Kinh nghiệm khi trồng lan hồ điệp

  • Phalaenopsis Orchids do not like to have any water sitting on their leaves overnight. If they do, they can get an infection on their leaves.
    Lan Hồ Điệp không thích đọng nước trên lá qua đêm. Nếu để đọng nước trên lá như vậy lá của nó có thể bị nhiễm bệnh.
  • Phalaenopsis Orchid plants can drop their flowers if temperatures go lower than 65 F.
    Hồ Điệp có thể cho bông trong điều kiện nhiệt độ dưới 65 độ F hay 18 độ C.
  • Phalaenopsis Orchids are the longest blooming Orchid. This happens when ideal care is given.
    Hồ Điệp là giống lan cho bông lâu tàn nhất trong điều kiện chăm sóc lý tưởng.
  • Phalaenopsis Orchids love humidity.
    Hồ Điệp thích ẩm ướt.
  • Phalaenopsis Orchid plants like to be in a tight pot.
    Hồ Điệp ưa được trồng trong chậu chặt khít.
  • Phalaenopsis Orchids like to be potted in medium bark.
    Hồ Điệp ưa trồng trong giá thể có kích thước trung bình.
  • Phalaenopsis Orchid plants do not like to dry out between waterings like some Orchids.
    Hồ Điệp không thích bị khô giữa hai kỳ tưới nước giống như một số loại lan khác. Một số loại lan giữa 2 lần tưới cần có 1 khoảng thời gian khô ráo.
Kinh nghiệm trồng lan hồ điệp

Ghi chú:

Cách đổi độ F sang độ C: °C = (°F – 32) / 1.8

Với Hồ Điệp thì kinh nghiệm bản thân cho thấy, không cần tưới nước nhiều, 1 tuần không tưới cũng không chết được. Nhưng do Hồ Điệp rất thích ẩm nên rất dễ bị nấm, do đó phải thường xuyên phun thuốc phòng nấm. Mùa khô, nếu gió nhiều, cây dễ mất ẩm, nên thường xuyên kiểm tra để tưới thêm. Mùa mưa nên tránh không cho nước mưa đọng trên lá, không để mưa trực tiếp vô lá làm thối lá. Trồng trong chậu kín, nhiều dớn giữ ẩm tốt  thì không nên tưới nhiều làm thối rễ. Trồng thoáng, để rễ mọc phía trên thì tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm.

Về ánh sáng thì Hồ Điệp không cần nhiều sáng, nhiều cây trồng trong nhà gần cửa sổ gắn kiếng, có chút ánh sáng ban ngày vẫn có thể cho bông. Hồ  Điệp có đặc tính khi ra bông, nếu không cắt vòi khi bông tàn, để 1 thời gian vòi đó vẫn cho nhánh ra bông tiếp. Vì vậy, nếu chăm tốt, vòi bự thì nên để vòi sau khi hoa tàn, dưỡng cây 1 thời gian lại cho bông tiếp trên vòi đó. Nhưng cần lưu ý lan nuôi bông thường rất yếu, nếu tham để bông lâu thì cây sẽ đuối, lá không cứng nổi. Người biết chơi thường cắt vòi sau khi hoa tàn, hoặc thấy cây yếu thì cắt vòi sớm hơn. Sau đó dưỡng cây bằng phân 30-10-10 một thời gian cho cây khoẻ lại mới nghĩ tới chuyện kích 6-30-30 để cho vòi khác. 

Hồ Điệp là giống lan có hoa lâu tàn nhất. Khi có bông, nếu không tưới phân, không để nước phun lên bông, không để ngoài nắng thì bông có thể chơi tới 2 tháng. Mãn Thiên Hồng cũng họ hồ điệp là loại có hoa bền nhất.

Sự ra hoa của lan Hồ Điệp

Hiện nay, trong khi nước láng giềng là Thái Lan và Đài Loan đã rất thành công trong ngành công nghiệp hoa lan của họ thì người Việt Nam vẫn chỉ làm kinh tế với hoa lan một cách thụ động. Nghĩa là họ chỉ chờ hoa nở, nếu như gần dịp lễ thì trúng, còn nếu trong những ngày bình thường mà hoa nở quá nhiều thì dội chợ vì không thể bán kịp. Đặc biệt là đối với lan Hồ Điệp, một loại lan có giá trị thương mại cao, nhưng lại rất khó trồng và kiểm soát. 

Nhắc đến Hồ Điệp là nhắc đến Đài Loan, một quốc gia trồng có kỹ thuật trồng lan hàng đầu thế giới với khả năng trồng Hồ Điệp cắt cành, điều khiển ra hoa… và bộ sưu tập giống cực kỳ đồ sộ.
Kỹ thuật điều khiển ra hoa Hồ Điệp hiện là bí quyết công nghệ của người Đài Loan. Chỉ với phương pháp điều khiển nhiệt độ, họ có thể kích thích Hồ Điệp tạo phát hoa với hiệu quả gần như tuyệt đối.

Sự ra hoa của lan Hồ Điệp

Các giai đoạn phát triển của lan Hồ Điệp trong nhà kính có thể chia thành các giai đoạn chính dựa trên nhiệt độ như sau:

Giai đoạn đầu tiên (kéo dài 22-27 tuần)

Đây là giai đoạn phát triển từ cây trong ống nghiệm cho đến khi thành cây trung. Khoảng thời gian quan trọng nhất trong giai đoạn này là lúc ra cây con, cần tránh thay đổi điều kiện sống của cây một cách quá đột ngột.

Giai đoạn phát triển (kéo dài 22-27 tuần)

Cây Hồ Điệp phát triển sinh dưỡng, nhiệt độ cho giai đoạn này nằm trong khoảng 28 đến 32o C. Nhiệt độ cao vừa phải làm gia tăng khả năng quan hợp của Hồ Điệp, đồng thời hạn chế sự ra hoa sớm không cần thiết trong giai đoạn dưỡng sức này. Theo K. Kataoka và cộng sự, giai đoạn trước khi cây ra hoa cần hàm lượng Carbohydrate rất lớn, điều này cũng có nghĩa là nếu sự ra hoa xảy ra khi cây không đủ sức, chất lượng hoa sẽ không cao hoặc làm tổn hại đến cây mẹ.

Giai đoạn thọ hàn (kéo dài 4-6 tuần)

Cảm ứng ra hoa Hồ Điệp cần phản ứng stress nước nhẹ trong nhiệt độ thấp, từ 17 đến 25oC. Tại nhiệt độ này, hàm lượng Cytokinin nội sinh trong lá tăng lên, ngược lại với hàm lượng Acid Abscisic (Wen Yu Wang và cộng sự, 2002). Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của Wang năm 2003, số lượng cũng như hàm lượng protein trong mô lá tăng đáng kể trong giai đoạn này. Điều này cho thấy phản ứng ra hoa để đạt đến mức tối ưu cần được xảy ra trong điều kiện lạnh, nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác cũng đã nói lên điều này. Giai đoạn xử lý ra hoa kết thúc khi phần lớn các cây xử lý tạo phát hoa non khoảng 2-5cm.

Giai đoạn kết thúc (kéo dài 8-15 tuần)

Sau khi cây Hồ Điệp được 4 đến 6 lá và chiều rộng lá khoảng 25cm, cây được đưa vào giai đoạn xử lý phát hoa, nhiệt độ xử lý nằm trong khoảng 17-26oC. Trong giai đoạn này, mục tiêu của người trồng là kéo dài phát hoa, tăng số lượng hoa, điều khiển cho hoa nở đồng thời và hoa xoay đều theo trục phát hoa. Có thể chia giai đoạn này thành 3 giai đoạn nhỏ hơn. Trước tiên, phát hoa cần được kéo dài ở nhiệt độ cao (26oC) trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó chuyển sang nhiệt độ thấp hơn (17-25oC) để cảm ứng chồi sinh sản, hạn chế tối đa số chồi sinh dưỡng. Ngay sau khi có một số nụ nhất định hình thành, để làm cho phát hoa nở đều, nhiệt độ được tiếp tục giảm xuống khoảng 19-20oC nhằm kéo dài thời gian bung cánh hoa của những hoa bên dưới, tạo điều kiện cho các hoa bên trên tiếp tục hình thành phát triển và bung cánh hoa trong cùng một khoảng thời gian ngắn.

Nhiệt độ trong suốt quá trình xử phát hoa nếu vượt quá 26oC có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên phát hoa, làm chột đỉnh hoặc giảm số lượng hoa.

Ảnh hưởng của nhiệt độ lên khoảng thời gian trung bình để hoa nở

Nhiệt độ (C)——Thời gian từ khi phát hoa xuất hiện đến khi hoa đầu tiên nở (ngày) 
14 ——————————-266 
17 ——————————-133 
20 ——————————–87 
23 ——————————–68 
26 ——————————–52

Ánh sáng trong quá trình phát triển của lan Hồ Điệp vào khoảng 500-1500 footcandles, thuộc loại tương đối cao so với đa số các loài lan khác (Dù vậy cây không chịu được ánh sáng trực tiếp). Tuy nhiên so với nhiệt độ thì ánh sáng không ảnh hưởng nhiều đến sự ra hoa của Hồ Điệp mà chỉ quan trọng về yếu tố tích lũy dinh dưỡng thông qua quang hợp và ảnh hưởng đến đặc tính quang hướng động của hoa.

Tài liệu tham khảo: 

Matthew Blanchard, Roberto lopez, Erik Runkle, Yin-Tung Wang. 2005. The Orchid Grower. Green house Grower Publish(4) 86-89. 

Wen Yu Wang, Wen Shaw Chen, Kuan Liang HuangLi Sang Hung , Wen Huei Chen, Wei Ren Su.2003.The effect of daylength on protein synthesis and flowering on doritis pulcherima. Sciencetia Hor 97: 49-56. 

Wen-Yu Wang, Wen-Shaw Chen, Wen-Huei Chen, Li-Sang Hung, Ping-Shun Chang. 2002 
Influence of abscisic acid on flowering in phalaenopsis hybrida. Plant physiol. Biochem (40) 97-100. 

K. Kataoka., K. Sumitomo, T. Fudano, K. Kawase. 2004. Changes in sugar content of Phalaenopsis leaves before floral transition (102); 121-132.


Nguyễn Hữu Hoàng
Theo Sinh học Việt Nam

Để lan hồ điệp ra hoa

Lan hồ điệp là một loại hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại rất khó tính, có các yêu cầu sinh thái khắt khe, người trồng phải có những hiểu biết nhất định và thiết bị cần thiết để có thể chủ động điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm môi trường thích hợp cho mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì cây mới có thể ra hoa được.

lan hồ điệp ra hoa

 Khác với các giống lan hồ điệp bản địa có thể ra hoa bình thường nếu có chế độ chăm sóc tốt: bón phân đầy đủ, ánh sáng, nhiệt độ thích hợp thì các giống nhập nội có nguồn gốc ôn đới bắt buộc phải trải qua một thời gian lạnh để phân hóa mầm hoa (xuân hóa) rồi cây mới ra hoa được. Các cây hoa bạn mua chưa được xuân hóa vì còn nhỏ (mới có 2 lá) nên nếu trồng và chăm sóc trong điều kiện bình thường ở Hà Nội thì cây không thể ra hoa.

Kinh nghiệm cho thấy: vào giai đoạn sinh trưởng, khi cây có trên 4 lá to, khỏe mạnh (khoảng 1 năm sau trồng, tức sau thay chậu lần 2 hoặc 3) cần làm lạnh khoảng 2-3 tuần để kích thích hình thành chồi hoa. Yêu cầu nhiệt độ tối thiểu khoảng 16-18oC, tối đa 23oC, trung bình ngày đêm 19-19,5oC; độ chiếu sáng cần khoảng 5.000-6.000 lux. Giai đoạn nở hoa, yêu cầu nhiệt độ tối thiểu khoảng 19oC, tối đa 25oC, trung bình 21-22oC. Có thể dùng 1-2 lớp lưới hoặc tôn nhựa màu sáng để che chắn bớt ánh sáng, nhất là các tháng mùa hè có nhiệt độ trên 35oC. Để đáp ứng các yêu cầu sinh thái nói trên nhất thiết phải chuẩn bị nhà trồng theo kiểu 2 mái để có thể khống chế được các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm theo yêu cầu của cây vào từng giai đoạn nhất định.

Với những cơ sở kinh doanh lớn họ thường xây dựng 2 nhà lưới cho 2 giai đoạn trồng và chăm sóc, trong đó có 1 nhà được trang bị các thiết bị làm lạnh để giúp cây phân hóa mầm hoa thuận lợi. Với những đơn vị trồng hoa có qui mô nhỏ không có điều kiện đầu tư xây dựng các nhà lưới có thiết bị làm lạnh mà ở gần các điểm có khí hậu mát, lạnh như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng)…, có thể trồng và chăm sóc hoa ở đồng bằng, đến khoảng tháng 7 thì chuyển cây lên khoảng 2 tháng cho cây phân hóa mầm hoa rồi lại chuyển về chăm sóc cho đến khi cây ra hoa, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí.

– Chế độ chăm sóc: Ngoài các điều kiện về nhà trồng như đã nói ở trên thì chế độ chăm sóc đặc biệt quan trọng. Cây con nuôi cấy mô từ khi bắt đầu đưa vào chậu cho tới khi ra hoa xuất bán thường phải trải qua ít nhất 2-3 lần thay chậu (thay giá thể có bổ sung dinh dưỡng) mất khoảng 24 tháng. Trong giai đoạn sinh trưởng cần giữ nhiệt độ khoảng 23oC, không thấp hơn 20oC, hệ thống thông gió hoạt động tốt. Mùa hè che bớt 80-90% ánh sáng, mùa đông từ 60-70%.

Sau trồng 1 tháng bón thêm phân NPK 30-10-10 pha 30-40mg/lít nước phun 7 ngày/lần. Thay chậu lần 1 sau trồng 4-6 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá đạt 12cm bằng chậu có đường kính 8 cm, bỏ giá thể cũ thay giá thể mới. Trong 3-5 ngày đầu không cần tưới nước; sau 10 ngày tưới nước và tiếp tục chăm sóc bình thường cho đến khi cây có trên 4 lá khỏe mạnh mới có khả năng phân hóa mầm hoa. Phun NPK 30-10-10 (pha 40mg/lít); có thể bổ sung thêm các loại phân bón lá khác như Komix, Thiên nông.

Thay chậu lần 2 sau trồng từ 16-20 tháng, khoảng cách giữa 2 lá đạt khoảng 18cm bằng chậu có đường kính 12cm. Che bớt ánh sáng: mùa hè giảm từ 60-70%, mùa đông giảm 40-50%, nhiệt độ 28-30oC, ẩm độ 70-85%. Sau chuyển chậu lần 2 khoảng 5-6 tháng, cây có trên 4 lá là chuẩn bị ra hoa. Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18-25oC hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8-10oC. Lan hồ điệp có hoa liên tục do đó xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, khoảng cách giữa các hoa trên cành càng ngắn.

Nhiệt độ >25oC không thể phân hóa mầm hoa, thấp <15oC thì không ra nụ, ra hoa. Khi thấy cây nhú hoa tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 2g/lít nước, phun 7-10 ngày/lần để cho hoa mập hơn, màu sắc đẹp hơn, tươi lâu hơn. Trước khi xuất bán 1-2 tháng nên để hoa nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp 20-25oC, ánh sáng che bớt 70% hoa sẽ tươi hơn, bền hơn. Khi cây nở hoa không nên tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa dễ làm hoa bị úng hoặc cháy. Khi hoa nở gần tàn nên cắt ngay cành và tưới NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.

Điều kiện phát triển của địa lan

Trong việc trồng địa lan châu á, cho dù nó được trồng trong nhà kính, trồng dưới ánh đèn hoặc bên ngoài khí hậu ôn hoà, cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến chất trồng, chậu trồng cây và các điều kiện phát triển. 

địa lan



Chậu trồng địa lan châu á

Nhiều thế kỷ, người trồng lan Châu Á sử dụng các loại chậu đặc biệt để kìm hãm sự phát triển của rễ theo bề rộng, rễ phát triển theo chiều sâu của chậu và duy trì sự thông thoáng. Đó không phải là ngẫu nhiên mà trong mỗi chiếc chậu đặc biệt để trồng các cây địa lan châu á đều có kích thước phù hợp: tỉ lệ giữa đường kính chậu và chiều dài là 1:3. Các loại chậu khác nhau về hoa văn. tất cả chúng được tráng men hoặc không tráng men.

Tại Hàn Quốc, chậu trồng lan truyền thống có hình ống, hẹp ở giữa, miệng loe ra và có các lỗ thông hơi bên cạnh chậu cũng như dưới đáy bình. Tại Trung Quốc, chậy có thể hình vuông hoặc hình ống, có lỗ thoát nước bên cạnh chậu và có đôn để kê chậu lan. Tại Nhật Bản, chậu thường đơn điệu, hình ống với miệng chậu loe và 3 chân.

Hiện nay có các loại chậu bằng nhựa của Đài Loan và Nhật Bản, một số trong chúng có thể tháo lắp được để dễ dàng kiểm tra rễ của địa lan và có các lỗ thông thoáng bên cạnh.

Nên chọn chậu phù hợp với kích cỡ và hình dáng của cây và không được kìm hãm nó. Chậu phải là nơi để cho cây phát triển mới, nhưng cần phải hạn chế sự phát triển rộng ra của bộ rễ. Tôi thích các loại chậu của Hàn Quốc để trồng Cym Sinence, bởi vì chúng rộng hơn và thông thoáng hơn, trong khí cây Cym Ensifolium trông đẹp hơn trong các chậu sáng và nhỏ hơn. Nếu bạn không muốn dùng chậu địa lan châu á, tôi khuyên nên dùng các chậu nhựa sâu hoặc chậu có thể trồng nhiều cây cùng loại trong 1 cái bình thường làm cho cây chật rễ.

Khi dùng các chậu gốm sứ mới mua về nên ngâm chúng trong nước vài ngày trước khi trồng cây để ngừa việc đất sét hút ẩm của chất trồng và kìm hãm sự phát triển của cây địa lan. Chậu tráng men cần phải được rửa sạch nhằm loại bỏ các chất bẩn, sáp hoặc chất đóng gói.

Chất trồng

Chất trồng truyền thống cần phải có độ thoát nước tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chống thối rễ, có độ thông thoáng tốt, và chi phí hợp lý. Để đáp ứng được các mục tiêu này, chất trồng phải là một hỗn hợp. Tiêu chuẩn của chất trồng mà tôi sử dụng là một hỗn hợp của vỏ thông, than củi và đá. Đá phải chuẩn được rửa sạch, chọn đá nhỏ cỡ sỏi hạt đậu. Khi trọng lượng là mối quan tâm, tôi thay thế bằng đá trân châu thô. Tôi đổ hỗn hợp vào trong một cái khay lớn và lắc đều để lựa ra kích cỡ của các hạt chất trồng. 

Tôi lót sỏi hạt đậu dưới đáy chậu. Sau đó bắt đầu với hỗn hợp thô bên trên và dùng chất trồng mịn hơn nhồi vào trong chậu. Cách mặt chậu khoảng 1 inch, tôi cho hỗn hợp (đá trân châu, than củi và vỏ thông). Có nhiều lúc, tôi thích dùng hỗn hợp mảnh, ẩm. Khi tôi trồng dòng Einsifolium, tôi dùng chậu gốm hoặc chậu có lỗ thông hơi bên cạnh, tôi dùng đến 20% dương xỉ sợi để duy trì độ ẩm.

Ánh sáng

Mức độ chiếu sáng rất quan trọng đối với sự phát triển của địa lan. Thiếu ánh sáng cây sẽ yếu ớt và phát triển không bình thường. Nhiều ánh sáng quá mức sẽ làm hư hại lá cây và đặc biệt đối với các loài biến thể, sẽ làm giảm bớt giá trị thưởng thức do ánh áng làm thay đổi màu sắc của cây.

Trong suốt những tháng mùa hè, nếu trồng cây ở nơi có ánh náng, cần che bớt ở mức 50-70%. Những loài địa lan xuất xừ từ vùng núi cao hơn như Gorengi và Faberi tỉ lệ che sáng cần phải cao hơn. Trong suốt mùa đông, độ che sáng cần ở mức 20-50%. Bởi trong môi trường có độ che phủ này, cây địa lan Châu Á sẽ là ứng viên xuất sắc để phát triển dưới ánh sáng tán xạ, khó khăn duy nhất là vấn đề duy trì độ ẩm cao.

Một số ví dụ tốt nhất về Cym Sinence được tìm thẩy trong văn phòng nhà máy đóng chai nước tại Trung Quốc. Tại đây, cây địa lan châu á được đặt dưới dãy đèn chiếu sáng khoảng 4-5 feet và nơi được chiếu sáng 12-16 giờ mỗi ngày. Sự kết hợp của độ ẩm cao, thời gian chiếu sáng dài và gió thổi nhẹ là một môi trường hết sức lý tưởng.

Nhiệt độ

Nói chung, nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của Địa lan là 20-30 độ C. nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm là 10 độ C. Tuy nhiên, các loại khác sẽ phát triển lý tưởng ở các mức nhiệt độ khác.

Chẳng hạn, dòng Faberi và Gorengi tìm thấy trong tự nhiên ở những vùng cao có mức nhiệt độ là 15-25 độ C, và chúng có thể chống chịu được nhiệt độ mùa đông băng giá. Nhiệt độ mùa hè quá 30 độ C sẽ kìm hãm sự phát triển và khả năng ra hoa của chúng.

Mặt khác, dòng Sinence được tìm thấy ở những vùng thấp hơn, không thể chống chịu lại được điều kiện nhiệt độ xuống thấp quá 5độ C, làm kìm hãm sự phát triển, nhưng có thể chiụi đựng được nền nhiệt độ cao vào mùa hè (trên 30độ C) miễn là đảm bảo được độ ẩm cao để hỗ trợ.

Sự kìm hãm tăng trưởng gây ra bởi nhiệt độ mùa hè cao được biểu hiện ở những mầm cây cằn cỗi không ra hoa trong mùa tiếp theo. Khi sống trong khí hậu có nền nhiệt độ mùa hè có thể lên đến 30 độ C cần phải tăng độ thông thoáng và sử dụng hệ thống phun sương tự động hoặc hơi mát để gia tăng độ ẩm và giữ cho nhiệt độ giảm xuống.

Độ ẩm

Có 2 thời kỳ phân biệt rõ ràng cho cả hai việc tưới nwocs và kiểm soát độ ẩm. Suốt những tháng nghỉ đông, từ tháng 10 đến tháng 3, độ ẩm cần được kiểm soát ở mức 40-60%.

Trong suốt thời kỳ tăng trưởng, giữa tháng Tư đến tháng 9, độ ẩm cẩn phải được duy trì trên 80% kết hợp với duy trì sự lưu thông không khí. Người trồng cây trong nhà cần phải nâng độ ẩm bằng cách sử dụng các khay nước đặt dưới đáy chậu cây.

Những chiếc khay này cẩn phải được nhồi đầy sỏi nhẹ để giữ cho nước không chạm vào rễ cây trong khi tạo ra tiểu vùng khí hậu cho cây. Người trồng cây ngoài trời, sử dụng mái che thuận tiện cho việc che sáng có thể kết hợp tưới buổi sáng với phun sương ẩm suốt cả ngày để gia tăng độ ẩm xung quanh cây. Khi sử dụng cách này cần lưu ý trong suốt thời kỳ cây lên mầm mới. Nước có thể đọng tại mầm cây và đó là nguyên nhân thối mầm. Việc đí sẽ giết chết mầm cây.

Sự thông thoáng

Tất cả các loài Địa lan châu á đều ưa sự thông thoáng. Kém thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, sâu bọ phá hoại và chất trồng chóng hoai mục. Quạt gió, quạt công nghiệp và quạt thông hơi mức cao đều có thể được sử dụng. Tại nhà kính của tôi, tôi có vài dãy kệ để cây. Các giá để có lỗ, các chậu địa lan được đặt trong các lỗ đó. Sự sắp xếp này để gia tăng sự thông thoáng cho cây. Tôi cho quạt chạy liên tục để gia tăng sự lưu thông không khí. Quạt thông hơi và mái thông hơi tự động góp phần vào việc kiểm soát nhiệt độ. Nếu nhà kính nóng quá, các quạt thông gió sẽ hút gió ra ngoài để làm mát nhà kính. Tôi thường sử dụng 2 hệ thống phun sương, một để kiểm soát độ ẩm, cái còn lại hộat động tự động cùng với quạt thông gió để làm mát, và để bù đắp lại lượng hơi ẩm đã mất đi do quạt thông gió.

Hoa lan tại Âu Mỹ

Hoa lan, đa số thường mọc tại các vùng nhiệt đới và đã được các thuyền trưởng, các lái buôn, các nhà truyền giáo, các khách du lịch mang về, cho nên người Âu châu biết đến rất muộn. Năm 1510 họ mới biết đến lan qua những trái Vanilla dùng cho bánh kẹo. Cây lan đầu tiên mang về Anh quốc là cây Disa uniflora do thuyền trưởng John Ray lấy về từ mũi Hảo vọng – Cape of Good Hope. Nhưng thực ra Âu châu cũng có nhiều giống lan như Dactylorhiza tại Anh, Gymnadenia rất thơm và nhiều hoa tại Pháp và Đức v.v… Cũng nên nói thêm là chữ ORCHID do chữ ORCHIS của Hy lạp. Vào năm thứ 75 dương lịch, có lẽ Pedanius Dioscorides khi nhìn thấy một củ lan nào đó, đã tượng hình mà đặt tên cho cây lan với cái tên theo nghĩa của Hy Lạp chẳng thanh nhã chút nào: Testicule = Ngọc hành.

Hoa lan tại Âu Mỹ



Hoa Kỳ cũng có những loại lan nữ hài xinh đẹp như Cypripedium acaule mọc tại miền White Mountains thuộc tiểu bang New Hampshire. California cũng có thứ lan nữ hài mang tên tiểu bang thường thấy mọc tại công viên quốc gia Yosemite.

Bắt đầu từ năm 1731 các nhà khoa học và thảo mộc gia Âu – Mỹ mới bắt đầu nghiên cứu về lan và tìm cách phân loại theo các tiêu chuẩn: điều kiện tăng trưởng, sự sinh sản, và hình dáng. John Lindley sinh tại Anh quốc vào năm 1799, ông đã đi nhiều nơi nghiên cưú về lan và để lại cho thế giới bộ sách có thể nói là một bộ lan kinh vô cùng quý báu, hiện nay giá 1200$. Ông mất đi vào năm 1865 và được tặng phong tước hiệu Father of Orchids = Người cha của hoa lan.

Hội trồng tỉa hoàng gia Anh quốc, Royal Horticulture Society (RHS) được thành lập vào năm 1889, nhưng mãi đến năm 1897 mới chính thức phát giải thưởng cho hoa lan. Cây lan đầu tiên được giải nhất, First Class Certificate (FCC) là cây Cattleya dormaniana xuất xứ từ Costa Rica.

Hội hoa lan Hoa Kỳ, American Orchid Society (AOS) thành lập vào năm 1921 với số khởi thủy là 100 hội viên. Hiện nay tổng số khoảng 30,000 người bao gồm 330 chi hội nội địa và 170 chi hội thuộc các quốc gia khác trên thế giới. Muốn gia nhập hội hoa lan Hoa Kỳ chỉ cần gửi 60 $ niên liễm về địa chỉ: American Orchid Society, 16700 AOS Lane, Delray Beach, Florida 33446- 4351. Hội sẽ gửi tới tân hội viên một cuốn sách sơ lược về lan và cách trồng một vài loại lan thông thường, môt cuốn ghi rõ điều lệ và nội quy của hội,tên nhũng nhân viên trong ban chấp hành, những hội viên danh dự, các giám khảo, địa chỉ và điện thoại của các chi hội, các vườn lan địa phương v.v… ngoài ra các hội viên hàng tháng còn nhận được tờ nguyệt san hoa lan Orchids ghi rõ những hoạt động của hội và những bài khảo cứu có giá trị.


Placentia 4-1995
Bùi Xuân Đáng

Đặc điểm của hoa lan

Hoa lan sở dĩ được nhiều ưa chuộng là vì

  • Màu sắc thắm tươi, đủ vẻ, từ trong như ngọc, trắng như ngà, êm mượt như nhung, mịn màng như phấn, tím sậm, đỏ nhạt, nâu, xanh, vàng, tía cho đến chấm phá, loang, sọc, vằn thẩy đều không thiếu.
  • Hình dáng thực là khác trăm ngàn hình dạng khác nhau, dù rằng phần lớn chỉ là 5 cánh bao bọc chung quanh một cái môi = lip, nhưng mỗi thứ hoa lại có những dị biệt khác thường. hoa lan có loại cánh tròn, có loại cánh dài nhọn hoắt,có loại cụp vào, có loại xoè ra có những đường chun xếp, vòng vèo, uốn éo, có loại có râu, có vòi quấn quýt, có những hoa giống như con bướm, con ong (Ophrys insectifera). hoa lan có những bông nhỏ như đầu chiếc kim gút nhưng cũng có bụi lan Grammatophylum speciosum ở Phi luật thân cao gần 10 thước, dò hoa dài chừng 2 thước và nặng chừng một tấn. Lan này cũng mọc tại Việt nam nhưng chỉ cao độ 2-3 thước và mang cùng tên với cô ca sĩ nổi danh: Thanh Tuyền.
  • Hương lan đủ loại thơm ngát, dịu dàng, thoang thoảng, ngọt ngào, thanh cao, vương giả cho nên các bà,các cô đã phải trả một giá rất đắt cho bình nước hoa nhỏ síu. Tại Thái lan có một loại Vanda đươc giấu tên và được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hương thơm dành riêng để cung cấp cho một nhà sản xuất nước hoa danh tiếng. Nếu hoa lan sớm nở, tối tàn thì dù cho có hương, sắc đến đâu cũng không thể nào được liệt vào loài hoa vương giả. hoa lan nếu được giữ đúng nhiệt độ và ẩm độ có thể còn đươc nguyên hương, nguyên sắc từ 2 tuần lễ cho đến hai tháng, có những thứ lâu đến 4 tháng, có những thứ nở hoa liên tiếp quanh năm, nhưng cũng có loại chỉ 1-2 ngày đã tàn phai hương sắc.
Đặc điểm của hoa lan


Nhiều người thấy lan thường bám vào các cành cây, hốc đá nên nghĩ rằng lan là một loại tầm gửi (Parasite) nhưng thực ra lan không sống vào nhựa của cây. Lan chỉ bám vào đó mà sống, hấp thụ những tinh chất thiên nhiên do hoa, lá cây đã mục, phân chim và các tinh thể khác do nước mưa và gió vận chuyển tới.

Người ta thường gọi lầm tất cả các loại hoa lan là phong lan. Nhưng thực ra hoa lan mọc ở nhiều nơi và chia ra làm 4 loại sau đây:

  • Epiphytes: Phong lan bám vào cành hay thân cây.
  • Terestrials: Địa lan mọc dưới đất.
  • Lithophytes: Thạch lan mọc ở các kẽ đá.
  • Saprophytes: Hoại lan mọc trên lớp rêu hay gỗ mục


Lan mọc ở khắp năm châu, bốn biển, từ miền gió tuyết lạnh lùng cho đến vùng sa mạc nóng bỏng, khô cằn, từ miền núi cao, rừng thẳm cho đến các đồng cỏ của miền bình nguyên và ngay cả các vùng sình lầy đâu đâu cũng có lan. Đa số lan ưa mọc tại các rừng cây nhiệt đới nhất là tại giẫy núi Andes miền Nam Mỹ và giẫy Hy mã lạp sơn thuộc Á châu. Những nơi này, phần đông cao từ 3000 bộ đến 7000 bộ và nhiệt độ thay đổi từ 50 đến 90°F và mỗi tháng mưa ít nhất là 3-4 inches nước.

Lan thuộc vào một loài hoa đông đảo với khoảng chừng 750 loài và 30,000 giống nguyên thủy và chừng độ một triệu đã được lai giống nhân tạo hay thiên tạo, hoa lan (Orchidaceae) là một loài hoa đông đảo vào bậc thứ nhì sau hoa cúc (Asteraceae). Sở dĩ chúng tôi phải dùng chữ khoảng chừng vì hiện nay lan còn mọc ở nhiều nơi thâm sơn cùng cốc chưa ai biết đến. Riêng tại Việt Nam, trong những thập niên vưà qua người ta đã tìm thấy mấy cây chưa từng có trong danh mục hoa lan quốc tế. Đó là những cây Christensonia viêtnamica, Renanthera citrina, Paphiopedilum helenae, Paphiopedilum vietnamense và Paphiopedilum hiepii.

Cây lan Calanthe Dorminii là cây đầu tiên được ghép giống vào năm 1858, loại này tên Việt là Kiều lan hay nôm na gọi là lan bầu rượu. Hiện nay Viện cầu chứng quốc tế, thuộc Hội trồng tỉa hoàng gia Anh quốc (International Registration Authority for Orchid Hybrids) hàng tháng đã chứng nhận tên họ cũng như tác quyền thương mại cho khoảng chừng 300-400 thứ lan mới ghép giống trên toàn thế giớị.


Placentia 4-1995
Bùi Xuân Đáng

Tên cây lan

Tên những cây lan gồm 4 phần

  1. Hàng chữ đầu tiên mang loài của cây lan thí dụ như Cattleya. Cymbidium Oncidium, Phalaenopsis, Paphiopedilum v.v…
  2. Hàng chữ thứ hai chỉ tên cây lan. Tên cây lan nguyên giống được viết nghiêng bằng chữ thường thí dụ như Paphiopedilum hiepii. mang tên giáo sư Nguyễn Tiến Hiệp người đã tìm ra, hoặc mang tên nơi chốn khởi thủy đã tìm thấy như Paphiopedilum philippinense, tên một thứ lan nữ hài đã tìm thấy ở Phi luật tân. Tên này cũng dùng để chỉ mầu sắc như Masdevallia coccinea, coccinea có nghĩa là mầu đỏ, hoặc để chỉ hương thơm như Aerides odorata hay để chỉ trạng thái của hoa như Dendrobium pendula, tên Việt là Hoàng nhạn có chùm hoa dàì thõng xuống.
  3. Nếu tên viết bằng chữ hoa như Paphiopedalum Olivia, chỉ cho ta biết là lan đã được ghép giống (do cây Paphiopedilum niveum ghép với lan Paphiopedilum tonsum, tên này đã được cầu chứng vào năm 1988.)
  4. Thí dụ ông Phạm Hải Nam trồng cây lan này, hoa nở rất đẹp ông mang đi dự thi và được giải nhất, cây này sẽ mang thêm tên do ông Nam đặt cho và giải thưởng như sau: Paph. Olivia ‘Hai Nam’ FCC / AOS
Tên cây lan

Hội hoa lan Hoa Kỳ có những giải thưởng sau:

  • FCC (First Class Certificate) = Hạng nhất
  • AM (Award of Merit) = Hạng nhì
  • HCC (Highly Commended Certificate) = Hạng ba
  • C.C.M (Certificate of Cutural Merit) = Giải trồng tỉa
  • AOS (American Orchid Society) = Hội hoa lan Hoa kỳ.

Ngày xưa muốn có hoa lan, người ta phải lăn lội vào rừng thẳm, núi cao để tìm kiếm. Nhưng bắt đầu từ năm 1898 người ta đã thành công trong việc gieo hạt và thương mại phát triển mạnh từ năm 1908. Thông thường các giống hoa khác đều có hoa đực và hoa cái riêng biệt nhưng hoa lan lại có cả nhị đực và cái trong một bông hoa, ngoại trừ một vài giống như Catasetum v.v… Mới đầu còn nhờ đến côn trùng trong việc thụ phấn nhưng sau đó người ta đã làm được việc này trong vòng 1 phút và ai cũng có thể làm được, ngoại trừ một vài giống khá khó khăn. Một quả lan trung bình có chừng một triệu hạt nhỏ và có thể lấy hạt trong những thời hạn khác nhau tùy theo giống lan. Nhưng khi gieo hạt cho cây ra mầm là một việc khá nhiêu khê nào là khử trùng, khử nấm và những dung dịch cho lan nẩy mầm. Vào năm 1960, giáo sư Georges Morel người Pháp đã phát minh ra phương pháp Meristem, tức là cắt mầm hay rễ lan thành từng mảnh nhỏ rồi cho vào trong một dung dịch đặc biệt, để trên máy vừa quay,vừa lắc. Vài tuần sau, mảnh lan này sẽ trở thành một khối như tơ sợi, đem chia ra và trồng sẽ thành những cây lan nhỏ. Mới đầu giáo sư Morel thí nghiệm với khoai tây và hoa thược dược rồi mới tới lan Cymbidium. Sau đó các khoa học gia Âu Mỹ đem ứng dụng cho các loại lan khác. Nhà trồng lan Vacherot – Lecouffle tại Pháp là nơi đầu tiên bán ra những loại lan cấy theo phương pháp này vào năm 1964. Nhờ phương pháp Meristem nên nhiều giống lan hiếm quý không bị tuyệt chủng, nhưng cũng vì đó mà giá lan hạ hẳn xuống.

Nhờ phương tiện dồi dào, sách vở đầy rẫy, trình độ học vấn, kỹ thuật cao xa cho nên ngày nay nhiều nhà chơi lan tài tử cũng có thể cấy lan theo hai cách kể trên. Lan trồng bằng hạt, khi ra hoa mỗi cây có đôi chút khác nhau, nhưng cây lan do cấy mô tạo thành tất cả đều giống như cây mẹ. Việc trồng lan bây giờ đã biến thành một thứ kỹ nghệ với số vốn đầu tư lên tới vàì chục triệu đồng. Địa phương nào cũng có những vườn lan, lớn có thể từ 5-10 chiếc nhà kính đến 30-40 mẫu tây, nhỏ từ hàng hiên cho đến vườn cây có che nắng.

Lan, giá không quá đắt, trung bình 10-30$ một chậu, trồng lan không quá mất nhiều thì giờ, cần 10-15 phút một tuần cho 15-20 chậu. Lan không quá khó trồng và cũng không cần phải có hoa tay green thumbs như nhiều người đã nghĩ, chỉ cần sự quyết tâm và chú trọng tới những điểm trong các bài chỉ dẫn sau đây là đủ.


Placentia 4-1995
Bùi Xuân Đáng

Bệnh thán thư hại cây lan

Cây phong lan trên lá tự nhiên xuất hiện những chấm nhỏ mầu nâu nhạt hơi vàng, sau đó phát triển rộng ra thành những đốm hình tròn mầu nâu sẫm. Nếu nặng có thể làm cho lá bị khô một phần hoặc cả lá, trên chỗ bị bệnh xuất hiện những vân vòng đồng tâm và những chấm đen. 

Bệnh thán thư hại cây lan



Trên lá của cây phong lan, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu nâu vàng, sau đó vết bệnh cứ tiếp tục phát triển rộng dần ra thành những đốm tròn có mầu nâu đậm. Bệnh có thể tấn công ở mọi vị trí trên lá của cây. Nếu tấn công ở chóp lá sẽ làm cho lá bị khô từ trên xuống, có khi xuống tới 2/3 chiều dài lá. Nếu bệnh tấn công ở gốc lá vết bệnh sẽ lan dần ra xung quanh, nếu nặng có thể làm cho lá bị rụng. Sau một thời gian ở giữa vết bệnh chuyển dần sang mầu xám và xuất hiện những vân vòng đồng tâm rộng khỏang 1 ly (như bạn đã thấy), sau đó xuất hiện các chấm nổi lên mầu nâu đen, đó là đĩa bào tử. Nếu bị nặng có thể làm cho nhiều lá bị chết, thậm chí chết cả cây.

Nguồn bệnh tồn tại trong tàn dư của cây bị bệnh, trong đất, trong nguyên liệu để trồng phong lan. Bào tử phân sinh lan truyền chủ yếu nhờ nước, nhờ gió, nẩy mầm xâm nhập vào trong lá phong lan qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì.

Bệnh thường phát sinh và gây hại từ tháng 3 đến tháng 10, nhưng tập trung nhiều nhất là vào khoảng tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện trời nóng, có mưa nắng thất thường, độ thông thóang của giàn lan kém, tưới nước qúa nhiều tạo cho chậu lan luôn ẩm ướt…thường làm cho bệnh gây hại nhiều hơn.

Để hạn chế tác hại của bệnh bạn có thể tiến hành một số biện pháp sau:

  • Kiểm tra chậu lan thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trị kịp thời. Nên mạnh dạn cắt bỏ những lá bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh trong khu vực giàn lan, tránh bệnh lây lan sang những chậu lan, cây lan khác.
  • Trước khi trồng nếu có điều kiện bạn nên xử lý chậu lan và chất trồng lan (than củi, dớn, vỏ dừa…) bằng dung dịch Formol 40% pha nồng độ 5% phun xịt lên chậu và chất trồng rồi phủ kín bằng bạt nilon khỏang 2-3 ngày, sau đó mở bạt ra khoảng 1-2 ngày sau thì có thể trồng lan vào.
  • Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là vào buổi chiều tối. Nếu bệnh thường gây hại nặng thì trong mùa mưa nên có mái che bằng nilon trắng vừa hạn chế nước mưa một cách chủ động, mà vẫn đảm bảo có đủ ánh sáng cho cây.
  • Không nên che kín bít bùng giàn lan, nên tạo cho giàn lan nhận được đầy đủ ánh nắng mặt trời theo yêu cầu của từng lòai lan, tạo cho giàn lan thông thóang gió.
  • Nếu thấy cây lan chớm có bệnh thì hạn chế tưới nước và dùng một trong vài lọai thuốc như: Candazole 50WP; Bavistin 50SC; Topsin M 70WP; Vithi-M 70BTN… xịt định kỳ khoảng 7-10 ngày một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc.

Trồng lan hồ điệp

Vài người bạn đến thăm tôi, khi thấy những chậu lan Hồ Điệp hoa nở gần như quanh năm giăng kín hết khung cửa sổ nhà bếp. Các bạn đều bảo tôi có ngón tay cái mầu xanh (green thumb). Thực ra ngón tay cái của tôi cũng giống như các bạn, chẳng bao gìờ có mầu xanh, nhưng móng tay khi thì đỏ chót, khi thi mầu hồng cánh sen và đôi khi trở thành màu bạc. 

 lan hồ điệp

Tôi nuôi lan Hồ Điệp cũng đã khá lâu, kể ra cũng đã mười mấy năm. Khi còn nhỏ ở quê nhà, cha tôi cũng ra chợ chim, chợ chó ở đường Hàm nghi mua vài ba cây Kim điệp, Nhất điểm hồng gì đó về chơi. Sau vài ba tuần, hoa tàn nhị héo, cha tôi đem treo vào cành cây ổi bên hè. Vài tháng sau mấy cây này chết ngắc. Vì thế hoa lan chẳng gây cho tôi một chút ấn tượng nào cả. Câu chuyện bắt đầu từ khi sang đất Cờ hoa này. Một hôm cùng chồng và con gái dạo chơi hội hoa lan ở South Coast Plaza. Tôi còn nhớ, hôm đó tôi say sưa ngắm nghía biết không biết bao nhiêu bông lan mầu sắc rực rỡ huy hoàng, nhưng ăn sâu vào trong tâm trí của tôi hơn cả là những cánh hoa mầu trắng hay hồng nhạt lung linh như cánh bướm. Tôi chẳng hiểu là hoa gì vì từ thủa cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ trông thấy bông hoa đẹp như vậy. Tôi thích quá, nhưng cây lan này, hồi đó quá đắt: trên 30$ lại còn cộng thêm tiền thuế nữa. Số tiền này bằng một ngày lương của tôi, làm sao mà kham cho nổi. Còn ông chồng yêu quý của tôi lại chẳng điệu nghệ chút nào cả, ổng vội vã lôi tôi đi kẻo lại phải chi tiêu một món tiền mà ổng cho là quá phí phạm. Nhưng biết tôi thich, từ đó hễ có hội hoa lan, ông chồng hà tiện lại dẫn tôi đi xem miễn phí, vì theo ổng, xem đủ rồi mua làm gì cho phí tiền. Mãi cho đến một ngày, con gái tôi tìm được việc làm tốt đẹp và ngày cuối tuần vào dịp Mother’s day năm đó, nó trở về trở về vào lối cửa sau rồi gọi tôi: Mẹ! mẹ vào đây mà xem!

Tôi sững sờ kinh ngạc trước một chậu lan mầu tím hồng mà tôi hằng mơ ước. Cây lan có 7 hoa và còn 5 chiếc nụ. Sáu chiếc lá dầy xanh bóng và to bản như chiếc bàn tay phản ngược với mầu hoa thực là rực rỡ. Tôi say sưa ngắm nghía cây lan hằng mơ ước từ lâu. Ôm lấy con gái, đứa con gái yêu quý, tôi thì thầm nói trong cảm xúc nghẹn ngào: Cám ơn con! mẹ cám ơn con!

Đó là món quà quý báu nhất mà tôi hằng ghi nhớ trong thâm tâm, bởi vì tôi yêu thích hoa mà ông chồng của tôi chỉ thích những bông hoa giấy mầu xanh. Tôi chắc các bạn thừa hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ! Hỏi cách nuôi trồng cây lan này ra sao con tôi nói: Giản dị lắm, mẹ chỉ cần tưới nước mỗi tuần là đủ.

Gần 3 tháng sau, bông hoa cuối cùng mới rời khỏi cuống còn lại chiếc cành trơ trụi. Tôi vẫn đều đặn mỗi tuần mang ra chậu rửa bát tưới cho thật đẫm. Nhưng sao tôi thấy những vỏ gỗ quá khô, mỗi tuần tôi lại tưới thêm một lượt nữa. Hình như đáp ứng với sự săn sóc của tôi, cây lan nhú ra một mầm hoa nhỏ ở dưới gốc. Tôi nghĩ rằng cây lan quá khô vào mùa đông vì trong nhà có mở máy sưởi, cho nên tăng thêm lần tưới tức là cách ngày một lần. Dò hoa lên cao nhưng khẳng khiu như cái que tăm. Tôi nghĩ cũng chẳng sao, đối với tôi có hoa là tốt rồi. Nhưng khi 4-5 chiếc nụ mới bằng đầu ngón tay đã từ từ héo úa. Vấn kế chị bạn, người đã trồng Hồ điệp từ mấy năm trước, chị ta nói: Thiếu phân bón rồi bồ ơi!

Thế là tôi đi mua một lọ phân mầu xanh, trong giấy dặn pha một thìa cà phê vào một ga lông nước. Tôi nghĩ một thìa nhỏ cho một ga lông thì ăn nhằm gì? Muốn cho cây chóng mạnh tôi pha 2 thìa và mỗi ngày mỗi tưới một chút. Cái cây lan mắc dịch này, lá bỗng nhiên bỗng đâm ra mềm nhũn và vàng vọt rồi thì nụ rụng, lá rơi. Sau đó tôi ngửi thấy có mùi ung ủng, cầm cây lên toàn thân đã lìa khỏi chậu, thì ra bao nhiêu rễ đã thối hết, chẳng còn chiếc nào. Tôi rửa sạch cây và vỏ gỗ đi rồi mang trồng lại, nhưng cây cứ dần dần tàn lụi theo tháng ngày.

Tết năm đó con gái yêu quý của tôi lại tặng cho cây khác và ông chồng tôi cằn nhằn cả mấy tuần vì tội phí phạm tiền bạc. Cây này coi bộ khá hơn, vì con tôi có hỏi người bán kỹ càng và còn đem về một tờ chỉ dẫn bằng Anh ngữ. Lần này tôi không suy đoán này nọ nữa và làm theo đúng lời chỉ dẫn, nhưng cũng chỉ được hơn một năm cây lan bỗng ra hoa ở ngay giữa ngọn, rồi đi vào thùng rác.

Từ đó tôi thỉnh thoảng lại có một cây, lúc tôi để trong nhà lúc mang ra ngoài hàng hiên. Khi thì tươi tốt, khi thì bị rệp đốt chết dần chết mòn. Cây nào sống dai lắm cũng chỉ được một hai năm rồi lại chết. Những năm gần đây giá lan Hồ Điệp rẻ mạt rệp. Ngày cuối cùng tại hội hoa lan ở South Coast Plaza họ bán ‘seo’: 5 cây nhỏ trơ rễ với giá 15$. Thấy quá rẻ, không mua cũng uổng, tôi bèn mua về trồng thử xem sao.

Rút kinh nghiệm những lần thất bại khi trước, tôi để một hàng trên cửa sổ nhà bếp, phía trên chiếc bồn rửa chén, nơi đã có những cây sống gần 3 năm. Cửa sổ này có một chút nắng sớm nhưng đến 10 giờ là hết. Tôi lấy những chiếc dĩa cũ, gác 2 chiếc đũa rồi để chậu lan lên trên cho khỏi úng nước. Mỗi tuần tôi mang chậu xuống vòi nước và tưới cho thật đẫm, rồi bỏ lên chiếc đũa. Ngày hôm sau tôi mới tưới phân bón thứ 15-15-15, lần này tôi pha thật loãng, mỗi tuần một lần. Cây lan hình như được nuôi vào môi trường thích hợp cho nên lớn nhanh như thổi. Lá mọc dài và cứng cát, rễ to và xanh quấn quanh miệng chậu.

Thế rồi như trời thưởng công cho kẻ kiên gan bền chí, một chậu, hai chậu rồi 5 chậu đều ra hoa. Cây mầu hồng, cây mầu tím, cây mầu trắng, cây hanh hanh vàng xen lẫn với nhau. Tôi nghiệm ra rằng cây lan Hồ Điệp không ưa dời chỗ, không ưa quá nóng hoặc quá lạnh, nó cũng không ưa để ở ngoài hàng hiên. Mùa hè trong nhà nhiệt độ lên tới 90 độ F nó mọc ào ào, tôi tưới thêm nước và thêm phân nó càng mọc khỏe hơn, mỗi cây ra 2 dò hoa mà mỗi dò cao cả thước. Còn lá thì xanh tươi cứng cáp và dài tới 30 phân. Mùa đông nhiệt độ trong nhà chỉ còn 65-70 độ F, lan tuy không mọc nhưng vẫn tươi tốt vì có nắng chiếu vào. Thừa thắng xông lên, tôi mua thêm mấy cây nữa và mua toàn loại lá dài và lớn, như vậy dò hoa sẽ dài, cao vút và hoa rất lớn, mầu tuy không đẹp nhưng có hoa là quý rồi. Tôi nghiệm rằng những thứ này sống mạnh và sống dai hơn những loại hoa nhỏ mầu sắc tuy có đẹp hơn thật, nhưng hồng nhan thường hay yểu mệnh.

Những cây lan Hồ Điệp của tôi, bây giờ cây nào cây nấy đều sống lâu cả 6-7 năm trời. Hoa tuy không còn nhiều và lớn như trước, nhưng ước nguyện đã thành. Viết một vài hàng chia xẻ cùng các bạn chơi lan. À tôi còn quên một điều tối ư quan trọng là khi nào ấn ngón tay vào trong chậu mà thấy lún xuống là lúc phải thay vỏ vỏ gỗ rồi đó. Các bạn nhớ nhé! kẻo rồi lại bảo con mụ này dấu nghề. Chúc các bạn thành công mỹ mãn.

R. C. Nguyễn Hồng Hạnh(hoalanvietnam)

Lịch sử và triết lý Bonsai

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già”

Hai câu thơ của Vũ Ðình Liên phác họa một cảnh chợ Tết ngày xưa. Ngày nay Ông Ðồ không còn nữa, nhưng hoa vẫn còn. Ngoài hoa, còn có báo, lịch, bonsai, Non bộ… đã tạo nên một cảnh chợ Tết tưng bừng.

Hầu như cả thế giới hiện nay đều yêu thích bonsai. Một tác phẩm bonsai không chỉ phơi bày vẻ đẹp của lá hoa cành như những cây kiểng thông thường, mà nó còn phô diễn cả các phần khác như thân, rễ, chậu, kể cả đá và các phụ kiện điểm xuyết vào. Vì là một tác phẩm nên nó cũng chuyên chở tâm hồn của nghệ nhân đã sáng tạo ra nó, chẳng khác gì một tác phẩm thơ, hội họa, điêu khắc…

bonsai đẹp

Bước vào thế giới bonsai người ta sẽ nghe những danh từ thông dụng như cắt tỉa, tạo dáng, trưng bày, triển lãm, đánh giá, chọn lựa phong cách, tạo ấn tượng… bonsai có nhiều phong cách căn bản như: thẳng đứng trang trọng, thẳng đứng phóng khoáng, thác đổ , nửa thác đổ, trí thức, cây chổi, trồng trên đá, rễ bò trên đá, rễ bám đá, đa thân, huynh đệ, lùm, trực tuyến, lượn, nhóm, và Saikei tức là phong cách tạo cảnh trong khay.

Chậu rất quan trọng, kích thước, hình dáng màu sắc của chậu phải cân đối hài hòa với cây. Chậu có các kiểu dáng như: kiểu cái trống, kiểu oval, kiểu hình chữ nhật, kiểu xiên Tokoname (chiều cao gấp đôi chiều rộng của vành) …

Dụng cụ gồm: cưa cắt nhánh, kéo xén, kéo cắt lá, kéo tỉa, đòn bẩy để uốn cành hay thân, keo dán vết cắt, kìm lõm cắt cành nhỏ, kìm cắt cành lớn, dây đồng để uốn cành, xẻng bứng cây, chổi, lưới bịt lỗ thoát nước, cái rây để rây đất…

Trên đây là những nét dẫn nhập khái quát để chúng ta có thể hình dung quá trình sáng tạo một tác phẩm bonsai vô cùng chi ly gian khổ, đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và những kiến thức cần thiết thuộc về kỹ thuật chuyên môn, mà đã có nhiều sách hướng dẫn cụ thể đã xuất bản dành cho các nghệ nhân mới vào nghề thực hành, sau đây xin kính mời quý vị tìm hiểu phần lý thuyết đại cương về lịch sử và triết lý bonsai. 

Ðịnh nghĩa bonsai

Bon: cái khay, cái chậu. 
Sai: cây, trồng cây. 

bonsai là cây được trồng trong chậu, khay, được cắt tỉa tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ và ấn tượng thiên nhiên sẳn có, hay nói một cách khác, bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại trong gang tấc nhưng vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật, và nghệ thuật riêng biệt. Vì thế người ta nói bonsai là một nghệ thuật, là một tác phẩm sống, hay là một tác phẩm điêu khắc sống. 

Cái đẹp ở bonsai là đơn giản, vùa đủ, hóa cách, mà quan trọng nhất là gợi ý, gợi ý về một điều gì đó hơn là khẳng định. Người Nhật thường so sánh bonsai với thể thơ cổ điển “Hai-Kai” của họ chỉ có 17 âm tiết diễn tả một cách cô động súc tích và ẩn tàng một tình cảm hay một trạng thái tinh thần dồi dào mãnh liệt. 

Cũng có quan niệm cho rằng bonsai là một hình thái nghệ thuật đơn nhất vì nó là sự hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn. Cũng có người cho bonsai là nghệ thuật của cái đẹp, có người thì nói bonsai là một hình thức đặc trưng của nghề làm vườn. 

Tóm lại tùy theo quan niệm, trong khi người này xem bonsai như là một trong những lẽ sống đầy ý nghĩa thiêng liêng cao cả của tư tưởng, triết học, tôn giáo, thì người khác lại xem đó chỉ là một thú vui lúc nhàn rỗi.

Lịch sử bonsai

bonsai là một đặc trưng của đất nước Phù Tang, nhưng cái nôi của nghệ thuật này lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Tranh và điêu khắc cổ cho thấy kiểng thu nhỏ đã có ở Trung Quốc vào thời nhà Tần, Thế Kỷ thứ Ba sau Công Nguyên. Các tranh cổ đời Tống (960 -1280) vẽ cây lùn trong chậu dùng làm trang trí nội thất. Ðó là những cây lùn thực sự trong thiên nhiên đã bị gió tuyết uốn nắn được bứng về trồng trong chậu. 

Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Nhật suốt thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, và dường như lúc đó người Nhật xem bonsai đích thực là một nghệ thuật, nhưng tài liệu ở giai đoạn khởi đầu này không còn nhiều. Có một tập tài liệu bonsai thuộc thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên và những bức tranh vẽ trên giấy cuộn vào thế kỷ 13, mô tả sự phát triển của cây trồng trong chậu, cho thấy bonsai là một nghệ thuật. Sau đó bonsai xuất hiện rất nhiều trong hội họa, văn chương Nhật. 

Lịch sử bonsai

Hình bonsai xuất hiện trong bức tranh Kasugaaongen – gengi của Takakane Takasshina vẽ năm 1309 trong đền Kasuga, thời Kamakura (1192 – 1333).

Một vở tuồng Nô nổi tiếng tựa là Hachi – no – ki (cây trong chậu) đã đề cao loại kiểng này. Thời này bị ảnh hưởng Thiền sâu rộng trên nghệ thuật và đời sống hằng ngày. Các đề tài tôn giáo đã gợi cảm hứng cho việc tạo bonsai, được trưng bày ngoài trời như là biểu tượng tôn giáo về thiên nhiên hơn là những loại hình nghệ thuật sống.

Ðến thời Muromachi (1334 – 1573) sắc thái Thiền hoàn toàn Nhật về mặt nghệ thuật bắt đầu hiện ra. Tư tưởng Thiền thể hiện trong kiến trúc, tạo cảnh, cắm hoa, trà đạo v.v… bonsai thời này khổ nhỏ hơn được trưng bày trong nhà. 

Thời Tokugawa (1603 – 1867) còn gọi là thời Edo là thời hoàng kim của bonsai được ghi lại trong nhiều sách có minh họa, kết hợp với triết lý Phật giáo là hòa bản ngã vào thiên nhiên đã dẫn đến sự phát triển những kỹ xảo trong nghệ thuật bonsai. Những người chuyên nghiệp sưu tập bonsai xuất hiện, đi tìm những cây lùn tự nhiên đẹp mắt trên các vùng núi non vách đá hải đảo hiểm trở. bonsai thường được dùng làm đề tài trong hội họa, điêu khắc gỗ, thơ Haiku, trà đạo, cắm hoa… Sự trầm lặng sâu sắc tế nhị, hình dáng đường nét đẹp kín đáo là tiêu biểu của bonsai thời này. 

Thời Minh Trị (1868 – 1912) xuất hiện kỹ thuật quấn dây kim loại để uốn thân cây. Trong các thập kỹ 1870 và 1880 Tây phương bắt đầu hâm mộ. Năm 1914 cuộc triển lãm bonsai đầu tiên tổ chức tại Tokyo. Và từ năm 1934 trở đi hằng năm đều có triễn lãm các tác phẩm bonsai do Viện Bảo Tàng Trung ương Nghệ thuật Tokyo chủ xướng. 

bonsai kinh doanh trong kỹ nghệ vườn ươm ở nhiều nơi trên nước Nhật, có hằng trăm nghìn cây bonsai trẻ được trồng để chở đi bán. 

Trong thời gian dài bonsai là thú tiêu khiển của người quyền quý. Ngày nay được xem như là một nghệ thuật và cũng là một thú tiêu khiển của tất cả mọi người. 

Nghệ thuật là một quá trình mang thông điệp đến một thế giới hợp nhất qua mô tả bộ mặt thật của đời sống trong những kết cấu thẩm mỹ được tạo dựng tùy thuộc vào quan niệm về cái đẹp và tính hoàn thiện. Văn minh Ðông phương đặt nghệ thuật ở một vị trí khuôn phép mẫu mực hơn văn minh Tây phương. bonsai được tượng trưng như một hình thái nghệ thuật theo phong cách cảm nhận bằng một phương tiện diễn đạt tinh thần mang tính trừu tượng nhiều hơn. bonsai là một bộ phận trong nền văn hóa Nhật qua nhiều thế kỹ mà mỗi thời đại đều có nhận xét đánh giá khác nhau. Thông, tre, đào mơ, xuất hiện sớm nhất, kế đó là đỗ quyên, trà. Cây thích Nhật có mặt vào thế kỷ 17. Sang thế kỷ 19 có nhiều sách viết về các loài cây lai ghép có tán lá đẹp. Từ đó cây có hình dáng lá đặc biệt cũng được chú ý. 

Ðến thế kỷ 20, bonsai thực sự du nhập vào châu Âu, Mỹ , Úc, tuy nhiên đã có những cuốn sách viết về bonsai ở các nước Âu châu cuối thế kỷ 19. Năm 1909, tại Anh một cuộc triển lãm bonsai được tổ chức. Tại Mỹ, bonsai nhanh chóng được ưa chuộng sau Thế chiến thứ hai. Một công nghệ bonsai to lớn đang phát triển ở CA. Trong các thập niên gần đây khắp các lục địa cũng tỏ ra ưa thích bonsai qua các hội bonsai đuợc thành lập ở nhiều địa phương, kể cả trung ương. Có nhiều sưu tập bonsai ở các Vườn Bách Thảo khắp thế giới. Các nhu cầu về dụng cụ, thiết bị, sách báo hướng dẫn kỹ thuật ngày càng gia tăng. Cuốn sách “Nghệ Thuật Cây Cảnh Nhật” của Yuki Yoshimura và Giovanna M. Halford đã tái bản trên 30 lần. Cuốn “Kỹ thuật bonsai” của Lê Công Kiệt và Nguyễn Thiện Tịch đã tái bản trên 10 lần.

Ở Việt Nam, lớp huấn luyện kỹ thuật bonsai đã được tổ chức lần đầu tại Trường Ðại học Tổng hợp tháng 3-1991, từ đó có nhiều sách báo viết về bonsai và bonsai trở thành một hiện tượng lan rộng khắp nơi. Ngay ở Ninh Hòa cũng đã có nhiều nghệ nhân bonsai xuất hiện, họ đi đến tận các vùng thâm sơn cùng cốc, các vách núi cheo leo để sưu tầm và bứng gùi về nhà. Họ còn ra đến Phú Yên để săn nhặt và mua lại. bonsai còn thịnh hành hơn trong các năm vừa qua nhờ sự tiếp tay của một số Việt kiều hâm mộ đã gởi tiền về đầu tư, từ đó mọc lên những vườn bonsai đẹp mắt. 

Trước năm 1975, tôi có đến hòn đảo Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa, dân đảo nam nữ đều để tóc dài và bới tóc, họ thờ Ðức Thánh Trần tại một ngôi nhà thờ lớn nhất đảo gọi tên là Nhà Lớn đứng uy nghi như một ngôi đình trông ra mặt biển. Sân trước rất rộng, được trưng bày gần 50 chậu kiểng lớn, những cây kiểng sù sì có tàn lá xinh đẹp như cổ thụ được thu nhỏ lại trong chậu, mà tuổi thọ theo lời dân đảo phải từ 100 năm trở lên. Rất nhiều lính Úc đã tới đây để hỏi mua với giá rất cao, hoặc đổi bất cứ thứ gì mà dân đảo muốn, nhưng dân đảo một mực từ chối viện lý do đó là những Báu Vật thờ phượng Ðức Thánh Trần do tổ tiên truyền lại, với tư cách con cháu họ có nhiệm vụ phải bảo vệ và gìn giữ. Nghe câu chuyện kể tôi thật vô cùng cảm kích! 

Trong các năm gần đây ngoài các bộ sưu tập ở Tàu và Nhật, có bốn bộ sưu tập chính được trung bày: Vườn sưu tập cây kiểng bonsai Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn là quà tặng của Nhật cho Mỹ vào năm 1976, Vườn thực vật Brooklyn ở New York, Vườn thực vật Montréal ở Canada và Viện bảo tàng cây kiểng bonsai ở Heileberg Ðức đứng bậc nhất châu Âu gồm nhiều tác phẩm tuyệt vời.

Triết lý bonsai


Triết lý bonsai

  1. Nguồn gốc bonsai từ Trung Quốc, nhưng lại phát triển huy hoàng ở Nhật nơi mà thẩm mỹ, triết lý và tôn giáo đã có từ lâu.
  2. Shinto là tín ngưỡng của dân Nhật, mà tinh hoa là sự hòa hợp với thiên nhiên.
  3. Triết lý Thiền với các khái niệm Wabi, Sabi, hợp với Kami làm thành bộ ba gây cảm hứng cho bonsai.
  • Kami là thần linh, là tinh thần hoặc động lực bên trong của sự việc, phẩm vật, thiên nhiên cây cỏ…
  • Wabi là ý thức về hài hòa nội tâm, hạnh phúc và thỏa mãn, có thể trải qua bằng cách suy nghiệm về sự bao la của thiên nhiên. Wabi hàm chứa khái niệm về nhẫn nhục, từ tốn, khi phải đối đầu với thiên nhiên. Quan niệm chấp nhận thiên nhiên như thế không đặt con người là trung tâm mà chỉ được xem là một thành phần của vũ trụ.
  • Sabi là thú vui sở hữu, chăm sóc, yêu thương các sự vật đã được con nguời biến đổi, cũng như yêu thiên nhiên và sự trôi qua của thời gian, cũng tượng trưng cho sự giản dị, khắc khổ và tôn nghiêm.


Kyuzo Murata, một bậc thầy hàng đầu ở Nhật có nhiều năm giữ nhiệm vụ bảo trì bộ sưu tập bonsai của Hoàng đế Nhật đã giải thích:

“Trong một thế giới sống vội vả, việc trồng cây bonsai có thể dạy chúng ta rằng sự mất kiên nhẫn thường dẫn đến thất bại… Sự tạo ra một cây bonsai là một cách nhắc nhở chúng ta rằng: thiên nhiên không phải là đầy tớ của con người…

bonsai có thể định nghĩa như là một sự hòa hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật …
Mục đích của bonsai là nhái lại thiên nhiên…

Bạn thử tưởng tượng mình đang ngắm cảnh… sau đó bạn nhắm mắt lại và suy nghiệm. Có thể bạn không nghĩ đến điều gì cả, nhưng đầu óc tâm hồn bạn tràn ngập một niềm vui sướng và hài lòng nào đó. Cảm giác đó chính là Wabi. Tôi tin chắc mục đích tói hậu của bonsai là tạo ra cảm giác Wabi hoặc Sabi trong bonsai. Tôi không có đủ kiến thức để giải thích cái tinh túy của Wabi hay Sabi nhưng tôi nghĩ là tinh túy của triết lý là tìm sự thật, đức hạnh và thẩm mỹ, mà những điều này đúng là tinh túy của Bon sai. 

Cảm giác Wabi hay Sabi là cái gì gần như là khắc kỹ, kiên nhẫn, có thể dẫn ta đến Thiền của Phật giáo… Theo tôi, cảm giác ấy là tình yêu, yêu cây cỏ, yêu con người.”

bonsai Trung Quốc

Xin thêm phần này để chúng ta thấy bonsai Tàu có nhiều điểm khác với bonsai Nhật cũng như bonsai Nhật cũng có nhiều điểm khác với bonsai Việt Nam và Tây phương.

Người Trung Quốc đặc biệt thích bộ rễ phơi bày với gốc lớn u nần bể nát đầy hang hốc. Họ chú trọng tổng thể, chấm phá hơn là chi ly đường nét, thích tự do phóng khoáng hơn là gò bó khuôn mẫu. Họ say mê thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi non, vì vậy bên cạnh bonsai còn có đá, phụ kiện và họ thành công với loại Bồn cảnh, Non Bộ. 

Tóm lại, bonsai xuất xứ ở Trung Quốc, từ đời Tần, thế kỷ thứ Ba sau Công Nguyên cách nay gần 1700 năm và phát triển hoàn thiện ở Nhật hơn 1000 năm qua nhiều thời đại. Có nhiều quan niệm tư tưởng, triết lý mang tính cách cao siêu huyền bí của Thần đạo, Thiền đạo… cho đến các quan niệm xem bonsai là nghệ thuật của cái đẹp như tác giả H. Tomlinson, một nghệ nhân hàng đầu ở Âu châu hiện nay, nhưng theo tôi, cái cốt lõi của tinh thần bonsaivẫn là nổ lực muốn đưa con người gần lại với thiên nhiên, hòa hợp hòa đồng với thiên nhiên và yêu thương thiên nhiên như chính bản thân mình. 

Kết luận

Trước khi tạo ra loài người có hình dạng giống mình, Thượng Ðế đã tạo ra vũ trụ, thiên nhiên. Thiên nhiên cây cỏ là nguồn sống là người bạn thân thiết của con người, nếu con người không coi trọng, bảo vệ… để thiên nhiên biến mất thì trái đất sẽ là một bãi sa mạc của tử thần. Cũng chính vì vậy mà 2500 năm trước, Lão Tử lập thuyết vô vi, kêu gọi con người trở về với Ðạo, với Thiên nhiên, vì Thiên nhiên là Bà Mẹ Yêu Thương của con người. 

Nếu nền văn minh kỹ thuật và đô thị hóa đã ngăn cách con người với thiên nhiên, cũng như sự bận rộn căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày đã làm cho con người ngày càng xa cách thiên nhiên, thì bonsai chẳng khác gì một lời thiết tha kêu gọi con người hãy mau mau quay trở lại. Trở lại với bonsai là trở lại với Thiên nhiên được thu nhỏ, nơi đó con người sẽ tìm lại được sự bình yên thanh thản cho tâm hồn, cũng như tìm lại được chính mình từ khởi thủy, đó là tình yêu vị tha mầu nhiệm giữa người với người và giữa người với thiên nhiên. 

Nếu một ngày nào bạn chợt nhận ra tâm hồn mình như sa mạc cằn khô không còn một bông hoa nào, không còn một chút màu xanh nào, thì bạn hãy nhanh chóng bẻ đôi ổ bánh mì mà bạn có, như câu ngạn ngữ của người Hindu sau đây:

“Nếu tôi có một ổ bánh, tôi sẽ bẻ một nửa cho người nghèo, còn nửa kia tôi bán đi để mua cho tâm hồn tôi một bông hoa huệ.”

Vinh Hồ
(Orlando, 14/10/2003)


Tạo hình và chăm sóc bonsai

Các loại kiểng cây như thiên tuế, cau, trúc đùi gà, trúc Nhật, Thiết mộc lan, tùng, Trắc bách diệp… rất cần được bón phân thường xuyên để duy trì thế cây và tán cây được cân đối.

tạo hình chăm sóc bonsai


Nguyên tắc tạo hình

Tạo cân đối: Một cây thiết kế đẹp cần có sự cân bằng toàn diện, từ sự tạo hình, uốn nắn cấu trúc của cây đến sự kết hợp giữa cây và chậu.

Ba nhân tố chính cần lưu tâm:

  • Rễ cây ăn lan: Rễ cây lộ ra trên mặt đất làm tăng thêm ấn tượng về sự trưởng thành và tính chất của cây. Đây là một trong những nét đặc trưng thú vị nhất của nghệ thuật cây cảnh. Rễ cây cần lan ra nhiều hướng quanh thân và bò rộng ra, tạo cho thân cây chỗ tựa chắc chắn.
  • Thân cây: Nét đặc trưng quan trọng nhất của thân cây là có ngọn đẹp (gốc to, ngọn nhỏ). Sự dày dặn ở dưới sẽ làm tăng vẻ trưởng thành, nhưng cây mọc thẳng tắp cũng sẽ làm hỏng sự hài hòa trong kiểu dáng. Phải tìm loại vỏ cây có cấu tạo và màu sắc phù hợp với đường nét, kèm theo tuổi tác, vẻ dày dạn phong sương cũng là điều hấp dẫn của cây cảnh.
  • Cành cây: Cành cây tạo nên cấu trúc căn bản của hình bóng cây. Bạn có thể điều chỉnh nó bằng phương pháp cắt tỉa và buộc uốn dây kẽm. Hãy ngắm kỹ sự sắp đặt của cành mọc lên và lan ra quanh cây như một cầu thang xoắn ốc, hình dung sự hài hòa cân đối quanh thân cây. Cành khỏe mạnh đầu tiên nằm ngang phải là hàng thứ ba tính từ dưới lên trên. Mỗi cành phải thon dần từ thân và hẹp dần ở ngọn.

Ngoài ra cần chú ý đến sự cân đối giữa cây và chậu về tất cả những đặc điểm tạo dáng và vị trí của cây trong chậu. 

Những điều cần tránh:
 Những cành tăng trưỡng quá lớn không làm đẹp cho yếu tố thiết kế, hãy cắt bỏ chúng đi. Tránh để những cành mọc đâm ngang và lan từ cùng một chỗ trên thân, hay mọc đối diện với cành khác ở cùng một độ cao trên thân.

Tạo hình bằng dây kẽm

Với kỹ thuật này có thể tạo cây cảnh bằng cách thay đổi hướng của thân và nhánh cây. Những cành mọc chĩa lên có thể uốn ngang hay vuốt xuống để tạo ấn tượng già dặn, trưởng thành.

Uốn kẽm loại cây xanh quanh năm ở thời điểm nào cũng được (nhưng với các loại như tùng bách thì thời điểm tốt nhất là cuối mùa thu đến đầu mùa xuân).

Nên uốn cây rụng lá theo mùa vào cuối xuân (trước khi cây đâm chồi) hay cuối thu (trước khi ngủ đông). Thực tế, chúng ta nên dựa vào dạng cây để chọn những cành mềm, dẻo, dễ uốn và không bị tách nhánh.

Cách quấn kẽm:

  • Quấn thân cây: Cắt một sợi dây có chiều dài gấp 3 lần nhánh hay thân cần quấn. Có thể quấn dây lượn quanh thân một góc 45o, đó là cách quấn hiệu quả nhất. Cách quấn: Cắm một đầu kẽm xuống đất, đầu tiên quấn quanh gốc cây, sau đó quấn lên thân cây. Nếu muốn quấn thêm một lần nữa, bạn nên quấn sát với sợi dây trước và nhất thiết không quấn chồng lên nhau.
  • Quấn nhánh: Bắt đầu quấn từ dưới. Đồng thời quấn dây xen kẽ theo chiều dài của nhánh đến khi làm xong nguyên cây (trở lại quấn trên những cành non thật tỉ mỉ). Hoặc chúng ta quấn cùng một lúc cả nhánh chính và nhánh phụ trước khi quấn tiếp. Sử dụng dây mảnh hơn cho bề dày của nhánh thon. Thông thường, hãy quấn hai nhánh cùng một lúc với cùng một sợi dây quấn, quấn quanh để tạo thế dựa thân. Ở những nơi có nhánh đơn, thì nên quấn liên kết với nhánh khác, buộc chặc đầu dây bằng cách gài nó dưới vài vòng đầu tiên.
  • Bao lâu thì gỡ dây quấn? Điều này còn tùy thuộc độ dày của thân, cành, loại cây, chất lượng và tuổi cây. Nên thường xuyên kiểm tra dây quấn để đảm bảo dây quấn để đảm bảo dây không hằn vào vỏ khi cây phát triển. Tháo dây quấn trong khoảng ba đến sáu tháng với những cây rụng lá theo mùa, sáu đến mười hai tháng với cây xanh quanh năm. Phải cẩn thận khi chọn cỡ dây phù hợp với độ lớn và sự phát triển của cây. Nên thay đổi cỡ dây quấn theo độ dày của thân nhánh thì cỡ dây phải nhỏ dần, cỡ dây tương ứng bằng 1/6 đến 1/3 đường kính của cành hoặc thân chọn quấn. Để tháo dây quấn, tốt hơn hết bạn nên cắt dây thành những đoạn nhỏ, nhằm giảm bớt sự rủi ro, hư hại cho cây.

Sang chậu và thay đất

Khi đất trong chậu đã cạn kiệt chất bổ dưỡng thì bonsai có hiện tượng: Cây không còn tươi tắn, có hiện tượng xuống sức, bộ lá kém tươi và bắt đầu nhuốm vàng bệnh hoạn, các cành như không thể cất cao lên được, nhiều rễ con lồi lên mặt đất chậu, lớp đất trên bề mặt chậu mỏng dần đi. Những triệu chứng trên cho thấy đã đến lúc thay đất cho cây.

Theo thời tiết nước ta thì nên sang chậu vào mùa xuân hay trước mùa mưa khi cây bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và đó là thời tiết mát mẻ.
Dùng dao cùn xắn từ từ phần đất sát thành chậu cho đến khi bầu đất và thành chậu được tách ra hay trước đó một buổi ta tưới nước cho đất thật nhão, như vậy chỉ cần nghiêng chậu là lấy cây ra được.

Tiến hành cắt bỏ rễ lớn và rễ con đã quá già và chỉ chừa lại những rễ non. Nên dùng loại kềm bén để hớt bớt rễ, vết cắt cần cho ngọt, không được giập nát. Bộ rễ sau khi xử lý xong phải được gọn gàng.

Đây cũng là dịp tốt để ta cắt tỉa những cành, nhánh mọc không đúng cách, hoặc sửa đổi chúng.

Bón phân

Bón phân định kỳ 1-2 tháng/lần, lượng bón cho mỗi cây/đợt tùy theo cây lớn nhỏ như sau:

  • 20-30 gam Compomix
  • 5-10 gam NPK 20-10-10

Nếu trồng cây trong chậu thì cứ 3 – 4 tháng thay đất một lần bằng cách bỏ bớt 1/4 – 1/3 đất củ trong chậu thay bằng hỗn hợp đất sạch Compost Đầu Trâu.

Phun phân bón lá Đầu Trâu:

  • Thời kỳ cây đang lớn hoặc sau cắt tỉa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 501 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
  • Thời kỳ sau khi chuyển chậu hoặc cắt tỉa: Pha1-2 gam Đầu Trâu 701 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
  • Phun dưỡng cây định kỳ bằng cách pha 1-2 gam Đầu Trâu 901 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

Khắc và uốn thân cây bonsai

Không thể nào uốn được những cây già đào Ở nơi hoang dã. Chúng cần được khắc, tô điểm nếu chúng thiếu vẻ đẹp. Khi cây già được đem trồng trong mâm, sự tăng trưởng của chúng bị khứng lại, mọi vết thương đều khó lành sau khi bị cắt cành, nếu được khắc, chúng sẽ mang dáng dấp dãi nắng dầm mưa của cây sống lâu năm nơi hoang dã.Để tạo bề ngoài già nua cho cây non, ta khắc phía trước của thân, nhưng chú ý tuyệt đối không được khắc một đường vòng quanh lớp vỏ của thân, vì như thế, ta đã cắt đứt những ống dẫn nhựa và ống bọc trong vỏ cây. Sau khi khắc, những cây non trông dày dạn, gian khổ, mang nét giản dị cổ kính, và sự quyến rũ mỹ thuật. Nếu một thân cây quá mảnh mai, không già cỗi, ta có thể đính một miếng gỗ già, gân guốc vào trước thân nó, để những cành và lá non sẽ trông như mọc từ một cây già cỗi.

Khắc và uốn thân cây

Nếu một thân cây cần được uốn cong, trước hết ta quấn nó bằng dây gai dầu, hoặc đặt một sợi dây gai dầu bên ngoài nơi ta định uốn trước khi nó cốt để nâng đỡ cây không gãy khi bị uốn. Nếu thân cây hơi lớn, ta sẽ rất khó uốn. Hãy dùng dao khắc đề mở một đường khe nơi ta định uốn, sâu khoảng hơn 2/3 ‘ vào trong thân gỗ rồi quấn thân cây bằng dây gai dầu. Vết cắt phải xiên theo chiều uốn nếu không thì vết thương sẽ tóac ra khi bị uốn. Buộc chặt cây lại bằng dây điện sau khi uốn. Vết thương sẽ lành trong vòng hai tháng.