Ý chính trong bài
1. Cho cá, tép… ăn thật ít
Có lẽ thú vui cho những người chơi thủy sinh nói chung và những người chơi thủy sinh có nuôi cá, tép.. trong bể nói riêng, đó là lúc cho cá ăn, bạn cảm thấy vui, thư giãn khi nhìn những con cá, tép đáng yêu ăn mồi. Tuy nhiên nếu như lượng thức ăn bạn cho đàn cá, tép… yêu kia nhiều hơn nhu cầu của chúng thì phần dư thừa kia chính là một nguyên nhân gây ra rêu hại, thức ăn dư thừa và chất thải của cá, tép… sẽ sản sinh ra dinh dưỡng và phosphate cao mà rêu hại thì lại cần nguồn này để sống và phát triển. Để có một môi trường trong lành thì những người chơi lâu năm khuyến cáo rằng: chỉ nên cho cá, tép của các bạn ăn mỗi ngày 1 lần với số lượng hạn chế tối đa, nhiều người chỉ cho ăn 2-3 ngày 1 lần mà thôi.
2. Kiểm soát ánh sáng
Không nên bật đèn theo sở thích: thức dậy mở, đi ngủ tắt… Mà nên dùng bộ hẹn giờ và thiết lập một chế độ thời gian mô phỏng mẹ thiên nhiên, thời gian chiếu sáng cho bể cây cắt cắm thông thường khoảng 10-14h/ngày và những bể ít nhu cầu hơn cũng khoảng 6-10h/ngày. Phải thay bóng mới ít nhất 1 năm 1 lần, ngay cả khi bạn còn thấy chúng rất sáng vì là ánh sáng dùng cho bể thủy sinh nên quang phổ trong bóng sẽ yếu dần theo thời gian.
3. Thường xuyên thay nước
Ngoài thiên nhiên, nước mưa giúp luân chuyển và pha loãng hàm lượng Nitrate trước khi chúng vượt quá mức cho phép. Trong môi trường khép kín là hồ thủy sinh thì viêc thay nước sẽ là cách giúp giảm lượng dinh dưỡng dư thừa do lá cây mục, thức ăn sót lại và chất thải của thuỷ vật nuôi. Lượng nước nên thay là 10% hàng tuần xong khoảng 30% cho 1 tháng lá đủ trong điều kiện bình thường. Ngoài ra trong khi thay nước nên kết hợp dùng dụng cụ hút cặn bẩn, lá mục lẫn trong sỏi.
4. Kiểm tra nguồn nước của bạn
Trước khi thay nước, điều đầu tiên là kiểm tra nguồn nước mà bạn dùng để thay, phải đảm bảo chúng không là nguyên nhân gây ra rêu hại vì rất có thể nước mới mà bạn định thay với mục đích là chiến đấu với rêu hại lại chứa đựng hàm lượng phosphate cao và những chất là nguyên nhân gây ra rêu hại, lúc đó việc thay nước thường xuyên của bạn trở thành vô ích. Nên dùng nước đã qua hệ thống lọc tốt.
5. Bảo dưỡng hệ thống lọc
Đảm bảo rằng hệ thống lọc của bạn là phương tiện triệt tiêu sạch mọi nguồn dinh dưỡng của rêu hại. Việc chọn đúng loại nguyên liệu lọc sẽ có khác biệt rất lớn vì chúng giúp loại bỏ phosphate, kim loại nặng và những tạp chất, giúp giữ lại carbon chất giúp cho nước của bạn trong hơn và phân hủy những chất hữu cơ. Sau cùng là nên thay nguyên liệu trong lọc hàng tháng để chúng làm nhiệm vụ hiệu quả hơn.
6. Chọn một loại dụng cụ tiện lợi
Để cạo rêu bám kính thì bạn cần 1 loại dụng cụ phù hợp, có thể là chuyên dùng, hay tự làm (DIY), miễn sao bạn có thể tẩy sạch những loại rêu bám trên thành kính.
7. Tăng lượng cây trồng
Cây nhiều sẽ là đối thủ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng, ánh sáng và làm giảm hẳn khả năng sinh tồn của rêu hại.
8. Dùng những loại cá tép ăn rêu hại
Nên có sẵn một số loại thủy vật ăn rêu hại, bỏ đói chúng, khi bạn cần tới thì hãy bỏ chúng vào hồ và đừng cho chúng ăn, kết hợp nhiều loại: ăn trên lá, dưới nền … Chúng sẽ là những công nhân vệ sinh rất hữu dụng và hiệu quả.
9. Nhận biết kẻ thù
Việc nhận biết đúng loại rêu hại trong hồ sẽ giúp bạn loại trừ hiệu quả hơn, bởi mỗi loại rêu hại cũng có những điểm riêng để diệt. VD rêu nâu bám thành kính nguyên nhân có thể là dư dinh dưỡng, ánh sáng yếu… ta sẽ thay nước, tăng sáng, trồng thêm cây… hay dùng những loại cá bám kính để lau. Hoặc rêu tóc thì hầu như ít loại cá đụng đến, ta phải dùng cách thay nước, giảm đèn …
10. Khi nào thì không cần diệt tiếp
Một lúc nào đó bạn hãy ngồi lại, ngắm nhìn hồ mình, ồh vần có ít rêu bám trên lũa, còn ít trong hốc đá, trên nền… hãy yên tâm và đừng lo lắng, bản thân rêu hại không xấu lắm, nó còn giúp tạo oxi, cân bằng dinh dưỡng. Nếu bạn thấy nó không phủ kín lá rong rêu, không bám nhiều làm mất đẹp lũa, đá hay nền sỏi… thì hãy bằng lòng với nó, chín hnó tại nên nêt tự nhiên cho hồ của bạn, Không ai có thể thật sự loại bỏ 100% rêu hại. Hãy tìm thấy nét đẹp tự nhiên khi có rêu hại trong hồ.
Một điều tối quan trọng
Khi vừa mới set-up hồ (nền mới, lọc mới) thì môi trường hồ chưa ổn định, hệ vi sinh có lợi chưa phát triển kịp nên khả năng bị rêu hại tấn công rất cao.