Đặc điểm của hoa lan

Hoa lan sở dĩ được nhiều ưa chuộng là vì

  • Màu sắc thắm tươi, đủ vẻ, từ trong như ngọc, trắng như ngà, êm mượt như nhung, mịn màng như phấn, tím sậm, đỏ nhạt, nâu, xanh, vàng, tía cho đến chấm phá, loang, sọc, vằn thẩy đều không thiếu.
  • Hình dáng thực là khác trăm ngàn hình dạng khác nhau, dù rằng phần lớn chỉ là 5 cánh bao bọc chung quanh một cái môi = lip, nhưng mỗi thứ hoa lại có những dị biệt khác thường. hoa lan có loại cánh tròn, có loại cánh dài nhọn hoắt,có loại cụp vào, có loại xoè ra có những đường chun xếp, vòng vèo, uốn éo, có loại có râu, có vòi quấn quýt, có những hoa giống như con bướm, con ong (Ophrys insectifera). hoa lan có những bông nhỏ như đầu chiếc kim gút nhưng cũng có bụi lan Grammatophylum speciosum ở Phi luật thân cao gần 10 thước, dò hoa dài chừng 2 thước và nặng chừng một tấn. Lan này cũng mọc tại Việt nam nhưng chỉ cao độ 2-3 thước và mang cùng tên với cô ca sĩ nổi danh: Thanh Tuyền.
  • Hương lan đủ loại thơm ngát, dịu dàng, thoang thoảng, ngọt ngào, thanh cao, vương giả cho nên các bà,các cô đã phải trả một giá rất đắt cho bình nước hoa nhỏ síu. Tại Thái lan có một loại Vanda đươc giấu tên và được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hương thơm dành riêng để cung cấp cho một nhà sản xuất nước hoa danh tiếng. Nếu hoa lan sớm nở, tối tàn thì dù cho có hương, sắc đến đâu cũng không thể nào được liệt vào loài hoa vương giả. hoa lan nếu được giữ đúng nhiệt độ và ẩm độ có thể còn đươc nguyên hương, nguyên sắc từ 2 tuần lễ cho đến hai tháng, có những thứ lâu đến 4 tháng, có những thứ nở hoa liên tiếp quanh năm, nhưng cũng có loại chỉ 1-2 ngày đã tàn phai hương sắc.
Đặc điểm của hoa lan


Nhiều người thấy lan thường bám vào các cành cây, hốc đá nên nghĩ rằng lan là một loại tầm gửi (Parasite) nhưng thực ra lan không sống vào nhựa của cây. Lan chỉ bám vào đó mà sống, hấp thụ những tinh chất thiên nhiên do hoa, lá cây đã mục, phân chim và các tinh thể khác do nước mưa và gió vận chuyển tới.

Người ta thường gọi lầm tất cả các loại hoa lan là phong lan. Nhưng thực ra hoa lan mọc ở nhiều nơi và chia ra làm 4 loại sau đây:

  • Epiphytes: Phong lan bám vào cành hay thân cây.
  • Terestrials: Địa lan mọc dưới đất.
  • Lithophytes: Thạch lan mọc ở các kẽ đá.
  • Saprophytes: Hoại lan mọc trên lớp rêu hay gỗ mục


Lan mọc ở khắp năm châu, bốn biển, từ miền gió tuyết lạnh lùng cho đến vùng sa mạc nóng bỏng, khô cằn, từ miền núi cao, rừng thẳm cho đến các đồng cỏ của miền bình nguyên và ngay cả các vùng sình lầy đâu đâu cũng có lan. Đa số lan ưa mọc tại các rừng cây nhiệt đới nhất là tại giẫy núi Andes miền Nam Mỹ và giẫy Hy mã lạp sơn thuộc Á châu. Những nơi này, phần đông cao từ 3000 bộ đến 7000 bộ và nhiệt độ thay đổi từ 50 đến 90°F và mỗi tháng mưa ít nhất là 3-4 inches nước.

Lan thuộc vào một loài hoa đông đảo với khoảng chừng 750 loài và 30,000 giống nguyên thủy và chừng độ một triệu đã được lai giống nhân tạo hay thiên tạo, hoa lan (Orchidaceae) là một loài hoa đông đảo vào bậc thứ nhì sau hoa cúc (Asteraceae). Sở dĩ chúng tôi phải dùng chữ khoảng chừng vì hiện nay lan còn mọc ở nhiều nơi thâm sơn cùng cốc chưa ai biết đến. Riêng tại Việt Nam, trong những thập niên vưà qua người ta đã tìm thấy mấy cây chưa từng có trong danh mục hoa lan quốc tế. Đó là những cây Christensonia viêtnamica, Renanthera citrina, Paphiopedilum helenae, Paphiopedilum vietnamense và Paphiopedilum hiepii.

Cây lan Calanthe Dorminii là cây đầu tiên được ghép giống vào năm 1858, loại này tên Việt là Kiều lan hay nôm na gọi là lan bầu rượu. Hiện nay Viện cầu chứng quốc tế, thuộc Hội trồng tỉa hoàng gia Anh quốc (International Registration Authority for Orchid Hybrids) hàng tháng đã chứng nhận tên họ cũng như tác quyền thương mại cho khoảng chừng 300-400 thứ lan mới ghép giống trên toàn thế giớị.


Placentia 4-1995
Bùi Xuân Đáng

Câu hỏi - Thắc mắc - Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *