Quy tắc bố cục hồ thủy sinh

Trong những năm gần đây thuật ngữ bố cục đã trở nên phổ biến trong giới thuỷ sinh toàn thế giới. Một người Nhật nổi tiếng, ông Takashi Amano đã mở ra phong cách mới trong bộ môn thuỷ sinh bằng một cuốn sách. Sự góp nhặt cây rong, những hòn đá hay khối lũa đẹp không còn là mục tiêu của nhiều người chơi thuỷ sinh.

Bài viết này dựa trên phong cách và ý tưởng của hồ thuỷ sinh theo trường phái thiên nhiên (Nature Aquarium), kết hợp với những quan điểm và kinh nghiệm rất riêng của tôi. Luôn tồn tại sự băn khăn về xu hướng cá nhân rằng bạn đang cố gắng hoàn thiện theo phong cách bố cục nào. Nhiều người yêu thích phong cách bố cục bắt mắt của Nhật nhưng họ lại cảm thấy khó mà đạt được như vậy. Vấn đề không phải phụ thuộc vào kinh nghiệm để thực hiện được hay không. Làm 1 hồ thuỷ sinh theo trường phái thiên nhiên cũng không khó hơn nhiều so với 1 hồ bình thường là bao. Điều làm nên sự khác biệt chỉ là sự lựa chọn cẩn thận rong rêu và phụ kiện kèm theo. Tuy vậy nhiều người lại không đủ tự tin để thử xem sao. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn 1 cách súc tích. Làm theo các quy tắc và bạn sẽ đạt mục đích của mình. 

Amanos Nature Aquarium

Amanos Nature Aquarium


Hồ thuỷ sinh kiểu Amano (Amanos Nature Aquarium), thường bị hiểu sai đi. Phong cách này không nhằm tái tạo 1 quần thể tự nhiên của 1 vùng sông hồ cụ thể nào. Mục đích chính là đưa vào hồ 1 cảnh quan. Cảnh quan đó đã được nhìn thấy ở đâu đó trong thiên nhiên, trên cạn.

Ngay như tôi khi mới bắt đầu cũng cố bắt chước 1 vài hồ Amano. Rồi tôi sớm nhận ra rằng mình không thể sao chép cái gì thuộc về vốn sống. Tuy vậy khởi đầu bằng sao chép 1 bố cục mà bạn thực sự thích cũng là 1 cách thực hành rất hay. Bạn sẽ sử dụng chính xác ngay loại cây rong, đặt hòn đá đúng vị trí và tạo ra những khoảng trống khiến cho hồ bạn trở nên có chiều sâu hơn. Theo thời gian, phong cách riêng sẽ dần định hình, tới lúc đó bạn thậm chí còn đòi hỏi cao hơn hồ mà bạn đã cố sao chép. 

Tới lúc này thì bạn sẽ bắt tay vào làm 1 hồ mới bằng cách nghĩ tới những phong cảnh mà bạn đã bắt gặp và làm bạn thực sự ấn tượng. Đó có thể là tập hợp những hòn đá trên dốc núi hay 1 không gian bát ngát của 1 cánh rừng. Mọi người đều có sở thích riêng, vì vậy họ sẽ chọn ra những phong cảnh khác nhau và tạo nên phong cách riêng biệt. 

Trong 1 hồ thuỷ sinh phong cách thiên nhiên, cây và cá là thành phần trung tâm. Trong khi cung cấp cho cây những điều kiện tối ưu để phát triển, bạn cũng đồng thời làm vậy với bầy cá trong hồ. Khi cây cối nhận được mọi thứ để phát triển tốt, chúng sẽ tự động cung cấp những điều kiện tốt nhất cho bầy cá. Cây cối sử dụng dinh dưỡng dư thừa trong nước giúp tránh tăng độ Nitrate và chúng sẽ tạo ra oxygen, thứ không thể thiếu đôí với cuộc sống của bầy cá.

Nhấn mạnh: bài viết ngắn này giúp bạn tạo ra những bố cục lung linh mà bạn từng nhìn thấy trong các tạp chí hay các website trên internet và bạn không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được. 

Nào ta cùng bắt đầu:

1. Trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng là chìa khóa của bố cục thuỷ sinh.

Hãy hình dung trong đầu bạn những cây cỏ và phụ kiện sẵn có. Cố gắng kết hợp chúng bằng nhiều cách. Nếu bạn không làm được như vậy, tốt hơn là bắt đầu bằng việc sao chép 1 hồ mà bạn thích. Dần dần bạn sẽ nhận ra rằng làm theo trí tưởng tượng của mình còn dễ hơn.

Bạn đã hình dung ra chưa? ta tiếp tục nhé… 

2. Chọn hậu cảnh

Có nhiều cách để chọn hậu cảnh. Có thể dùng xốp, gỗ, sơn màu, hoặc tự mình dính bằng cành lá. Dù bằng cách nào thì bạn cũng sẽ phải làm hậu cảnh cho hồ khi không đặt nó ở giữa phòng. Sẽ rất mất tự nhiên khi nhìn rõ nào dây, nào ống chằng chịt phía sau hồ. 

Khi sơn hay dùng keo dính: hãy dùng màu đen hoặc xanh lơ. Như vậy hồ của bạn sẽ có sự tương phản tuyệt vời và khiến ta dễ dàng tập trung vào bố cục hồ. Bạn sẽ chẳng muốn nguời ta chú ý vào hậu cảnh chỉ bởi vì nó đỏ chói lên?

3. Chọn nền

Có vẻ như không tự nhiên khi bạn chọn sỏi nền màu hồng, xanh hay lơ. Hãy dùng màu nâu, xám hay đen. Có nhiều loại nền khác nhau làm cho cây cối phát triển tốt hoặc tồi. Hãy tham khảo trên nét trước khi dùng.

4. Chọn hình dáng bố cục

Có 1 vài kiểu bố cục sau:

  • Kiểu lòng chảo ( cao hai bên và thấp ở giữa)
Kiểu lòng chảo
  • Kiểu dáng lồi (ngược lại với kiểu trên, thấp hai bên và cao dần vào giữa)
Kiểu dáng lồi (ngược lại với kiểu trên, thấp hai bên và cao dần vào giữa)

Kiểu dáng lồi


Để tạo độ lồi không nhất thiết chỉ bằng cây cối như bạn thấy ở trên.

Kiểu tam giác (cao từ một phía và đổ thấp dần xuống phía kia)

thủy sinh Kiểu tam giác

Kiểu tam giác


Bạn nên tránh bố cục hình chữ nhật (chỗ nào cũng cao). Nó chiếm lĩnh nhiều không gian và khoảng trống. Nhưng nó lại vô cùng quan trọng để tạo ra cảm giác về độ sâu. 

5. Chọn phụ kiện

Trong một thời gian dài, người chơi thường kiếm tìm những cành lũa hay khối đá thật đẹp, sau đó họ đặt chúng vô hồ và… thấy không hài lòng.

Nhất là khi tạo bố cục với đá, điều quan trọng là sử dụng một loại đá với nhiều hòn kích cỡ khác nhau chứ không phải chỉ lấy một khối thật đẹp. Một khối đá đơn lẻ trong hồ cho cảm giác rất nhân tạo, nhưng khi bạn dùng hai hay nhiều khối, nó sẽ giống như bạn thường thấy ngoài thiên nhiên. 

Bây giờ thì hãy sắp xếp đá hay lũa theo kiểu tam giác (nếu có ít nhất 3 hòn). Hòn to nhất (nếu có) thường là điểm nhấn, nên cần sắp đặt nó 1 cách thật cẩn thận (xem tỉ lệ vàng và điểm nhấn ở phần tiếp theo)

Không bao giờ dùng các loại đá hay lũa khác nhau. Bạn có thể lượm ngay cả những hòn đá mà bạn cho là xấu nhất, nhưng chúng phải cùng chủng loại. Sắp xếp chúng theo nhóm, tôi tin rằng như vậy nhìn sẽ rất ổn.

6. Tạo điểm nhấn

Để thiết kế 1 bố cục hồ hoàn chỉnh, bạn cần tạo 1 hoặc nhiều nhất là 2 điểm nhấn. Đó thường là một vật gì thu hút tầm nhìn của bạn. Một hòn đá, một cành lũa hay một khóm cây đẹp. Từ đó ra đời tỉ lệ vàng.

Bạn thường đặt những khóm cây đẹp nhất vào ngay giữa hồ, nhưng rồi trông lại chẳng ổn tí nào, phải không? Đó là bời vì khi bạn sắp xếp theo bố cục cân xứng, tầm nhìn của bạn luôn lướt từ trái sang phải rồi ra sau, từ trước ra sau…nó sẽ không tạo được cảm giác thoải mái khi bạn ngồi hàng giờ để ngắm hồ.

Từ xa xưa, các nhà triết học và toán học đã tìm ra một tỉ lệ tốt nhất cho mắt bạn là 1:1,618…

Để lý giải, khi bạn uống cà phê, bạn hoà trộn 1 phần sữa và 5 phần cà phê (chỉ là một ví dụ), tỉ lệ sẽ là 1:5

Vậy khi tạo điểm nhấn, bạn chia hồ thành 2 phần, 1 phần với tỉ lệ 1,618, phần kia là 1. 

Làm thế nào để chia ra? Đơn giản thôi, chỉ cần chia chiều dài hồ cho 2.618. Lấy kết quả đó rồi đo từ 1 cạnh hồ lại, đánh dấu. Phần còn lại sẽ là 1,618 (ví dụ hồ dài 70 cm chia cho 2.618 => 26.73 cm). Vị trí này gọi là tiêu điểm đặc biệt, điểm nhấn hay tuỳ bạn gọi… 

Không nên tạo 2 điểm nhấn trong 1 hồ nhỏ dưới 200L.

7. Tiền, trung và hậu cảnh

Để tạo chiều sâu cho hồ, điều quan trọng nhất là sử dụng các loại cây thấp. Không nhất thiết phải dùng các loại cây cao bởi vì bạn có thể dùng các hòn đá hay lũa cao để tạo nên cảnh đồi núi. 

Nếu bạn không có đá, hay lũa để làm, thì cần dùng các loại cây cao để tạo ra 1 hậu cảnh tốt. 

Ông Amano thường dùng Riccia hay Trân Châu Nhật. Trong khi Trân Châu thực sự là 1 trở ngại, đôi khi ngay cả với những người có kinh nghiệm thì ricca lại khá dễ chịu, đó là một loại thuỷ sinh trôi nổi không cần chăm sóc nhiều.

Họ Ngưu Mao Chiên (eleocharis) cũng là 1 loại cây thường được chọn cho tiền cảnh. Chú ý: Trân Châu và Ngưu Mao Chiên không nên trồng nguyên mảng ngay khi mua từ tiệm về. Tách chúng ra thành từng cụm thật nhỏ, trồng riêng rẽ. Như vậy chúng sẽ phát triển mạnh và nhảy con rất nhanh, tránh bị thối gốc. Sau khi trồng Ngưu Mao Chiên, nên xén ngắn chúng xuống còn 1.5 cm. Cho tới khi chồi non xuất hiện, lá già sẽ rữa đi và bị tảo xâm thực.

8. Các bước trồng cây

Trồng gần điểm nhấn trước tiên. Sau đó là cây thấp, cây trung và cuối cùng tới cây cao. 

Cố gắng trồng thật dày.

Nhất là với các loại cây thân đốt thường được dùng để tạo bố cục. Những loài có lá nhỏ như Trân Châu cao, Trân Châu lá tròn, bách diệp hay họ rotala rất dễ để cắt tỉa thành hình dáng mong muốn. Nếu vậy thì bạn phải trồng thật dày ngay từ đầu. Kẹp 2 – 3 ngọn, dùng nhíp cắm xuống nền cách nhau 2 – 3 cm. Càng trồng dày ngay từ đầu, bố cục hồ càng mau hoàn chỉnh. Thời gian tiếp theo, cắt phần ngọn cắm lại ngay cạnh gốc cũ, phần nằm dưới nền sẽ mau chóng nảy ra những ngọn mới.

9. Màu sắc của lá cây

Cần khôn khéo phối các loại lá cây có kích thước và màu sắc khác nhau. Điều này cũng giúp tạo thêm độ sâu và nét tự nhiên cho hồ. Nếu hồ nhỏ dưới 200L hãy sử dụng các loại cây lá nhỏ để làm cho hồ có vẻ lớn hơn so với thực tế. 

Đặc biệt với các loại cây lá đỏ sẽ cho hồ thêm sự tương phản. Những hãy lưu ý nếu bạn trồng một cây đỏ đơn lẻ thì nó sẽ đóng vai trò điểm nhấn. Trong khi bạn đã chọn một khối đá làm điểm nhấn rồi, bạn sẽ làm cho hồ trở nên rối bố cục và mắt của bạn sẽ không ngừng lướt từ chỗ này qua chỗ kia. 

10. Cá cho hồ thủy sinh

Không nên thả cá ngay khi hồ mới làm xong. Có rất nhiều bài viết về cá trên internet. 

Hãy chọn những loài cá nhỏ bơi theo đàn thì hơn là những loài cá to. Một đàn neon hay tam giác đông đúc sẽ làm cho hồ bạn lớn hơn nhiều (nhất là khi chụp hình gửi dự thi chẳng hạn)

Chọn loài cá không làm ảnh hưởng tới bố cục hồ. Nhiều loài có xu hướng đào hang sẽ không tốt cho một thảm cây tiền cảnh như bạn có thể tưởng tượng. 

Cũng cần nhớ rằng có loại cá lúc mua thì bé xíu nhưng sau đó lớn vù vù gần bằng nửa cái hồ luôn. Để tốt cho cả cá lẫn bố cục, hãy đọc tài liệu trước khi mua hoặc hỏi trên internet. Tiệm cá họ chỉ muốn bán được hàng. Khi họ nói loài cá này sẽ bé thì có khi nó lại dễ dàng lớn bằng con cá mập nhỏ 

11. Bảo dưỡng

Tạo ra 1 bố cục là 1 chuyện, còn duy trì và làm tăng vẻ đẹp của hồ lại hoàn toàn khác. Chỉ có cắt tỉa và thay nước đều đặn cũng như điều chỉnh lượng dinh dưỡng/ánh sáng/CO2 phù hợp mới giúp bạn đạt mục đích. Đôi khi cây mọc lên, bạn còn phải thay đổi cả một nhóm cây chỉ bởi vì nó không như lúc đầu bạn tưởng tượng. Thật ra thì cũng không khó lắm vì bạn có sẵn nhiều thông tin trên internet. Hãy tự tin và thử sức mình bạn nhé!

Cách làm lũa mau chìm

Làm sao để gỗ lũa có thể chìm dưới đáy, việc này còn tuỳ theo loại gỗ lũa . Loại nặng và rắn từ bên trong sẽ dễ dàng chìm xuống đáy hơn, tuy nhiên có một loại gỗ lũa rất khó để chìm. Vậy làm sau để khắc phục chuyện này

lý gỗ lũa không chìm
Xử lý gỗ lũa không chìm

1. Đun gỗ lũa trong nước sôi

Cách để làm gỗ lũa chìm là bạn hãy cho thanh gỗ lũa này vào nồi nước đun sôi lên. Khi các loại gỗ lũa được ngâm trong nồi nước sôi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, thì tác dụng của nước sôi làm cho các lỗ hổng bên trong của thanh gỗ lũa hé mở ra. Khi chúng hé mở ra, thì nước sẽ có khả năng ngấm vào gỗ lũa mau hơn, và tăng trọng lượng vì vậy gỗ sẽ chìm. Xin lưu ý là thời gian đun sôi gỗ lũa rất quan trọng .

2. Nhét vật cứng vào gỗ lũa

Một cách khác, vì đôi lúc có những thanh gỗ lũa tuy đẹp, nhưng cứ bọng và nổi lềnh bềnh trên mặt bể. Nếu không có đủ kiên nhẩn để đun sôi, thì bạn làm như sau.

Đục và khoét lỗ ở phần dày nhất của gỗ lũa, nhét vào đấy các vật liệu nặng nhưng không có khả năng rỉ sét. Bỏ đá hay các viên bi của trẻ em chơi cũng rất tiện dụng. Sau đó thì dùng keo silicon dán kiếng hồ cá, trét vào, và bịt kín chổ khoét với miếng đậy đã được khoét ra. Đợi silicon khô và dính liền với nắp đậy và miếng gỗ lũa là xong (khoảng 24 – 48 tiếng). 
Khi khoan nhớ để ý đến vị trí của lỗ khoét, nên là bên dưới đáy của gỗ lũa để tránh phần mất thẩm mỹ.

3. Kẹp gỗ lũa vào vật cứng

Một cách khác nữa, là kẹp vào gỗ lũa với các vật liệu kim khí không có khả năng bị rỉ sét trong nước. Sau đó bắt ốc chết. Loại ốc được bắt chết, cũng phải là loại không có khả năng rỉ sét trong nước. Khi gỗ lũa được trưng bày, thì sẽ được trang trí với các loại cây thủy sinh để che đi phần đã bị bắt ốc chết.

Chọn lũa cho hồ thủy sinh

Gốc lũa thật thì có hình dáng tự nhiên, toàn thân đồng nhất. Các mắt hốc trơn tròn nhưng không bóng. Chơi lũa cũng như chơi đá. Lũa mang dấu ấn của tự nhiên nhưng thể hiện tính biểu cảm cô đọng và thẩm mĩ, đặc biệt là trên lũa còn thể hiện sự trải nghiệm của thời gian do lũa được hình thành qua nhiều năm.

Gỗ lũa là phần lõi còn lại của cây gỗ chết sau khi bị ăn mòn bởi nước, hoặc mục, hoặc mối xông. Cái lõi này do nhiều nguyên nhân mà không bị phân huỷ bởi nước, mục ruỗng hay mối. Có thể là do tập trung xenlulô quá dày đặc, hoặc do nhựa cây lúc còn sống tiết ra khiến mối mọt, nước và thời gian cũng chịu thua. Nặng hay nhẹ thì tuỳ từng loại cây và vị trí trên cây của khúc lũa. Ở gốc thì đương nhiên là nặng hơn.

gỗ lũa thủy sinh
Gỗ lũa thủy sinh

Nói chung thì các khúc lũa đều nổi cả vì lũa kiếm được ở rừng thường đã lộ thiên nhiều năm, hoặc trong thời gian thu gom vận chuyển thì lũa đã khô nước rồi. Gỗ chỉ chìm được khi no nước thôi. Khúc gỗ do người gọt đẽo và khúc gỗ do thiên thiên gọt trông nó khác nhau hẳn. Có khúc được gọt với các đường nét trơn tròn, hốc mắt tự nhiên nhìn là thấy ngay. Nhưng mà có thể nhầm. Đấy là các gốc cây thường do người bán rong bán ở dọc đường. Các khúc cây đó nhìn qua thì cũng thấy hình thù kỳ dị, nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy còn nguyên dấu vết cành que, rễ, vỏ, thân. Thân thường bóng, không đồng nhất và ruột lại xốp và rỗng. Các gốc này thường là gốc chết của sú, vẹt, đước ở vùng đất ngập mặn, tuy có giống lũa về sự hình thành nhưng quá trình xảy ra nhanh trong vài năm và gỗ đó không bền và giá trị thẩm mĩ không cao.

Gốc lũa thật thì có hình dáng tự nhiên, toàn thân đồng nhất. Các mắt hốc trơn tròn nhưng không bóng. Chơi lũa cũng như chơi đá. Lũa mang dấu ấn của tự nhiên nhưng thể hiện tính biểu cảm cô đọng và thẩm mĩ, đặc biệt là trên lũa còn thể hiện sự trải nghiệm của thời gian do lũa được hình thành qua nhiều năm. Kị nhất là trên gốc lũa có thấy tác động của bàn tay con người. Chơi lũa bình thường thì lũa có thể mô phỏng các hình thù có thật như con thú, núi đá, hang hốc… Nhưng chơi đến đỉnh cao thì lại thể hiện những khái niệm, triết lý trừu tượng, thần thái.

Làm lũa no nước thì đúng là chỉ có ngâm nhiều và luộc lên thôi. Họ xử lý gỗ bằng cách luộc đến 3 ngày cơ, để cho ngấm nước đồng đều, rồi lại sấy khô. Tuy nhiên luộc hay ngâm nước đều không chắc chắn là gỗ sẽ chìm. Những khúc nào xuất xứ chìm ở dưới nước thì mới có thể chìm. Còn những khúc trên cạn hoặc trước ở dưới nước rồi lên cạn lâu quá thì chắc sẽ khó chìm đấy. Vì xuất xứ gỗ khác nhau nên có người làm chìm được, có người không. Ở tự nhiên có khi lũa bị ngâm đến hàng trăm năm. Theo kinh nghiệm của dân chơi thì thường dùng cách tốt nhất là cứ buộc nó lại. Vừa chắc ăn lại rút ngắn thời gian rất nhiều.

Một số đặc điểm nổi bật của gỗ lũa

  • Chọn hình dáng – có thể chọn theo phong cách tự nhiên gỗ có hình dáng đẹp, hoặc chọn và ghép gỗ theo cá tính, hoặc chủ đề.
  • Chọn mua gỗ lũa phải chọn loại ít mùn, không phai trong nước càng bị lũa càng tốt thịt gỗ đanh, loại này không cần phải luộc mà chỉ cần ngâm trong nuớc vài ngày sẽ tự chìm.
  • Gỗ tự nhiên trải qua các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên như lũ lụt….. làm mục các loại cây chết, và bị bào mòn trong môi trường nuớc, đất ngập nước.
  • Phần bị bào mòn có thể tạo nên những khoảng rỗng và phần còn lại thịt gỗ có đặc tính là chắc, đanh và nặng.
  • Bản thân gỗ lũa tự chìm do no nước trong đièu kiện ngập trong nước hoặc bị dòng chảy bào mòn.

Thông thường gỗ lũa được các nghệ nhân, người chơi sưu tầm để chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật hoặc chơi theo cách của người Nhật. Với những loại gỗ lũa này khi đưa vào bể cá không có khó khăn gì nhiều, chỉ cần chọn thế và dáng cho phù hợp là được.

Cắt tỉa thủy sinh thân đốt

cắt tỉa cây thân đốt

Đã là dân chơi bể thuỷ sinh, hầu hết ai cũng muốn bố cục thuỷ cảnh của mình trở nên đầy đặn, tinh tế. Một trong các yếu tố tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ cho nó chính những bụi cây thuỷ sinh thân đốt (ta hay gọi là cây cắt – cắm) tròn triạ, rậm rạp. Để tạo được những đường nét hoàn hảo như mong muốn trong bài này, tôi hy vọng sẽ giúp bạn làm được điều đó.

Cắt tỉa thủy sinh thân đốt
Cắt tỉa thủy sinh thân đốt

Làm thế nào để tạo sự rậm rạp – um tùm cho cây

Điều cần nhớ là phải trồng càng nhiều cây thân đốt càng tốt ngay từ đầu, chính điều này sẽ giúp tạo sự rậm rạp – um tùm ngay từ đầu. Sau khi được trồng vào hồ, cây thuỷ sinh sẽ phải trải qua giai đoạn tự thích nghi với môi trường. Sau khi đã hồi phục, cây thân đốt sẽ ra rễ và cây bắt đầu phát triển tiếp phần ngọn.

Khi cây phát triển, ta sẽ thấy phần đẹp nhất của chúng là phần ngọn. Cứ để cho chúng mọc vươn tới mặt nước. Ta chỉ cần cắt tỉa sơ sơ trước những cây mọc quá nhanh so với số còn lại. Đến giai đoạn khi đa số cây đã phát triển gần đến mặt nước, đó chính là thời điểm ta phải cắt tỉa hàng loạt.

Chiều dài đoạn thân phải cắt bỏ trong lần cắt tỉa hàng loạt đầu tiên này sẽ cỡ khoảng 7 – 10cm, tuỳ theo chiều sâu cuả hồ nhà bạn tính từ bề mặt nền. Đa số các loại cây thân đốt sẽ đâm 2 – 3 tược mới ngay đốt gần nhất bên dưới vết cắt. Như thế sau lần cắt tỉa hàng loạt đầu tiên này, bạn sẽ có gần như gấp đôi số lượng cây thân đốt sau đợt cắm đầu tiên. Phải nhớ điều chỉnh lại lượng CO2 và lượng dinh dưỡng (giảm) sau đợt cắt tỉa loại bỏ cây hàng loạt này.

Khi cây đâm tược mới, cứ để chúng phát triển thêm cỡ 10 – 12 cm nữa. Khi cây đạt chiều cao cần thiết, việc cắt tỉa lần thứ 2 này sẽ gồm 2 công đoạn. Trước tiên, ta cứ canh bên trên vết cắt cũ (lần trước) khoảng 5 cm thì cắt ngang. Như vậy số tược mới sau này sẽ lại được nhân đôi. Kế tiếp, ta tiến hành tỉa tạo hình cho cả bụi cây theo hình dạng mà ta mong muốn. Việc làm này giúp ta tạo được chiều sâu và mạch chuyển cho thủy cảnh.

Sau này, các lần cắt tỉa tiếp theo ta sẽ dựa theo hình dáng của bụi cây trong lần tỉa tạo hình lần thứ 2 này để thực hiện. Bạn nên nhớ là ngọn cuả cây thân đốt là phần đẹp nhất cuả chúng, vì vậy khi cắt tỉa phải tính toán làm sao để ngay khu vực thấp nhất của cả bụi vẫn có những ngọn mọc chen đều để che đi phần gốc xấu xí, trơ trụi. Bạn hãy tưởng tượng công đoạn cắt tỉa cho chúng cần tỉ mỉ và thẩm mỹ y như bạn đang cắm một lọ hoa.  

Tôn dáng vẻ tự nhiên

Vẻ đẹp tự nhiên luôn có sức hút đặc biệt. Trong nghệ thuật cắt tỉa cho cây thuỷ sinh thân đốt thông thường các nghệ nhân kết hợp cả 2 hình thức chăm chút: tạo dáng nhân tạo và tôn vẻ đẹp tự nhiên. Sau khi đã cắt tỉa 2 lần, bạn chỉ cần thỉnh thoảng tỉa tót lại vài chỗ “thừa”, vướng víu, có ảnh hưởng đến mặt tiền chung. Chỉ tỉa bớt những nhánh mọc quá nhanh, sao cho chúng hơi thấp hơn những cây còn lại, là sẽ duy trình được hình khối cuả cả cụm một cách tự nhiên, mà không gây cảm giác mất tự nhiên do quá nhiều can thiệp cuả dao, kéo.

Với cách này bạn không cần theo dõi tốc độ phát triển cuả cây cối thường xuyên như phương pháp kia. Mặc dù, cả cụm cây sẽ phát triển đều và liên tục, thỉnh thoảng có vài chỗ vẫn cần phải cắt tỉa tạo hình lại theo kiểu lần thứ 2.

Cuối bài tôi xin đưa ra một số loại cây thân đốt dễ cắt tỉa tạo thành bụi xum xuê – rậm rạp giúp các bạn tham khảo:

  • Hemianthus micranthemoides – Trân Châu Thường (Trân Châu Cao)
  • Rotala sp. ‘green’ – Rotala xanh
  • Rotala rotundifolia – Rotala đỏ
  • Ludwigia arcuata – Diệp Tài Hồng lá kim
  • Ludwigia brevipes – Diệp tài hồng lá dài

Nền hồ thủy sinh bằng phân trùn đỏ (hay trùn quế)

nền hồ thủy sinh

1. Lớp dưới

  • 5 tribat (đất sạch mua trong siêu thị, bao màu vàng)
  • 5 cát xây nhà
  • 5 đất sét bột (bán ở các cửa hàng vật liệu xây dựng, 30 ngàn 1 bao 50kg, giữ cho nền nhả chậm)
  • 1,5 phân con trùn đỏ (hay trùn quế)
  • 0,5 tracatu (tạo vi sinh, nếu ko mua được trong siêu thị thì phải tăng phân trùn đỏ lên 2kg rồi xin vài lít nước của 1 thành viên nào có bể thật trong xanh cây xanh tốt và ko có rêu hại , nếu người đó dùng ADA và có kèm cục vi sinh Bacter ball thì chất lượng nước bể của họ sẽ đem lại các vi sinh tốt cho bể của bạn, đổ lượng nước này vào bể khi mới setup xong nhé)
  • 0,5 tro trấu (mua ở các vườn kiểng, để tạo mùn)
nền hồ thủy sinh
Nền hồ thủy sinh tốt giúp cây phát triển

2. Lớp trên:

Đất sạch Tribat và cát xây nhà tỉ lệ 1:1

Sau khi trộn xong 2 lớp bạn làm như sau:

  • Pha lớp dưới với nước cho sệt lại như trộn vữa xây nhà rồi dùng muỗng múc và rải xuống nền bể khoảng 2cm
  • Cũng pha lớp trên với nước cho sệt rồi đậy mặt lên trên khoảng 2cm.
    • Chú ý: pha nước cho thật kỹ và làm từng chậu nhỏ để định lượng cho vừa phải với diện tích đáy bể.
  • Cuối cùng là lớp sạn nhỏ trang trí cho nền dày tối thiểu 2cm rải lên trên cùng

Các lớp nền có thể được bạn cân chỉnh cho phù hợp với thời gian chơi hay loại cây nhé, nếu theo y như tỉ lệ trên thì sau 8 tháng nền sẽ yếu dần. Nếu muốn nền bền hơn thì tăng thêm độ dày cho lớp dưới (hoặc tăng phân trùn đỏ nhưng đừng quá tay khi chưa có kinh nghiệm).

Như vậy là xong cái nền rồi, vị chi khoảng 30 ngàn cho bể từ 0.8m đến 1,3m tùy theo bạn thích dày hay mỏng. 

Sau khi dùng xong các thứ còn thừa để dùng cho những lần sau vì vẫn còn là nguyên liệu khô, chưa bị pha nước.

Sự luân chuyển của nước trong hồ thủy sinh

Rất ít người chơi thủy sinh chú ý đến dòng chảy của nước. Tuy nhiên dòng chảy của nước rất quan trọng và ảnh hưởng đến rất nhiều chu trình quan trọng trong hồ thủy sinh.

Các cách tác động đến dòng chảy của nước trong hồ thủy sinh

Giả dụ, hồ thủy sinh chỉ có đất nền, đá và cây thủy sinh sẽ có rất ít sự chuyển động của dòng nước trong hồ thủy sinh. 

Nếu chúng ta lắp cây sưởi vào hồ, dòng chảy của nước sẽ được hình thành sự đối lưu, nước xung quanh cây sưởi sẽ ấm di chuyển lên trên (nước ấm sẽ nhẹ hơn nước mát) và nước mát hơn sẽ thế chổ. Chỉ với cây sưởi trong hồ chúng ta sẽ có hai lớp nước với nhiệt độ khác nhau. Lớp nước ấm hơn sẽ nằm bên trên và lớp nước mát hơn sẽ nằm dưới.

Nếu chúng ta bỏ cá vào hồ, một lượng nước nhất định sẽ di chuyển do sự chuyển động của vây cá khi chúng di chuyển. Số lượng nước di chuyển trong trường hợp này phụ thuộc vào kích thước và số lượng cá trong hồ.Thí dụ, chúng ta chỉ có khoảng nửa chục con Neon trong hồ thì dòng chảy của nước là không đáng kể. 

Nếu chúng ta sử dụng máy sụt khí hoặc máy lọc chìm thì dòng chảy của nước sẽ đáng kể do bọt khí của các thiết bị trên tạo ra.

Nếu chúng ta muốn có dòng chảy mạnh hơn trong hồ ta có thể sử dụng, máy lọc ngoài, máy bơm nhỏ đặt trong hồ.

Sự luân chuyển của nước trong hồ thủy sinh



Những yếu tố ảnh hưởng của dòng chảy trong hồ thủy sinh

Trước tiên đối với trường hợp có cây sưởi, dòng chảy sẻ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch nhiệt độ của hai lớp nước bàng cách hòa lẫn chúng với nhau. Kết quả là nhiệt độ của hồ sẽ ấm hơn.

Dòng chảy của nước giúp ngăn chặn sự hình thành của váng trên mặt nước. Tăng cường sự trao đổi khí giữ nước trong hồ và không khí. 

Dòng chuyển động trong hồ, giúp tăng cường bề mặt tiếp xúc với không khí khi liên lục thay đổi bề mặt của nước. Tất nhiên là sẽ giúp tăng cường tỉ lệ oxygen hòa tan trong nước và giải phóng carbon dioxide vào không khí. Oxygen rất cần thiết cho sức khỏe của cá do đó chúng ta sẽ có thể nuôi được nhiều cá hơn trong cùng một hồ. 

Dòng chảy của nước mang oxygen cho vi khuẩn nitrat hóa trong hồ, vi khuẩn nitrat hóa có nhiệm vụ phân hủy những chất thải độc hại trong nước và giúp mang lại dinh dưỡng cho cây thủy sinh.

Một dòng chảy mạnh trong hồ thủy sinh sẽ có giúp tạo luồng nước cho cá bơi lượn thỏa thích và rất có ích. 

Dòng chảy của nước thật quan trọng phải không bạn? Do đó bạn hãy tạo dòng chảy cho hồ thủy sinh của mình theo đúng nhu cầu và mục đích của mình.

(Dịch từ “Water Movement in the Aquarium” của Richard Brown)

Cá nuôi trong hồ thủy sinh

Một số loài cá cảnh có thể phá cây, dẫu vậy hầu như tất cả chúng đều yêu thích hồ thủy sinh. Cây thủy sinh cung cấp cho cá nơi ẩn náu, thức ăn, lãnh thổ và cũng cải thiện môi trường hồ tốt lên nhiều, xét về khía cạnh chất lượng nước và thẩm mỹ. Nhiều loài cá cũng có ích đối với cây nhờ làm sạch vụn đáy và ăn tảo trên lá. Việc lựa chọn cá và cây thích hợp sẽ mang lại lợi ích tương hỗ nhờ đó tạo ra quang cảnh thủy sinh sống động và thú vị.

Cá ăn tảo

Bề mặt của lá cây thủy sinh là môi trường lý tưởng để tảo phát triển và nếu tảo không được làm sạch khỏi những cây lá lớn và tăng trưởng chậm, nó có thể cản trở quá trình quang hợp. Làm sạch tảo bằng tay khá khó khăn và thường khiến lá bị tổn thương, vì vậy bạn cần tìm ra cách khác để giải quyết việc này. Hầu hết các loại tảo đều chứa nhiều chất đạm và giàu dinh dưỡng, cho nên chúng là nguồn thức ăn lý tưởng đối với cá. Không phải mọi loài cá đều tiêu thụ tảo với số lượng lớn, nhưng qua nhiều năm trời, một số loài nhất định đã thích nghi và phát triển thành loài ăn tảo xuất sắc. Hầu hết những loài cá này đều thuộc nhóm cá tỳ bà, mặc dù một số cá chuột và cá đẻ con cũng là những loài ăn tảo xuất sắc.

Trong hồ thủy sinh, lưu ý chỉ sử dụng những loài cá ăn tảo kích thước nhỏ, một số loài cá ăn tảo phát triển rất to và rồi chúng có thể phá cây nhiều hơn là diệt tảo. Những loài tỳ bà nhỏ, chẳng hạn như Otocinclus và Peckoltia là những loài cá ăn tảo xuất sắc mà chúng có thể nuôi thành bầy nhỏ trong hồ thủy sinh. Chúng liên tục ăn tảo trên cây mà không làm tổn hại đến lá và cũng không phát triển quá to. Các loài cá chuột, chẳng hạn như mập đuôi đỏ (Epalzeorhynchus bicolor) hay cá nút (E. frenatum) chỉ lớn khoảng 15 cm, nhưng thường là những thực khách nhiệt thành. Chúng là những loài lý tưởng đối với hồ trồng cây lá lớn và cứng, chẳng hạn như một số loài Echinodorus. Cá chuồn sông (Crossocheilus siamensis) và cá chuột may (Gyrinocheilus aymonieri) ăn tảo cực mạnh; một số cá chuồn sông thậm chí ăn cả tảo chùm đen, loại mà nhiều loài cá ăn tảo khác từ chối. Cá bảy màu và molly cũng là những loài ăn tảo giỏi và cá molly thậm chí còn ăn cả ốc.

Siamese flying fox
cá chuồn – Siamese flying fox



Những loài cá ăn tảo hữu ích đối với hồ thủy sinh

  • Crossocheilus siamensis (Cá chuồn sông, hắc bạc – Siamese flying fox)
  • Epalzeorhynchus bicolor (Cá mập đuôi đỏ, hắc xá – red-tail black shark)
  • Epalzeorhynchus frenatum (Cá nút, cá mập ruby – ruby shark)
  • Farlowella acus (Cá tỳ bà que – twig catfish)
  • Gastromyzon borneensis (Cá bám đá borneo – hillstream loach)
  • Gyrinocheilus aymonieri (Cá chuột may – sucking loach)
  • Otocinclus affinis (Cá chuột oto – dwaft otocinclus – tên mới Macrotocinclus affinis)
  • Peckoltia pulcher (Cá tỳ bà lùn – dwaft pleco – tên mới Dekeyseria pulchra)
  • Poecilia reticulata (Cá bảy màu)
  • Poecilia sphenops (Cá molly)
  • Poecilia velifera (Cá molly vây buồm)
  • Rineloricaria hasemania (Cá tỳ bà roi – whiptail catfish)


Mặc dù loài cá mập đuôi đỏ (Epalzeorhynchus bicolor) có thể phát triển rất to, chúng rất hữu ích đối với hồ thủy sinh. Loài cá hấp dẫn, linh động và có màu sắc nổi bật này dành phần lớn thời gian để ăn tảo trên các tảng đá và lá cây.
Loài cá molly vây cánh buồm (Poecilia velifera) xinh đẹp dùng tảo như là một phần thực đơn của chúng và cũng ăn cả một số ốc sên nhỏ. Loài cá dạn dĩ này thường phô bày bộ vây của mình trong hồ thủy sinh.

Cá vệ sinh

Nhiều loài cây có lá nhỏ, mảnh ở mặt tiền hồ thường bị dính cặn trên lá. Ngoài tự nhiên, cặn bã sẽ được dòng nước và cá vệ sinh dọn sạch. Cá vệ sinh nhỏ có thể được thả vào hồ thủy sinh với mục đích tương tự. Làm sạch cặn bã sẽ giúp cây nhận được nhiều ánh sáng hơn và hành vi sục sạo cũng khiến cặn bã được đẩy đến gần bộ lọc nơi nó bị ngăn lại và loại khỏi hồ. Chuột cory là những loài cá vệ sinh lý tưởng và có thể được nuôi thành nhóm nhỏ trong hồ thủy sinh. Mặc dù cá vệ sinh kiếm được nhiều thức ăn dưới đáy, bạn cũng nên cho chúng ăn thêm thức ăn viên và tấm để đảm bảo chúng nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.

Một số loài cá chuột, chẳng hạn như chuột culi (Pangio kuhlii) hay bống cát (Acantopsis choirorhynchos) là những loài cá vệ sinh xuất sắc mà chúng thường tự vùi thân và di chuyển bên dưới lớp nền trên cùng. Điều này khiến lớp nền trên cùng thường xuyên được xáo trộn, từ đó ngăn cản sự tăng trưởng của tảo và loại bỏ cặn lắng. Những loài cá như vậy dành phần lớn thời gian ẩn mình bên dưới nền, lũa và đá hay giữa các cây thủy sinh lá nhỏ.

Mặc dù bạn không thấy chúng thường xuyên nhưng chúng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hồ thủy sinh.

Những loài cá vệ sinh hữu ích đối với hồ thủy sinh

  • Acantopsis choirorhynchos (Cá bống cát, chìa vôi – horse-face loach)
  • Botia lohachata (Chuột yo-yo – Pakistani loach)
  • Botia macracantha (Cá heo hề, chuột hề – clown loach – tên mới Chromobotia macracanthus)
  • Botia striata (Chuột ngựa vằn – banded loach)
  • Corydoras spp. (Chuột cory)
  • Pangio kuhlii (Chuột culi, chạch rắn – kuhli loach)

Cá tầng mặt

Thực vật nổi vừa hữu ích vừa đem lại vẻ đẹp cho hồ thủy sinh. Các loài cá hoạt động ở tầng mặt như cá sặc, cá bảy màu và cá rìu rất chuộng nơi ẩn náu tạo ra bởi thực vật nổi và rễ của chúng. Nhiều loài thuộc họ cá tai tượng (bao gồm cả cá sặc) làm tổ bọt ngay chỗ có thực vật nổi để đẻ trứng. Điều này hiếm khi xảy ra trong môi trường hồ cảnh đông đúc, nhưng nếu điều kiện phù hợp và mật độ cá thấp, một hồ thủy sinh trong lành với nhiều thực vật nổi là môi trường lý tưởng để các loài thuộc họ cá tai tượng sinh sản.

Những loài cá tầng mặt dành cho hồ thủy sinh

  • Betta splendens (cá lia thia mang đỏ, cá thia thia)
  • Carnegiella strigata (cá rìu vạch, rìu hổ – marble hatchetfish)
  • Colisa lalia (sặc gấm – dwaft gourami)
  • Colisa chuna (sặc mật – honey gourami – tên mới Trichogaster chuna)
  • Kryptopterus bicirrhis (cá thủy tinh, cá trèn lá – glass catfish)
  • Macropodus opercularis (cá cờ chấm, cá lia thia, cá săn sắt – paradise fish)
  • Poecilia reticulata (cá bảy màu)
  • Poecilia sphenops (cá molly)
  • Poecilia velifera (cá molly vây buồm)
  • Thoracocharax stellatus (cá rìu bạc – silver hatchetfish)
  • Trichopsis vittatus (cá bã trầu, cá bãi trầu, cá bảy trầu – croaking gourami)
  • Xiphophorus maculatus (cá kiếm, cá hồng kim)


Bầy cá rìu vạch dành toàn bộ thời gian của chúng để tìm kiếm thức ăn trên mặt nước. Loài cá này thích ẩn náu bên dưới các cây cao và thực vật nổi.

