Khi hoa gần tàn, cây có hiện tượng yếu đi. Bạn nên cắt ngay cành hoa và tưới NPK 30-10-10.

Chăm sóc lan Vũ nữ

Lan vũ nữ có khoảng 400 – 600 loài, xuất xứ từ châu Mỹ và vùng cận nhiệt đới. Cành hoa có thể lưu giữ được từ 35 đến 45 ngày. Điều đặc biệt là hoa có thể nở tất cả các mùa trong năm.

Ánh sáng: Loài lan này ưa bóng mát vì vậy tránh để cây ngoài trời.

Nhiệt độ: Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 15 đến 35 độ C.

Độ ẩm: 60%.

lan Vũ nữ

Cách tưới nước: Rễ của lan vũ nữ rất nhỏ, nên bồn trồng phải nhỏ hơn các loại khác. Mùa đông mỗi ngày tưới một lần. Mùa hè tưới ngày 2-3 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Nếu ngày nắng nóng và gió nhiều thì tăng thêm một lần tưới. Di chuyển vòi phun nước qua một lượt rồi tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng.

Cách tưới phân NPK: 7 ngày tưới một lần theo liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới quá liều lượng, cây sẽ bị vàng lá và chết. Tưới qua một lần nước, đợi 15-20 phút rồi mới tưới phân để cây hấp thụ tốt.

Hằng tháng nên phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, nấm.

Chú ý: Khi hoa nở gần tàn hoặc cây có hiện tượng yếu đi phải cắt ngay cành hoa và tưới phân NPK 20-20-20.

Mùa đông, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C, cây không phát triển, nụ bị hỏng thì phải chuyển cây đến chỗ ấm hơn.

Chăm sóc lan Ngọc Điểm (Đai Châu, Nghinh Xuân)

Loại này có nhiều tên gọi khác nhau, miền Nam gọi là Ngọc Điểm, miền Trung gọi là Nghinh Xuân, còn miền Bắc là Đai Châu. Đây là loại lan rừng có nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng nóng. Khi trồng, bạn nên hiểu và tuân thủ những điều sau. 

Độ bền hoa:
 20 – 35 ngày.

Thời gian nở hoa: Tết Nguyên đán hàng năm, trừ những năm nhuận thì cây nở sớm hơn.

Ánh sáng: Tránh ánh sáng trực tiếp vì dễ làm cây bị cháy lá.

Nhiệt độ: phát triển tốt nhất là 26 – 30 độ C.

Độ ẩm: 40 – 70%.

lan Ngọc Điểm

Nên tưới nước 1 lần/ngày, thường là vào buổi sáng và chiều mát để giữ cho cây có độ ẩm thích hợp. Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột thì không nên tưới ngay mà để cách 1 – 2 ngày sau để cho cây thích hợp với môi trường mới.

Cứ 7 ngày thì tưới phân một lần với liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Nên tưới qua nước một lần, sau đó 10-15 phút thì tưới phân để cây hấp thụ tốt hơn.

Với cây lan con hoặc cây mới ghép nên dùng phân NPK: 30-10-10. Lan trưởng thành dùng NPK: 20-20-20. Khi thấy cây nhú hoa thì dùng NPK: 6-30-30 để cho hoa mập hơn, bền và tươi hơn.

Hằng tháng nên phun thuốc phòng sâu bệnh, nấm.

Chú ý: Mùa đông, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C, cây không phát triển, nụ sẽ bị hỏng, vì vậy cần chuyển cây đến chỗ ấm hơn hoặc có biện pháp che chắn.

Chăm sóc phong lan

Phong lan là loài hoa nở lâu ngày và được nhiều người chọn để làm đẹp cho nhà mình. Tuy nhiên, đây là một loại hoa khó trồng, nếu không biết cách chăm sóc, nó rất dễ chết.Dưới đây là một số kỹ thuật trồng:

Trồng trong chậu

Nên trồng vào các chậu đất nung sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn. Chọn chậu có nhiều lỗ thoáng. Trước khi trồng hoa, phải rửa sạch chậu. Nên cho đất to xuống đáy chậu và đất nhỏ trên bề mặt.

Chăm sóc phong lan

Trồng ghép trên thân cây khác

Bạn có thể dùng thân cây còn sống để trồng ghép, nhưng cần tỉa bớt tán nhánh. Chú ý là không phải vị trí nào của thân cây cũng có thể ghép được. Cây chỉ phát triển tốt khi chúng được ghép ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào (hướng đông). Cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.

Nếu muốn ghép lan với các thân cây đã chết, bạn phải cắt cây thành khúc ngắn để dễ treo. Nên chọn những cây mục và bóc vỏ đi vì vỏ sẽ là nơi trú ẩn của côn trùng phá hoại. Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc chằng lên đó gốc lan. Nếu bạn trồng vào những ngày mưa hoặc thời tiết quá ẩm thì không cần phải buộc xơ dừa.

Trồng thành băng xơ dừa

Chọn xơ của những quả dừa già và khô rồi xé ra từng mảnh to bằng nửa bàn tay. Sắp các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre và giữ chặt chúng lại bằng 2 thanh nẹp tre. Để tránh úng nước, bạn có thể đục một lỗ nhỏ dưới miếng xơ dừa rồi mới trồng. Sau 2-3 năm, khi xơ dừa đã mục có thể thay băng khác. 

Một số điểm cần lưu ý

Khi trồng xong nên để cây ở nơi mát mẻ có độ ẩm cao cho đến khi rễ non phát triển mới chuyển dần ra nơi có ánh sáng phù hợp. Sau khi trồng 1-2 ngày không cần tưới nước ngay vì dễ bị thối cây. Phải thường xuyên quan sát xem đất còn đủ độ ẩm hay đã khô. Cần tưới nước dưới dạng phun sương. Khi rễ cây phát triển đều mới mới bón phân. Có thể bón phân hữu cơ (nước tiểu, phân và xác bã động vật) hoặc vô cơ (có các yếu tố N, P, K).

Nhiệt độ cao làm tăng sự phát triển dinh dưỡng ở cây lan. Vào mùa nắng, nên tăng lượng phân bón cho cây để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Không nên để cây ở nơi thiếu ánh sáng vì nó sẽ sinh trưởng kém.

Hoa lan Biến dị – Lai tự nhiên – Lai nhân tạo?

Hoa lan biến dị

Đó là một vài gien thay đổi cấu trúc so với loài nguyên thủy và gien đó (với lan thường chú ý tới hoa) thường gây một đặc điểm gì đó của cá thể (ví dụ: cây thấp, cao hơn bình thường, cá, chim bạch tạng, lan có hoa chuyển sang mầu trắng (var alba)). Đơn cử: dòng thủy tiên trắng có 3 cây hoàn toàn khác nhau, Ngọc Điểm: ngoài cây chuẩn còn có cây trắng môi tím, cây trắng môi vàng hay như C. intermedia có 6 cây, L. ansper có 9 cây. Sau này khoa học phát triển người ta có thể tạo ra đột biến nhân tạo (công nghệ cấy ghép gien, công nghệ đa bội thể): Den. Lady Shale 4x, cat, phalae có gien của cây phát tài, cat phát sáng….

lai giống hoa lan

Hoa lan lai tự nhiên

Là cây lai dữa hai loài, giống (chi) tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người: đơn cử như cây Ngọc Điểm mầu xanh Blue, vòi bông đưa lên đó là kết quả của Ngọc Điểm và Hải Yến, hay cây kiếm xuân cùa Ngọc Cường là loài lai tự nhiên giữa một cây phong lan và một cây địa lan. Vấn đề ở đây là Menden đã tìm ra cả 3 thế kỷ nay rồi: giống cha – giống mẹ – giống cả cha lẫn mẹ hay là giống ông nội, bà ngoại là quyết định bởi gien trội hay lặn.

Hoa lan lai nhân tạo

Đây mới là vấn đề chính, do công nghệ phát triển do vậy rất nhiều cây được lai (cùng giống, khác giống (chi)) rồi đem cấy mô chính vì vậy mới có Renantanda, Mokara, BLC, LC, SLC, Pots, Doritan…. hoặc như Ngọc Điểm Cam… mà hiện tại đang hot (vì mượn danh đột biến). Nhưng nhìn cho kỹ thì cũng như tỉ lệ của Menden mà thôi có điều những cây không “chuẩn” thì bị loại bỏ không thương tiếc.

Thú chơi lan

Trong những thú vui lành mạnh, thú chơi lan được một số người Việt trong nước cũng như ở ngoài nước ham chuộng. Tuy cùng chơi lan nhưng mỗi người một mục đích, một sở thích khác nhau.
Thông thường người ta mói đầu chơi lan vì lòng yêu thích loài hoa cao quý, màu sắc rực rỡ, hương thơm thanh khiết dịu dàng hay nồng nàn ngào ngạt lại thêm lâu tàn. Do đó khi mới chơi người ta thường chọn những loài, những giống có đủ yếu tố sau đây:

  • Màu sắc rực rỡ
  • Nhiều hoa
  • Lâu tàn
  • Hương thơm
Thú chơi lan

Dựa theo thị hiếu của người mua, với kỹ thuật gieo hạt, cấy mô, ghép giống được kỹ nghệ hóa, các vườn lan thương mại đã tung ra thị trường hàng ngàn hàng vạn cây lan cùng một màu sắc như nhau. Vì vậy có nhiều cây lan như những cây Cattleya lai giống chẳng hạn, dù rằng ở Florida, California, hay Nhật Bản, Đài Loan hay Việt Nam cũng đều có cả. Như vậy cây lan đó tuy có đẹp nhưng không còn giá trị vì gần như ai ai cũng có.

Cũng vì thế người ta đi tìm nhưng cây khác lạ thí dụ như:

1. Những giống lan nguyên thủy (species) có những bông hoa khác lạ về màu sắc hay hình dáng. Những giống lan này thường thường vì không ưa thay chậu, chậm tăng trưởng và hay chết vì không chịu tưới bón quá nhiều hay khó trồng như: Disa 


2. Những giống lan nhỏ như: Masdevallia, Pleuratholis, Schoenorchis 


3. Những giống lan Cymbidium lá nhỏ như: Cymbidium dayanum, Cymbidium ensifolium


4. Những giống có lá sọc đắt giá như: Neofinettia falcata giá bán từ $60-2000 tùy theo cây to nhỏ, sọc nhiều hay ít. Cây Paphiopedilum insigne var. “Doris Duke của Bill Thoms gồm hai bông hoa và 16 nhánh với giá 30.000 US$ và nghe đồn rằng một nguời Nhật đã trả 36.000$ để mua cho bằng được cây này. 


5. Những giống biến dạng hay dị dạng, một vài giống lan này khó lòng cấy hạt hay cấy mô do đó không thể sản xuất hàng loạt, chỉ có một cách duy nhất là tách nhánh mà những cây này có khi phải 5-10 nhánh hay củ mới sống nổi cho nên giá rất đắt.


6. Những giống hiếm quý như những cây lan đặc hữu mới tìm ra được như: Paphiopedilum vietnamense, Paphiopedilum hangianum, cây Paphiopedilum thaiorum của Thái Lan và cây Phramipedium kovachii của Peru v.v…


7. Những cây lan có hương thơm ban ngày như Anguloa clowesi màu vàng rực rỡ lai thêm hương thơm ngào ngạt như hương sen, Stanhopea occulata tuy chỉ 3 ngày hoa đã tàn, nhưng nếu cây lớn nhiều dò nở liên tiếp có thể dài tới 2-3 tuần lễ, hương thơm còn hơn vanille hay cacao v.v… Hoặc những giống có hương thơm vào ban đêm Angraecum sequipedale, Angreacum eburneum, Vanda denisoniana v.v… 


8.Những cây lan thật lớn như Dendrobium speciosum, Arundina graminifolia Gramatophyllum speciosum.


Nói tóm lại tuy cùng là một thú vui chơi, nhưng ý kiến và sở thích mỗi người một khác. Tuy nhiên mỗi loài lan đòi hỏi những điều kiện khác nhau như thời tiết, địa điểm, tài chánh và nhất là sự hiểu biết về kỹ thuật nuôi trồng.