Rêu tảo trong hồ cá và hồ thủy sinh

Không có hồ nào mà không có sự hiện diện rêu tảo hại cả! Một hồ không bao giờ có rêu tảo xuất hiện có thể là một hồ có môi trường không tốt cho cá. Bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn sự phát triển của bất cứ loại rêu tảo nào, nhưng với những cách xử lý thích hợp, thì có thể giảm thiểu, khống chế chúng. 

Trong bài này, ta có thể thấy rằng để kiểm soát rêu tảo ta phải kiểm soát được dinh dưỡng trong môi trường. Nhưng phải nhớ một điều, có sự khác biệt trong xử lý – kiểm soát rêu tảo cho hồ cá và hồ thực vật thủy sinh.

Hồ cá cảnh (không trồng rong)

Sự bùng phát rêu tảo hại là kết quả của tình trạng dư thừa nitrate, phosphate and ammonia/ammonium trong môi trường nước. Việc cho ăn quá mức hoặc thả cá quá nhiều là nguyên nhân thông thường nhất khiến nước bị ô nhiễm. Việc thay nước hằng tuần là biện pháp tốt nhất để giảm lượng dinh dưỡng thừa. Để kiểm soát được môi trường tránh rêu tảo thì hàm lượng ammonia (NH3), ammonium (NH4), và nitrite phải bằng 0ppm, hàm lượng nitrate (NO3) phải ở dưới mức 10ppm (hàm lượng nitrate ở trên mức 40ppm có hại cho cá và các loài nhuyễn thể). Phosphate (Po4) phảI được duy trì ở mức dưới 0.5ppm. Thời lượng chiếu sáng phải không hơn 10 tiếng một ngày. Nên nhớ rằng rêu tảo hại rất thích ánh sáng mạnh, nên việc đặt hồ xa cửa sổ là ý tưởng tốt. Ánh sáng trời chiếu trực tiếp vào hồ sẽ gây ra sự bùng phát rêu tảo hại đấy. Đội quân ăn rêu (cá/tép/ốc) sẽ giúp ta nhiều trong trận chiến diệt rêu.

Rêu tảo trong hồ cá

Hồ thực vật thủy sinh

Sẽ phức tạp hơn nhiều vì trong hồ rong ta không chỉ phải lo cho cá mà còn phải lo cho cây nữa. Thật ra thì cây thủy sinh sẽ hấp thu ammonia/nitrite/nitrAte/phosphate và giữ cho chất lượng nước luôn tốt. Nhưng điều gì xảy ra khi đột nhiên bạn gặp phải một trận dịch rêu tảo tệ hại nhất bùng phát trong hồ thủy sinh của bạn? Bạn sẽ gào lên: Làm sao ra nông nỗi này !

Hãy bắt đầu với một thực tế là cả cây thủy sinh lẫn rêu tảo đều cần cùng loại dinh dưỡng như nhau để phát triển. Sự mất cân bằng giữa các yếu tố ánh sáng, CO2, nguyên tố đa lượng, vi lượng sẽ dẫn đến sự phát triển rêu tảo hại. Như bạn cũng biết, khi cây thủy sinh được cung cấp đầy đủ và cân bằng các yếu tố kể trên, chúng sẽ hấp thu dinh dưỡng có trong môi trường nước nhanh hơn rêu tảo hại. Không ai lạ gì về khả năng khống chế rêu tảo tuyệt vời của các loại cây thân đốt (cắt cắm) mọc nhanh nhờ khả năng hấp thu dinh dưỡng nhanh và mạnh của chúng. Nhưng khi một trong các yếu tố, nguyên tố kể trên bị thiếu hụt thì sự chuyển hóa, trao đổi chất của cây thủy sinh sẽ giảm và chúng sẽ chết dần. Dĩ nhiên cây thủy sinh sẽ cho thấy những dấu hiệu suy dưỡng của chúng như vàng lá, rỗ lá, vân vân. Nếu ta không kịp thời bổ sung các yếu tố cần thiết này thì dù có trồng thêm cây thân đốt mọc nhanh để không chế rêu hại thì cũng chưa đủ. Chỉ có cây thủy sinh khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng mới khiến cho hệ sinh thái cân bằng.

Rêu tảo hại là thực vật bậc thấp, thường chỉ hấp thu nguồn dinh dưỡng thừa của cây thủy sinh bậc cao, nhưng khi hệ sinh thái mất cân bằng do các nguyên nhân kể trên, chúng sẽ tranh thủ nguồn dinh dưỡng và nhanh chóng phát triển. Vì vậy việc ta cần làm là đảm bảo cho cây thủy sinh của ta được cung cấp đủ ánh sáng, CO2, các nguyên tố đa lượng, vi lượng. Liều lượng phân bón – dinh dưỡng sẽ tùy theo chất lượng, cường độ của hệ thống chiếu sáng mà gia – giảm. 

Hồ ánh sáng yếu

Những hồ có mức độ chiếu sáng trong khoảng 1-2w/gallon. CO2 có thể từ bình lên men tự chế (DIY) rẻ tiền. Phân bón như Tropica Master Grow rất tốt để bổ sung các nguyên tố vi lượng như FE, Mg, Zn, B, S, Mn, Cu, Mo và K. PMDD (Poor Man Dosing Drops) là phân đa lượng rất tốt dùng bổ sung nitrates, phosphates, Potassium and các chất khác. Nó được chế từ KNO3, KH2PO4 and NutriSI mikro.

Ghi chú: Vì Sắt (Fe) là nguyên tố cần thiết nhất cho thực vật thủy sinh, nên chất nền (substrate) của hồ thủy sinh phải hàm lượng sắt kha khá. Việc bổ sung sắt quá liều bằng dung dịch (phân nước) có chứa sắt sẽ thúc đẩy rêu tóc (hair algae) phát triển. Nên bổ sung sắt cho hồ thủy sinh bằng phân dạng nhét, hoặc sỏi đá ong (laterite) hay sỏi khóang flourite cho an toàn. Hồ set up với ánh sáng yếu có bổ sung CO2 với lượng vừa phải bằng bình lên men DIY (1 bình cho mỗi 90 lít nước dung tích hồ) thì nên bổ sung phân bón mỗI tuần 1 lần. Tôi sử dụng cả 2 loại PMDD và Tropica Master Grow. Đối với cây cắt cắm thân đốt trong hồ dạng này (ánh sáng yếu) thì cần phải cắt tỉa mỗi một hoặc 2 tuần 1 lần. Bạn sẽ thấy có nhiều bạn chơi set up hồ dạng ánh sáng yếu – kỹ thuật thấp (low light – low tech) và chỉ thay nước mỗi 3-4 tháng (yêu cầu bảo dưỡng thấp). Để có thể chăm sóc thành công những hồ dạng này thì điều rất quan trọng là phải dùng nền giàu sắt. Có người xài than bùn dạng viên, có người dùng đất sét hoặc sỏi đá ong laterite/sỏi khóang fluorite, và có ngườI lạI pha trộn nhiều thứ chất nền với nhau. Điều quan trọng là phải phủ sỏi lên lớp nền giàu dinh dưỡng này với chiều dầy khỏang 1.5 inch để giữ cho nước trong và nền dinh dưỡng bên dưới không tiếp xúc với rêu hại. Phân nước phải được bổ sung hằng tháng, chỉ một nửa liều lượng mà nhà sản xuất khuyên dùng thôi. Sau đó nếu thấy cây cố có dấu hiệu suy kiệt thì bổ sung theo đúng lượng được khuyên dùng của nhà sản xuất. Hồ kỹ thuật thấp, yêu cầu bảo dưỡng thấp thì không nên bổ sung CO2. Đó cũng là lý do tại sao phải điều chỉnh cho dòng chảy ngõ bơm nước trở lại hồ của máy lọc thật êm nhẹ (để hạn chế thất thóat hàm lượng CO2 ít ỏi trong nước). Cây trong hồ dạng này sẽ mọc rất chậm và ít cần cắt tỉa. 

Hồ ánh sáng mạnh

Những hồ có mức chiếu sáng từ 3w/gallon trở lên rất cần bổ sung nhiều CO2 và các nguyên tố đa, vi lượng để đáp ứng nhu cầu cao của cây thủy sinh trong điều kiện ánh sáng cao. Phải nghĩ đến việc trang bị bình khí nén CO2 nếu muốn cây khỏe, hồ sạch. Mọi thứ dinh dưỡng, phân bón gần như phải được cung cấp – bổ sung tương tự như với hồ ánh sáng yếu, nhưng lượng phải tăng gấp đôi, hay thậm chí gấp 3 lần. Với hồ set up dạng ánh sáng mạnh, phải thường xuyên kiểm tra duy trì hàm lượng CO2 luôn ở mức 30ppm.

Trong cả 2 dạng hồ ánh sáng yếu và mạnh, lượng nitrate phải được duy trì ở mức 10-15ppm và phosphate là 0.5ppm. Xin nhắc lại 1 lần nữa vì điều này quyết định đến 95% việc xử lý vấn nạn rêu hại…đó là nên duy trì lượng CO2 ở mức cao (30ppm)…hình như ở điều kiện như vậy rêu hại sẽ bị khống chế. Dĩ nhiên các loài ăn rêu như Siamese Algae Eater (SAE), Otos, tép Amano, ốc Trompet Mã Lai…là những vị khách luôn được mong đợi. Cắt tỉa cây cũng là biện pháp tốt vì sẽ kích thích cây ra chồi mới mạnh khỏe, loại bỏ lá già không cho chúng chết và phân hủy trong nước gây ô nhiễm. Và xin nhớ cho rằng, biện pháp hạn chế giảm thiểu dinh dưỡng trong nước là việc đúng đắn để kiểm soát không chế rêu cho hồ cá. Nhưng sẽ hết sức bậy bạ khi áp dụng điều đó vào việc xử lý – khống chế rêu cho hồ thực vật thủy sinh. Đối với hồ có ánh sáng mạnh, phải thay nước mỗi tuần khoảng 25-30%.

Ghi chú: Có rất nhiều bài trên internet nói rằng giảm hàm lượng nitrate và phosphate sẽ giúp hạn chế rêu hại !!! Với hồ không trồng cây thủy sinh thì VÂNG ! Nhưng vớI hồ thực vật thủy sinh thì XIN CAN ! Cây thủy sinh cần nhiều dinh dưỡng hơn rêu hại để tồn tại và phát triển, vì vậy không nên giảm và phải tăng dinh dưỡng cho chúng



Dusko Bojic

Câu hỏi - Thắc mắc - Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *