Ý chính trong bài
Bệnh xoăn mang (kênh mang)
Đối với cá rồng việc thiếu chăm sóc, nhiễm bẩn và ký sinh là những nguyên nhân chính gây bệnh cho cá. Việc không thay nước thường xuyên khiến cho lượng nitrat, amôniắc trong nước tăng cao, lượng 02 giảm nên dẫn tới việc thở của con cá khó khăn, nhất là việc lượng cả trong bể dày đặc. Một số loại vi khuẩn ký sinh trong mang khiến cho các cơ cấu mang bị viêm và đẩy vỏ mang phình lên. Quan trọng không kém là không gian trong bể phải đủ cho con cá (tối thiểu là khi con cá trưởng thành thì chiều dài của bể phải gấp 3 chiều dài con cá, chiều rộng = chiều dài cá, chiều cao = chiều dài cá) và máy lọc hoạt động tốt.
Triệu chứng:
Trong giai đoạn đầu thì cá thở gấp, mang mở đóng không êm ái. Về sau lớp viền mang cá mở rộng, phơi bày những những cơ cấu ở trong mang. Về sau thì lớp vỏ cứng của mang cũng kênh ra. Việc này làm cho con cá khó thở nên kém ăn và quan trọng là con cá trở nên xấu, mất giá trị.
Cách chữa trị:
Khi thấy cá thở bất thường thì nên thay đổi 20% nước bể mỗi ngày. Tăng cường sủi khí, nếu cần thiết có thể dùng bình oxy bơm vào bể và có gắng duy trì PH là 6,5, duy trì 2 lạng muối/100 lít nước. Một số trường hợp cá bị xoăn nhẹ dùng lá bàng khô ngâm nước rồi lấy nước đó đổ vào bể và lớp xoăn giảm rất nhiều.
Còn nếu cá bị xoăn lớp mỏng viền mang thì có thể dùng biện pháp cắt bỏ rồi chăm sóc với chế độ giàu oxy. Nếu mang cá kênh ra phần vỏ cứng thì chịu, không khắc phục được.
Bệnh xù vẩy
Bệnh này thường xảy ra ở những cá nhỏ và cá yếu. Bệnh này thường hay xuất hiện vào mùa thu và đông.
Triệu chứng:
Các hàng vẩy bị kênh lên (phần lớn ở lưng). Trường hợp nặng thì toàn bộ vẩy trên người bị kênh, hai mắt hơi lồi ra. Lúc đó cá bỏ ăn và hay oằn mình.
Nguyên nhân:
Bệnh chủ yếu là do nấm và sự thay đổi quá đột ngột của môi trường, nước quá bẩn và nghèo oxy.
Cách chữa trị:
Với trường hợp thì xự phát hiện bệnh và xử lý càng sớm càng tốt. Đầu tiên là cố gắng duy trì nhiệt độ nước trong bể khoảng 30-31 độ C, tăng cường lượng muối trong bể, bổ xung thuốc bột vàng của Nhật. Một ngày có thể thay nước 2 lần nhưng lượng nước thêm vào và bớt ra thật ít. Trong những ngày đầu trị bệnh không nên cho cá ăn và những ngày sau cho ăn hạn chế. Nếu cá bị nhẹ thì chỉ 2 ngày là hết những vẫn phải duy trì nhiệt độ và thay nước trong 1 tuần. Nếu để bị nặng quá thì khả năng chết cao.
Bệnh xụp mắt (xệ mắt)
Thực ra xụp mắt cũng không phải là bệnh mà là tình trạng đặc trưng của cá rồng. Theo một số thông tin ở nước ngoài thì khả năng xụp mắt do di truyền chiếm tới 60%. Cá trẻ đang trưởng thành khả năng bị xụp mắt rất cao vì còn một số nguyên nhân khác như cách cho ăn (thả nhiều mồi xuống bể một lúc nên tạo cho cá thói quen ăn chìm nên cá đói hay nhìn xuống đáy), ăn quá nhiều (tạo ra lớp mỡ dưới tròng mắt nhiều, đẩy trong ra ngoài), xung quanh bể ở tầng thấp có quá nhiều vật chuyển động (đặt lồng chim, chó, mèo…) nên tạo thói quen quan sát ở thấp…
Cách chữa trị:
Thả vật nổi trên mặt nước (có thể là bóng bàn nhiều mầu), lúc cá bé thì tạo thói quen ăn mồi nổi (như gián, châu chấu, thạch thùng, dế…) với số lượng hạn chế. Vớt mồi còn sót nếu cá không ăn. Nếu cá rồng có giá trị cao như kim hồng vĩ, hồng long thì chỉ nên nuôi một mình 1 bể và đáy bể dán kín. Còn nếu nuôi chung thì tránh nuôi một số loại cá ăn chìm như sam, vịt, lau bể… Nói chung các phương pháp này chỉ nhằm mục đích không cá bị xụp mắt sớm thôi còn nuôi lâu thì gần như con nào cũng bị xụp mắt. Quan trọng nhất là khi mua cá phải chọn cá mắt phải đẹp, vì khi xụp rồi dù ít hay nhiều đều không chữa được…
Bệnh trướng bụng
Bệnh này có lẽ là ít gặp mà có gặp chắc là chết, vì vậy nên phòng là chính.
Triệu chứng:
Cá bỏ ăn, bụng to hơn bình thường, bơi lội khó khăn, có trường hợp nặng thì chổng đầu hoặc đuôi lên trời (gọi chung là trồng cây chuối). Nặng hơn nữa thì ở hậu môn chảy ra nước nhờn.
Nguyên nhân:
Chủ yếu là do ăn uống. Vì vậy nên tránh cho cá ăn quá no vì không phải lúc nào thức ăn cũng đạt tiêu chuẩn gây ra không tiêu và viêm ruột. Nếu cho ăn tôm thì nên bóc cả đầu và râu trước khi cho vào bể vì đầu tôm có 1 cây kiếm có thể đâm thủng ruột cá. Nếu cho ăn dế, gián, châu chấu thì nên ngắt bỏ càng và chân tránh hiện tượng hóc. Nếu cho cá rồng ăn động vật thì phải còn sống, tránh cho ăn động vật chết. Nếu ăn thức ăn đông lạnh thì phải rã đá kỹ. Một số cá rồng bị viêm ruột mãn tính nên hậu môn đỏ và lòi ra (lòi trĩ).
Cách chữa trị:
Bệnh này rất khó chữa, khả năng chết cực cao. Vậy nếu thấy cá bỏ ăn, bụng hơi to, hay oằn mình thì nên thay 1/3 lượng nước, tăng cường bơm hơi, tăng lượng muối và duy trì nhiệt độ ở 30 độ C và có thể thêm một lượng metronidazol rồi theo dõi.
Bệnh đốm trắng
Vốn dĩ bệnh này rất chung cho mọi loại cá. Trên thân, nhất là trên vây, đuôi xuất hiện những đốm trắng và phát triển rất nhanh.
Triệu chứng:
Nước trong bề hơi đục và có mùi tanh nồng. Cá bơi lội hay giật mình, chà xát người vào thành bể, bỏ ăn… trường hợp nặng thì trên vây cá có những điểm trắng như những u nang, gây ra cụt vây. Nếu không chữa kịp thời để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì cá sẽ chết.
Cách chữa trị:
Những đốm trắng là một dạng nấm, bám trên thân cá và hút chất lỏng trên thân thể cá làm cho cá khó chịu. Loại nấm này phát triển rất nhanh ở 25oC. Vì vậy khi thấy cá bị bệnh nên tăng nhiệt độ (khoảng 32oC), trong trường hợp nhẹ thì cá tự khỏi. Nếu nặng thì ta phải thay nước liên tục với số lượng ít một, bổ xung muối ăn. Nên dùng một số thuốc ở hàng cá và phải chữa khỏi dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài.