Tép kiểng

tép cảnh

Cùng với cơn sốt tép cảnh trên diễn đàn, người viết muốn cùng các bạn hiểu sâu hơn về những sinh vật xinh đẹp, chăm chỉ và năng động này đang ngày càng được ưa chuộng trong giới thủy sinh toàn thế giới.

tép cảnh
Tép cảnh

Sự xuất hiện chính thức của tép cảnh trong giới thủy sinh bắt đầu vào cuối thập kỷ 80, vẫn hạn chế con số người chơi trong phạm vi chơi, trao đổi riêng lẻ. Ít được để ý trong một thời gian dài, đến khi người ta biết đến khả năng diệt rêu của chúng. Điều này khiến cho nhu cầu tép cảnh tăng cao đột ngột, nhất là cho những bể bị rêu hoành hành, và khi cạnh đó tập quán thú vị của chúng được phát hiện, cơn sốt tép cảnh lây lan không thể ngăn chặn nổi nữa. Sự chăm chỉ, điều kiện nuôi dưỡng không mấy khó khăn, và không kém quan trọng trong vai trò bảo vệ chất lượng môi trường bể, làm chúng hiện diện gần như trong mỗi bể thủy sinh. Quả thực rất thú vị, cũng là những niềm vui khi ngắm nhìn những bầy tép cùng tìm thức ăn, cùng “gây gổ” và lại dàn hòa với nhau. Ai đã quan sát kỹ càng, có lẽ sẽ ngày càng yêu thích chúng hơn.

Tép là gì?

Tép thuộc bộ giáp xác, hay còn gọi là bộ giáp xác mười chân. Hiện diện trong nước ngọt, cũng như nước mặn. Tép được cấu tạo bởi hai phần, phần đầu (Cephalothorax) và phần thân sau (Abdomen). Trong phần đầu bao gồm tất cả những nội quan quan trọng, chỉ có ruột chạy xuyên qua phần thân sau đến trước đuôi như ở động vật có xương sống. Tép có năm đôi chân, hai đôi chân trước được sử dụng như dụng cụ đào bới, nhặt tìm, cắt thức ăn (càng, vợt lọc thức ăn đơn bào ở một số loại). Ba đôi chân còn lại làm thành chức năng di chuyển trên nền. Để di chuyển trong nước, tép sử dụng năm đôi vây chèo dưới phần thân sau. Hai đôi râu đặc biệt phát triển rất tốt, có công dụng như cần anten dò tìm, định vị cho tép.

Tép lớn lên trong cả dòng đời, nhưng bộ vỏ không cùng lớn lên theo, buộc chúng phải thay vỏ, lột xác đều đặn. Trong quá trình này, vỏ nứt ra ở đoạn nhất định giữa vùng tiếp giáp đầu và thân sau, tép giẫy mạnh và thoát ra khỏi lớp vỏ cũ. Tép trong quá trình này thường rút vào nơi yên tĩnh kín đáo trong bể do tấm giáp non còn mềm, dễ bị thương tổn. Chiếc vỏ cũ nên để lại như nguồn dinh dưỡng cao cho những động vật khác trong bể. Khi tép lột xác đều đặn, là dấu hiệu tốt cho thấy sức khỏe tốt và phát triển ổn định

Thú chơi tép kiểng giá ngàn đô

Trào lưu chơi tép kiểng tại TP Hồ Chí Minh đang “thịnh”. Đặc biệt là những loại tép ngoại với những cái tên rất  “oách” như: Reb cherry Shrimp, Caridina sp Tiger (tép cọp), Crytal Red Shrimp (tép ong đỏ), tép Sulawesi… 

tép ong đỏ
Tép đỏ

Đáng nói là giá của những loại tép này cũng không “dễ xài”, từ vài chục USD đến hơn 100 USD. Đặc biệt, loại tép ong đỏ chỉ bằng đầu tăm nhưng có giá đến 1.000 USD/con. Theo anh Lê Đức Huy (quận Phú Nhuận) người chơi tép lâu năm thì loại tép này xuất xứ từ Nhật Bản, có màu trắng, trên đỉnh đầu có chấm màu đỏ, giống biểu tượng của lá cờ Nhật nên tại nước này, loại tép ong đỏ rất quý hiếm và được ưa chuộng. Đây cũng là loại tép khó nuôi vì đòi hỏi môi trường nước tinh khiết, giống của nó đột biến nên khả năng thích ứng với môi trường kém, sinh sản khó nên giá thành rất cao.

Tại TP.HCM hiện nay giới chơi đang rất hứng thú với những loại tép mới du nhập như tép Sulawesi của Indonesia, tép cọp, tép ong đỏ…

Hình dáng và màu sắc của những loại tép này khá đa dạng, nhưng nổi bật và được ưa chuộng là màu đỏ, trắng tinh, đen sọc trắng, đen sọc đỏ… “Sự lôi cuốn của những con tép này đối với người chơi là nó làm đẹp cho hồ thủy sinh và đặc biệt hơn là vẻ đẹp về màu sắc của nó. Mỗi loại là một vẻ đẹp riêng” – anh Huy cho biết.


Anh Minh Hà (quận 3), một người mới tập tành chơi tép chia sẻ: “Nuôi tép cũng phải có chế độ dinh dưỡng với thức ăn riêng dành cho chúng, phải có đầy đủ vitamin thì chúng mới phát triển tốt được. Cái thú vị là nhìn nó bé tí nhưng màu sắc rực rỡ. Thấy con Reb Cherry Shrimp của tôi không, màu đỏ rất lộng lẫy, tôi mua nó của một người bạn, giá gần 100 USD đó”.

Nhìn mấy con Sulawesi của anh Hà đang tung tăng trong hồ cũng thấy thú vị thật, bé tí tẹo nhưng trông rất bắt mắt. “Cái thú vị chính là ở sự nhỏ bé của nó, thử tưởng tượng một cái hồ mà có nhiều tép với nhiều màu sắc thì thật là thích thú khi ngắm nhìn. Trông chúng như một thứ ánh sáng bé xíu đang phát ra trong làn nước”.

Chơi tép kiểng

tép cảnh

Sau khi nhàm chán với cá, chim, cây kiểng, người Sài Gòn đang rủ nhau chơi… tép kiểng. Trong những bể kính trong suốt, bên cạnh những gờ đá rong rêu cỏ cây là những chú tép “riu” nhỏ bằng cọng bún tung tăng bơi lượn. Màu sắc của tép kiểng cũng đa dạng không kém gì cá kiểng. 

Trong những ngày dưỡng bệnh nằm nhà, anh Tăng Vỹ Cường (ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) giải khuây bằng cách o bế mấy chú tép kiểng của mình. Mở hết đèn quanh bể kính, anh say sưa ngắm nhìn chúng chui ra chui vô những ngõ ngách trong hốc đá, len lỏi trong những đám rong, nép mình bên thân cây dương xỉ và… soi gương qua vách kính. Tới giờ ăn, anh dùng chiếc kẹp gắp từng viên thức ăn nhỏ xíu thả nhẹ vào bể.

tép cảnh
Tép cảnh – thú vui mới

Một tốp 3-4 chú tép bu lại rỉ rả rỉa mồi, cái đuôi ngúc ngoắc, cái đầu lắc lư ra chiều thích thú. Anh Cường sảng khoái: “Đi làm về coi bấy nhiêu đó là mệt mỏi tan biến”. Anh chỉ vào từng chú tép rồi giới thiệu: “Tôi mới thả mấy chú mũi đỏ thôi. Giống này nhập từ Thái Lan, nhưng giới bình dân cũng có thể săn lùng tại các chợ… cá. Loài tép mũi đỏ (Red nose) này có giá 20.000-40.000 đồng/con. Thông thường, người mới chơi tép hay chọn loại tép đỏ (Red cherry) có giá 50.000-80.000đ/con”.

Anh Nguyễn Quốc Long ở đường Nguyễn Gia Thiều (phường 6, quận 3) có bốn bể tép kiểng, trong đó riêng một bể có tới cả trăm chú tép đỏ. Ngoài tép đỏ anh còn có những loại tép mang tên khá ngộ nghĩnh khác như: Tiger, Yamato, Hennessy, Ong đỏ… Anh cho biết giới chơi tép đặt tên chúng theo màu sắc, hình dáng. Ví dụ tép Hennessy vì nó có màu giống rượu… Hennessy; tép mũi đỏ vì có cái mũi màu đỏ, còn toàn thân màu trắng trong; tép Ong có màu sắc trên thân phân thành nhiều khoang giống như con ong…

Giá các loại tép này (trừ tép Ong) cũng mềm, dễ chơi, dễ nuôi, đặc biệt là có thể sinh sản được. Anh chỉ tôi xem hàng trăm chú tép nhỏ li ti bằng cọng chân nhang đang tung tăng bơi lượn. Có chú tép con mới ra đời hai ngày, lớn hơn trứng cá một chút, phải nhướng mắt thật to mới nhìn thấy được. “Còn phải tuyển lại nữa – anh Long giải thích – trong hàng trăm tép con đó chỉ xài được chừng vài chú, tùy màu sắc của chúng khi lớn lên. Đặc biệt, để tránh tình trạng đồng huyết, người chơi phải tách tép ra nhiều bể khác nhau và thường xuyên cho chúng thay đổi bạn tình bằng các loại tép khác vùng miền”.

Chị Trần Thị Lệ Giang, giám đốc Công ty APT (giới thiệu sản phẩm và kỹ thuật nuôi trồng cây thủy sinh – quận 11, TP.HCM), cho biết hiện TP.HCM chỉ mới có chừng mười người chơi tép kiểng vì đây là thú chơi mới mẻ, vừa du nhập vào VN. Đa số người chơi bắt đầu bằng cách chọn loại tép vừa túi tiền, có giá từ vài mươi ngàn đến 100.000-200.000 đồng/con. Tuy nhiên, cũng có người trang bị bể nuôi của mình vài chú tép Ong có giá 40 USD/con trở lên.

Người chơi sành điệu nhất ở TP.HCM, theo đánh giá của giới tép kiểng, là anh Ân Phúc Thành, người Thái gốc Việt, ông xã của chị Lệ Giang. Anh chính là người “bày đầu” chuyện chơi tép kiểng với việc du nhập con giống, nguyên vật liệu, trang thiết bị cho bể thủy sinh. Tại gian hàng của anh có hẳn một bể tép Ong. Đẳng cấp của tép Ong này là có các khoang đỏ – trắng đậm nét và đồng đều nhau.

Anh cho biết nuôi tép Ong mà đạt được màu trắng sữa là “ăn tiền”. Giá trị của loại tép này tăng dần (từ 40 USD đến 100 USD/con), tùy màu trắng trên mình tép nhiều hay ít. Màu trắng mà “trong” một chút là mất giá. Tép Ong có nhiều màu được bắt từ thiên nhiên như: trắng – đỏ, trắng – đen, vàng – xanh… Đặc biệt, có loại tép Ong mang trên mình duy nhất một màu trắng sữa rất quí hiếm. Loại này năm ngoái được bán đấu giá ở Đức 2.000 euro/con.

Bể tép Ong của anh Thành có một… máy lạnh đặt ở dưới, có hệ thống nối lên bể để đảm bảo nhiệt độ nước lúc nào cũng ở mức 23-26 độ. Ở một góc đáy bể, anh bố trí 4-5 “cục đá” bằng nắm tay. Đó là xỉ tro núi lửa, dùng bổ sung nguồn canxi cho tép khi chúng lột vỏ. Ở nền đáy bể phải dùng phân đất của Nhật để giữ ổn định độ pH ở mức 6.5. Còn thức ăn, nuôi tép Ong phải dùng loại nhập từ Thái Lan có giá 8 USD/hộp (nhỏ bằng cái hộp quẹt), thỉnh thoảng phải bổ sung khoáng chất cho tép bằng thức ăn là… cải bó xôi luộc.

Chuyện… ở của tép Ong cũng khá công phu. Phải đặt những hốc đá lãng mạn cho chúng tình tự, và nước phải là… nước khoáng LaVie. “Loại này ăn dơ nhưng lại ở rất sạch” – anh Thành kết luận. Theo anh, muốn đầu tư một bể tép cỡ này phải mất 5-7 triệu đồng cho phần trang bị như: dàn lạnh (2 triệu), bộ lọc và các chất lọc nước (3 triệu) rồi phân, đá, cây, dung dịch giúp tép “lên màu”…

Mỗi tối đi làm về, anh Nguyễn Quốc Long dính chặt với bể tép. “Coi tép ăn sướng lắm, mỗi con ăn một kiểu. Tép Hennessy thì lăng xăng như con nít, tép Red cherry thì từ tốn nhấm nháp, còn tép Ong thì tha mồi ra chỗ vắng nhâm nhi rỉ rả…”.

Đối với chị Phương Mỹ (quận Phú Nhuận), một thành viên tích cực của phong trào chơi tép đang phát triển tại TP.HCM: “Trước khi mê tép, bà con mình mê… bể thủy sinh. Đó là một thế giới thu nhỏ, lung linh, sống động, nơi họ tha hồ sáng tạo, đưa tâm hồn vào đó. Mỗi cái bể là biểu hiện một tính cách chủ nhân, cẩn thận, tỉ mỉ hay qua quít; khoáng đạt hay thiển cẩn; là biểu hiện của tài năng, trình độ và khả năng… tài chính.

Cái thế giới ấy có núi đồi, cổ thụ già, đồng ruộng, những dòng suối mộng mơ… giúp người ta bớt “xìtrét” vì những giờ hít bụi bặm ngoài đường, những phút giây căng thẳng mưu sinh…”. Ban đầu mới chơi, người ta bắt chước nhau nuôi những loài cá được khoe trên diễn đàn, phổ biến ở các tiệm cá, thêm một ít tép, một ít loài thủy sinh chuyên xử lý thức ăn thừa… Sau khi “rành rẽ”, chơi lâu, người ta sưu tầm hàng “độc” là các loài cá, tép hiếm, đẹp (và dĩ nhiên là mắc tiền hơn).

Chín tháng trước đây, tép đỏ rất hiếm ở VN. Bây giờ nó đã phổ biến trong các bể thủy sinh ở Sài Gòn. Rồi xuất hiện tép CRS (pha lê đỏ – Crystal red shrimp), giống mới lai tạo được ở Nhật có vẻ đẹp mê ly, cực mắc, mà lại khó nuôi dưỡng và sinh sản. Điều gì làm người ta mê nuôi tép kiểng? Chị Mỹ cho biết: “Vẻ đẹp của chúng, sự thách thức chinh phục của chúng, và hạnh phúc của chúng ở thế giới bể thủy sinh”!

10 sa mạc kỳ thú nhất thế giới

Cùng tìm hiểu những đặc điểm lý thú của các sa mạc kỳ vĩ nhất thế giới: Sa mạc trắng như kem sữa, sa mạc đen, sa mạc đỏ rực như lửa, sa mạc có nhiều muối nhất…

sa mạc
Sa mạc

1. Sa mạc Taklamakan (Tân Cương, Trung Quốc)

Sa mạc có tuyết bao phủ Taklamakan là một trong những sa mạc cát lớn nhất thế giới, xếp thứ 15 về diện tích, trên 337.600 km2, dài 1.000 km, rộng 400 km. Năm 2008, một trận mưa tuyết nặng kéo dài 11 ngày đã biến nó thành sa mạc trắng.

2. Sa mạc Lencois Maranhenses (Brazil)

Sa mạc Lencois Maranhenses (Brazil) có nhiều hồ nước mặn. Mặc dù chiếm 14% lượng nước ngọt thế giới và cũng là nước có rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, Brazil vẫn là một trong những nước có sa mạc kỳ vĩ nhất. Hàng năm từ tháng 7 đến tháng 9, những cơn mưa lớn tạo nên hàng nghìn chiếc hồ ở sa mạc. Những cồn cát trắng hòa với nước hồ xanh trong khiến du khách phải tự hỏi không biết mình đang ở trên sa mạc hay trên biển…

3. Sa mạc Uyuni Desert (Bolivia)

Sa mạc có hồ nước mặn lớn nhất thế giới. Sa mạc nằm ở vùng cao nguyên phía nam Bolivia, có diện tích 12.000 km2 với chiều dài 250 km và chiều rộng 150 km. Uyuni có 65 tỉ tấn muối cùng rất nhiều cánh đồng muối trải rộng hơn 10m. Bề mặt hồ phản chiếu ánh mặt trời như tấm gương khổng lồ, nước hồ lấp lánh vì có nhiều khoáng chất nằm dưới đáy. Tuy nhiên, sa mạc này khó tiếp cận vì nó nằm ở độ cao 3.700m và không có cư dân sinh sống trên diện tích 10.000 km2.

4. Sa mạc Farafara (Ai Cập)

Đối lập với sa mạc cát vàng ở hầu hết các nơi khác, sa mạc Farafara này có màu trắng kem.

5. Sa mạc Atacama (Chile)

Atacama nằm trên cao nguyên không có mưa ở Nam Mỹ, theo sách Kỷ lục Guinness thì đây là sa mạc khô hạn nhất thế giới. Kỷ lục 400 năm hạn hán được ghi nhận tại sa mạc này, kéo dài suốt từ cuối thế kỷ 16 tới năm 1971.

6. Sa mạc Namib (Namibia)

Nằm ở phía tây Nam Phi, sa mạc này được cho là sa mạc cổ xưa nhất thế giới. Tại đây người ta tìm thấy nhiều hóa thạch của động thực vật, cùng những cồn cát cao tới 300m, cao nhất thế giới.

7. Sa mạc Simpson (Australia)

Nổi tiếng với màu đỏ rực rỡ do oxyt sắt có trong cát biến thành bột hòa lẫn với cát. Dưới ánh mặt trời, sa mạc trông như một đám lửa bất tận.

8. Sa mạc Đen (Ai Cập)

Nằm ở khu vực tạo thành từ núi lửa phun trào, cách sa mạc trắng Farafara chỉ 100km về phía đông bắc, sa mạc Đen có nhiều đá đen nhỏ.

9. Sa mạc Nam cực

Đây là sa mạc khô nhất nhưng có độ ẩm cao nhất thế giới. Lượng mưa trung bình ở sa mạc Nam cực dưới 5mm, nhưng đồng thời có độ ẩm tới 98%, bao phủ bởi tuyết và băng đá. Do vậy mà thời tiết ở đây khô, ẩm và lạnh, khiến con người không thể sinh sống được.

10. Sa mạc Sahara

Lớn nhất thế giới, rộng hơn 9 triệu km2, bao phủ hầu hết bắc Phi, trải dài từ biển Hồng Hải, bao gồm cả bờ biển Địa Trung Hải tới Đại Tây Dương.

Song Minh (Theo Xinhua)

Loài hoa lạ hồi sinh sau hơn 20 năm

Một nhà khoa học tại Vườn thực vật Missouri (Mỹ) đã tái phát hiện và nhận dạng một loài cây ký sinh hiếm hoi mà giới khoa học không hề nhìn thấy trong hơn 20 năm qua. 

Hoa lạ
Hoa lạ

Mẫu vật duy nhất của loài cây này được tìm thấy tại Mexico năm 1985, nhưng kể từ đó không ai thấy chúng, cho đến gần đây, George Yatskievych và một cộng sự đã tìm thấy nó trong một cánh rừng sồi thông ở vùng núi Mexico.

Loài cây kỳ lạ này, lần đầu tiên sẽ được đặt tên, không phải là một loài hoa đẹp. Cuống cây to, thô, màu nâu vàng và có một chùm hoa dày đặc hình nón quả thông ở bên trên.

Tuy nhiên, với người phát hiện ra nó, loài cây này “kỳ lạ và tuyệt đẹp”.

Loài cây này từng được phát hiện ra năm 1985, tuy nhiên, các nhà thực vật không công nhận nó vì khi bị ép khô, nó trở nên mất màu và hư hỏng cấu trúc, giống như các loài thực vật ký sinh khác.Tags:

Con mèo nhiều ngón chân nhất thế giới

Chính xác là 26 ngón: 7 ngón mỗi chân trước, 6 ngón mỗi chân sau. Cũng nhờ đó mà mèo Extra có lợi thế leo trèo hơn hẳn đám bạn cùng loài.

mèo nhiều chân

Gia đình nhà Gerrard ở Auckland, New Zealand nhận ra những dấu hiệu bất thường đầu tiên khi cô mèo 3 tháng tuổi bỗng trở nên thích cào xé hơn hẳn những con mèo thường. Khi kiểm tra chân, họ mới hiểu ra lý do hết sức đơn giản: mèo Extra thừa những 6 ngón.

“Có lẽ đây là đặc tính di truyền, bởi bà ngoại và anh trai của Extra cũng có 6 ngón. Tuy nhiên chưa từng nghe thấy trường hợp nào có 7 ngón chân như cô mèo cái này” – bác sĩ Shelley Ryan ở bệnh viện thú y Glendowie địa phương cho biết.

Thông thường chỉ những động vật lớn thuộc họ nhà mèo như hổ, báo… mới hay mắc bệnh thừa ngón (polydactyly), còn trường hợp như của “tiểu hổ” Extra là rất hiếm.

Bệnh polydactyly có khá nhiều biến tướng, từ việc số ngón trên mỗi chân không đều nhau cho đến hiện tượng nhiều ngón chân một cách bất thường đồng thời không có ngón cái. Thực tế cho thấy, lũ mèo thừa chân có tài xoay vần các đồ vật nhỏ cực kỳ thành thạo và khéo léo.

Hải Minh

Lần đầu tiên phát hiện loài báo mây quí hiếm tại Indonesia

Theo một bản báo cáo của Tổ chức bảo vệ các loài động vật hoang dã (WWF), trong vòng 1 năm qua, các nhà khoa học đã tìm ra 52 loài động vật và thực vật mới tại đảo Borneo và Sumatra của Indonesia, đặc biệt trong đó có một loài báo hoàn toàn mới thuộc họ mèo.

báo mây
Báo mây

Loài báo mây Borneo có những dấu mây nhỏ, rất nhiều đốm dễ nhận thấy, lông màu xám hơn và có hai sọc ở lưng. Nhìn tổng thể nó sẫm màu hơn loài báo ở đất liền.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư quốc gia Mỹ tin rằng loài báo ở Borneo gần như đã tách ra khỏi loài báo ở đất liền từ hàng triệu năm trước. Khu ở tập trung của loài báo mây hiện nay được cho là tại vùng rừng rộng trên đảo Borneo với diện tích lên tới 220,000 km2.

Báo mây là loài động vật ăn thịt lớn nhất ở Borneo, có những con to như loài báo đen nhỏ và nổi tiếng với những chiếc răng nanh dài nhất so với kích cỡ cơ thể của bất kỳ loài nào thuộc họ mèo. Người ta ước tính có khoảng 5,000 đến 11,000 con báo mây sống tại Borneo, và khoảng từ 3,000 đến 7,000 con tại đảo Sumatra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để có những dữ liệu chính xác về số lượng loài này.

Việc phá huỷ môi trường sống của loài báo mây đang là vấn đề đau đầu với các nhà chức trách. Tháng trước, tại Bali (Indonesia), bộ trưởng của ba nước thuộc vùng Borneo là Brunei, Indonesia và Malaysia đã ký một hiệp định lịch sử nhằm bảo vệ và quản lý bền vững Borneo. Hiệp định này đã đưa vùng trở thành một trong những ưu tiên bảo tồn hàng đầu của toàn cầu.

Quả bí xanh khổng lồ

Một người làm vườn ở Anh đã thu hoạch được quả bí xanh khổng lồ nặng tới 50,8kg.

Quả bí xanh khổng lồ

Quả bí xanh khổng lồ

 Ông Phillip Vowles, 61 tuổi, ở Llanharry, miền nam xứ Wales, nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ được ghi tên mình vào sách kỷ lục Guinness với quả bí “quái vật” này.

Nhưng ông Vowles thất vọng khi phát hiện ra rằng quả bí của ông chỉ kém quả bí xanh đang giữ kỷ lục hiện này chỉ 450 gram.

Ông Phillip chỉ mới trồng quả bí cách đây 6 tuần. “Tôi hoàn toàn thất vọng, nhưng dù sao thì đó cũng là quả bí lớn nhất mà tôi từng nhìn thấy. Tôi đã cất giữ hạt bí giống trong suốt 25 năm qua”.

Kỷ lục quả bí xanh hiện thời thuộc về một quả bí do người nông dân Ken Dade, ở Norfolk, Anh trồng được hồi năm 2008.

Ông Phillip cho hay ông đang trồng các loại rau khổng lồ để chuẩn bị cho hội chợ rau củ khổng lồ Llanharry vào tháng tới.

Hồi năm ngoái, một quả bí ngô nặng 286kg, một củ cải nặng 33kg và một chiếc bắp cải nặng 36kg đã nằm trong số các loại rau củ giành chiến thắng tại hội chợ.

Hội chợ rau củ khổng lồ Llanharry sẽ khai mạc vào 11/9 tới.

Ninh Nhi

Tìm thấy sinh vật giống tôm dưới lớp băng Nam Cực

Tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên thông báo phát hiện một sinh vật biển, có hình dáng giống loài tôm, dưới lớp băng khổng lồ ở Nam Cực.

Sinh vật lạ
Sinh vật lạ

 Các nhà khoa học cho biết sau khi khoan một lỗ rộng khoảng 20cm và thả máy quay phim đặc biệt xuống dưới sâu lớp băng dầy ở Nam Cực, họ đã phát hiện một loài động vật giáp xác rất giống loài tôm đang bơi lội tung tăng dưới nước. 

Ngoài ra, họ còn quan sát được một động vật xúc tu có thể là một con sứa dài khoảng 30cm. 

Với phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng phía dưới lớp băng lạnh lẽo và không có ánh sáng ở Nam Cực có thể còn rất nhiều loài sinh vật tồn tại. Điều đó còn cho thấy một cuộc sống rất phức tạp dưới lớp băng Nam Cực.

Đoạn băng quay phim này có thể giúp các nhà khoa học xem xét lại những giả thuyết trước đây về cuộc sống trong môi trường khắc nghiệt. 

Theo nhóm nhà khoa học này, nếu những sinh vật biển như loài tôm có thể sinh sống ở độ sâu dưới 180m dưới lớp băng ở Nam Cực, thì những môi trường khác như Mặt Trăng Europa của Sao Mộc hẳn phải có sự sống.

Nhà nghiên cứu về vi trùng học Cynan Ellis-Evans thuộc Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh cho rằng phát hiện này gây ra sự tò mò thú vị. 

Ông cho biết từng có những phát hiện tương tự, nhưng chưa lần nào trực tiếp như lần này. Có thể loài sinh vật này chỉ sống tạm thời, sau đó chúng lại bơi đi những vùng khác. 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Stancy Kim, thuộc Phòng thí nhiệm Moss Landing Marine ở California, một đồng tác giả của nghiên cứu, không đồng tình với lập luận này vì bà cho biết khu vực nghiên cứu nằm cách biển ít nhất 20km.

Phát hiện động vật bất tử duy nhất trên trái đất

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện vòng đời kỳ lạ của một loài sứa có tên khoa học là turritopsis nutricula. Loài sứa lớp thủy tức này có thể quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển.

turritopsis nutricula
Loài sứa turritopsis nutricula

 Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, vòng đời của chúng lặp lại liên tục khiến loài sứa turritopsis nutricula được xác định là động vật bất tử duy nhất trên trái đất hiện nay.

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng bí quyết quay ngược bánh xe thời gian của loài sứa trên là quá trình “chuyển dịch tế bào”, theo đó một dạng tế bào này có thể chuyển đổi thành dạng tế bào khác.

Một số động vật cũng có khả năng này nhưng rất hạn chế, như loài kỳ nhông có thể mọc lại tứ chi. Loài sứa turritopsis nutricula có khả năng liên tục tái tạo lại toàn bộ cơ thể.

Khả năng này hiện vẫn là bí mật của tự nhiên và đang được các nhà khoa học tập trung giải mã.

Theo những nhà khoa học trên, vì bất tử nên loài sứa lớp thủy tức có nguồn gốc ở biển Caribê này đã lặng lẽ xâm lấn khắp thế giới. Chúng có mặt ở tất cả các đại dương trên toàn cầu.

Tìm thấy hai chú cá sấu trắng cực kỳ hiếm

Hai chú cá sấu trắng quý hiếm đã được một ngư dân tìm thấy ở đầm lầy khu bảo tồn thiên nhiên Mandalay gần Houma ở Louisiana, Mỹ.

cá sấu trắng
Cá sấu trắng

 Chỉ dài bằng một bàn chân và nặng chừng 6,35 kg, hai con cá sấu trắng được tìm thấy ở vùng đầm lầy Louisiana và hiện được chuyển đến nhà mới ở sở thú Audubon, New Orleans, Mỹ.

Về bản chất, những sinh vật này không phải bị chứng bạch tạng, mà mắc phải chứng Leucism, sự suy giảm tất cả các sắc tố da. Những con cá sấu bạch tạng là sinh vật được xếp thứ hai trong số những sinh vật hiếm nhất trên thế giới.

Hai chú cá sấu trắng đã được tìm thấy ở khu bảo tồn thiên nhiênMandalay. Tại nơi đây, vào năm 1987, giới khoa học đã tìm thấy 18 con cá sấu trắng.

Chúng được đặt tên là Canal-igator và Chomp-itoulas

Sarah Brunette, Giám đốc truyền thông của sở thú Audubon, cho hay:”Hai chú cá sấu đã được đặt tên là Canal-igator và Chomp-itoulas theo tên của các con đường nổi tiếng Canal và Tchoupitoulas ở New Orleans”.

Cũng ở khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Mandalay này vào năm 1987, 18 con cá sấu trắng cũng đã được tìm thấy. Được mệnh danh là ngôi nhà dành cho những chú cá sấu trắng, sở thú Audubon từng chăm sóc 18 chú cá sấu trắng kể từ năm những năm 1980, đến bây giờ số lượng của đàn còn lại là 10 con.

“Những chú cá sấu trắng nổi tiếng trên khắp thế giới và là biểu tượng của vườn thú chúng tôi”, Sarah tự hào nói. “Những chú cá sấu con sẽ được theo dõi trong vòng hai tháng và sẽ ở trong khu vực chăm sóc riêng trong vài năm cho đến khi chúng đủ tuổi để gia nhập cùng những đàn anh chị lớn tuổi hơn”.

Cá sấu trắng thường có tuổi thọ rất ngắn trong thiên nhiên, màu da của chúng khiến cho những loài chim hoặc những loài cá lớn dễ dàng nhận ra và săn đuổi.

Dưới biển sâu 200 m, vẫn có hàng chục ngàn loài sinh sống

Đó là thông tin mới nhất được công bố ngày 22-11, dựa trên kết quả “điều tra dân số” sinh vật biển trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, có 17.650 loài được tìm thấy sống dưới biển sâu 200 m – nơi ánh sáng mặt trời không thể xuyên đến.

sinh vật dưới đáy biển
sinh vật dưới đáy biển

Theo Robert S. Carney, nhà hải dương học tại ĐH bang Louisiana (Mỹ), nhóm nghiên cứu của ông đã tìm thấy khoảng 5.600 loài mới dưới đáy biển và hi vọng sẽ tìm thấy hàng ngàn loài nữa khi cuộc “điều tra dân số” kết thúc (tháng 10-2010).

Trong số các sinh vật biển mới được phát hiện, có hơn 40 loài san hô; gần 500 loài từ đơn bào cho tới loài mực lớn… Riêng ở giữa Đại Tây Dương, nhóm nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 1.000 loài, trong đó có 40 loài mới.

“Thật ngạc nhiên khi ở giữa đại dương này lại có một cộng đồng phong phú như thế sinh sống”, nhà hải dương học Odd Aksel Bergstad thuộc ĐH Bergen (Na Uy) nói. “Rõ ràng tầm hiểu biết của chúng ta về đa dạng sinh học dưới biển còn rất hạn chế”.

Nhóm nghiên cứu cho biết có thể có đến 1 triệu, thậm chí nhiều hơn, loài sống dưới biển chưa được con người biết tới – một con số không hề nhỏ so với 1,5 triệu loài động vật và thực vật mà các nhà sinh vật học liệt kê được trên mặt đất.

Được biết hơn 2.000 nhà khoa học đến từ 80 quốc gia đang tham gia thống kê các loài sinh vật biển.