Cá bầy đàn tầng giữa

Những loài cá tetra và lòng tong nhỏ là bổ sung sống động và tuyệt vời đối với hồ thủy sinh. Chúng bơi theo bầy lẫn trong lá cây và vật dụng trang trí trong hồ, thường rượt đuổi lẫn nhau khiến tách thành từng nhóm nhỏ. Hầu hết các loài cá tetra thích hợp với nước hơi mềm và có tính a-xít, môi trường phù hợp với hầu hết cây thủy sinh và thường là trạng thái của hồ thủy sinh được cấp khí CO2. Bởi vì hầu hết cá tetra và lòng tong tương đối nhỏ, chúng có thể được nuôi theo bầy lớn mà không làm hại cây thủy sinh.

Chuột cory là loài nuôi theo bầy rất hữu ích bởi vì chúng xáo trộn nhẹ nhàng lớp nền trong khi liên tục tìm kiếm thức ăn. Dưới đây là loài chuột cory sọc Corydoras trilineatus.
Một số cá lòng tong và danio rất linh hoạt và yêu thích dòng chảy vừa phải với thật nhiều không gian trống trong hồ. Những loài này chuộng hồ có dòng chảy và cây to hơn và có lẽ không nên nuôi trong hồ thủy sinh có dòng nước chảy chậm, nghèo ô-xy, và cây cối rậm rạp.

Những loài cá bầy đàn cỡ nhỏ dành cho hồ thủy sinh

  • Hemigrammus bleheri (tetra mõm đỏ – rummy-nose tetra)
  • Hemigrammus erythrozonus (tetra đèn – glowlight tetra)
  • Megalamphodus megalopterus (tetra cánh buồm đen – black phantom tetra – tên mới Hyphessobrycon megalopterus)
  • Nematobrycon palmeri (neon vua, neon hoàng đế – emperor tetra)
  • Paracheirodon axelrodi (neon đỏ – cardinal tetra)
  • Puntius titteya (hồng đào – chery barb)
  • Rasbora heteromorpha (lòng tong tam giác – harlequin rasbora – tên mới Trigonostigma heteromorpha)


Những loài cá bầy đàn cỡ nhỏ ưa chuộng dòng chảy

  • Danio sp. (cá xảm bay, danio)
  • Hasemania nana (tetra chanh – silver-tip tetra)
  • Tanichthys albonubes (kim tơ, bạch vân sơn điều ngư – white cloud mountain minnow)


Một bầy cá nhỏ, sặc sỡ như trông rất thú vị đối với bất kỳ loại hồ cá nào, nhưng một hồ thủy sinh trong lành sẽ cung cấp rất nhiều chỗ để chúng bơi ra bơi vào.

Cá lớn tầng giữa

Một số loài cá lớn có thể được nuôi trong hồ thủy sinh mà không làm hại cây và nhiều loài còn khiến hồ cá trông sinh động và nổi bật hơn. Loài thông dụng nhất thuộc loại này là cá ông tiên (Pterophyllum scalare) mà chúng di chuyển một cách duyên dáng giữa những cây cao như Vallisneria spp. Mặc dù khi trưởng thành hết cỡ, loài cá này đủ lớn để xơi những con cá nhỏ hơn, chẳng hạn như cá neon đỏ non (Paracheirodon axelrodi) hay lòng tong tam giác non (Rasbora heteromorpha), chúng vẫn thường được nuôi với những loài cá nhỏ hơn chúng rất nhiều.

Nhiều loài thuộc họ cá tai tượng có thể phát triển rất to, bao gồm những con cá sặc mà chúng có thể lớn đến 10-15 cm, mặc dù chúng còn trông có vẻ to hơn nhờ hình dáng tròn trĩnh. Một số loài cá lớn, chủ yếu là cichlid, chọn bề mặt nhẵn nhụi để đẻ trứng. Rồi chúng dành thời gian để chăm sóc trứng và bảo vệ cá con. Quan sát quá trình này trong hồ cảnh là một trải nghiệm tuyệt vời đối với người nuôi cá. Lá thủy sinh lớn chẳng hạn như Echinodorus spp. là nơi lý tưởng để đẻ trứng. Cá ông tiên (Pterophyllum scalare) và cá đĩa (Symphysodon spp.) đặc biệt thích đẻ trứng trên những lá lớn.

Cá cichlid tí hon cũng thể hiện hành vi tương tự trong hồ thủy sinh, dù nhiều loài đẻ trứng trong hang hốc tự nhiên cũng như trên lá cây. Những loài cá này là bổ sung lý tưởng đối với hồ thủy sinh có một số khoảng trống gần nền đáy, và thể hiện nhiều hành vi và cá tính hơn so với các loài cá khác.

Những loài cá lớn phù hợp với hồ thủy sinh

  • Ctenopoma maculatum (rô cẩm thạch – marble ctenopoma)
  • Mesonauta festivus (cichlid cờ – festive cichlid)
  • Pterophyllum scalare (cá ông tiên)
  • Symphysodon discus (cá đĩa)
  • Trichogaster leeri (cá sặc trân châu)
  • Trichogaster microlepis (cá sặc điệp)
  • Trichogaster trichopterus (sặc bướm, cẩm thạch, cẩm thạch vàng)


Những loài cá nhỏ sặc sỡ

  • Apistogramma agassizi (cichlid agassiz lùn – Agassiz dwaft cichlid)
  • Apistogramma borellii (cichlid vàng lùn – yellow dwaft cichlid)
  • Apistogramma cacatuoides (cichlid vẹt lùn – cockatoo dwaft cichlid)
  • Apteronotus albifrons (cá lông gà – white-tip ghost knifish)
  • Mikrogeophagus raminezi (cá phượng hoàng)
  • Pelvicachromis pulcher (cichlid cầu vồng – kribensis)

Nuôi chung cá sặc chẳng hạn như những con trân châu, cẩm thạch và cẩm thạch vàng này để phòng tránh sự hung dữ của từng cá thể. Những loài cá lớn này rất duyên dáng và bơi lội khoan thai nên không làm hại cây.
Có rất ít loài cichlid phù hợp với hồ thủy sinh, nhưng loài cichlid vẹt lùn này (Apistogramma cacatuoides) không quá lớn và sẽ dựa vào cây thủy sinh để thiết lập một vùng lãnh thổ nhỏ, và thậm chí còn sinh sản.

Cá lớn và cá ăn cây

Có nhiều loài cá không thể nuôi trong hồ thủy sinh. Một số cá characin cỡ lớn là những loài ăn thực vật và tiêu thụ cây cực nhanh; các loài cichlid hung dữ cũng phá cây mặc dù điều này là hậu quả của hành vi bảo vệ lãnh thổ chứ không phải là chúng ăn cây; và những loài cá lớn như cá he đỏ và cá đong mỏ-lết (spanner barb) sẽ phá cây vì lối bơi lội càn quấy của chúng.

Tuy nhiên, một số cây đủ mạnh mẽ và được dùng để bổ sung thêm ít cây cối cho hồ nuôi những loài cá này.

Dương xỉ Java (Microsorium pteropus) là loài cây mạnh mẽ với lá có nhựa độc để chống bị cá ăn, dẫu vậy đa số cá ban đầu vẫn cố thử nhấm nháp một chút. Mặc dù khó ăn, một số loài cichlid lớn vẫn có thể cắn nát dương xỉ Java nhưng những loài cá ăn thực vật có thể nuôi chung với dương xỉ Java một cách an toàn.

Hầu hết các loài Anubias có lá dày như da thuộc khiến chúng đủ mạnh để chịu đựng được đôi chút càn quấy từ cá lớn. Điều này cũng đúng với các loài cây bán cạn, mà chúng thường có lá dày với bề mặt trơn láng để không bị khô khi vươn lên khỏi mặt nướ


Những chú ý khi chăm sóc bể thủy sinh hàng ngày

Cắt tỉa cây thủy sinh

Khi cắt tỉa cây thủy sinh có nhiều vấn đề cần chú ý, điều này có liên quan đến việc sinh trưởng của cây sau khi cắt tỉa:

  1. Cắt tỉa và thay nước tránh tiến hành đồng thời , khi cắt tỉa xong cây thường bị tổn thương, sẽ ngừng thời gian sinh trưởng trong một thời gian ngắn, nếu đồng thời thay nước, chất nước sẽ sản sinh biến hóa làm rối loạn cây.
  2. Khi cắt tỉa, cố gắng tránh cắt tỉa toàn bộ các cây trong bể thủy sinh, nếu làm như vậy các cây trong bể thủy sinh sẽ ngừng sinh trưởng một thời gian, trong thời gian chưa bểi phục, phải tiến hành điều chỉnh điều kiện môi trường trong bể thủy sinh như việc tăng cường ánh sáng và khí CO2, phân bón cho cây phải giảm thiểu để tránh thời gian cây không hấp thụ được sẽ tạo điều kiện cho các loại rong hấp thụ các chất dinh dưỡng còn thừa sẽ sinh sôi, nảy nở.
  3. Nhổ cây khi cắt tỉa, phải dọn sạch những rễ già lưu lại ở đáy, để tránh thối rữa làm biến hóa chất nước( sản sinh khí amoniac và axit kali nitrat).
  4. Khi cắt tỉa cố gắng loại bỏ những lá già, để lại những lá mới.
Những chú ý khi chăm sóc bể thủy sinh
Chăm sóc bể thủy sinh

Thay nước bể thủy sinh

Khi cỏ được nuôi dưỡng trong thời gian dài, việc thay nước sẽ vô cùng quan trong đối với việc sinh trưởng của cây. Dù là đã lắp đặt một thiết bị lọc nước tương đối tốt nhưng trong bể thủy sinh vẫn tích lũy các thực vật làm trở ngại quá trình sinh trưởng của cây. Trong điều kiện này phải tiến hành bón phân, thực vật cũng không thể sinh trưởng tốt được, sẽ tạo ra lượng phân quá nhiều. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự xuất hiện các loại rong rêu. Để phòng trừ phải thay nước định kì. Quá trình thay nước sẽ căn cứ vào số lượng cây trong bể thủy sinh và các chủng loại cây khác nhau. Thông thường thì khoảng hai tuần thay 1/4 – 1/3 lượng nước trong bể thủy sinh. Nếu không thêm khí CO2 thì khoảng 2 -3 ngày tiến hành thay nước 1/4 – 1/3 lượng nước. Đặc biệt là khi thay nước phải chú ý những việc sau:

  1. Tốt nhất trước khi thay nước, bổ sung lượng nước mới phải xử lý tốt nước đưa vào( Loại trừ sạch Clo, khử trùng tiệt trùng nước, loại trừ các mầm mống của rong rêu, nguyên nhân của bệnh và vi khuẩn nảy sinh).
  2. Khống chế nhiệt độ khi thay nước, đặc biệt là ở mùa đông, phải thay nước nhanh, lượng nước thay một lần không nên quá nhiều.
  3. Khi thay nước kiến nghị nên ngừng hoạt động của máy lọc nước, làm cho mặt nước yên lặng, sau đó tiến hành công việc thanh lý bể như loại trừ rong rêu ra khỏi bể thủy sinh( để tránh cho các loại rong theo nước vào trong bể).
  4. Khi thay nước nếu khi máy lọc đang trong quá trình lọc, phải dùng nước sạch để thay để tránh phá hoại sinh thái trong máy lọc.
  5. Càng không nên thay máy lọc đồng thời với việc thay nước.

Ánh sáng bể thủy sinh

Đối với bể thủy sinh, thời gian chiếu sáng nên có quy luật, thời gian chiếu sáng một ngày khoảng trên dưới 10 tiếng là tốt nhất. Nếu trong điều kiện có thể khống chế được ánh sáng chiếu vào, thời gian chiếu sáng có thể điều chỉnh cho thích hợp, bể thủy sinh cả ngày luôn được chiếu sáng thì nhất định phải có 5- 6 tiếng hoàn toàn tối mới tốt. Nếu thời gian tối không đủ, thời gian sáng quá dài sự sinh trưởng của cây sẽ trở nên xấu đi.

Ngoài ra, chiếu sáng không có quy luật sẽ làm tổn hại đến sự sinh trưởng của cây. Nếu vì bận rộn mà không có thời gian chăm sóc cây, có thể dùng máy hẹn giờ. Làm như vậy có thể tự động cố định thời gian chiếu sáng hoặc để tối, thời gian chiếu sáng sẽ đươc duy trì cố định.

Hoa thủy tiên nở trong ngày Tết

Xưa kia thời Pháp thuộc, người Hà Nội chơi Thủy tiên thường tới phố Lãn Ông và phố Thuốc Bắc để mua lại của người Hoa kiều, hoặc dân buôn từ biên giới Trung Quốc về. 

hoa thủy tiên
hoa thủy tiên

Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, thường là trước Tết từ một tháng đến 15 ngày, người ta mua về rồi ngâm vào nước lã (nước mưa là tốt nhất), từ một đến hai ngày rồi làm vệ sinh, rửa sạch, bóc các vỏ xây xát, cắt bỏ rễ thối… Hằng ngày thay nước trong sạch, rồi tùy thuộc vào sự nảy mầm mà cắt gọt củ để phát nụ. Cắt gọt và hãm nụ sao cho hoa nở theo ý định của mình. Ðó là việc làm tài nghệ của người chơi hoa Thủy tiên.

Xưa kia trong cung đình và ở hội chợ đã có những cuộc thi hoa Thủy tiên. Hội thi hoa Thủy tiên xưa được tổ chức long trọng. Giải thưởng được đặt lên nhang án sơn son thếp vàng gồm có vật phẩm và tiền bạc. Tùy theo từng vùng và từng năm để định giải, thường là có trà mạn, thuốc lá thơm, đôi cốc pha-lê làm bình đựng thủy tiên, v.v. Nhưng bấy giờ đặc biệt phải có bánh pháo.

Người được giải được rước kiệu hoặc xe tay kéo có gọng nạm đồng hoặc bịt bạc. Khi về tới địa phương được người có chức sắc cao nhất và các cụ tiên chỉ mặc áo tụng xanh ra đón. Có cờ hội và cờ đại bái cắm song hàng. Pháo nổ giòn giã liên hồi, làng xóm, bạn bè hân hoan chúc tụng…

Khi còn sinh thời, bác Lộc người phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng đã bỏ ra một chỉ vàng để mua cả hòm Thủy tiên từ Phúc Kiến gửi về để chơi và tặng bạn. Bác Lộc cầu kỳ đến mức sau khi tìm được cụ Tiên đã ngoài 80 tuổi để nhờ cụ gọt Thủy tiên, lại đi tìm người chơi cây sành và là nhà báo đưa đến tận nhà cụ Tiên để cụ phổ biến, dạy bảo cho cách chơi, cách gọt. Hằng ngày thay nước cho Thủy tiên, tối đưa ra sân, ngày lại đưa vào nhà, bác Lộc say sưa bưng bình thủy tiên như ôm vào lòng mình một vật báu mà tiền bạc bao nhiêu cũng không mua nổi.

Muốn bảo đảm cho Thủy tiên nở hoa vào Tết Nguyên đán, trước Tết khoảng hai tuần  mới ngâm củ vào nước, làm vệ sinh như đã nói ở phần đầu.  Hằng ngày thay nước trong mát cho đến khi mầm nảy, dùng dao gọt, tốt nhất bộ đồ làm bằng tre cật vót mỏng sắc, hoặc lưỡi dao sáng không gỉ để tránh gỉ sắt làm thối vỏ.

Khi mầm vươn dài khoảng 5 cm, ta có thể dùng giấy mỏng (thay cho dây buộc để tránh xước) ghì nhẹ cho mầm mọc theo hướng mình định. Trong quá trình gọt và tạo dáng của mầm, tuyệt đối không gọt và đụng chạm vào cọng hoa. Ðiều cần biết, mỗi một mầm là một giò hoa sẽ nảy từ trong kẽ lá ra nên phải theo dõi quan sát kỹ.

Nếu do thời tiết rét quá hoa chậm nở, có thể dùng nước ấm đổ vào, hoặc để trong phòng kín có nhiệt độ dưới 20oC để kích thích cho hoa nở mau hơn. Trường hợp thời tiết nồm nóng, dùng giấy mỏng bọc nụ hoa rồi lấy lòng trắng trứng gà quết trên mặt củ để hãm cho tốc độ hoa nở chậm lại. Không nên bọc quá chặt nụ sẽ làm chi nụ bị thui chột. Nếu củ Thủy tiên nào nảy nhiều nhánh cần tách bẻ bớt đi cho đỡ rối rắm, rườm rà. Chỉ nên để một ngọn giữa, hai nhánh trên nhỏ làm hai tay, hai nhánh dưới to làm hai chân, phần dưới ở giữa là bộ rễ. Rễ càng dài càng đẹp, hai nhánh dưới càng mập càng vui mắt.

Chọn bình đứng, phải là thủy tinh pha-lê mới đẹp. Dáng của bình phải có chân như chân cô tây uống rượu. Ðộ sâu khoảng 12 cm là vừa phải, sâu hơn phải kê nhiều sẽ bị xấu. Nơi để bình Thủy tiên, không nên để giữa bàn thờ mà phải để hơi chếch một bên để khỏi phạm húy. Nếu có sập gụ, tủ chè hoặc một chiếc bàn cuốn hay hỷ khảo bằng gỗ gụ, để bình Thủy tiên vào những vị trí ấy càng làm tăng vẻ đẹp và giá trị.

Trang trí nhà với hoa khô

Tùy theo túi tiền mà bạn có cách trang trí riêng cho ngôi nhà thân yêu của mình. Ngoài việc trang trí bằng tranh treo tường, bình gốm, tượng… bạn cũng có thể làm tăng sự duyên dáng của ngôi nhà bằng cách trang trí hoa khô.

Trang trí nhà với hoa khô
Trang trí nhà với hoa khô

 Hiện nay, hoa khô được coi là hàng xa xỉ bởi giá còn khá cao. Tuy nhiên giá hoa khô cũng vô chừng tùy theo sự lựa chọn của bạn, bởi bạn chỉ cần sự đơn giản mà phù hợp chứ không nhất thiết phải dùng những loại hoa quá đắt tiền.

Hoa khô có thể trang trí bất cứ đâu trong nhà, miễn là bạn lưu ý đến vị trí để bảo quản hoa được lâu. Nếu trang trí hoa khô trong phòng khách, bạn phải lưu ý đến sự hài hòa với nột thất. Có thể chọn bình lớn, hoa to để trang trí nếu bạn dùng bộ bàn ghế sô-pha, salon cho phòng khách. Ngoài ra còn phải chú ý đến màu sắc, tốt nhất là nên chọn màu hoa tương phản hoặc màu sáng để làm vui mắt nơi tiếp khách của bạn.

Đối với phòng ngủ, bạn nên chọn loại hoa cánh nhỏ, chưng trong bình hay vòng hoa treo trên cánh cửa. Nên chọn màu ứng với màu của drap trải giường hoặc màu dịu mắt. Nếu chọn vòng hoa để trang trí thì bạn có thể dùng loại vòng hoa phù hợp với từng mùa.

Nếu có ý định trang trí nhà bếp, phòng ăn bằng hoa khô bạn phải lưu ý đến việc chọn hoa và bảo quản hoa. Có thể chọn những loại hoa cánh nhỏ, màu sặc sỡ để tăng không khí vui tươi nhưng không kém phần trang nhã cho phòng ăn. Lưu ý tránh để gần nơi có độ ẩm cao vì có thể làm hoa mau hư.

Bạn cũng có thể tự làm hoa khô tại nhà bằng cách chọn những loại hoa mới nở, đậm màu. Sau đó chốc ngược hoa xuống rồi treo vào chỗ nóng khô nhưng không có gió, nắng hoặc dùng máy sấy tóc sấy cho đến khi hoa khô. Khi hoa khô rồi thì dùng keo xịt tóc xịt lên hoa để giữ màu lâu. Cách làm này đơn giản và không mất nhiều thời gian công sức. Còn cách làm như hoa khô bán trên thị trường thì phải nhuộm hoa khi hoa còn tươi .Nhuộm bằng cách cho màu đặc biệt để nhuộm hoa vào nước cắm hoa cho hoa hút màu nước này rồi mang hoa đi sấy. Sấy xong lại nhuộm khô rồi xịt thuốc giữ cho hoa bền.

Chọn hoa cưới theo tính cách

Trong ngày cưới của mình cô dâu chú rể nào cũng muốn chọn cho mình những sắc hoa tươi thắm nhất làm ngày cưới thêm sang trọng và rực rỡ.

Nhưng chọn hoa thế nào?, và loài hoa nào được coi là tượng trưng cho tình yêu?. Đó chính là hoa hồng, hầu như không có loài hoa nào có thể thay thế được vì sự phổ biến và giá trị mà nó mang lại, đó chính là loài hoa lý tưởng cho đám cưới của bạn.

Chọn hoa cưới theo tính cách


  1. Chọn màu sắc hoa hồng mà bạn yêu thích. Hoa hồng trắng là một sự lựa chọn đẹp và tao nhã cho đám cưới vào mùa đông, còn hoa hồng thích hợp cho đám cưới tổ chức vào mùa hè. Còn hoa hồng đỏ hầu như bạn có thể dùng cho bất kỳ mùa nào trong năm cũng như loại hình đám cưới của bạn. Nếu bạn có một chủ đề cho đám cưới của mình thì hãy chọn màu hoa cho thích hợp với chủ đề đó.
  2. Sau khi đã chọn được màu sắc của hoa, bạn hãy thiết kế phong cách trang trí hoa cho đám cưới của bạn. Nếu chưa có ý tưởng bạn có thể nhờ bạn bè và những người có kinh nghiệm để thiết kế. Từ đó bạn có thể phối kết hợp với những loài hoa khác. Một kiểu thiết kế được nhiều người sử dụng đó phong cách màu tươi mát mang hơi thở của thiên nhiên. Bạn có thể lấy một vài chiếc lông vũ và kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau để tạo phong cách riêng cho đám cưới của bạn.
  3. Chọn nơi đặt hoa. Cho dù bạn tự thiết kế hoa cho mình hay thuê người thiết kế thì bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu chỗ đặt hoa. Đám cưới là lễ kỷ niệm quan trọng nhất chính vì thế hãy dành thời gian trước ít nhất là hai tuần để đặt hoa. Hãy đến những cửa hàng bán hoa lớn để có thể mua hoa với giá rẻ hơn.
  4. Sau khi nhận hoa bạn hãy bảo quản chúng cẩn thận, và sắp xếp những đóa hoa theo đúng thiết kế của bạn. Nếu có thời gian bạn có thể bó chúng và tạo ra những bó hoa thật đẹp theo trí tưởng tượng của bạn.

Cách chọn mai

Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng… 

cách chọn mai
Cách chọn hoa mai tết

Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp. Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú. Ngoài ra các người chơi mai chuyên môn cònphân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có họ biết mà thôi. Ví dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm dương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành tứ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông… Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phu. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).

  • Dáng cành đẹp: Mai đẹp không chỉ ở hoa mà quý ở dáng cây. Nên chọn những cây nhánh đẹp cân đối. Vỏ đen tự nhiên, không đốm vảy nấm mốc. Không nên chọn cây quá nhiều nhánh, các nhánh to nhỏ chênh nhau quá nhiều.
  • Đừng “tham” cây nhiều nụ: Tất nhiên là hoa càng nhiều thì cành mai trông càng đẹp, nhưng hoa có nở đẹp và lâu bền hay không còn tùy vào khả năng nuôi dưỡng của cành, cây, nhất là trong điều kiện chưng bình. Nên chọn cành hoặc cây mai có nụ nhiều vừa phải và phân bố đẹp trên cả cành. Các nụ hoa phải đủ “bụ bẫm” để nở kịp ba ngày Tết.
  • Hoa mai đẹp: Cánh hoa mịn, đều nhau. Màu sắc và độ to của hoa rất đa dạng, tùy vào sở thích mỗi người mà chọn lựa cho phù hợp, chứ đó không phải là tiêu chí chọn hoa mai đẹp.
  • Lá mai: Một cành mai đẹp không thể là cành mai trụi lá hoặc lá xanh um nhiều như hoa. Tốt nhất nên chọn cành mai nhiều hoa và nụ, điểm những chiếc lá non xanh mềm hoặc đỏ tía. Nếu trên cành còn sót lại một vài chiếc lá cũ hoặc có thêm vài chiếc lá đã già xanh, hãy ngắt bỏ chúng – điều này sẽ giúp giảm sự thoát hơi nước của cành mai.

Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.