Chơi hồ thủy sinh

CHƠI HỒ THỦY SINH

Ngoài việc ngắm các loại cá đẹp, độc đáo, thú của người chơi cá cảnh còn là tự thiết kế một bể thủy sinh. Để tạo ra và duy trì một bể thủy sinh như vậy, công sức, thời gian, tiền bạc bỏ ra là không nhỏ.

Anh Hưng là người chơi cá cảnh có thâm niên ở Hà Nội. Là một cán bộ của ngành hàng không, bận bịu với vô số công việc, anh Hưng chỉ có thể dành thời gian cho hai bể cá của mình vào buổi đêm. Anh tranh thủ cuối giờ chiều đi chọn mua các loại cây mới, lọc các loại gỗ để mang về nhà. Chỉ tới khi cả nhà đã đi ngủ, anh Hưng mới đem các cây gỗ để kỳ cọ và ngâm xuống nước khoảng hai ba ngày mới cho vào bể được.

Chơi hồ thủy sinh

Hiện tại, ở nhà, có hai chiếc bể thủy sinh do chính tay anh thiết kế và chăm sóc. Chiếc bể to được đặt ở phòng khách làm căn phòng thêm lộng lẫy, nhất là vào buổi tối.

Là một tay chơi có nghề, chính tay anh mua kính về, tự ráp thành một bể có chiều dài hơn 2 m, rộng gần 1 m và cao 1 m rưỡi. Anh Hưng cho biết giá thị trường của chiếc bể này khoảng gần 30 triệu. Tuy nhiên, công sức và tâm huyết của anh bỏ vào là vô giá.

Ngoài việc tự tay gắn bể, anh cũng tự mua, tìm tòi các vật liệu bên trong. Vài chục bao sỏi, hàng chục cành cây được lọc ra chỉ để chọn một hai cành ưng ý, khoảng hơn tá loại cây thủy sinh như súng, rong… được anh kết hợp để tạo ra một môi trường mô phỏng tự nhiên trong không gian hạn chế của bể. “Kiến trúc” bên trong cũng được anh Hưng nghiên cứu rất kỹ.

Theo anh Hưng, thiết kế của một bể cá cảnh được chia làm 3 trường phái. Một là theo phong cách Nhật Bản (còn gọi là amano) với các quy tắc khá khắt khe về bố cục. Nguyên liệu chính là đá và cây được sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có thể là hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh sơn thủy hữu tình hay quan niệm nhân sinh của phương Đông huyền bí. Bên cạnh đó là trường phái Hà Lan với cách bố trí theo hướng tự nhiên. Các loại cây được trồng theo lớp và mọc tự do tạo vẻ hoang dại. Cuối cùng là sự kết hợp của hai trường phái này, có thể được gọi là phong cách trung tính.

Để tạo ra một “công trình” cho riêng mình, các nguyên vật liệu thực hiện như đá, sỏi, gỗ, cây có thể mua và chọn lọc, thiết kế nền của bể cũng không quá khó khăn, các loại phân tạo ra môi trường sống cho cây và cá cũng được bán khá rộng rãi. Tuy nhiên, anh Hưng khẳng định cái khó nhất khi chơi bể cá thủy sinh là việc duy trì được nó.

Sau một tháng, bể cá của người mới chơi có thể rất hoàng tráng. Tuy nhiên, sau vài tháng, phong cảnh nhân tạo của bể gặp những vấn đề mà sự khắc phục là rất khó khăn. Sự phát triển tự nhiên của các loại cây khác nhau, sống ở các vùng khác nhau với nhiều điều kiện khí hậu, ánh sáng không như nhau sẽ xung đột. Sự phong phú của các loài tạo ra vẻ đẹp của bể nhưng cũng chính điều đó tạo ra sự mâu thuẫn trong việc duy trì sự bền vững của môi trường sinh thái trong nước.

Anh Hưng tiết lộ sau một thời gian, nước trong bể thường bị bazơ hay axít hóa làm tất cả các sinh vật đều bị ảnh hưởng. Khi đó, anh phải dùng các biện pháp khác nhau để khắc phục. Có thể anh cho thêm vào một số hóa chất chuyên dụng làm trung hòa môi trường nước. Một biện pháp khác là thêm hay bớt một số loại cây trong bể để tạo sự cân bằng trở lại. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về sinh học, hóa học cũng như những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chơi.

Ngoài bể, các phụ kiện còn là dàn đèn cung cấp ánh sáng cho sự quang hợp của cây. Anh Hưng cho biết dù để trong phòng kín, ít ánh sáng mặt trời nhưng cây trong bể vẫn xanh tươi. Để có điều đó, anh phải “tập” cho chúng thói quen quang hợp như trong tự nhiên: bật điện ban ngày và tắt đi vào buổi tối. Sự công phu cũng thể hiện ở việc bật tắt đèn. Trước khi tắt hệ thống đèn của bể, anh Hưng sẽ bật đèn của phòng khách. Sau đó, anh mới ngừng hẳn việc cung cấp ánh sáng cho bể. Nếu không làm thao tác như vậy, cá có thể bơi loạn xạ khiến chúng bị “chấn thương” và phá hỏng cây trong bể.

Ngoài ra, bể cá thủy sinh còn cần trang bị thêm bộ lọc nước và bình cung cấp CO2. Việc tắt bật các thiết bị này cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người chơi. Anh Hưng cho biết nước, màu sắc của cây là các dấu hiệu quan trọng nhất để làm điều này. Thêm nữa, việc thay nước cho bể cũng dựa vào hai tiêu chí này.

Thú chơi thủy sinh

Nghệ thuật, đam mê và… tốn kém

Cường là một tài xế xe du lịch. Căn nhà nhỏ của anh ở một con hẻm thuộc đường Trần Não, quận 2, ai ngờ là địa chỉ tham quan của cả xóm nhờ cái hồ thủy sinh dài hai mét. Trước đây, sống trong cái bể này là một đàn cá cảnh khá đông đúc, được chủ nhân thay đổi chủng loại thường xuyên.

Vào một ngày đẹp trời, khi đến chơi nhà một người bạn ở quận Gò Vấp, bể thủy sinh ở nhà người bạn đã thực sự “hớp hồn” Cường. Cảnh núi, rừng, đồng cỏ mượt mà với vài ba con tép nô đùa trên đó có sức quyến rũ kỳ lạ. “Có cái gì đó không thể cưỡng lại khi ngắm hồ thủy sinh. Chỉ trong giây phút, tôi quyết định chuyển bể cá cảnh sang thú chơi mới mẻ này!” – Cường kể.

Thú chơi thủy sinh

Không riêng Cường, có lẽ bất cứ ai từng “trót” một lần ngắm hồ thủy sinh đều phải trầm trồ khen ngợi. Những phong cảnh trong các hồ được dân chơi thủy sinh thực hiện làm người thưởng ngoạn liên tưởng đến hình ảnh một nơi nào đó đẹp đến mê hồn. Thu gọn không gian yêu thích vào một hồ nước bằng thực vật thủy sinh mô phỏng thiên nhiên tươi đẹp là nguyên tắc và cũng là nghệ thuật của môn chơi được du nhập từ Nhật Bản này.

Anh Sinh là một đạo diễn truyền hình. Công việc giúp anh được đi đây đi đó nhưng chính công việc cũng gây cho anh một áp lực không nhỏ. Tìm đến thú chơi thủy sinh như một cách để giảm stress, anh nhận ra môn chơi này còn mang đầy tính nghệ thuật và rất dễ đam mê. thủy sinh tạo điều kiện cho anh thoải mái sáng tạo. Anh từng thiết kế hồ chơi của mình theo phong cảnh Đèo Ngang, nơi anh đã nhiều lần đi qua và không lần nào không dừng lại để say sưa ngắm nghía.

Sau đó, trong một chuyến du lịch ở Giang Tây (Trung Quốc), được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuộc loại “bồng lai tiên cảnh” của vùng Lư Sơn, nơi nhà văn Kim Dung chọn làm bối cảnh cho những câu chuyện kiếm hiệp nổi tiếng, anh quyết tâm thu nhỏ khung cảnh tuyệt vời đó trong bể thủy sinh của mình.

Không chỉ thỏa sức sáng tạo, thú chơi thủy sinh thực sự giúp cho những cư dân thành phố tìm được trạng thái cân bằng sau những áp lực công việc và cuộc sống. Các anh Cường, Sinh và nhiều dân chơi thủy sinh khác mà chúng tôi gặp đều cho rằng, tất cả mọi muộn phiền, lo âu, rắc rối dường như tan biến khi ngồi lặng nhìn hồ thủy sinh với khung cảnh thiên nhiên do chính mình tạo ra.

Quả là thích thú khi ngắm những bụi cây, ngọn cỏ, đám lá thay đổi hàng ngày nhờ bàn tay chăm sóc của mình. Một anh chàng ham mê thủy sinh ở Gò Vấp còn thú nhận rằng trước đây khi đi công tác chỉ nhớ vợ con, bây giờ đã có thêm nỗi nhớ mới là nhớ… hồ thủy sinh yêu quý!

Để có được một thú chơi tao nhã như thế thì cần bao nhiêu tiền? Thắc mắc ấy được Tâm, một cô bán hàng xinh xắn tại cửa hàng thủy sinh Lý Vũ ở góc đường Lý Chính Thắng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) vui vẻ lấy giấy bút liệt kê những món đồ “chuẩn”. Kết quả, số tiền cần chi để sở hữu được một hồ thủy sinh loại trung bình (dài 1m, rộng 0,6m) là… bảy triệu đồng!

Nghề chơi cũng lắm công phu

Bỏ ra số tiền như vậy cho thú chơi tao nhã đó có đáng là bao đối với những người khá giả, nhưng lại là món lớn đối với nhiều người. Chị Giang, dân chơi thủy sinh kỳ cựu và cũng là chủ cửa hàng thủy sinh nổi tiếng ở đường Lãnh Binh Thăng (Quận 11) cười nói: “Ngày nào cũng có nhiều người đến ngắm nghía mê mẩn rồi hỏi giá cả, nhưng số người bỏ tiền mua rất ít”.

Một hồ thủy sinh bài bản thì cần phải có đủ sáu thứ: bể thủy tinh có kính dày ít nhất 8mm, nền trồng cây bao gồm đất có phân và sỏi, đèn “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp, bộ lọc nước, bình CO2 để duy trì sự sống của cây và cuối cùng mới là cây thủy sinh.

Khi nghe thắc mắc: “Cá trong hồ đóng vai trò gì?”, một dân chơi thủy sinh có kinh nghiệm trả lời: “Cá chỉ đóng vai trò trang trí cho hồ thủy sinh, bởi sự khác nhau cơ bản của chơi cá cảnh và chơi thủy sinh là một bên chăn nuôi, còn bên kia… trồng trọt!”. Thông thường, người ta chỉ thả vào hồ thủy sinh một số cá nhỏ như cá bảy màu hoặc tép. Thả nhiều cá cảnh vào hồ thì chúng có thể phá hoại cây trồng trong hồ.

Nhưng không phải cứ sắm đủ những “đồ chơi” cần thiết như trên là có thể yên tâm ngồi ngắm nghía. “Đa số người mới chơi thủy sinh đều bị khổ sở thời gian đầu vì cây cỏ trong hồ không phát triển như ý muốn, thậm chí bị lụi tàn. Những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng CO2 cần thiết… là thách thức không nhỏ cho những người mới vào nghề. “Chỉ những ai thực sự đam mê mới theo đuổi được thú chơi này” – anh Sinh khẳng định.

Những người “thực sự đam mê” đã tạo nên một cộng đồng chơi thủy sinh trên đất Sài Gòn. Ít nhất có hai câu lạc bộ thủy sinh lớn đang tồn tại ở TP.HCM và họ đã mở trang web riêng để dân chơi có thể trao đổi kinh nghiệm, mua bán hay tặng cho nhau “đồ nghề”, rủ nhau đi picnic và cả việc quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ bà con bị bão lụt…

Chợ thủy sinh Sài Gòn

Có cầu ắt có cung, một thị trường mua bán thủy sinh đang hình thành và lớn mạnh ở TP.HCM. Đầu tiên phải kể đến hai cửa hàng “hoành tráng” của Công ty Lý Vũ, một ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) và một ở đường Bùi Viện (Quận 1). Đến các cửa hàng này, khách sẽ thật sự bị choáng ngợp và mê mẩn bởi quy mô, vẻ đẹp của các hồ thủy sinh được trưng bày. Đủ các kiểu dáng hồ, đủ các loại phong cảnh và cũng đủ các loại giá.

Khách hàng có thể mua ở đây nguyên hồ thủy sinh làm sẵn với giá từ năm đến năm chục triệu đồng. Khách hàng cũng có thể mua từng “đồ nghề” riêng biệt với đủ các chủng loại, xuất xứ và tất nhiên là cũng có thể đến ngắm nghía cả nửa ngày trời rồi ra về cũng… không sao!

Cửa hàng của chị Giang trên đường Lãnh Binh Thăng tuy chỉ nằm gọn trong một căn phòng nhỏ, nhưng không dân chơi thủy sinh nào không biết. Người phụ nữ này đã mê chơi thủy sinh từ hồi sinh sống ở Thái Lan cách đây hơn mười năm. Chị đem môn chơi này về Việt Nam và là một trong những người chơi đầu tiên của Sài Gòn. Cửa hàng của chị mở cách đây hai năm, toàn bán hàng hiệu, do đó giá đắt hơn nơi khác nhưng chất lượng thì khỏi bàn, tất cả đều được nhập khẩu từ Nhật – quê hương của môn thủy sinh.

Một điều khá ấn tượng nữa là bất kỳ khách hàng nào, dù quen hay lạ, mua hay không mua, đến đây đều được nữ chủ nhân bày vẽ tận tình. “Buôn bán thứ này, chỉ mong… huề vốn!” – lời thú nhận ấy của chủ cửa hàng khiến chúng tôi thắc mắc. Chị Giang giải thích rằng hàng nhập đa số đắt tiền, mà phải nhập số lượng lớn, trong khi đó khách hàng mới chỉ thuộc dạng “tiềm năng” nên đến lúc số hàng bán được có khi chỉ vừa đủ để trả lãi suất cho ngân hàng. Chị bán hàng chỉ vì đam mê và muốn có nhiều người cùng hưởng thụ thú chơi này, còn thu nhập chính của chị là từ việc kinh doanh mặt hàng khác.

Ngoài ra, để bắt kịp với trào lưu chuyển đổi thú chơi từ cá cảnh sang thủy sinh trên đất Sài Gòn, những phố cá cảnh nổi tiếng như Nguyễn Thông, Thành Thái, Trường Chinh… đã bắt đầu bán xen kẽ vật dụng phục vụ thú chơi thủy sinh. Ngang qua đoạn phố cá cảnh Nguyễn Thông (Quận 3), những bể cá cảnh đủ màu sắc cách đây không lâu đã được thay bằng các hồ thủy sinh với màu xanh mát mắt của cây cỏ, phong cảnh tuyệt đẹp của đồi núi, đường sá chốn quê thu nhỏ.

Bạn cần xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng trong không gian bức bối của đô thị? Bạn muốn có phong thủy trong ngôi nhà mình? Bạn muốn ngắm nhìn sự tồn tại và phát triển của thiên nhiên bởi chính bàn tay mình và ngay trong phòng khách nhà mình? Bạn cần thêm một thứ gì để nhớ ngoài vợ con trong một chuyến đi xa? Còn chờ gì nữa, hãy thử đến với thú chơi mới mẻ này!

Mạnh Thăng

Green Spot algae (Tảo đốm xanh)

Ảnh thứ 2 chụp bằng ống kính macro. Những đốm tảo có kích thước dưới 1/2mm.Tảo đốm xanh ưa sáng mạnh, thường xuất hiện trên mặt kính hồ hay trên mặt lá các loại mọc chậm bị trồng ở vị trí nhiều sáng (phơi sáng). Loại tảo này sẽ xuất hiện khi lượng CO2 và Phosphate (PO4) thấp. 

Tảo đốm xanh

Vì loại rêu này bám khá chắc và cứng, các loài ăn rêu chẳng giúp ích gì nhiều. Chỉ có một loài ốc mang tên Neritina zebra snail (Neritina natalensis) là có thể gặm nổi thứ rêu này. Nhưng tiếc rằng loài ốc này sẽ trở nên èo uột ở môi trường có PH dưới 7, vì chúng cần môi trường kiềm để vỏ của chúng cứng cáp. Các loại cá Chạch (Loaches) và cá Rô (Cichlidae) thích ăn loại ốc này.

Có thể dùng dao lam cạo sạch loại tảo này trên mặt kính, nhưng với hồ kính đúc bằng nhựa acrylic thì chỉ được dùng lưỡi dao nhựa (plastic) để tránh sước kính. Nếu chúng xuất hiện với số lượng ít thì bình thường thôi. Chỉ nên quan tâm khi số lượng trở nên quá lớn. Để phòng ngừa loại rêu tảo này, nên thay nước hằng tuần, không nên cho cá ăn quá nhiều hoặc thả quá nhiều cá. Trong hồ thủy sinh nên đưa các loại cây mọc chậm vào chỗ khuất sáng và luôn giữ hàm lượng phosphate trong nước ở mức 0.3-0.5ppm và CO2 ở mức 30ppm.

Green water (Tảo lục)

Đây thường là hệ quả của hiện tượng đục nước kéo dài trên 10 – 14 ngày. Nên nhớ là hiện tượng nước có màu xanh do tảo lục gây ra này không phải lúc nào cũng giống nhau. Vì đây là vấn đề rất thường xảy ra và khó giải quyết, nên cũng có nhiều biện pháp khắc phục để ta cân nhắc, lựa chọn. 

Hoàn cảnh – điều kiện dẫn đến việc nước bị đục và có màu xanh này thường là do tình trạng phú dưỡng của môi trường nước: hàm lượng nitrate, phosphate cao cộng thêm sự hiện diện của ammonia/ammonium. Việc xáo trộn nền thường là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Trong điều kiện phú dưỡng của môi trường, loại tảo lục sẽ phát triển rất mạnh, cần nhớ rằng rêu tảo hấp thu phosphate dễ dàng hơn cây thủy sinh nhờ vào thành tế bào rất mỏng của chúng. Tảo lục sẽ nhanh chóng hấp thu hết ammonia/ammonium và phosphate, nhưng sau đó chúng không tàn lụi đi mà sẽ chuyển qua hấp thu các loại dinh dưỡng khác như nitrate. Vì vậy bạn sẽ hiểu tại sao thay nước không giải quyết được vấn đề tảo lục. Khi tảo lục bộc phát, nguồn dinh dưỡng trong nước nhanh chóng giảm thấp do bị hấp thu mạnh, nhưng sau đó tảo lục có thể quay sang hấp thu các chất khác như sắt và các nguyên tố vi lượng khác. Vì vậy, thường người ta tìm cách khắc phục từ căn nguyên của vấn đề, nhưng vẫn không tài nào hạn chế được tảo lục phát triển do những lý do mà tôi đã đề cập đến.

Tảo lục

Có 5 biện pháp để xử lý – khống chế hiện tượng nước xanh do tảo lục:

  1. Tắt đèn
  2. Dùng máy lọc tảo cát
  3. Chiếu xạ bằng tia cực tím (UV)
  4. Phù du phiêu sinh
  5. Thuốc diệt tảo/chất kết dính, kết tủa


4 biện pháp đầu không gây hại cho cá, biện pháp thứ 5 thì ngược lại.

1. Tắt đèn và che kín hoàn toàn hồ thủy sinh

Áp dụng trong thời gian 4 ngày bằng khăn trùm, hoặc giấy dán có màu sẫm…phải chuẩn bị tinh thần là, nước sẽ bị ô nhiễm do xác tảo lục chết, phân hủy trong quá trình diệt tảo này. Do vậy, phải thay nước lúc trước và sau quá trình diệt tảo theo phương pháp ngăn ánh sáng này, và cũng phải kiểm tra hàm lượng ammonia sau khi thay nước.

2. Dùng máy lọc tảo cát

Đây là cách mà tôi thích áp dụng. Tôi thường dùng máy lọc tảo (Diatom filter) Magnum 350w/Micron với bột tảo cát. Kiểu lọc này sẽ loại bỏ sạch sẽ tảo lục, không gây mất cân bằng hệ vi sinh, không có chuyện xác tảo lục còn nằm lại phân hủy gây ô nhiễm. Nếu hồ bạn bị tảo lục nặng thì nên kiểm tra lọc liên tục để phòng ngửa lọc bị nghẹt. Chỉ việc làm vệ sinh rồi cho lọc chạy tiếp. Để trả nước hồ về trạng thái trong xanh lchỉ là vấn đề vài phút hoặc cao lắm là vài giờ tùy theo kích thước hồ và tình trạng rêu tảo.

Để hiểu thêm về máy lọc tảo cát (Diatom filter) tham khảo link này: http://www.aquariumguys.com/diatomfilter.html

3. Chiếu xạ bằng tia cực tím (UV)

Chiếu xạ thanh trùng bằng tia UV (tia cực tím, tia tử ngọai) sẽ không những diệt tảo mà còn diệt cả phiêu sinh và các loại khuẩn trong nước. Nếu thường xuyên sử dụng phương pháp này thì hồ thủy sinh của bạn sẽ có vấn đề (về biến dưỡng) do hao hụt một vài dưỡng chất quan trọng. Khá tốn kém nhưng không giải quyết được vấn đề xác tảo chết phân hủy gây ô nhiễm nước. Nếu bạn có khả năng sắm máy thì có thể áp dụng…nhưng dĩ nhiên là không hiệu quả bằng máy lọc tảo (Diatom filter).

4. Phù du phiêu sinh

Thả một loại sinh vật phù du có tên là Daphnia (thủy trần, bo bo?) vào hồ để chúng ăn tảo lục. Cách này hơi khó một chút. Thứ nhất, bạn phải chắc rằng ngòai Daphnia ra bạn không đưa kèm mấy thứ không mong muốn khác vào hồ. Thứ hai, bạn phải cách ly đàn cá khỏi hồ, nếu không bọn cá sẽ nhậu sạch sẽ đám Daphnia này trước khi chúng có thể thi hành công vụ được.

Xem link: http://en.wikipedia.org/wiki/Daphnia

5. Thuốc diệt tảo/chất kết dính, kết tủa

Tôi không thích cái cách cuối này lắm. Thuốc diệt tảo có thể gây ngộ độc cho cá, còn chất kết dính/kết tủa thì dính vào mang cá, tuy không làm chết cá nhưng làm giảm chức năng hô hấp của cá khiến chúng yếu sức dễ nhiễm các loại bệnh cơ hội.

Rêu tảo trong hồ cá và hồ thủy sinh

Không có hồ nào mà không có sự hiện diện rêu tảo hại cả! Một hồ không bao giờ có rêu tảo xuất hiện có thể là một hồ có môi trường không tốt cho cá. Bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn sự phát triển của bất cứ loại rêu tảo nào, nhưng với những cách xử lý thích hợp, thì có thể giảm thiểu, khống chế chúng. 

Trong bài này, ta có thể thấy rằng để kiểm soát rêu tảo ta phải kiểm soát được dinh dưỡng trong môi trường. Nhưng phải nhớ một điều, có sự khác biệt trong xử lý – kiểm soát rêu tảo cho hồ cá và hồ thực vật thủy sinh.

Hồ cá cảnh (không trồng rong)

Sự bùng phát rêu tảo hại là kết quả của tình trạng dư thừa nitrate, phosphate and ammonia/ammonium trong môi trường nước. Việc cho ăn quá mức hoặc thả cá quá nhiều là nguyên nhân thông thường nhất khiến nước bị ô nhiễm. Việc thay nước hằng tuần là biện pháp tốt nhất để giảm lượng dinh dưỡng thừa. Để kiểm soát được môi trường tránh rêu tảo thì hàm lượng ammonia (NH3), ammonium (NH4), và nitrite phải bằng 0ppm, hàm lượng nitrate (NO3) phải ở dưới mức 10ppm (hàm lượng nitrate ở trên mức 40ppm có hại cho cá và các loài nhuyễn thể). Phosphate (Po4) phảI được duy trì ở mức dưới 0.5ppm. Thời lượng chiếu sáng phải không hơn 10 tiếng một ngày. Nên nhớ rằng rêu tảo hại rất thích ánh sáng mạnh, nên việc đặt hồ xa cửa sổ là ý tưởng tốt. Ánh sáng trời chiếu trực tiếp vào hồ sẽ gây ra sự bùng phát rêu tảo hại đấy. Đội quân ăn rêu (cá/tép/ốc) sẽ giúp ta nhiều trong trận chiến diệt rêu.

Rêu tảo trong hồ cá

Hồ thực vật thủy sinh

Sẽ phức tạp hơn nhiều vì trong hồ rong ta không chỉ phải lo cho cá mà còn phải lo cho cây nữa. Thật ra thì cây thủy sinh sẽ hấp thu ammonia/nitrite/nitrAte/phosphate và giữ cho chất lượng nước luôn tốt. Nhưng điều gì xảy ra khi đột nhiên bạn gặp phải một trận dịch rêu tảo tệ hại nhất bùng phát trong hồ thủy sinh của bạn? Bạn sẽ gào lên: Làm sao ra nông nỗi này !

Hãy bắt đầu với một thực tế là cả cây thủy sinh lẫn rêu tảo đều cần cùng loại dinh dưỡng như nhau để phát triển. Sự mất cân bằng giữa các yếu tố ánh sáng, CO2, nguyên tố đa lượng, vi lượng sẽ dẫn đến sự phát triển rêu tảo hại. Như bạn cũng biết, khi cây thủy sinh được cung cấp đầy đủ và cân bằng các yếu tố kể trên, chúng sẽ hấp thu dinh dưỡng có trong môi trường nước nhanh hơn rêu tảo hại. Không ai lạ gì về khả năng khống chế rêu tảo tuyệt vời của các loại cây thân đốt (cắt cắm) mọc nhanh nhờ khả năng hấp thu dinh dưỡng nhanh và mạnh của chúng. Nhưng khi một trong các yếu tố, nguyên tố kể trên bị thiếu hụt thì sự chuyển hóa, trao đổi chất của cây thủy sinh sẽ giảm và chúng sẽ chết dần. Dĩ nhiên cây thủy sinh sẽ cho thấy những dấu hiệu suy dưỡng của chúng như vàng lá, rỗ lá, vân vân. Nếu ta không kịp thời bổ sung các yếu tố cần thiết này thì dù có trồng thêm cây thân đốt mọc nhanh để không chế rêu hại thì cũng chưa đủ. Chỉ có cây thủy sinh khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng mới khiến cho hệ sinh thái cân bằng.

Rêu tảo hại là thực vật bậc thấp, thường chỉ hấp thu nguồn dinh dưỡng thừa của cây thủy sinh bậc cao, nhưng khi hệ sinh thái mất cân bằng do các nguyên nhân kể trên, chúng sẽ tranh thủ nguồn dinh dưỡng và nhanh chóng phát triển. Vì vậy việc ta cần làm là đảm bảo cho cây thủy sinh của ta được cung cấp đủ ánh sáng, CO2, các nguyên tố đa lượng, vi lượng. Liều lượng phân bón – dinh dưỡng sẽ tùy theo chất lượng, cường độ của hệ thống chiếu sáng mà gia – giảm. 

Hồ ánh sáng yếu

Những hồ có mức độ chiếu sáng trong khoảng 1-2w/gallon. CO2 có thể từ bình lên men tự chế (DIY) rẻ tiền. Phân bón như Tropica Master Grow rất tốt để bổ sung các nguyên tố vi lượng như FE, Mg, Zn, B, S, Mn, Cu, Mo và K. PMDD (Poor Man Dosing Drops) là phân đa lượng rất tốt dùng bổ sung nitrates, phosphates, Potassium and các chất khác. Nó được chế từ KNO3, KH2PO4 and NutriSI mikro.

Ghi chú: Vì Sắt (Fe) là nguyên tố cần thiết nhất cho thực vật thủy sinh, nên chất nền (substrate) của hồ thủy sinh phải hàm lượng sắt kha khá. Việc bổ sung sắt quá liều bằng dung dịch (phân nước) có chứa sắt sẽ thúc đẩy rêu tóc (hair algae) phát triển. Nên bổ sung sắt cho hồ thủy sinh bằng phân dạng nhét, hoặc sỏi đá ong (laterite) hay sỏi khóang flourite cho an toàn. Hồ set up với ánh sáng yếu có bổ sung CO2 với lượng vừa phải bằng bình lên men DIY (1 bình cho mỗi 90 lít nước dung tích hồ) thì nên bổ sung phân bón mỗI tuần 1 lần. Tôi sử dụng cả 2 loại PMDD và Tropica Master Grow. Đối với cây cắt cắm thân đốt trong hồ dạng này (ánh sáng yếu) thì cần phải cắt tỉa mỗi một hoặc 2 tuần 1 lần. Bạn sẽ thấy có nhiều bạn chơi set up hồ dạng ánh sáng yếu – kỹ thuật thấp (low light – low tech) và chỉ thay nước mỗi 3-4 tháng (yêu cầu bảo dưỡng thấp). Để có thể chăm sóc thành công những hồ dạng này thì điều rất quan trọng là phải dùng nền giàu sắt. Có người xài than bùn dạng viên, có người dùng đất sét hoặc sỏi đá ong laterite/sỏi khóang fluorite, và có ngườI lạI pha trộn nhiều thứ chất nền với nhau. Điều quan trọng là phải phủ sỏi lên lớp nền giàu dinh dưỡng này với chiều dầy khỏang 1.5 inch để giữ cho nước trong và nền dinh dưỡng bên dưới không tiếp xúc với rêu hại. Phân nước phải được bổ sung hằng tháng, chỉ một nửa liều lượng mà nhà sản xuất khuyên dùng thôi. Sau đó nếu thấy cây cố có dấu hiệu suy kiệt thì bổ sung theo đúng lượng được khuyên dùng của nhà sản xuất. Hồ kỹ thuật thấp, yêu cầu bảo dưỡng thấp thì không nên bổ sung CO2. Đó cũng là lý do tại sao phải điều chỉnh cho dòng chảy ngõ bơm nước trở lại hồ của máy lọc thật êm nhẹ (để hạn chế thất thóat hàm lượng CO2 ít ỏi trong nước). Cây trong hồ dạng này sẽ mọc rất chậm và ít cần cắt tỉa. 

Hồ ánh sáng mạnh

Những hồ có mức chiếu sáng từ 3w/gallon trở lên rất cần bổ sung nhiều CO2 và các nguyên tố đa, vi lượng để đáp ứng nhu cầu cao của cây thủy sinh trong điều kiện ánh sáng cao. Phải nghĩ đến việc trang bị bình khí nén CO2 nếu muốn cây khỏe, hồ sạch. Mọi thứ dinh dưỡng, phân bón gần như phải được cung cấp – bổ sung tương tự như với hồ ánh sáng yếu, nhưng lượng phải tăng gấp đôi, hay thậm chí gấp 3 lần. Với hồ set up dạng ánh sáng mạnh, phải thường xuyên kiểm tra duy trì hàm lượng CO2 luôn ở mức 30ppm.

Trong cả 2 dạng hồ ánh sáng yếu và mạnh, lượng nitrate phải được duy trì ở mức 10-15ppm và phosphate là 0.5ppm. Xin nhắc lại 1 lần nữa vì điều này quyết định đến 95% việc xử lý vấn nạn rêu hại…đó là nên duy trì lượng CO2 ở mức cao (30ppm)…hình như ở điều kiện như vậy rêu hại sẽ bị khống chế. Dĩ nhiên các loài ăn rêu như Siamese Algae Eater (SAE), Otos, tép Amano, ốc Trompet Mã Lai…là những vị khách luôn được mong đợi. Cắt tỉa cây cũng là biện pháp tốt vì sẽ kích thích cây ra chồi mới mạnh khỏe, loại bỏ lá già không cho chúng chết và phân hủy trong nước gây ô nhiễm. Và xin nhớ cho rằng, biện pháp hạn chế giảm thiểu dinh dưỡng trong nước là việc đúng đắn để kiểm soát không chế rêu cho hồ cá. Nhưng sẽ hết sức bậy bạ khi áp dụng điều đó vào việc xử lý – khống chế rêu cho hồ thực vật thủy sinh. Đối với hồ có ánh sáng mạnh, phải thay nước mỗi tuần khoảng 25-30%.

Ghi chú: Có rất nhiều bài trên internet nói rằng giảm hàm lượng nitrate và phosphate sẽ giúp hạn chế rêu hại !!! Với hồ không trồng cây thủy sinh thì VÂNG ! Nhưng vớI hồ thực vật thủy sinh thì XIN CAN ! Cây thủy sinh cần nhiều dinh dưỡng hơn rêu hại để tồn tại và phát triển, vì vậy không nên giảm và phải tăng dinh dưỡng cho chúng



Dusko Bojic

Chuẩn đoán và xử lý các trường hợp ở hồ thủy sinh

xu ly ho thuy sinh

Thiếu sáng

  • Triệu chứng: Cây yếu đuối – èo uột, lá có màu nhợt nhạt, lá nhiều phiá ngọn, càng gần gốc càng ít lá. Thân và cuống mục rữa, chồi yếu.
  • Biện pháp xử lý: Thêm đèn! Tăng thời lượng chiếu sáng lên 10 đến 12 tiếng/ngày.
ử lý các trường hợp ở hồ thủy sinh

Nền

  • Triệu chứng: Bọt khí thoát ra từ nền khi bạn dùng que chọc xuống nền, các loại ốc chuyên đào nền (ốc trumpet mã Lai…) thôi không chui xuống nền nữa mà trồi đầu lên, khi nhổ thử vài cây lên thấy hệ rễ kém phát triển hoặc chuyển qua màu đen và rữa.
  • Biện pháp xử lý: Nền bị nén quá chặt, bị nghẽn do chất cặn – thải lắng đọng len lỏi vào giữa những khe hở cuả hạt nền…trong quá trình thay nước, xới nền lên nhè nhẹ và dùng ống xi phông hút cặn thải ra.

Thiếu oxy trong nước

  • Triệu chứng: Cá bị stress, bơi lật nghiêng, ngáp hơi trên mặt nước. Nếu tình trạng kéo dài, cây cối trở nên còi cọc.
  • Nguyên nhân: Do thiếu sáng hoặc thiếu dinh dưỡng làm cây chậm lớn, giảm phóng thích oxy vào môi trường nước do giảm quang hợp, giảm chuyển hoá nitơ. Hoặc có thể do bổ sung quá nhiều CO2 vào hồ (trên 30ppm).
  • Biện pháp xử lý: Điều chỉnh hệ thống ánh sáng (tăng sáng), kiểm tra lọc (vệ sinh lọc), kiểm tra hệ thống CO2 (giảm nếu quá nhiều), tăng cường dòng chảy, bổ sung dinh dưỡng (phân nước, phân nhét).

Thiếu potassium

  • Triệu chứng: Rìa lá non bị vàng, có vết ố vàng như rỉ sắt (bệnh uá vàng), lá già bị vàng và nhăn.
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung potassium (có thể xài Balance K và Aquatilizer của hãng Ferka chẳng hạn)

Cây thủy sinh bị vàng lá, úa lá

  • Triệu chứng: Lá cây thủy sinh bị vàng úa, dòn – dễ đứt, nát, thủng lá
  • Nguyên nhân: Thiếu sắt, thiếu potassium, nước quá cứng.
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung sắt, potassium, làm mềm nước.

Thiếu phosphore (lân)

  • Triệu chứng: Cây rụng lá sớm, tuột lá
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung phân nước tổng hợp NPK có thành phần phosphate (có thể xài Aquatilizer cuả Ferka)

Thừa phosphore

  • Triệu chứng: Tảo hại bộc phát, nước dơ, váng…
  • Biện pháp xử lý: Thay nước thường xuyên hơn, vệ sinh nền (dùng xi phông hút cặn thừa lắng đọng dưới nền), không cho cá ăn quá nhiều, ngưng hoặc giảm bổ sung phân bón các loại cho cây.

Thiếu calci

  • Triệu chứng: Lá mới bị hư và rụng sớm, cuống lá vàng uá.
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung calci! Coi chừng nhiều quá sẽ gây cứng nước!

Thiếu Magnesium (ma nhê)

  • Triệu chứng: Lá già bị đốm vàng, khi tình trạng kéo dài, cây thuỷ sinh trở nên bị còi cọc, gân lá vẫn xanh, nhưng những phần còn lại chuyển vàng. Đốm nâu xuất huyện và cây khô héo dần. Nếu cây đang ra hoa, hoa sẽ chậm phát triển hoặc thui luôn.
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung magnesium!

Thiếu đạm (nitơ)

  • Triệu chứng: Lá già chuyển vàng. Cây còi cọc nhưng bộ rễ lại rất to. Lá nhỏ đi và màu sắc nhợt nhạt, cây chậm lớn. Màu sắc nhợt nhạt bắt đầu từ chỏm (đầu) những lá bên dưới (lá già). Nếu tình trạng thiếu hụt kéo dài, tán lá vẫn tiếp tục phát triển, nhưng thân cây trở nên khẳng khiu, mềm oặt, quá trình ra hoa sẽ chậm lại, cây dễ nhiễm bệnh.
  • Biện pháp xử lý: Bổ sung nitrate (N)!

Bệnh rữa lá của cây họ Cryp

  • Triệu chứng: Bệnh chỉ xảy ra với các cây họ cryptocorynes. Ban đầu xuất hiện những lỗ nhỏ trên lá rồi lan rộng ra toàn bộ lá, rữa lá. Cây rữa hoàn toàn, chỉ còn củ và bộ rễ.
  • Nguyên nhân: Có thể là thừa nitrate trong môi trường, nhiệt độ giảm đột ngột, môi trường thay đổi ngột, di chuyển vị trí cây trong hồ quá thường xuyên.
  • Biện pháp xử lý: Thay nước đều đặn với lượng nhỏ 5-10% mỗi ngày để giữ môi trường ổn định. Để yên cây không dời chuyển nữa, từ từ lá mới sẽ mọc lại từ củ – rễ.

3 sai lầm chính khi làm hồ thủy sinh

Để giúp những bạn mới bước vào thế giới thực vật thủy sinh, tôi xin chọn ra 3 điều sai lầm chính mà những người mới chơi hồ thực vật thủy sinh hoặc mới chuyển đổi hồ cá cảnh đơn thuần thành hồ cá cảnh có thực vật thủy sinh thường mắc phải. Cứ xem như đây là khóa hướng dẫn hạ cánh an tòan trong nghề chơi để hạn chế thiệt hại do “ngu phí” cao.Đa số những sai lầm này của chúng ta thường dẫn đến kết quả đáng buồn là cây cỏ thủy sinh từ từ lên đường sau vài tuần ngắc ngoải… và với những người không hay nản chí và không chịu thua ngay lần đầu thì… tiến trình này (set up lại hồ, trồng cây mới…) cứ lập đi lập lại… cho đến khi hoặc lòng kiên nhẫn của ta hoặc túi tiền của ta cạn kiệt! Thường thì các điều sai lầm này có nguyên nhân từ những lời xúi bậy của những người (nhân viên) ở các cửa hàng cá cảnh – vật nuôi, những kẻ chả biết cóc khô gì về thực vật thủy sinh… thậm chí họ còn bán cho ta các lọai cây thủy sinh dỏm nữa! Rất nhiều người mới chơi đầy tiềm năng đã ngỏanh mặt đi đối với thế giới thủy sinh chỉ vì xui xẻo nhận được những lời xúi dại đó cũng như vì 3 điều sai lầm sau đây:

1. Nhưng tôi thấy hồ của tôi đủ sáng đấy chứ!

Thường thì người ta cứ cố trồng cây thủy sinh với nguồn sáng sẵn có (trang bị kèm theo hồ cá cảnh) của hồ hoặc là mua một bộ đèn có sẵn bóng với giá rẻ cho mục đích chung chung! Đôi khi hệ thống chiếu sáng đó chỉ là 1 bóng hùynh quang có công xuất khỏang 15w hay 20w mà thôi (với bước sóng và nhiệt độ màu không phù hợp, nó chỉ đem lại sự lãng phí về điện năng, tăng nhiệt độ nước hồ, gây rêu hại mà thôi). Một trong những yếu tố then chốt để trồng cây thủy sinh là ánh sáng. Cây cần ánh sáng để quang hợp, không có ánh sáng, cây sẽ chỉ tồn tại vài ngày hoặc vài tuần bằng năng lượng dự trữ của nó rồi từ từ tàn lụi, chết đi.

sai lầm chính khi làm hồ thủy sinh

Nhiều người còn bị đánh lừa bởi những lời khuyên tầm bậy rằng hệ thống chiếu sáng được cung cấp kèm theo hồ đủ đáp ứng như cầu quang hợp của cây thủy sinh. Thật ra thứ đèn được cung cấp kèm theo đó chỉ có thể trồng Rêu cá đẻ và đôi khi Dương Sỉ thừơng (dương Sỉ Java), nhưng cây sống rất èo uột! Nếu bạn thích cây thủy sinh của bạn xấu xí, èo uột, cao lỏng khỏng lêu đêu thì xin mời bạn cứ thử. Không cần biết hồ của bạn trông rực rỡ thế nào dưới ánh đèn đó… đảm bảo là thiếu sáng!
Cây chỉ sử dụng một vài màu chuyên biệt trong dãy quang phổ để quang hợp, thường là trong dãy các màu đỏ và xanh trong quang phổ. Mắt người chỉ nhận biết tốt màu xanh trong quang phổ. Vì vậy đôi khi trông có vẻ sáng rực rỡ lại không thích hợp và đủ cho các lòai thực vật. Luôn luôn nên chọn bóng có quang phổ tòan phần (full spectrum) hoặc bóng chuyên dùng cho việc trồng cây thủy sinh và phải đạt công xuất tối thiểu 1.5w–2w / gallon để có thể đáp ứng nhu cầu căn bản của các lọai thực vật thông thường trong hồ thủy sinh. Mặc dù đây chưa phải là nguyên tắc bất di bất dịch trong tính tóan lượng – công xuất ánh sáng cần thiết cho hồ thủy sinh, và cách tính tóan này tỏ ra không chính xác lắm với những hồ quá nhỏ (dưới 10 gallons) hoặc quá lớn (trên 75 gallons), vẫn có thể xem nó như kim chỉ nam cho người chơi. 

Dưới đây là bản phân tích chất lượng ánh sáng cho cây thủy sinh tương ứng với từng mức công xuất ánh sáng: – 0–1.5w/gallon: rất yếu – có lẽ chả thứ cây thủy sinh gì sống nổi.- 1.5–2w/gallon: Yếu – các lọai cây thích nghi cao sống được, mọc chậm.- 2-3w/gallon: trung bình – đa số cây thủy sinh phát triển tốt.- 3+ w/gallon: mạnh – tất cả các lọai thực vật thủy sinh phát triển tốt. Có một điểm phải tính đến ở đây… đó là ảnh hưởng của các mức ánh sáng khác nhau trên cùng một lọai cây. Chính điều này thường dẫn ta đến sai lầm thứ 2.

2. Nhưng tôi nghĩ ánh sáng mạnh = hồ đẹp!

Cứ cho là bạn thỏai mái trong vấn đề tài chính và bạn quyết định mua một bộ đèn đắt tiền có công xuất cao cho hồ thủy sinh của bạn. Sau đó trồng ít cây vào hồ rồi ung dung ngồi rung đùi ngắm chờ cây phát triển, đúng không? SAI! Ánh sáng trong hồ thực vật thủy sinh được ví như chân ga trong xe hơi, bạn nhấn ga càng nhiều xe càng phi nhanh, nhưng mọi thừ cũng nhanh chóng vượt tầm kiểm sóat… khi đó mọi việc trở nên xấu đi! Không phải có hệ thống chiếu sáng mạnh bao giờ cũng là tối ưu, nhất là đối với những ngừơi mới làm quen với hồ thực vật thủy sinh! Những hiểu biết cơ bản nhất về sự chuyển hóa – trao đổi chất của thực vật nói chung và thực vật thủy sinh nói riêng là rất cần thiết trong chuyện này (đừng lo, tôi sẽ không quá chi tiết trong vấn đề này). Thực vật cần một mớ các lọai nguyên liệu và năng lượng để cho ra thành phẩm (lá mới, ngọn mới…). Nguyên liệu ở đây là các dưỡng chất đa lượng, vi lượng, các nguyên tố cần cho sự phát triển, và năng lượng chính là ánh sáng. Nếu thiếu một trong các yếu tố trên, tòan bộ quá trình chuyển hóa của cây sẽ lập tức ngưng trệ.

Quan trọng hơn nữa… hay có thể nói là tệ hại hơn nữa… là chính việc này (lắp hệ thống ánh sáng mạnh) sẽ kích họat hệ sinh thái trong hồ thủy sinh họat động ở tần xuất cao. Cây thủy sinh sẽ ngưng chuyển hóa – trao đổi chất ngay khi nó thiếu hụt bất cứ chất nào nó cần cho quá trình này. Nếu song song với việc lắp hệ thống đèn tốt mà bạn không bổ sung dinh dưỡng (phân bón) cho cây thủy sinh… bạn sẽ thấy ngay hậu quả là chính hệ thống đèn đắt tiền chất lượng cao đó chỉ làm được mỗi một việc là kích thích sự bùng phát của tảo hại trong hồ thủy sinh, rất nhanh, vô cùng nhanh! Vì lý do đó, tôi khuyên bạn nên chọn hệ thống đèn từ trung bình đến yếu cho những lần set up hồ thủy sinh đầu tiên. Khi đó, bạn sẽ không cần bổ sung phân bón, dinh dưỡng cho cây nhiều, mọi thứ sẽ không vượt khỏi tầm kiểm sóat quá nhanh. Nên nhớ là rất khó phục hồi sau khi bị tảo hại hòanh hành nặng nề. Vì có nhiều lọai tảo hại gần như không thể lọai trừ một khi chúng đã xuất hiện. Tôi từng nghe kể nhiều trường hợp đau lòng là ngườI chơi buộc phải phá dỡ bỏ hòan tòan và làm lại từ đầu vì dính chưởng rêu tảo hại. Bạn phải phòng tránh điều này ngay từ đầu đấy!

3. Ủa nhưng người bán nói chúng là cây thủy sinh mà?

Nhiều cửa hàng cá cảnh bán cây thủy sinh và… vấn để ở đây là có nhiều cửa hàng cũng bán cả những lọai cây thủy sinh dzỏm!!! Cái này thì phảI nhờ vào kinh nghiệm bản thân thôi… trừ khi người bán có lương tâm… còn không thì điều gì cũng có thể xảy ra. Nhiều lọai cây không thực sự sống ngập chìm dưới nước, nhưng vẫn có thể tồn tại vài tuần, thậm chí vài tháng hay cả năm sau mới chết. Dù cho chúng có đẹp thế nào chăng nữa… khi ta mua phải những lọai như vậy xem như là đã lãng phí rồi! Có vài lọai như vậy luôn xuất hiện:

Chừng nào bạn có thể tránh được 3 điều sai lầm cơ bản trên, là bạn đã có bước khởi đầu tốt đẹp với thú chơi hồ thực vật thủy sinh tuyệt vời rồi đó. Tiến trình kế tiếp sẽ là việc đặt cược tiếp tục cho những thử nghiệm với các lọai cây khó hơn, bố cục phức tạp hơn, kỹ thuật cao hơn. Dù vô cùng gian nan, bạn cứ mạnh dạn thử nghiệm đi rồi thành công sẽ mỉm cười với bạn, phần thưởng sẽ là sự sống động lung linh của một thế giới thủy sinh thu nhỏ mà bạn không muốn rời mắt!

Cá vàng ăn gì? Ưu nhược điểm của mỗi loại thức ăn.

trùn chỉ - thức ăn cá vàng yêu thích

Cá vàng là loại sinh vật cảnh ăn tạp và phàm ăn, thức ăn tươi hay khô thậm chí là cả cơm chúng đều có thể nuốt. Câu “ não cá vàng” là ý nói về bộ nhớ chỉ vài giây của cá vàng, vừa ăn xong nhưng chúng đã quên luôn và có thể ăn tiếp. Chính vì vậy khi nuôi cá vàng cần căn chỉnh cho ăn vừa đủ, mỗi lần cho ăn chỉ tầm 15-20 phút là dừng, ko cho ăn quá nhiều, nên chia nhỏ các bữa ăn.

Các thức ăn thông dụng, phổ thông nhất trả lời cho câu hỏi cá vàng ăn gì:

1. Trùn chỉ

Ưu điểm: Đây là thức ăn tươi yêu thích nhất của cá vàng, hàm lượng chất đạm cao, dễ ăn. Cá con nhanh lớn, cá trưởng thành ăn nhiều sẽ béo tròn, dễ sinh sản.

Nhược điểm: Tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng trùn chỉ sống dưới đáy cống rãnh, khá bẩn. Khi mua về cần rửa sạch chất bẩn, giun chết. Việc bảo quản giun là khá khó và không được lâu, phải để chậu giun ở nước sạch, có dòng chảy, nếu không giun sẽ chết, cá ăn phải sẽ nguy hiểm.

trùn chỉ
Trùn chỉ hay còn gọi là giun đỏ

Lời khuyên: Nên mua từng ít một, mua giun về xả dưới vòi nước cho thật sạch, khi giun có màu đỏ tươi thì cho ăn. Nếu không mua được trùn chỉ thì có thể dùng giun đất cắt nhỏ cho cá ăn.

Trùn chỉ sống ở đâu: Nếu bạn không mua được trùn chỉ thì có thể tự bắt, tuy nhiên sẽ khá dơ bẩn vì trùn chỉ sống ở dưới đáy các kênh rạch bẩn, nơi có nguồn nước chảy liên tục và dơ bẩn.

Cho cá vàng ăn gì
Cho cá vàng ăn gì? Câu hỏi rất dễ trả lời

2. Cám cá vàng khô

Ưu điểm: Tiện lợi, nhanh chóng, với thức ăn cao cấp thì khá đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cá. Các loại thức ăn phổ biến cho cá vàng là: Tomboy, Mizuho, cám giải nguyên, M2… Qua thực tế cho thấy thì Tomboy khá khó tiêu nhưng là dòng kích cá đẻ nhanh nhất. Với lượng ăn từ 3-5 bữa 1 ngày thì tầm 3 tuần – 1 tháng là cá sẽ đẻ 1 lứa.

Nhược điểm: Thức ăn khô cá ăn nhiều không tốt có thể gây chổng mông, cá nổi trên mặt nước.

Thức ăn khô
Thức ăn khô Mizuho rất tốt

Lời khuyên: Với thức ăn khô nên ngâm chừng 15p để thức ăn ngấm nước, sau đó mới cho cá ăn.

3. Sâu đỏ đông lạnh

Ưu điểm: Đây là con sâu đỏ trong nước được đóng thành đá, khá giàu chất dinh dưỡng và tiện lợi. Khi cho ăn thì chỉ cần thả vài viên sâu đỏ đông lạnh vào.

Nhược điểm: Chi phí khá cao, nếu bảo quản không tốt sau đỏ có thể bị tan hết thịt, chỉ còn lớp vỏ sâu, giảm giá trị dinh dưỡng

Sâu đỏ đông lạnh
Sâu đỏ đông lạnh

4. Tim bò đông lạnh

Đây là thức ăn cao cấp, giàu chất dinh dưỡng và đắt tiền nhất dành cho cá vàng. Bản chất thức ăn là tim bò, thịt bò, thịt bò xay nhuyễn kết hợp với các chất phụ gia kết dính sau đó cho đông đá.

Thức ăn này ít người sử dụng cho cá vàng.

tim bò
Tim bò – Thức ăn cao cấp

5. Tự làm trứng hấp cho cá

Hướng dẫn cách làm đơn giản: Đập trứng vào bát, cho thêm ⅓ -½ lượng nước, hấp cách thủy tầm 5 phút. Để nguội cho cá ăn, không ăn hết cho tủ lạnh ăn dần. Ngoài ra có thể kết hợp thêm với tảo, bí ngô, bí đỏ, men tiêu hóa để kích thích cá ăn và dễ tiêu hóa hơn.

Ưu điểm: Dễ làm, tiện lợi, chi phí thấp, 2 quả trứng có thể ăn 1 tuần.

Nhược điểm: Bẩn nước, ăn xong sẽ có lớp bụi trứng li ti trong bể, cần có lọc tốt và thường xuyên thay nước

trứng hấp
Trứng hấp – thức ăn cho cá vàng

6. Thức ăn khác

Như đã nói thì cá vàng ăn tạp và rất phàm ăn. Bất cứ thứ gì cũng có thể cho cá ăn, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh mỗi nơi để chọn thức ăn cho cá. ví dụ:

  • Bèo tấm, xà lách, rau muống… thái nhỏ
  • Bọ gậy, ấu trùng bobo…
  • Tôm, tép, thịt thái nhỏ
  • Thậm chí là cả cơm, cháo nát

Rất nhiều người hỏi cá vàng có ăn cơm không? Câu trả lời là có, tuy nhiên khi cho ăn thường xuyên thì nước dễ bị đục, có màu trắng như nước vo gạo, dưới đây là hình ảnh cá vàng ăn cơm

cá vàng ăn cơm
Cá vàng ăn cơm
Clip bể cá vàng đẹp đang ăn

Chốt lại: Chơi cá vàng là thú vui thư giãn, giải trí sau mỗi giờ làm, giờ học căng thẳng. Không nên bắt chước hay học đòi theo người khác, hãy chăm sóc chúng trong đúng khả năng và hoàn cảnh bản thân, nơi sống. Luôn giữ nước sạch và không cho ăn quá nhiều đấy là tôn chỉ khi nuôi cá vàng.

Cá vàng ăn bao nhiêu là đủ?

Như đã nói thì cá vàng sẽ ăn liên tục, vừa ăn xong sẽ quên luôn mình vừa ăn và sẽ ăn tiếp. Vì vậy nên chia nhỏ bữa ăn và chỉ cho ăn từ 15-20p.

Với cá vàng thì ăn bao nhiêu cũng là không đủ, thế nên bạn cho ăn vừa phải thôi nhé, tránh cá bị sình bụng

Ráy lá nhỏ (Anubias barteri var. nana)

Độ khó: Rất dễ
Bố trí: Tiền cảnh, trung cảnh
Ánh sáng: Thấp
Nhiệt độ: 22-28 °C
Độ pH: 5.0-8.6
Cấu trúc cây: Thân rễ
Họ: Araceae
Chi: Anubias
Vùng: Châu Phi(Cameroon)
Chiều cao: 5-15 cm
Tốc độ phát triển: Chậm
Mọc trên cạn: Có thể

Ráy lá nhỏ



Trong tự nhiên, cây ráy lá nhỏ thường được thấy mọc theo các con sông trong rừng ở Cameroon, Châu Phi. Tropica (vườn ươm cây thủy sinh lớn nhất Châu âu) là nơi đầu tiên thương mại hóa loài cây này trong những năm 1970. Anubias barteri var. nana là một trong những cây được biết nhiều nhất ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á.

Trong hồ thủy sinh, loài cây này rất bền vững (thường được gọi là “the plastic plant that grows”). Thói quen phát triển của cây này là bộ rễ mọc lan ra và từ đó phát triển các lá có thể tồn tại đến 1 năm. Cây có thể chịu từ điều kiện ánh sáng thấp (ít hơn 1 watt mỗi gallon) đến điều kiện ánh sáng rất cao (hơn 4 watt mỗi gallon). Cây vẫn sống tốt khi có có hoặc không có CO2, mặc dù có CO2 sẽ thúc đẩy cây sinh trường nhanh hơn. Chất nền tốt cũng thúc đẩy cây phát triển và thay thế các lá già. Mức Phosphate cao sẽ thúc đẩy việc ra hoa và tùy theo các điều kiện của hồ và sức khỏe của cây. Mức Phosphate cao cùng với lượng sắt nhiều và phân bón đầy đủ sẽ giảm hiện tượng tảo đốm cho những cây ở dưới ánh sáng mạnh trực tiếp. Di chuyển cây đến khu vực có bóng râm cũng là một giải pháp.

Nhân giống cây chỉ đơn giản cắt rễ thành hai hay nhiều phần tùy theo kích thước cây.

Trong hồ thủy sinh, loài cây này có thể được trồng tại trung cảnh trong các hồ nhỏ và vừa hay tiền cảnh trogn các hồ lớn. Khi trồng cây xuống nền, không nên chôn phần rễ nếu không rễ sẽ thối rữa. Anubias barteri var. nana cũng có thể cột vào lũa hoặc đá. Cây này sẽ dính chặt vào vật thể mà nó được buộc vào

Ráy Châu Phi (Anubias barteri var. barteri)

Độ khó: Rất dễ
Bố trí: Trung cảnh, hậu cảnh
Ánh sáng: Thấp
Nhiệt độ: 22-28 °C
Độ pH: 6.5-7.2
Cấu trúc cây: Thân rễ
Họ: Araceae
Chi: Anubias
Vùng: Châu Phi(Đông Nam Nigeria, Cameroon, Equatorial Guinea)
Chiều cao: 25-45 cm
Tốc độ phát triển: Chậm
Mọc trên cạn: Có thể

Ráy Châu Phi

Anubias barteri var. barteri được đặt tên theo nhà sưu tầm Charles Barter, là một loài cây thủy sinh phổ biến vì nó dễ trồng. Cây có thể phân biệt với A. barteri var. nana dựa vào cuống lá dài hơn. Trong tự nhiên có thể tìm thấy cây trong bóng râm, trong sông suối có dòng nước mạnh ở Đông Nam Châu Phi. Tại đây, cây cũng được tìm thấy trên các phiến đá lớn. Cây có thể mọc trên cạn, bán cạn, hoặc hoàn toàn trong nước. Loài cây dễ thích nghi này là sản phẩm chủ yếu ở các cửa hàng và các vường ươm vẫn tiếp tục nuôi trồng nó.

A. barteri var. barteri có khả năng chịu đựng cao ở các điều kiện phát triển kém. Mặc dù ánh sáng cao và cung cấp CO2 sẽ giúp cây mọc nhanh hơn và lớn hơn. Loài cây ráy này có thể phát triển trong ánh sáng yếu (ít hơn 2 Watt mỗi gallon và ko có CO2 cung cấp thêm. Độ cứng của nước và mức pH không phải là vấn đề của loài cây này. Tuy nhiên loài Anubias sp. này thích có dòng nước chảy phía trên mặt lá, đặt biệt là dưới ánh sáng cao nơi mà dòng nước sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của tảo trên lá. Để cây ra hoa và ngăn chặn tảo dưới ánh sáng mạnh, mức Phosphate phải được nâng ở mức khoảng 2 ppm.

Không giống như loài A. barteri var. nana, phân loài này có xu hướng mọc thẳng như một cây chứ không mọc sát nền hoặc các bề mặt. Mặc dù cây mọc nhanh hơn các loài Anubias sp. khác, nhưng tốc độ phát triển của nó vẫn còn chậm. Nhân giống có thể thực hiện bằng cách cắt các thân rễ, đặc biệt là nơi các nhánh bên đã hình thành.

A. barteri var. barteri phù hợp nhất ở trung cảnh và hậu cảnh của các hồ lớn. Cây đặc biệt đẹp khi tương phản với các cây có kết cấu mềm như rêu, liverwort, và các cây thân dài lá nhỏ. Vì cấu trúc của lá cây cũng phù hợp với các hồ cichlid. Một nơi nửa phù hợp với cây là các hồ paludarium, nơi mà cây lớn nhanh trong môi trường bán cạn.

Cột vào đá hoặc lũa và để bộ rễ tiếp xúc với nền để giúp chúng phát triển nhanh nhất,không vùi phần thân xuống nền vì thế sẽ làm thối gốc và cây của bạn sẽ chết

Không cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng với cường độ cao để tránh tình trạng lá cây bám rêu hại

Ráy cẩm thạch – Marbled Nana (Anubias barteri var. nana ‘Marble’)

Độ khó: Rất dễ
Bố trí: Tiền cảnh, trung cảnh
Ánh sáng: Thấp
Nhiệt độ: 19-30 °C
Độ pH: 5.0-8.0
Cấu trúc cây: Thân rễ
Họ: Araceae
Chi: Anubias
Vùng: Cultivar
Chiều cao: 5-12 cm
Tốc độ phát triển: Chậm
Mọc trên cạn: Có thể

Ráy cẩm thạch

Là loại được bán và trồng phổ bíên nhất trong hồ thuỷ sinh

Cột chúng vào đá hoặc lũa và để bộ rễ tiếp xúc với nền sẽ giúp cây ráy của bạn phát triển nhanh nhất,không vùi phần thân xuống nền nếu không chúng sẽ bị thối gốc và chết

Không để lá tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng có cường độ mạnh để tránh tình trạng lá bị bám rêu hại

Trân châu lá kim (Crassula Helmsii)

Độ khó: dễ
pH: 6.8-7.2
Ánh sáng: trung bình- rất mạnh
Nhiệt độ: 17-28c
Họ: Crassulaceae
Chi: Crassula
Nguồn gốc: Australia/New Zealand/Vietnam
Mọc trên cạn: có thể

Trân châu lá kim

Trên cạn lá dầy, mọng nước rất đẹp. Khi xuống nước lá dạng kim.

Ngoài thiên nhiên, cây mọc rất nhiều ở bờ ruộng, vườn ẩm của miền nam Vietnam

Là loài dễ trồng, ánh sáng yếu, cây lên thẳng đứng. Ánh sáng mạnh cây bò sát nền, đặc biệt, nếu trồng bằng đèn metal, sẽ có màu xanh non rất bắt mắt, hợp với tiền cảnh.

Khuyết điểm: trong hồ thủy sinh ánh sáng mạnh, cây sẽ bò sát nền, nhưng do lá quá nhỏ, đốt thưa nên sẽ thấy thân nhiều hơn lá.

Nhân giống: cắt cành. nên cắt thành từng đoạn khoảng 2cm cắm cách khoảng 1cm