Tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên thông báo phát hiện một sinh vật biển, có hình dáng giống loài tôm, dưới lớp băng khổng lồ ở Nam Cực.
Các nhà khoa học cho biết sau khi khoan một lỗ rộng khoảng 20cm và thả máy quay phim đặc biệt xuống dưới sâu lớp băng dầy ở Nam Cực, họ đã phát hiện một loài động vật giáp xác rất giống loài tôm đang bơi lội tung tăng dưới nước.
Ngoài ra, họ còn quan sát được một động vật xúc tu có thể là một con sứa dài khoảng 30cm.
Với phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng phía dưới lớp băng lạnh lẽo và không có ánh sáng ở Nam Cực có thể còn rất nhiều loài sinh vật tồn tại. Điều đó còn cho thấy một cuộc sống rất phức tạp dưới lớp băng Nam Cực.
Đoạn băng quay phim này có thể giúp các nhà khoa học xem xét lại những giả thuyết trước đây về cuộc sống trong môi trường khắc nghiệt.
Theo nhóm nhà khoa học này, nếu những sinh vật biển như loài tôm có thể sinh sống ở độ sâu dưới 180m dưới lớp băng ở Nam Cực, thì những môi trường khác như Mặt Trăng Europa của Sao Mộc hẳn phải có sự sống.
Nhà nghiên cứu về vi trùng học Cynan Ellis-Evans thuộc Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh cho rằng phát hiện này gây ra sự tò mò thú vị.
Ông cho biết từng có những phát hiện tương tự, nhưng chưa lần nào trực tiếp như lần này. Có thể loài sinh vật này chỉ sống tạm thời, sau đó chúng lại bơi đi những vùng khác.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Stancy Kim, thuộc Phòng thí nhiệm Moss Landing Marine ở California, một đồng tác giả của nghiên cứu, không đồng tình với lập luận này vì bà cho biết khu vực nghiên cứu nằm cách biển ít nhất 20km.
Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện vòng đời kỳ lạ của một loài sứa có tên khoa học là turritopsis nutricula. Loài sứa lớp thủy tức này có thể quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển.
Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, vòng đời của chúng lặp lại liên tục khiến loài sứa turritopsis nutricula được xác định là động vật bất tử duy nhất trên trái đất hiện nay.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng bí quyết quay ngược bánh xe thời gian của loài sứa trên là quá trình “chuyển dịch tế bào”, theo đó một dạng tế bào này có thể chuyển đổi thành dạng tế bào khác.
Một số động vật cũng có khả năng này nhưng rất hạn chế, như loài kỳ nhông có thể mọc lại tứ chi. Loài sứa turritopsis nutricula có khả năng liên tục tái tạo lại toàn bộ cơ thể.
Khả năng này hiện vẫn là bí mật của tự nhiên và đang được các nhà khoa học tập trung giải mã.
Theo những nhà khoa học trên, vì bất tử nên loài sứa lớp thủy tức có nguồn gốc ở biển Caribê này đã lặng lẽ xâm lấn khắp thế giới. Chúng có mặt ở tất cả các đại dương trên toàn cầu.
Hai chú cá sấu trắng quý hiếm đã được một ngư dân tìm thấy ở đầm lầy khu bảo tồn thiên nhiên Mandalay gần Houma ở Louisiana, Mỹ.
Chỉ dài bằng một bàn chân và nặng chừng 6,35 kg, hai con cá sấu trắng được tìm thấy ở vùng đầm lầy Louisiana và hiện được chuyển đến nhà mới ở sở thú Audubon, New Orleans, Mỹ.
Về bản chất, những sinh vật này không phải bị chứng bạch tạng, mà mắc phải chứng Leucism, sự suy giảm tất cả các sắc tố da. Những con cá sấu bạch tạng là sinh vật được xếp thứ hai trong số những sinh vật hiếm nhất trên thế giới.
Hai chú cá sấu trắng đã được tìm thấy ở khu bảo tồn thiên nhiênMandalay. Tại nơi đây, vào năm 1987, giới khoa học đã tìm thấy 18 con cá sấu trắng.
Sarah Brunette, Giám đốc truyền thông của sở thú Audubon, cho hay:”Hai chú cá sấu đã được đặt tên là Canal-igator và Chomp-itoulas theo tên của các con đường nổi tiếng Canal và Tchoupitoulas ở New Orleans”.
Cũng ở khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Mandalay này vào năm 1987, 18 con cá sấu trắng cũng đã được tìm thấy. Được mệnh danh là ngôi nhà dành cho những chú cá sấu trắng, sở thú Audubon từng chăm sóc 18 chú cá sấu trắng kể từ năm những năm 1980, đến bây giờ số lượng của đàn còn lại là 10 con.
“Những chú cá sấu trắng nổi tiếng trên khắp thế giới và là biểu tượng của vườn thú chúng tôi”, Sarah tự hào nói. “Những chú cá sấu con sẽ được theo dõi trong vòng hai tháng và sẽ ở trong khu vực chăm sóc riêng trong vài năm cho đến khi chúng đủ tuổi để gia nhập cùng những đàn anh chị lớn tuổi hơn”.
Cá sấu trắng thường có tuổi thọ rất ngắn trong thiên nhiên, màu da của chúng khiến cho những loài chim hoặc những loài cá lớn dễ dàng nhận ra và săn đuổi.
Đó là thông tin mới nhất được công bố ngày 22-11, dựa trên kết quả “điều tra dân số” sinh vật biển trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, có 17.650 loài được tìm thấy sống dưới biển sâu 200 m – nơi ánh sáng mặt trời không thể xuyên đến.
Theo Robert S. Carney, nhà hải dương học tại ĐH bang Louisiana (Mỹ), nhóm nghiên cứu của ông đã tìm thấy khoảng 5.600 loài mới dưới đáy biển và hi vọng sẽ tìm thấy hàng ngàn loài nữa khi cuộc “điều tra dân số” kết thúc (tháng 10-2010).
Trong số các sinh vật biển mới được phát hiện, có hơn 40 loài san hô; gần 500 loài từ đơn bào cho tới loài mực lớn… Riêng ở giữa Đại Tây Dương, nhóm nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 1.000 loài, trong đó có 40 loài mới.
“Thật ngạc nhiên khi ở giữa đại dương này lại có một cộng đồng phong phú như thế sinh sống”, nhà hải dương học Odd Aksel Bergstad thuộc ĐH Bergen (Na Uy) nói. “Rõ ràng tầm hiểu biết của chúng ta về đa dạng sinh học dưới biển còn rất hạn chế”.
Nhóm nghiên cứu cho biết có thể có đến 1 triệu, thậm chí nhiều hơn, loài sống dưới biển chưa được con người biết tới – một con số không hề nhỏ so với 1,5 triệu loài động vật và thực vật mà các nhà sinh vật học liệt kê được trên mặt đất.
Được biết hơn 2.000 nhà khoa học đến từ 80 quốc gia đang tham gia thống kê các loài sinh vật biển.
Phao thút xuống, chiếc cần câu nặng chĩu, Nick Richards, một cậu bé 16 tuổi ở quận Dorset, Anh, biết rằng đã có một chú cá to mắc vào lưỡi câu.
Sau một hồi kéo, thả cước, cuối cùng Richards cũng dong được con cá vào bờ, bất ngờ đó lại là một con cá vàng khổng lồ.
Khác hẳn những con cá vàng nhỏ nhắn, xinh xắn được nuôi trong bể cá cảnh, con cá vàng mà Richards câu được nặng tới 2,27 kg và dài khoảng 0,4 m.
Sau khi cân “sản phẩm”, cậu bé tốt bụng Richards lại thả chú cá vàng về với tự nhiên.
Richards cho rằng chú cá vàng này ban đầu cũng nhỏ nhắn xinh xắn như đồng loại, nhưng khi được người chủ nào đó phóng sinh xuống hồ, gặp được môi trường rộng rãi, thức ăn dồi dào, nên mới có thể phát triển lớn đến vậy./.
Suốt mấy mươi năm trồng lan, ông Tám Ngọc không chỉ cung cấp nhiều loài hoa đẹp cho đời mà còn giúp nhiều người có cuộc sống ổn định.
Tại lễ tuyên dương Người nông dân tiêu biểu TPHCM lần thứ 2 mới đây, bên cạnh những kỳ hoa dị thảo được các gương điển hình nông dân đem tới trưng bày thì những chậu lan hồ điệp, cát lan gia rực rỡ luôn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Chủ nhân của những chậu lan ấy là nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (Tám Ngọc) – người vinh dự nhận danh hiệu Nông dân tiêu biểu của TPHCM với nghề trồng lan.
Đam mê từ nhỏ
Vườn lan của nghệ nhân Tám Ngọc ở khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức – TPHCM chỉ rộng 100 m2 nhưng có hàng ngàn chậu lan. Ngoài giống lan cắt cành như denro, mokara, vườn còn những giống hiếm như cát lan gia, hồ điệp, ngọc điểm, vũ nữ, báo hỷ… Tôi đến khi ông đang lui cui kiểm tra từng gốc lan với chiếc bình phun nước trên tay. Dáng người nhỏ bé của ông lẩn khuất giữa hàng ngàn cánh hoa đang đua nở.
Nghệ nhân Tám Ngọc cho biết ngay từ nhỏ, ông đã yêu hoa lan. “Vì trót chọn nghề điện tử để mưu sinh nên tôi không có thời gian cho niềm đam mê của mình. Tuy vậy, mỗi khi đi làm về, tôi thường ghé qua đường Hoàng Văn Thụ sưu tầm những giống lan rừng về trồng quanh nhà để ngắm nhìn những lúc căng thẳng, mệt mỏi. Đầu năm 1983, một lần tình cờ đi ngang các cửa hàng hoa, thấy người ta dùng hoa lan kết hoa cưới cho cô dâu, tôi thấy cũng hay hay và bắt đầu nghĩ đến việc trồng lan để phục vụ cho mọi người, nhất là trong ngày vui đôi lứa” – ông tâm sự. Từ những chậu lan ban đầu, ông nhân giống để trồng. Không ngờ, khi lan ra bông, chủ các tiệm hoa tìm đến tận nhà để mua. Từ đó, ông dồn hết tâm sức cho việc nhân giống, trồng lan.
Nhân giống lan quý
Nghệ nhân Tám Ngọc chỉ trồng những giống lan cao cấp như cát lan gia, hồ điệp, vũ nữ… Ông cho biết: “Ngày ấy, mỗi chậu lan đẹp như cát lan gia hay hồ điệp trị giá cả lượng vàng. Chính vì vậy, khi bán hoa, những chủ vườn thường dùng kim chích vào các mắt cây để người trồng không thể nhân giống được”. Tuy vậy, bằng những kiến thức được học trước đây cộng với việc nghiên cứu các tài liệu, ông đã ứng dụng thành công việc trồng và nhân giống nhiều loài lan quý.
Cho tôi xem những cành lan đang trổ hoa, ông giảng giải: Muốn hoa lan đẹp, ngoài giống tốt, kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quyết định chất lượng hoa. Đối với hoa lan, mỗi tuần bón phân 2 – 3 lần, chủ yếu dùng NPK. Phân bón cho lan không có tạp chất, ngoài ra, còn bổ sung các vi chất cần thiết. Mỗi ngày nên tưới lan từ 2 – 3 lần, nếu trời mưa thì không cần tưới.
Nhiều năm trồng lan, ông đã đúc kết kinh nghiệm: Lâu tàn nhất là lan hồ điệp với tuổi thọ của bông từ 2 – 3 tháng. Kế đến là cát lan gia khoảng một tháng mới tàn, còn ngọc điểm thì chỉ 10 ngày. Nhưng đắt nhất là cát lan gia vì chúng cho bông to đẹp, cánh lại uyển chuyển. Chỉ riêng với loài cát lan gia, ông đã lai tạo ra nhiều màu sắc khác nhau như xanh đậm, xanh da trời, sô-cô-la, rượu chát, đỏ hồng, đỏ tía, vàng… Ngoài ra, ông còn có nhiều giống lan khác như vũ nữ, báo hỷ, hồ điệp cho bông to, cánh đẹp với nhiều màu sắc.
Niềm vui với nghề
Chỉ với diện tích 100 m2 nhưng mỗi năm, nghệ nhân Tám Ngọc thu được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán hoa. Đó là chưa kể đến tiền bán những giống lan đặc biệt như cát lan gia, hồ điệp, vũ nữ…
Niềm vui của ông trong suốt mấy mươi năm trồng lan không chỉ là việc cung cấp loài hoa đẹp mà còn giúp được nhiều người có cuộc sống ổn định; trong đó có anh Bùi Tuấn Hải, một chủ vườn lan nổi tiếng tại Dĩ An – Bình Dương hiện nay. Nghệ nhân Tám Ngọc nhớ lại: “Đó là năm 1986, khi tôi đang tưới lan thì thấy có một học sinh lấp ló ngoài cửa. Hóa ra cậu học trò ấy muốn mua lan để tặng thầy nhân ngày Nhà giáo nhưng không đủ tiền. Thấy vậy, tôi liền để chậu lan denro cho cậu với giá 10.000 đồng. Không ngờ, vài ngày sau, tôi lại thấy cậu ta lấp ló trước cửa. Lần này, cậu mong muốn được trồng hoa lan trong sân nhà”. Thấy cậu học trò yêu lan, ông gom những cành lan đang nhân giống tặng ngay, kèm theo mấy bịch phân bón cùng kỹ thuật trồng. Không ngờ 6 tháng sau, cậu học trò trở lại vườn ông cầm theo 10 cành lan denro tuyệt đẹp. Ông kể: “Khi trao lan cho tôi, cậu ấy nói: “Nhờ những cành lan của bác mà cháu đã nhân ra 50 chậu trên sân nhà và mỗi tuần cháu cắt được 10 cành bán. Giờ đây, khi đi học, cháu không phải xin tiền của mẹ nữa”.
Ngoài việc trồng lan, nghệ nhân Tám Ngọc còn tham gia dạy nghề miễn phí cho nhiều bà con trong vùng. Vào thứ bảy, chủ nhật, ông còn được Hội Nông dân TPHCM, Trung tâm Khuyến nông Bình Dương mời giảng dạy về nghề trồng lan cho nông dân. Chỉ riêng tại Bình Dương, đến nay, ông đã tổ chức được 11 lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân thuộc CLB hoa lan cây cảnh. Ông Nguyễn Thành Giàu, ở huyện Bến Cát – Bình Dương, cho biết: “Trước đây tôi trồng sứ nhưng thu nhập không cao. Từ khi có dịp gặp thầy Ngọc qua chương trình dạy nghề miễn phí, tôi đã chuyển sang trồng lan. Giờ đây, vườn lan của tôi đang thu hoạch, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”.
Nghệ nhân Tám Ngọc tâm sự: “Tôi nghĩ mô hình trồng lan rất phù hợp cho những nông dân thuộc diện bị thu hồi đất hay thanh niên nhàn rỗi, không có công ăn việc làm. Trong định hướng phát triển của mình, ngoài việc dạy nghề cho bà con, tôi sẽ tiếp tục nhân giống lan mới để phục vụ nhu cầu phát triển, hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong tương lai”.
Hiện giới chơi cá cảnh và ngư dân “xôn xao” về việc cá hồng vện (còn gọi là cá thái hổ) có giá “trên trời” nhưng “có tiền chưa chắc đã mua được”. Có người cho biết, mỗi con cá hồng vện “đủ chuẩn”, bề ngang to cỡ 3 ngón tay người lớn, sọc hai bên thân cá đều nhau có khi có giá “vài ngàn đô”. Giới săn cá quý ở Sài Gòn, thậm chí ở ngoài Bắc thỉnh thoảng lại lên Tây Ninh tìm mua cá hồng vện nhưng hầu hết đều thất vọng ra về, bởi sông Vàm đã “tuyệt chủng” giống cá này từ 5 năm nay. Trước đó, Tây Ninh là nơi xuất khẩu cá hồng vện đi nhiều nước.
Chúng tôi về xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu tìm ông Tư Mạnh. Ông là nhân vật trong bài viết “Cá hường trở lại sông Vàm” đúng một năm về trước. Ông Tư Mạnh may mắn sở hữu khoảng 700 con cá hồng vện. Do loài cá này rất quý và cực hiếm nên việc sở hữu cả ngàn con cá hồng vện cũng có nghĩa là sở hữu cả một gia tài khổng lồ. Tuy nhiên, số cá trên không được tìm thấy ở sông Vàm Cỏ, mà ông Tư Mạnh phải cất công sang Campuchia mua đem về từ khi chúng còn “bé hơn đầu sợi tóc”.
Ông Tư Mạnh cho biết, sau khi mua về 700 con cá bột (cá con mới nở, rất nhỏ), ông ươm nuôi sống được hơn 600 con. Hiện ở Tây Ninh, ông là một trong hai người sở hữu được số lượng lớn cá hồng vện. Đến cuối năm 2010, ông đã lựa một số con đủ kích cỡ và thông báo cho công ty cá cảnh ở TP.HCM đến mua. Đợt đầu tiên, ông Mạnh bán không đến 10 con cá hồng vện nhưng thu được… 14.000 USD.
Từ đầu năm đến nay, ông Mạnh cũng đã xuất bán dần dần được khoảng 400 con với giá bình quân từ 9 đến trên 10 triệu đồng/con. Ông Tư Mạnh nói: “Cá đẹp có giá trên 1.000 USD là bình thường. Tuy nhiên, cá hồng vện có nhiều loại và người mua cá xuất khẩu cũng có một số tiêu chuẩn riêng nên không phải con nào cũng có giá như nhau. Có điều, nếu sông Vàm Cỏ Đông xứ mình còn giống cá này, mấy năm nay sẽ có thêm nhiều ngư dân thoát nghèo, đổi đời. Tiếc quá!”.
Từ 20-12-2018 đến hết ngày 20-1-2019 UBND thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày sinh vật cảnh Thủ đô chào Xuân Kỷ Hợi năm 2019 tại Công viên Bách thảo Hà Nội
Sự kiện này quy tụ hàng ngàn tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, hoa lan, đá cảnh, thảm hoa nghệ thuật, hoa quả tạo hình nghệ thuật, chim cảnh độc đáo của Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Tham gia sự kiện có các sở, ngành trên địa bàn thành phố, Trung ương Hội Khoa học Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh thành phố, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam…
Trong thời gian diễn ra sự kiện, ngoài trưng bày sinh vật cảnh còn có nhiều hoạt động bên lề: Tôn vinh những sáng tạo của nghệ nhân, cán bộ hội viên sinh vật cảnh; tổ chức thi chim cảnh…
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với các hội viên Hội Sinh vật cảnh; đồng thời là cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sinh vật cảnh; tạo cầu nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài nước…