Cách giữ hoa tươi lâu

Cách giữ hoa tươi lâu

Để giữ cho hoa cắm bình tươi lâu không có một biện pháp đơn lẻ nào giải quyết được mà các bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây xin giới thiệu với các bạn một số biện pháp chính để các bạn tham khảo và áp dụng phối hợp:

1. Bình cắm hoa phải sạch

Trước khi cắm hoa phải rửa bình thật sạch sẽ bằng xà bông, nên phơi khô ngoài nắng, nhất là những bình hoa đã cũ và cắm nhiều loại hoa có cành mềm dễ gây thối nước như hoa huệ, layơn, thược dược…Sau mỗi lần thay nước cũng phải rửa sạch sẽ

2. Thời điểm cắt hoa

Nếu là hoa có sẵn trong vườn nhà thì các bạn nên cắt cành hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, là thời điểm tốt nhất trong ngày vì lúc này cây thoát hơi nước không nhiều, cành hoa đang chứa nhiều nước và carbohydrat.

3. Xử lý hoa trước khi cắm để tăng khả năng hút nước của hoa

Cắt xéo vết cắt để tăng bề mặt hút nước cho cành hoa, đồng thời khi cắm mặt cắt không áp sát đáy bình, cành hoa hút nước dễ hơn. Những loại hoa có thân gỗ như hoa Mai, đào…phải hơ gốc cành trên ngọn lửa một đoạn khoảng 5cm, để ngăn cản sự thoát nhựa từ cành ra ngoài nước bình, đồng thời khi bị đốt các mô chết dẫn nước sẽ tốt hơn. Có thể sử dụng nước ấm để cắm hoa nếu hoa được  đóng gói khô hoặc tồn trữ bảo quản ở nhiệt độ thấp.

Khi cắt hoa từ trên cây nên cắt dài một chút để khi cắm vào lọ bạn có thể cắt ở phần gốc của cành hoa khoảng 3-5cm (nơi có cột không khí trong ống mạch cản trở việc hút nước của cành hoa). Khi cắt bỏ đoạn gốc của cành hoa phải nhúng cả gốc cành vào trong nước hoặc đưa gốc cành vào vòi nước đang chảy để cắt, sau đó cắm nhanh cành hoa vào lọ. Làm như vậy nước trong lọ sẽ tiếp xúc trực tiếp được với cột nước trong các ống mạch của cành hoa, tạo thành một cột nước liên tục chảy đều các cành hoa, giữ cho hoa tươi lâu hơn. Cắt bỏ bớt lá một cách hợp lý để giảm bớt sự thoát hơi nước ở cành hoa.

4. Đảm bảo sự cân bằng nước trong cành hoa

Sau khi cắt rời khỏi cây mẹ, yêu cầu đầu tiên của cành hoa trong lúc này là nước, nên sau khi cắt phải nhanh chóng cắm được cành hoa vào nước cáng sớm càng tốt, để cành hoa trong trạng thái trương nước, nếu không cành hoa sẽ dễ bị héo do chúng vẫn tiếp tục thoát hơi nước nhưng không được bổ sung nên bị thiếu hụt nước. Nếu tình trạng thiếu hụt nước kéo dài cành hoa sẽ không có khả năng tươi trở lại, hoặc nếu có tươi trở lại được thì cũng yếu sức, mau tàn,

5. Sử dụng nước sạch và thay nước hằng ngày

Phải sử dụng nước sạch để cắm hoa (có thể dùng nước ấm khoảng 38-40°C, vì nước ấm vận chuyển vào cành nhanh hơn), không dùng nước có chứa nhiều Calcium, Magnesium. Nước có fluor có thể hủy hoại mô lá, hoa, vì vậy nếu nguồn nước có chứa fluor phải cho chảy vào trong xô, chậu dự trữ chờ một vài ngày cho hóa chất này bay hơi hết mới dùng để cắm hoa. Phải thay nước bình hằng ngày, khi thay nước phải rửa sạch cuống hoa, nhất là phần cắm ngập trong nước.

6. Hạn chế vi khuẩn gây thối

Trước khi cắm, cắt bỏ các lá phía dưới, không để cho lá ngập trong nước gây thối làm cho nước nhiễm khuẩn, vi khuẩn bám xung quanh gốc cành bị chận lại và làm chonước bị nhiễm khuẩn.

Nếu là hoa có thân mềm như cúc, thược dược, layơn…thì mỗi khi thay nước nên cắt bỏ phần gốc cành bị thối. Không nên để nước trong bình quá nhiều, chỉ để vừa đủ để cắm ngập gốc cành khoảng 3-5cm, vì việc hút nước chủ yếu được thực hiện ở chỗ vết cắt. Nếu cắm ngập sâu gốc cành dễ bị vi khuẩn gây thối. Có thể sử dụng một vài loại hóa chất như nước javel, Sulfat đồng, thuốc tím… (nồng độ 0, 05 gam/lít) để ức chế vi sinh vật gây thối, làm cho hoa tươi lâu hơn, với hoa có màu trắng không nên dùng thuốc tím hoặc Sulfat đồng.

7. Vị trí đặt bình hoa

Không đặt bình hoa ở chỗ có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, dưới mái tôn nóng, ở những chỗ thường có gió lùa, dưới quạt hoặc trên mặt tivi, radio… vì hơi nóng làm giảm tuổi thọ của hoa, không khí nóng, gió làm cành hoa bị mất nước nhanh, trong khi chúng hút nước không kịp để  bổ sung sẽ làm hoa héo, nhanh tàn. Vào buổi tối trước khi đi ngủ nên đưa bình hoa vào chỗ mát hoặc ngoài sân để chúng “hứng sương”.

Bệnh đốm lá trên cây lan

Bệnh đốm lá

Bệnh do nấm Cercospora sp. gây nên, bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp.

Bệnh đốm lá trên cây lan
Đốm lá trên cây lan

Triệu chứng bệnh đốm lá

Triệu chứng ban đầu là những đốm màu xanh nhạt xuất hiện trên lá lan, sau đó những đốm này mới ngả màu vàng, mặt dưới lá xuất hiện những mảng đen có nhiều chấm nhỏ li ti.

Bệnh phát triển nặng, lá lan sẽ có 3-4 đốm vàng lớn, đường kính 1-3 cm, khoảng  10-15 ngày sau xuất hiện nhiều đốm nâu đen đầy lá.

Điều kiện phát sinh bệnh

Bệnh gây hại vào mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Bệnh xuất hiện nhiều ở những vườn ít được chăm sóc, vệ sinh kém.

Biện pháp quản lý

Thường xuyên vệ sinh vườn, thu gom lá vàng, rụng đem xa khỏi vườn, hoặc chôn, đốt để tránh lây lan. Định kỳ phun thuốc phòng ngừa mỗi tháng 1 lần với nồng độ thấp khoảng 0,1%.

Có thể sử dụng các nhóm thuốc dạng bột như: Vimancoz 80 BTN, Viban 50 BTN, Cozeb 45 – Benyl, Vithi – M70 BTN hoặc nhóm thuốc dạng huyền phù như: Vicarben 50 HP, Carbenzim hoặc hỗn hợp Carbenzim + Dipamate, Cadilac, T – vil 5 SC, Vivil 5 SC với liều lượng từ 10-15cc hay 10-15g cho 01 bình 8 lít nước. Phun buổi chiều thật mịn, phun kỹ mặt dưới lá

Tạo rễ cho bonsai và cây kiểng

tạo rễ bonsai

Những cây bonsai nói chung, cây Mai nói riêng không phải ngẫu nhiên mà được bộ rễ nổi hoàn hảo để ta bằng lòng. Đa số nhờ bàn tay khéo léo của con người tạo tác thêm, chúng mới trở nên duyên dáng. Tôi hy vọng bài viết này có thể giúp chút ít cho các bạn nắm bắt thêm phần kỹ thuật tạo rễ nổi cho cây kiểng.

Cách thực hiện

Vào thời điểm gần cuối Đông (tháng 11 âm lịch) đến hết mùa xuân năm sau, thời tiết tương đối êm ả, ngớt mưa dần, ít nắng gắt, dịu trời mát đất. Tôi thường làm công việc tạo rễ cây Mai, còn các tháng khác chưa bao giờ, bởi nhiệt độ quá nóng, hay quá lạnh hậu quả không lường hết được!

tạo rễ bonsai

1. Chuẩn bị các thứ cần thiết

  • Dùng loại tre non, chẻ một số cọc bằng chiếc đũa con dài khoảng 10-20cm vót cạnh, cắt nhọn một đầu. Chẻ một số ghim bằng cỡ chân nhang dài 12cm vót cạnh, nhọn 2 đầu, xoắn ở giữa gập đôi lại. Chẻ một số lạc của lóng tre dài.
  • Vỏ trái dừa hoặc bèo(lục bình).

2.  Thực hiện “một công ba việc”

  • Vừa sang chậu, vừa thay đất và vừa sắp xếp lại bộ rễ đối với những cây Mai đã được 2-3 năm tuổi. Xem đất ở chậu của nó không quá ướt hay quá khô tức là còn độ ẩm thì dễ dàng hơn.
  • Bứng cây cẩn thận, tránh đứt rễ nhất là những rễ cái dài, càng có lợi thế, nhẹ tay đưa ra ngoài, xoi bớt đất chỉ còn một ít thôi, tay nắm thân nâng, tay kia đỡ lấy rễ, lật ngược cho ngọn quay xuống. Như vậy bao nhiêu rễ lớn bé cũng xuôi theo. Sau đó đem đặt thuận trở lại vào giữa chậu trên lớp đất trồng, đồng thời dùng cọc cắm và lạt giữ cây cố định.
  • Lấy nước xối vào gốc rồi chờ một lát, nước rút hết, rễ bày lộ rõ ra để cho ta sấp xếp lại. Banh những cái ngắn trải đều tại chỗ, những cái dài ở bên thừa để qua phía thiếu. Làm được rễ nào cắm cọc và ghim giữ cho nó nằm yên, khỏi bung về vị trí củ. -Dùng đất bột khô rải vào, rồi đổ nước đầy chậu một lần nữa, nước sẽ làm đất bột chui tới tận cùng hang hốc. Tiếp theo lấp gốc. Cuối cùng sử dụng rễ bèo hoặc xơ dừa xé nhỏ phủ mặt châu, đề phòng khi tưới đất trôi

3. Riêng với cây to chậu lớn

  • Nếu thấy bên nào bị thiếu rễ thì tưới nước nhiều lần hoặc đợi mưa đất mềm để dễ làm.
  • Moi đất chỗ bị trống rễ, rồi thò ngón tay trỏ xuống sâu dưới gốc thăm dò gặp rễ nào có khả năng rút được thì từ từ kéo lôi lên dần, khi thấy nó đã trồi hẳn thì lấp đất hố vừa moi. tiếp theo là banh sửa lại rễ và lấp đất.
  • Dùng nguyên mảnh vỏ dừa đem đập dập rồi úp tủ kín cái rễ ấy để bảo vệ cho nó được an toàn.

Nếu cảm thấy ngại lôi kéo sợ đứt rễ ta có thể làm theo cách sau vừa phụ thêm rễ cho cây chính vừa tạo ra cái u nần ở gốc. 

  • Sử dụng cây phụ có thân tương ứng, bứng đem rửa hết đất và cắt tỉa nhánh cho gọn.
  • Moi đất ở gốc cây chính chỗ bị thiếu rễ, lấp đặt cây phụ vào, dùng lạt buộc hai thân chúng lại. Tiếp tục công việc sắp xếp rễ tương tự như trên.
  • Thời gian khoảng 3 tháng sau, cây phụ phát triển bình thường thì cắt bỏ toàn bộ phần trên, chỉ giữ lại một đoạn vừa đủ quấn vòng theo gốc chính.
  • Dùng 2 mảnh tre thật già 3-4cm, một mảnh đặt trực tiếp ngay đầu mối cây vừa cắt, mảnh thứ 2 đặt gián tiếp ở vị trí đối diện. Dùng dây kim loại choàng hai mảnh tre áp vào, buột 3-4 nuột, siết thật chặt bằng kiềm, để thật lâu.

Lưu ý: Lúc choàng 2 mảnh tre ép, nếu dây kim loại chạm sát vỏ thì chêm thêm một vài mảnh tre nữa tránh gây sẹo xấu !Mặt khác, về lâu dài những tược mọc bậy ở đoạn còn lại của cây phụ đừng cắt, cứ để dậy mà đè bẹp chúng sát mặt chậu, hoặc chỉ cắt bỏ đọt. Chừng nào biết chắc chắn hai cái thân ấy ăn khít với nhau thì bỏ các thứ bó buộc.

Nói tóm lại, cách thức tôi nêu có lẽ bất cứ ai nghe qua cũng làm được, chẳng khó vã lại không tốn kém gì mà lại hiệu quả. Thấy hay hay cái nghệ thuật tạo dưỡng.  Chúc các bạn thành công.

Đất tốt sẽ tạo ra cây bonsai hoàn hảo

Đất luôn là mối quan tâm hàng đầu của những nhà nghệ thuật trồng và tạo dáng bonsai khi họ muốn tạo ra một cây bonsai đầy sức quyến rũ… 

Những điều cơ bản

Đất trồng thường là một vấn đề lớn đối với những nhà yêu thích trồng bonsai. Mặc dù bạn có thể mua đất trồng từ những nhà vườn, nhưng giá cả để mua chúng thì khá đắt đỏ. Chính vì thế mà bạn nên tự tạo ra đất trồng theo cách của riêng bạn. Để tạo ra một loại đất trồng tốt cho cây bonsai, bạn cần tuân thủ theo nhiều điều cần thiết. Nếu áp dụng tốt những điều ấy thì bạn sẽ đạt được một kết quả tốt và chúng tôi chắc rằng đó chính là thành quả thực sự do chính bạn gặt hái được. Đối với bản thân của từng chuyên gia thì họ sử dụng những kiến thức của chính họ để chọn ra những loại đất thật sự phù hợp với từng cây bonsai riêng biệt.

Cách di chuyển

Thông thường một chậu bonsai chỉ cần một ít đất để sống và phát triển. Nhưng một chút đất này rất quan trọng vì nó cung cấp nước, không khí và những chất dinh dưỡng khác cần thiết cho cho cây. Tuy nhiên, không phải chỉ vì lí do này mà ta mới trồng bonsai với loại đất phù hợp, mà bởi vì sức khỏe và sự phát triển của cây thực sự phụ thuộc hoàn toàn vào loại đất ta đem trông cho cây.

Cách chọn đất

Để đạt được kết quả tốt nhất, ta cần phải chọn được một loại đất mà nhất thiết phải hội tụ đầy đủ nước, chất dinh dưỡng và muối khoáng. Nếu như ta thêm vào đất thành phần các chất hữu cơ đã được chế biến thì khả năng trữ nước và các chất dinh dưỡng trong một diện rộng sẽ rất tốt. Cũng vì thế mà đất luôn là mối quan tâm hàng đầu của những nhà nghệ thuật trồng và tạo dáng bonsai khi họ muốn tạo ra một cây bonsai đầy sức quyến rũ.

Cần tạo hệ thống thoát nước

Vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần chú ý đó chính là hệ thống thoát nước. Nước thì cần thiết để cây tồn tại, nhưng ta cũng cần tưới nước cho cây với thời lượng phù hợp, vừa phải. Nếu tưới nước quá nhiều sẽ làm cho rể cây bị úng, điều đó đồng nghĩa với việc là bao nhiêu nỗ lực và cố gắng của chúng ta sẽ trở thành một con số không to tướng, nghĩa là chúng ta thất bại. Chính vì thế mà việc thoát nước cần được làm một cách bài bản và kỹ lưỡng, bằng cách ta trộn đất với những viên đá nhỏ, vì những viên đá này có thể tạo những khoảng không để lượng nước dư thừa có thể thoát ra một cách dễ dàng qua những lỗ nhỏ được khoét sẵn ở dưới đáy mỗi chậu. Mặt khác, ngoài khả năng giúp cây thoát nước, hệ thống thoát nước còn giúp cây hấp thụ tốt hỗn hợp không khí trong môi trường. Và điều quan trọng chính là cây bonsai của chúng ta có được những yếu tố phù hợp cho sự phát triển của mình.

Những điều cần lưu ý khác

Như được biết, tất cả các loài bonsai cần được trồng trong loại đất mà nó có thể giữ nước và cũng trong loại đất đó lượng nước dư thừa có thể thoát ra. Đây quả là một điều trái ngược. Ví dụ cây thông và cây bách xù là những loại cây không cần nhiều nước, điều đó cho ta biết một cách gián tiếp rằng chúng cần một loại đất mà khả năng giữ nước không đòi hỏi phải tốt lắm. Còn đối với những loại cây trồng nhỏ và cây ăn quả thì ngược lại, chúng cần rất nhiều nước và qua đó ta có thể biết rằng ta sẽ phải trồng chúng trong loại đất có khả năng giữ nước cao. Bên cạnh đó, ta cũng không thể quên những hòn đá nhỏ dùng để thoát nước, vì nếu giữ nước không thôi thì rể cây sẽ bị úng và chết.

Hữu cơ hay vô cơ?

Có hai loại đất trồng: vô cơ và hữu cơ. Bất cứ loại đất nào thì ta vẫn phải đảm bảo rằng chúng có khả năng thoát nước và giữ nước. Việc tạo ra đất hữu cơ cũng khá dễ dàng, chúng ta chỉ việc lấy những thành phần tự nhiên có sẵn trong vườn hoặc từ những nguồn khác đem trộn lại và tạo ra đất hữu cơ. Còn đối với đất vô cơ thì ngược lại, ta mất nhiều thời gian và công sức để tạo nó. Một điều đáng chú ý là dung nham núi lửa và đất sét nung thì rất cần thiết trong việc tạo ra một loại đất mới.

Cách hoàn hảo nhất

Để có được một cây bonsai lý tưởng, ta cần sử dụng một loại đất chứa 50% sỏi và 50% mùn. Hai thành phần này được trộn lẫn sao cho phù hợp với từng loại cây. Chất hữu cơ được lấy từ lá cây và được đem trộn lẫn với vỏ cây, đôi lúc ta cũng gặp một số vấn đề xoay quanh phần chất hữu cơ. Chúng có vai trò trữ nước rất lớn và đẩy nước xuống phía dưới. Còn với đất vô cơ thì chúng trữ một lượng nước nhất định và làm cân bằng lượng nước thừa ở đáy chậu. Cuối cùng chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một loại đất sét trắng ở Nhật Bản có tên Akadama – nó rất tốt và thường được chuyên dùng cho việc trồng bonsai, nhưng chúng ta phải mua chúng từ các nhà vườn.

Kỹ thuật bonsai cơ bản

kỹ thuật bonsai

Với những người đam mê cây cảnh tạo được một tác phẩm đẹp và chăm sóc để duy trì và phát triển thêm vẻ đẹp là một niềm vui khó diễn tả được bằng lời. Để tạo được những tác phẩm đẹp phải thật sự đam mê và tốn nhiều công sức. Muốn làm được vậy người chơi cây cảnh phải nắm vững một số kiến thức cơ bản về tạo hình và cắt tỉa hay cách thức để duy trì thế cây và bộ tàn cây được cân đối. 

Qua bài này xin giới thiệu các kỹ thuật cơ bản cho việc tạo hình và chăm sóc cho cây bonsai – một phong trào chơi cây cảnh nghệ thuật đang phát triển càng ngày càng mạnh hiện nay nhằm giúp một phần nào cho người mới chơi có một số kiến thức cơ bản để có thể tạo ra một tác phẩm đẹp với thời gian ít nhất với chi phí thấp nhất.

bonsai cơ bản
Kỹ thuật bonsai cơ bản

Chọn cây

Dáng tổng thể: Một tác phẩm bonsai đẹp cần có sự cân đối về tổng thể của cây, các thành phần chính tạo nên dáng tổng thể: Thân – Rễ – Cành

  • Thân cây: Thân cây đẹp là là một thân cây có độ to giảm dần từ gốc đến ngọn, nghĩa là gốc to nhỏ, thân cây là nét chính tạo nên dáng cây nên khi chọn nên chọn những thân phù hợp với dáng nhìn sẽ đẹp hơn, nếu thân cây có các yếu tố khác như hình dạng vỏ cây, các nét sần sùi tạo nên tuổi tác của thân cây nhìn cũng sẽ có giá trị thẩm mỹ hơn.
  • Rễ cây: Đây có thể nói là ýêu tố tạo nên độ vững chãi và mạnh mẽ cho cây, bộ rễ cây đẹp là bộ rễ chỉ lộ ra và lan tỏa trên mặt đất, không có những rễ chồng chéo nhau hay mọc từ sau ra trước.
  • Cành cây: Tổng thể cành tạo nên bộ tán của cây. Tán cây có thể điều chỉnh bằng cách uốn sửa các cây mọc cho phù hợp. Thường cành trong bonsai được phân bổ thaeo hình xoắn ốc, độ dài và độ nhỏ của cành nhỏ dần từ gốc đến ngọn: ccành gần gốc to hơn cành trên ngọn. Nên cắt bỏ những cành mọc vượt quá lớn hay mọc ngang đâm xéo, hoặc mọc cùng vị trí với các cành chính khác trong cây.

Ngoài ra chậu cây cũng là một trong những yếu tố quyết định vẻ đẹp của cây, những châu cây có hình dáng và kích thước phù hợp với cây sẽ làm vẻ đẹp của cây tăng lên rất nhiều.

Kỹ thuật tạo dáng

Tạo hình bằng dây nhôm
Với kỹ thuật này có thể tạo cây cảnh bằng cách thay đổi hướng của thân và nhánh cây. Những cành mọc chĩa lên có thể uốn ngang hay vuốt xuống để tạo ấn tượng già dặn, trưởng thành.

Cách quấn

  • Quấn thân cây: Cắt một sợi dây có chiều dài gấp 2 lần nhánh hay thân cần quấn. Có thể quấn dây lượn quanh thân một góc 45o, đó là cách quấn hiệu quả nhất. Cách quấn: Cắm một đầu kẽm xuống đất, đầu tiên quấn quanh gốc cây, sau đó quấn lên thân cây. Nếu muốn quấn thêm một lần nữa, bạn nên quấn sát với sợi dây trước và nhất thiết không quấn chồng lên nhau.
  • Quấn nhánh: Bắt đầu quấn từ dưới. Đồng thời quấn dây xen kẽ theo chiều dài của nhánh đến khi làm xong nguyên cây (trở lại quấn trên những cành non thật tỉ mỉ). Hoặc chúng ta quấn cùng một lúc cả nhánh chính và nhánh phụ trước khi quấn tiếp. Sử dụng dây mảnh hơn cho bề dày của nhánh thon. Thông thường, hãy quấn hai nhánh cùng một lúc với cùng một sợi dây quấn, quấn quanh để tạo thế dựa thân. Ở những nơi có nhánh đơn, thì nên quấn liên kết với nhánh khác, buộc chặc đầu dây bằng cách gài nó dưới vài vòng đầu tiên.
  • Bao lâu thì gỡ dây quấn? Điều này còn tùy thuộc độ dày của thân, cành, loại cây, chất lượng và tuổi cây. Nên thường xuyên kiểm tra dây quấn để đảm bảo dây quấn để đảm bảo dây không hằn vào vỏ khi cây phát triển. Phải cẩn thận khi chọn cỡ dây phù hợp với độ lớn và sự phát triển của cây. Nên thay đổi cỡ dây quấn theo độ dày của thân nhánh thì cỡ dây phải nhỏ dần, cỡ dây tương ứng bằng 1/6 đến 1/3 đường kính của cành hoặc thân chọn quấn. Để tháo dây quấn, tốt hơn hết bạn nên cắt dây thành những đoạn nhỏ, nhằm giảm bớt sự rủi ro, hư hại cho cây.

Sang chậu và thay đất

Khi đất trong chậu đã cạn kiệt chất bổ dưỡng thì bonsai có hiện tượng: Cây không còn tươi tắn, có hiện tượng xuống sức, bộ lá kém tươi và bắt đầu nhuốm vàng bệnh hoạn, các cành như không thể cất cao lên được, nhiều rễ con lồi lên mặt đất chậu, lớp đất trên bề mặt chậu mỏng dần đi. Những triệu chứng trên cho thấy đã đến lúc thay đất cho cây.

Theo thời tiết nước ta thì nên sang chậu vào mùa xuân hay trước mùa mưa khi cây bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và đó là thời tiết mát mẻ.

Dùng dao cùn xắn từ từ phần đất sát thành chậu cho đến khi bầu đất và thành chậu được tách ra hay trước đó một buổi ta tưới nước cho đất thật nhão, như vậy chỉ cần nghiêng chậu là lấy cây ra được. Tiến hành cắt bỏ rễ lớn và rễ con đã quá già và chỉ chừa lại những rễ non. Nên dùng loại kềm bén để hớt bớt rễ, vết cắt cần cho ngọt, không được giập nát. Bộ rễ sau khi xử lý xong phải được gọn gàng. Đây cũng là dịp tốt để ta cắt tỉa những cành, nhánh mọc không đúng cách, hoặc sửa đổi chúng.

