Sự ra hoa của lan Hồ Điệp

Hiện nay, trong khi nước láng giềng là Thái Lan và Đài Loan đã rất thành công trong ngành công nghiệp hoa lan của họ thì người Việt Nam vẫn chỉ làm kinh tế với hoa lan một cách thụ động. Nghĩa là họ chỉ chờ hoa nở, nếu như gần dịp lễ thì trúng, còn nếu trong những ngày bình thường mà hoa nở quá nhiều thì dội chợ vì không thể bán kịp. Đặc biệt là đối với lan Hồ Điệp, một loại lan có giá trị thương mại cao, nhưng lại rất khó trồng và kiểm soát. 

Nhắc đến Hồ Điệp là nhắc đến Đài Loan, một quốc gia trồng có kỹ thuật trồng lan hàng đầu thế giới với khả năng trồng Hồ Điệp cắt cành, điều khiển ra hoa… và bộ sưu tập giống cực kỳ đồ sộ.
Kỹ thuật điều khiển ra hoa Hồ Điệp hiện là bí quyết công nghệ của người Đài Loan. Chỉ với phương pháp điều khiển nhiệt độ, họ có thể kích thích Hồ Điệp tạo phát hoa với hiệu quả gần như tuyệt đối.

Sự ra hoa của lan Hồ Điệp

Các giai đoạn phát triển của lan Hồ Điệp trong nhà kính có thể chia thành các giai đoạn chính dựa trên nhiệt độ như sau:

Giai đoạn đầu tiên (kéo dài 22-27 tuần)

Đây là giai đoạn phát triển từ cây trong ống nghiệm cho đến khi thành cây trung. Khoảng thời gian quan trọng nhất trong giai đoạn này là lúc ra cây con, cần tránh thay đổi điều kiện sống của cây một cách quá đột ngột.

Giai đoạn phát triển (kéo dài 22-27 tuần)

Cây Hồ Điệp phát triển sinh dưỡng, nhiệt độ cho giai đoạn này nằm trong khoảng 28 đến 32o C. Nhiệt độ cao vừa phải làm gia tăng khả năng quan hợp của Hồ Điệp, đồng thời hạn chế sự ra hoa sớm không cần thiết trong giai đoạn dưỡng sức này. Theo K. Kataoka và cộng sự, giai đoạn trước khi cây ra hoa cần hàm lượng Carbohydrate rất lớn, điều này cũng có nghĩa là nếu sự ra hoa xảy ra khi cây không đủ sức, chất lượng hoa sẽ không cao hoặc làm tổn hại đến cây mẹ.

Giai đoạn thọ hàn (kéo dài 4-6 tuần)

Cảm ứng ra hoa Hồ Điệp cần phản ứng stress nước nhẹ trong nhiệt độ thấp, từ 17 đến 25oC. Tại nhiệt độ này, hàm lượng Cytokinin nội sinh trong lá tăng lên, ngược lại với hàm lượng Acid Abscisic (Wen Yu Wang và cộng sự, 2002). Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của Wang năm 2003, số lượng cũng như hàm lượng protein trong mô lá tăng đáng kể trong giai đoạn này. Điều này cho thấy phản ứng ra hoa để đạt đến mức tối ưu cần được xảy ra trong điều kiện lạnh, nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác cũng đã nói lên điều này. Giai đoạn xử lý ra hoa kết thúc khi phần lớn các cây xử lý tạo phát hoa non khoảng 2-5cm.

Giai đoạn kết thúc (kéo dài 8-15 tuần)

Sau khi cây Hồ Điệp được 4 đến 6 lá và chiều rộng lá khoảng 25cm, cây được đưa vào giai đoạn xử lý phát hoa, nhiệt độ xử lý nằm trong khoảng 17-26oC. Trong giai đoạn này, mục tiêu của người trồng là kéo dài phát hoa, tăng số lượng hoa, điều khiển cho hoa nở đồng thời và hoa xoay đều theo trục phát hoa. Có thể chia giai đoạn này thành 3 giai đoạn nhỏ hơn. Trước tiên, phát hoa cần được kéo dài ở nhiệt độ cao (26oC) trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó chuyển sang nhiệt độ thấp hơn (17-25oC) để cảm ứng chồi sinh sản, hạn chế tối đa số chồi sinh dưỡng. Ngay sau khi có một số nụ nhất định hình thành, để làm cho phát hoa nở đều, nhiệt độ được tiếp tục giảm xuống khoảng 19-20oC nhằm kéo dài thời gian bung cánh hoa của những hoa bên dưới, tạo điều kiện cho các hoa bên trên tiếp tục hình thành phát triển và bung cánh hoa trong cùng một khoảng thời gian ngắn.

Nhiệt độ trong suốt quá trình xử phát hoa nếu vượt quá 26oC có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên phát hoa, làm chột đỉnh hoặc giảm số lượng hoa.

Ảnh hưởng của nhiệt độ lên khoảng thời gian trung bình để hoa nở

Nhiệt độ (C)——Thời gian từ khi phát hoa xuất hiện đến khi hoa đầu tiên nở (ngày) 
14 ——————————-266 
17 ——————————-133 
20 ——————————–87 
23 ——————————–68 
26 ——————————–52

Ánh sáng trong quá trình phát triển của lan Hồ Điệp vào khoảng 500-1500 footcandles, thuộc loại tương đối cao so với đa số các loài lan khác (Dù vậy cây không chịu được ánh sáng trực tiếp). Tuy nhiên so với nhiệt độ thì ánh sáng không ảnh hưởng nhiều đến sự ra hoa của Hồ Điệp mà chỉ quan trọng về yếu tố tích lũy dinh dưỡng thông qua quang hợp và ảnh hưởng đến đặc tính quang hướng động của hoa.

Tài liệu tham khảo: 

Matthew Blanchard, Roberto lopez, Erik Runkle, Yin-Tung Wang. 2005. The Orchid Grower. Green house Grower Publish(4) 86-89. 

Wen Yu Wang, Wen Shaw Chen, Kuan Liang HuangLi Sang Hung , Wen Huei Chen, Wei Ren Su.2003.The effect of daylength on protein synthesis and flowering on doritis pulcherima. Sciencetia Hor 97: 49-56. 

Wen-Yu Wang, Wen-Shaw Chen, Wen-Huei Chen, Li-Sang Hung, Ping-Shun Chang. 2002 
Influence of abscisic acid on flowering in phalaenopsis hybrida. Plant physiol. Biochem (40) 97-100. 

K. Kataoka., K. Sumitomo, T. Fudano, K. Kawase. 2004. Changes in sugar content of Phalaenopsis leaves before floral transition (102); 121-132.


Nguyễn Hữu Hoàng
Theo Sinh học Việt Nam

Câu hỏi - Thắc mắc - Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *