Cá rồng châu Á (Scleropages Formosus) là một trong những loài cá cảnh hàng đầu bởi vì sự khan hiếm, danh tiếng, giá trị và vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Đây cũng là giống loại cá rồng có nguy cơ bị tuyệt chủng nơi hoang dã và được bảo vệ bởi CITES (Hội Nghị Công Ước Quốc Tế Về Giao Thương Các Giống Loại Động Thực Vật Hoang Dã Đang Có Nguy Cơ Bị Tuyệt Chủng) từ năm 1980. Chỉ có huyết long, kim long quá bối, kim long hồng vỹ, thanh long, và thanh long chỉ vàng (yellow tail arowana) bên Nam Á là được cho vào sổ đỏ để được bảo vệ, được giới thưởng ngoạn ưa chuộng, vì thế người chơi phải tốn một số tiền không nhỏ để sở hửu chúng . Một giống loại cá rồng có họ với cá rồng Châu Á là kim long Châu Úc (Scleropages jardini, và Scleropages leichardti), không được bảo vệ bởi CITES, vì số lượng của loại kim long Úc nơi hoang dã rất nhiều nên giá trị kinh tế cũng vì thế thấp nếu so với giá cả của cá rồng Châu Á . Ngân long và Hắc long có nguồn gốc từ Nam Mỹ cũng là bà con có họ xa với giống cá rồng Châu Á, cũng không được bảo vệ bởi CITES, và có giá trị kinh tế thấp nhất trên thị trường.
Lý do cá rồng Châu Á có tên trong sổ đỏ của các động thực vật cần phải được bảo vệ bởi CITES là vì trong thập niên 1970, số lượng các giống loại cá rồng Châu Á ngoài thiên nhiên hoang dã đã tuột dốc đến mức độ nguy hiểm và báo động vì chúng bị săn lùng, đánh bắt quá mức vì giá trị kinh tế của chúng. Được xem là có hình dạng và dáng bơi tương tự như con rồng trong truyền thuyết, người ta tin tưởng rằng cá rồng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, của cải và sức khoẻ. Vì vậy, chúng được nuôi với mong muốn đem lại tác dụng phong thuỷ tích cực. Người Trung Hoa tin cá rồng Châu Á có khả năng “trừ tà”, giải tỏa những chuyện không may cho gia chủ, vì thế khi sở hửu và chăm sóc chúng tốt, gia chủ đổi lại sẽ có được sự “bảo vệ” của giống loại cá rồng này. Ngoài ra, màu sắc của một số loài cá rồng châu Á như huyết long và kim long quá bối cũng đẹp nhất trong họ cá rồng nói chung.
cá rồng châu Á phân bố ở các nước trong vùng Đông Nam Á và có quan hệ họ hàng gần với cá rồng châu Úc hơn là cá rồng Nam Mỹ do cá rồng Châu Á được phân nhánh tách ra từ cá rồng Châu Úc với niên đại khoảng 140 triệu năm trước. Vây ngực và vây hậu môn của chúng lùi xa về phía sau tuy nhiên cá rồng châu Á chỉ có 5 hàng vảy mỗi bên thân so với 7 hàng vảy ở cá rồng châu Úc. Điều ngạc nhiên là dù rất nổi tiếng nhưng những nghiên cứu khoa học liên quan đến cá rồng châu Á lại khá ít ỏi, bằng chứng là trong một thời gian rất dài tất cả cá rồng châu Á đều được gộp chung dưới một tên khoa học là Scleropages formosus cho dù chúng có bề ngoài rất khác biệt. Sự đa dạng về chủng loại cá rồng trên thị trường cá cảnh là một minh chứng cho điều này. Nghiên cứu của Pouyaud và đồng sự (2003) đã phân lập các loài cá rồng ở Indonesia gồm Huyết Long (Scleropages legendrei), Thanh Long Borneo (Scleropages macrocephalus) và Kim Long Hồng Vĩ (Scleropages aureus) thành những loài riêng biệt. Kim Long Quá Bối và Thanh long Nami vẫn được xếp chung với thanh long dưới tên Scleropages formosus cho dù chúng cũng có thể là những loài riêng biệt.
Thậm chí, trong từng loài cũng có thể có những dòng khác nhau. Về màu sắc, bên cạnh màu chủ đạo nằm ngoài viền vảy, màu ở trung tâm vảy gọi là màu nền. Ở mỗi loài lại phân ra nền xanh dương “blue-based”, nền xanh lá “green-based”, nền vàng “gold-based”, nền tím “purple-based”… Màu nền lan rộng trên mặt vảy làm màu viền hẹp lại là loại vảy bản mỏng “thin frame”, bằng ngược lại màu nền co cụm ở tâm vảy là loại vảy bản dày “thick frame”. Về hình dáng, có dạng đuôi hình thoi “diamond shape” và dạng đuôi hình quạt “fan shape”, có dạng đầu hình muỗng “spoon head” và dạng đầu hình viên đạn “bullet head”, có dạng thân rộng và ngắn, có dạng thân dài và mảnh mai… Việc lai chéo (cross breed) các dòng cá rồng hoang dã ở một loài diễn ra khá phổ biến trong các trang trại cá cảnh ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Do đó, các nghiên cứu khoa học về cá rồng châu Á gặp rất nhiều khó khăn vì phải dựa vào các cá thể hoang dã vốn còn sót lại rất ít.