Cá hồng vện tại Tây Ninh có giá “ngàn đô”

cá hồng vện

Hiện giới chơi cá cảnh và ngư dân “xôn xao” về việc cá hồng vện (còn gọi là cá thái hổ) có giá “trên trời” nhưng “có tiền chưa chắc đã mua được”. Có người cho biết, mỗi con cá hồng vện “đủ chuẩn”, bề ngang to cỡ 3 ngón tay người lớn, sọc hai bên thân cá đều nhau có khi có giá “vài ngàn đô”. Giới săn cá quý ở Sài Gòn, thậm chí ở ngoài Bắc thỉnh thoảng lại lên Tây Ninh tìm mua cá hồng vện nhưng hầu hết đều thất vọng ra về, bởi sông Vàm đã “tuyệt chủng” giống cá này từ 5 năm nay. Trước đó, Tây Ninh là nơi xuất khẩu cá hồng vện đi nhiều nước.


Cá hồng vện ở nhà ông Tư Mạnh. Loài cá quý hiếm này từng xuất hiện ở sông Vàm Cỏ tỉnh Tây Ninh, nhưng đến nay hầu như đã tuyệt chủng bởi nước sông ô nhiễm

Chúng tôi về xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu tìm ông Tư Mạnh. Ông là nhân vật trong bài viết “Cá hường trở lại sông Vàm” đúng một năm về trước. Ông Tư Mạnh may mắn sở hữu khoảng 700 con cá hồng vện. Do loài cá này rất quý và cực hiếm nên việc sở hữu cả ngàn con cá hồng vện cũng có nghĩa là sở hữu cả một gia tài khổng lồ. Tuy nhiên, số cá trên không được tìm thấy ở sông Vàm Cỏ, mà ông Tư Mạnh phải cất công sang Campuchia mua đem về từ khi chúng còn “bé hơn đầu sợi tóc”.

Ông Tư Mạnh cho biết, sau khi mua về 700 con cá bột (cá con mới nở, rất nhỏ), ông ươm nuôi sống được hơn 600 con. Hiện ở Tây Ninh, ông là một trong hai người sở hữu được số lượng lớn cá hồng vện. Đến cuối năm 2010, ông đã lựa một số con đủ kích cỡ và thông báo cho công ty cá cảnh ở TP.HCM đến mua. Đợt đầu tiên, ông Mạnh bán không đến 10 con cá hồng vện nhưng thu được… 14.000 USD.

Từ đầu năm đến nay, ông Mạnh cũng đã xuất bán dần dần được khoảng 400 con với giá bình quân từ 9 đến trên 10 triệu đồng/con. Ông Tư Mạnh nói: “Cá đẹp có giá trên 1.000 USD là bình thường. Tuy nhiên, cá hồng vện có nhiều loại và người mua cá xuất khẩu cũng có một số tiêu chuẩn riêng nên không phải con nào cũng có giá như nhau. Có điều, nếu sông Vàm Cỏ Đông xứ mình còn giống cá này, mấy năm nay sẽ có thêm nhiều ngư dân thoát nghèo, đổi đời. Tiếc quá!”.

Khai mạc trưng bày sinh vật cảnh Hà Nội chào Xuân Kỷ Hợi

Hội sinh vật cảnh Hà Nội

Từ 20-12-2018 đến hết ngày 20-1-2019 UBND thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày sinh vật cảnh Thủ đô chào Xuân Kỷ Hợi năm 2019 tại Công viên Bách thảo Hà Nội


Đông đảo người dân Thủ đô đến tham quan trưng bày sinh vật cảnh Thủ đô tại Công viên Bách thảo Hà Nội.

Sự kiện này quy tụ hàng ngàn tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, hoa lan, đá cảnh, thảm hoa nghệ thuật, hoa quả tạo hình nghệ thuật, chim cảnh độc đáo của Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Tham gia sự kiện có các sở, ngành trên địa bàn thành phố, Trung ương Hội Khoa học Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh thành phố, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam…

Trong thời gian diễn ra sự kiện, ngoài trưng bày sinh vật cảnh còn có nhiều hoạt động bên lề: Tôn vinh những sáng tạo của nghệ nhân, cán bộ hội viên sinh vật cảnh; tổ chức thi chim cảnh…

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với các hội viên Hội Sinh vật cảnh; đồng thời là cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sinh vật cảnh; tạo cầu nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài nước…

Nguồn: Hà Nội mới