Thú chơi thủy sinh

Nghệ thuật, đam mê và… tốn kém

Cường là một tài xế xe du lịch. Căn nhà nhỏ của anh ở một con hẻm thuộc đường Trần Não, quận 2, ai ngờ là địa chỉ tham quan của cả xóm nhờ cái hồ thủy sinh dài hai mét. Trước đây, sống trong cái bể này là một đàn cá cảnh khá đông đúc, được chủ nhân thay đổi chủng loại thường xuyên.

Vào một ngày đẹp trời, khi đến chơi nhà một người bạn ở quận Gò Vấp, bể thủy sinh ở nhà người bạn đã thực sự “hớp hồn” Cường. Cảnh núi, rừng, đồng cỏ mượt mà với vài ba con tép nô đùa trên đó có sức quyến rũ kỳ lạ. “Có cái gì đó không thể cưỡng lại khi ngắm hồ thủy sinh. Chỉ trong giây phút, tôi quyết định chuyển bể cá cảnh sang thú chơi mới mẻ này!” – Cường kể.

Thú chơi thủy sinh

Không riêng Cường, có lẽ bất cứ ai từng “trót” một lần ngắm hồ thủy sinh đều phải trầm trồ khen ngợi. Những phong cảnh trong các hồ được dân chơi thủy sinh thực hiện làm người thưởng ngoạn liên tưởng đến hình ảnh một nơi nào đó đẹp đến mê hồn. Thu gọn không gian yêu thích vào một hồ nước bằng thực vật thủy sinh mô phỏng thiên nhiên tươi đẹp là nguyên tắc và cũng là nghệ thuật của môn chơi được du nhập từ Nhật Bản này.

Anh Sinh là một đạo diễn truyền hình. Công việc giúp anh được đi đây đi đó nhưng chính công việc cũng gây cho anh một áp lực không nhỏ. Tìm đến thú chơi thủy sinh như một cách để giảm stress, anh nhận ra môn chơi này còn mang đầy tính nghệ thuật và rất dễ đam mê. thủy sinh tạo điều kiện cho anh thoải mái sáng tạo. Anh từng thiết kế hồ chơi của mình theo phong cảnh Đèo Ngang, nơi anh đã nhiều lần đi qua và không lần nào không dừng lại để say sưa ngắm nghía.

Sau đó, trong một chuyến du lịch ở Giang Tây (Trung Quốc), được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuộc loại “bồng lai tiên cảnh” của vùng Lư Sơn, nơi nhà văn Kim Dung chọn làm bối cảnh cho những câu chuyện kiếm hiệp nổi tiếng, anh quyết tâm thu nhỏ khung cảnh tuyệt vời đó trong bể thủy sinh của mình.

Không chỉ thỏa sức sáng tạo, thú chơi thủy sinh thực sự giúp cho những cư dân thành phố tìm được trạng thái cân bằng sau những áp lực công việc và cuộc sống. Các anh Cường, Sinh và nhiều dân chơi thủy sinh khác mà chúng tôi gặp đều cho rằng, tất cả mọi muộn phiền, lo âu, rắc rối dường như tan biến khi ngồi lặng nhìn hồ thủy sinh với khung cảnh thiên nhiên do chính mình tạo ra.

Quả là thích thú khi ngắm những bụi cây, ngọn cỏ, đám lá thay đổi hàng ngày nhờ bàn tay chăm sóc của mình. Một anh chàng ham mê thủy sinh ở Gò Vấp còn thú nhận rằng trước đây khi đi công tác chỉ nhớ vợ con, bây giờ đã có thêm nỗi nhớ mới là nhớ… hồ thủy sinh yêu quý!

Để có được một thú chơi tao nhã như thế thì cần bao nhiêu tiền? Thắc mắc ấy được Tâm, một cô bán hàng xinh xắn tại cửa hàng thủy sinh Lý Vũ ở góc đường Lý Chính Thắng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) vui vẻ lấy giấy bút liệt kê những món đồ “chuẩn”. Kết quả, số tiền cần chi để sở hữu được một hồ thủy sinh loại trung bình (dài 1m, rộng 0,6m) là… bảy triệu đồng!

Nghề chơi cũng lắm công phu

Bỏ ra số tiền như vậy cho thú chơi tao nhã đó có đáng là bao đối với những người khá giả, nhưng lại là món lớn đối với nhiều người. Chị Giang, dân chơi thủy sinh kỳ cựu và cũng là chủ cửa hàng thủy sinh nổi tiếng ở đường Lãnh Binh Thăng (Quận 11) cười nói: “Ngày nào cũng có nhiều người đến ngắm nghía mê mẩn rồi hỏi giá cả, nhưng số người bỏ tiền mua rất ít”.

Một hồ thủy sinh bài bản thì cần phải có đủ sáu thứ: bể thủy tinh có kính dày ít nhất 8mm, nền trồng cây bao gồm đất có phân và sỏi, đèn “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp, bộ lọc nước, bình CO2 để duy trì sự sống của cây và cuối cùng mới là cây thủy sinh.

Khi nghe thắc mắc: “Cá trong hồ đóng vai trò gì?”, một dân chơi thủy sinh có kinh nghiệm trả lời: “Cá chỉ đóng vai trò trang trí cho hồ thủy sinh, bởi sự khác nhau cơ bản của chơi cá cảnh và chơi thủy sinh là một bên chăn nuôi, còn bên kia… trồng trọt!”. Thông thường, người ta chỉ thả vào hồ thủy sinh một số cá nhỏ như cá bảy màu hoặc tép. Thả nhiều cá cảnh vào hồ thì chúng có thể phá hoại cây trồng trong hồ.

Nhưng không phải cứ sắm đủ những “đồ chơi” cần thiết như trên là có thể yên tâm ngồi ngắm nghía. “Đa số người mới chơi thủy sinh đều bị khổ sở thời gian đầu vì cây cỏ trong hồ không phát triển như ý muốn, thậm chí bị lụi tàn. Những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng CO2 cần thiết… là thách thức không nhỏ cho những người mới vào nghề. “Chỉ những ai thực sự đam mê mới theo đuổi được thú chơi này” – anh Sinh khẳng định.

Những người “thực sự đam mê” đã tạo nên một cộng đồng chơi thủy sinh trên đất Sài Gòn. Ít nhất có hai câu lạc bộ thủy sinh lớn đang tồn tại ở TP.HCM và họ đã mở trang web riêng để dân chơi có thể trao đổi kinh nghiệm, mua bán hay tặng cho nhau “đồ nghề”, rủ nhau đi picnic và cả việc quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ bà con bị bão lụt…

Chợ thủy sinh Sài Gòn

Có cầu ắt có cung, một thị trường mua bán thủy sinh đang hình thành và lớn mạnh ở TP.HCM. Đầu tiên phải kể đến hai cửa hàng “hoành tráng” của Công ty Lý Vũ, một ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) và một ở đường Bùi Viện (Quận 1). Đến các cửa hàng này, khách sẽ thật sự bị choáng ngợp và mê mẩn bởi quy mô, vẻ đẹp của các hồ thủy sinh được trưng bày. Đủ các kiểu dáng hồ, đủ các loại phong cảnh và cũng đủ các loại giá.

Khách hàng có thể mua ở đây nguyên hồ thủy sinh làm sẵn với giá từ năm đến năm chục triệu đồng. Khách hàng cũng có thể mua từng “đồ nghề” riêng biệt với đủ các chủng loại, xuất xứ và tất nhiên là cũng có thể đến ngắm nghía cả nửa ngày trời rồi ra về cũng… không sao!

Cửa hàng của chị Giang trên đường Lãnh Binh Thăng tuy chỉ nằm gọn trong một căn phòng nhỏ, nhưng không dân chơi thủy sinh nào không biết. Người phụ nữ này đã mê chơi thủy sinh từ hồi sinh sống ở Thái Lan cách đây hơn mười năm. Chị đem môn chơi này về Việt Nam và là một trong những người chơi đầu tiên của Sài Gòn. Cửa hàng của chị mở cách đây hai năm, toàn bán hàng hiệu, do đó giá đắt hơn nơi khác nhưng chất lượng thì khỏi bàn, tất cả đều được nhập khẩu từ Nhật – quê hương của môn thủy sinh.

Một điều khá ấn tượng nữa là bất kỳ khách hàng nào, dù quen hay lạ, mua hay không mua, đến đây đều được nữ chủ nhân bày vẽ tận tình. “Buôn bán thứ này, chỉ mong… huề vốn!” – lời thú nhận ấy của chủ cửa hàng khiến chúng tôi thắc mắc. Chị Giang giải thích rằng hàng nhập đa số đắt tiền, mà phải nhập số lượng lớn, trong khi đó khách hàng mới chỉ thuộc dạng “tiềm năng” nên đến lúc số hàng bán được có khi chỉ vừa đủ để trả lãi suất cho ngân hàng. Chị bán hàng chỉ vì đam mê và muốn có nhiều người cùng hưởng thụ thú chơi này, còn thu nhập chính của chị là từ việc kinh doanh mặt hàng khác.

Ngoài ra, để bắt kịp với trào lưu chuyển đổi thú chơi từ cá cảnh sang thủy sinh trên đất Sài Gòn, những phố cá cảnh nổi tiếng như Nguyễn Thông, Thành Thái, Trường Chinh… đã bắt đầu bán xen kẽ vật dụng phục vụ thú chơi thủy sinh. Ngang qua đoạn phố cá cảnh Nguyễn Thông (Quận 3), những bể cá cảnh đủ màu sắc cách đây không lâu đã được thay bằng các hồ thủy sinh với màu xanh mát mắt của cây cỏ, phong cảnh tuyệt đẹp của đồi núi, đường sá chốn quê thu nhỏ.

Bạn cần xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng trong không gian bức bối của đô thị? Bạn muốn có phong thủy trong ngôi nhà mình? Bạn muốn ngắm nhìn sự tồn tại và phát triển của thiên nhiên bởi chính bàn tay mình và ngay trong phòng khách nhà mình? Bạn cần thêm một thứ gì để nhớ ngoài vợ con trong một chuyến đi xa? Còn chờ gì nữa, hãy thử đến với thú chơi mới mẻ này!

Mạnh Thăng

Câu hỏi - Thắc mắc - Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *