Khởi tạo hồ thủy sinh, chọn cây cho bố cục

Ý chính trong bài

Thông thường, với những người mới có thời gian ngắn tiếp cận hồ thuỷ sinh, chúng không chỉ cuốn hút ta bởi vẻ đẹp lung linh của chúng mà còn mang lại cho người chơi một cảm giác yên bình khó tả.
Cảm giác đó thôi thúc ta thực hiện một tác phẩm thuỷ sinh cho riêng mình, và niềm đam mê bắt đầu từ đấy. Khi lên kế hoạch thực hiện một bể thuỷ sinh, việc đầu tiên, hãy liệt ra trên giấy những gì cần làm. Việc làm này giúp ta hình dung và thực hiện mọi việc một cách suông sẻ ngay từ đầu. Với kinh nghiệm ít ỏi của mình, khi chọn cây cho một hồ thuỷ sinh, tôi thường chú ý đến những yếu tố được kể ra dưới đây, trong đó, những loại cây được sử dụng thông thường là những loại mà bản thân đã biết được phần nào đặc tính sinh trưởng của chúng.

chọn cây cho bố cục

1. Phân bổ mảng khối

Có rất nhiều chủng loại cây thuỷ sinh để chúng ta có thể sử dụng trong việc tạo một thuỷ sinh cảnh. Cây thuỷ sinh thân đốt (stem plants) là những cây thường được sử dụng nhất bởi đặc tính dễ thích nghi của chúng trong môi trường hồ thuỷ sinh. Đa số các loại thân đốt này có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, hình thái đa dạng và khi được nuôi dưỡng tốt, chúng tạo cho bể thuỷ sinh một sức sống tươi trẻ, mạnh mẽ và sung túc. Chúng thường phát triển khá tốt chiều cao và phân nhánh thành bụi rất đẹp. Chỉ cần một vài nhánh, ta có thể nhân chúng thành bụi lớn nhanh chóng bằng phương pháp cắt cắm, vì vậy, chúng còn có tên gọi là “cây cắt cắm”. Chỗ của chúng thường là phía sau và/hoặc hai bên thành bể như để tạo một bức phông tự nhiên. Khi trồng, ta nên trồng chúng cách vách kính 3-5cm để chúng có thể xoè tán lá tự nhiên, không bị ép vào thành bể. Khoảng không gian giữa hồ, ta có thể chọn những cây thân đốt thấp hơn và đòi hỏi ít ánh sáng hơn. Chúng có thể phát triển tốt dưới ánh sáng khuếch tán xuyên qua tầng lá của cây hậu cảnh. Chúng còn phần nào che khuất phần dưới của cây hậu cảnh, thông thường trông rất xác xơ. Sau này, khi tạo một bố cục bền vững hơn cho bể thuỷ sinh, ta dùng đá, gỗ lũa và tô điểm cho chúng bằng những loài rêu (moss) và dương xỉ (bolbitis & microsorium). Vẻ đẹp tự nhiên của chúng sẽ mang lại cho ta cảm giác gần gũi hơn với thế giới tự nhiên. Chính bố cục giữa hồ này tạo phong cách cho bể thủy sinh chúng ta, dù gì, nó cũng là tâm điểm khi nhìn ngắm. Điểm nhấn của bố cục hồ nói chung luôn nằm trong khu vực này.

Phía trước tiền cảnh hồ, ta thường chọn những loại cây thấp mọc lan sát nền, có khả năng che phủ lớp đất nền. Đôi khi, để trống thoáng cả một khoảng không gian tiền cảnh cũng là một cách. Khi đó, ta dùng riêng loại nền trơ (gravel), cát sông… để tạo một khoảng không gian tự nhiên (open foreground aquascape) và hạn chế rêu hại.

2. Màu sắc

Khi phát triển trong môi trường nước, mỗi loại cây thuỷ sinh cho ta những sắc màu khác nhau. Chọn cây hậu cảnh với màu sắc dịu nhẹ, ít tương phản, thường là màu xanh non tự nhiên của thực vật, sẽ giúp mắt nhìn nhẹ nhàng thư thái, cái đẹp dịu dàng lan toả trong khắp không gian hồ. Một hậu cảnh tốt không có nghĩa phải là một mảng màu đồng nhất, sự pha trộn, tạo lập những mảng màu tương phản giúp cho từng cành lá vươn lên khoe sắc đẹp hơn. Trong nền màu xanh tự nhiên, điểm những nhánh, những bụi cây với màu đỏ hồng đâu đó, với vài nhánh đơn lẻ nổi bật tạo cho mắt nhìn cảm giác rất dễ chịu. Khoảng giữa (midground) sau khi đượa trồng những loại cây có tốc độ phát triển châm hơn, tạo những mảng khối, đường nét khác nhau qua hình dạng lá, màu sắc, cho dù có hay không dùng đá hay gỗ lũa để tạo điểm nhấn. Với phần tiền cảnh, cá nhân tôi thường sử dụng một đến hai màu là đẹp nhất. Sự xen kẻ của vài cây họ thân rễ như cỏ đỏ, cỏ nhật hay tiêu thảo giữa bãi ngưu mao chiên hay trân châu bò cũng tạo cảm giác rất thú vị.

3. Hình dáng và kích thước

Nói chung, những cây có lá nhỏ và hẹp (small & narrow leaves) thường dễ dàng hơn trong việc tạo bố cục. Những cây có lá lớn thường dùng kết hợp với những loại lá kim, những cây có lá mượt (smoothed leaf) kết hợp tốt với những cây lá nhăn (crinkled leaf), những đường nét tương phản trên từng chiếc lá như muốn phơi bày sức sống tràn trề của cả tổng thể.Tất nhiên, những cây mọc cao được dồn về phía sau, tuy nhiên, với những khoảng cách chênh lệch nhất định giữa chiều cao của các cây hậu cảnh, và cả những khoảng trống tạo thoáng, sẽ đem lại cảm giác dễ nhịu hơn là một bức màn cây đơn điệu. Bố cục giữa hồ, để dễ hình dung, một bụi Anubias lá to hơn nằm xen giữa những thảm rêu moss mát dịu, sự xen kẽ về kích thước và hình dáng lá của từng loại cây nhằm mục đích nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của thế giới thuỷ sinh. Cũng nên chú ý rằng, kích thước, hình dáng và màu sắc của những loại cây cũng phải tương thích với những chú cá yêu được nuôi trong bể, tạo nét đẹp hài hoà cho bố cục. Đó là vẻ đẹp của cây, cái duyên của cá. Mỗi loại cá cũng có những sở thích và thói quen khác nhau nữa.

4. Điều kiện ánh sáng và nước

Có rất nhiều loại cây và mỗi loài trong chúng sẽ phát triển tốt nhất trong từng điều kiện ánh sáng khác nhau. Thông thường, ánh sáng tiêu chuẩn khoảng 1w/lít nước trở lên, các loại bóng đèn khá nhau cũng sẽ cho kết quả khác nhau. Chi tiết hơn, cõ lẽ chúng ta nên tham khảo nhiều hơn nữa về hệ thống chiếu sáng cho hồ thuỷ sinh ở những bài sau. Ở đây chỉ nói ngắn gọn hơn, trong điều kiện ánh sáng tiêu chuẩn, bố cục chung của hồ, việc chọn lựa vị trí cho mỗi loại cây cũng phải được cân nhắc cho phù hợp. Có các loại cây ưa sáng, càng nhiều ánh sáng, kể cả khi chúng mọc vươn lên đến sát đèn, chúng càng khoẻ đẹp và cho màu sắc tươi tắn. Nhưng với những loại cây cần ít ánh sáng và phát triển khá chậm như Anubias, dương xỉ…, rêu hại (algae) sẽ bám trên lá và phát triển, mau chóng phá hỏng vẻ đẹp của hồ thuỷ sinh chúng ta. Với những loại cây này, chúng ta nên đặt chúng ở những vị trí thấp, bị che khuất bởi cây hậu cảnh hoặc các loài ưa sáng, hay trong những góc khuất nơi thiấu sáng hơn. Ánh sáng khuếch tán sẽ nuôi dưỡng chúng như ngoài môi trường tự nhiên vậy.

Về nước, có những loại cây ưa nước mềm và số khác lại thích nước cứng. Tuỳ vào điều kiện nước của chúng ta có, nên chọn những loại cây thích hợp khi trồng. Nhiết độ cũng khá quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của từng loại cây. Khi lựa chọn cây cũng nên tìm hiểu để môi trường chung của hồ tương thích với chúng.

5. Chăm sóc

Rất quan trọng! Thử hỏi mỗi tuần bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho những cây thuỷ sinh bạn đang trồng? Nếu có nhiều thời gian thì không sao, còn nếu điều kiện thời gian của bạn bị hạn chế, bạn nên ưu tiên những loại cây phát triển chậm và ít đòi hỏi đến công chăm sóc, bớt đi những cây thân đốt (phát triển nhanh). Để giảm thời gian chăm sóc cây, việc lựa chọn những loại cây mà bạn đã nắm rõ đặc tính sinh trưởng của chúng ảnh hưởng rất nhiều đến bố cục của bạn. Với một hồ thông thường trồng nhiều cây cắt cắm, mỗi tuần, chúng ta sẽ phải mất nhiều giờ để cắt tỉa và sắp đặt, điều chỉnh bố cục. Khi cây đang trên đà phát triển sung mãn, mỗi tuần ít nhất bạn phải cắt tỉa chúng một lần. Nếu không đủ thời gian, hãy chọn cho mình những cây phát triển chậm hơn khi tạo bố cục.

6. Tận hưởng thành quả

Không gì hơn ngoài mục đích được ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp của hồ thuỷ sinh mang lại cho chúng ta. Có rất nhiều những lọai cây, mỗi trong số chúng có nét đẹp riêng. Có loại cây tôi rất thích nhưng có thể bạn thì không.

Vì vậy, tự mình hãy chọn cho mình những loại cây mà bạn yêu thích, cân nhắc về hình thái, kích thước, màu sắc khi tạo bố cục. Số lượng cây thuỷ sinh có lẽ đủ cho bạn chọn lựa những thay thế về mức độ tương đồng khi bạn đã ý tưởng về bố cục. Việc còn lại là chọn và tìm cách để sở hữu được chúng mà thôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *